Ngay sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng bài viết “Nghiêm trị những hành vi vi phạm đạo lý và pháp lý” trong chuyên mục “Làm thất bại Chiến lược “Diễn biến hòa bình”, vấn đề báo nêu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Suốt những ngày qua, tòa soạn đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn, thư điện tử của nhiều tầng lớp nhân dân gửi về bày tỏ thái độ trước mưu đồ xấu xa của những phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội bịa chuyện, vu khống, gán ghép hình ảnh hạ thấp uy tín và xúc phạm danh dự một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Hành động đê hèn đó của các thế lực thù địch dù xảo quyệt, tinh vi tới đâu cũng không thể và không đủ sức làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội.
Một mưu đồ hèn hạ
Trong thư gửi về cho BáoQuân đội nhân dân, ông Nguyễn Trọng Độ, 90 tuổi ở thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho rằng: Một số kẻ lợi dụng mạng xã hội tung tin, bịa đặt, bôi xấu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội là một mưu đồ hết sức hèn hạ. Đặc biệt, không phải ngẫu nhiên mà thời điểm chúng tung tin xuyên tạc được tính toán, lựa chọn một cách kỹ lưỡng nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong đó, gần đây sự việc chúng tiếp tục xuyên tạc, đưa ra thông tin bịa đặt liên quan tới Đại tướng Phùng Quang Thanh đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đã khiến dư luận thêm bức xúc, bất bình, kiên quyết lên án hành vi độc địa, táng tận lương tâm đó.
Tuy nhiên, dù thủ đoạn của chúng có tinh vi, xảo quyệt tới đâu cũng không đánh lừa được nhân dân Việt Nam. Bởi, chúng quên mất rằng: Dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân nghĩa, thủy chung. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đều là những người có công lớn đối với đất nước, đối với dân tộc. Đó là những vị tướng, những nhà khoa học, những người anh hùng đã hiến dâng trí tuệ, xương máu của mình vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, nhân dân Việt Nam dù ở miền xuôi hay miền ngược; ở thành phố hay vùng núi; người dân tộc Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số... đều không thể quên ơn. Nên nhớ rằng, trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, mỗi khi khuất phục được kẻ thù, các triều đại Nhà nước phong kiến Việt Nam còn cấp lương thảo, voi, ngựa để cho đối phương rút về nước. Nét văn hóa nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam là nền tảng vững chắc tạo dựng những giá trị nhân cách của con người Việt Nam.
Không thể phá vỡ sức mạnh của niềm tin và khối đại đoàn kết
Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng khẳng định: Việc một số người lợi dụng mạng xã hội để tung tin bịa đặt, bôi nhọ, hạ thấp uy tín một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội là những hành vi bỉ ổi, vô đạo đức. Tuy biết là hèn hạ, vô lương tâm, nhưng với mục đích nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng với LLVT và nhân dân, gây hoài nghi trong xã hội, nên những phần tử cơ hội vẫn rắp tâm thực hiện. Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 còn chỉ ra rằng: Để thu hút được sự quan tâm của xã hội, các thế lực thù địch còn lập ra hàng trăm trang web, sử dụng nhiều tài khoảnfacebookđể thu thập, nhào nặn, trộn lẫn thông tin thật-giả, cắt ghép hình ảnh, tán phát để thu hút sự hiếu kỳ của người xem, người đọc, nhất là đối với giới trẻ. Chủ ý của chúng là chọn những đồng chí lãnh đạo có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng; chọn thời điểm có các sự kiện liên quan đến mỗi đồng chí lãnh đạo để nói xấu, dựng chuyện với mục đích là làm hoen ố hình ảnh vốn dĩ đã được tạo dựng từ lâu trong lòng nhân dân. Đúng như ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: Những thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động thường xuất hiện vào dịp nhân dân ta, dân tộc ta kỷ niệm các sự kiện chính trị trọng đại thật không có gì lạ. Bởi đối tượng đưa ra những luận điệu sai trái đó là những kẻ chống đối chế độ, chúng muốn chia rẽ Đảng, Nhà nước, LLVT và nhân dân; chúng muốn phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc-một tài sản vô giá tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân và dân tộc Việt Nam ta.
Cần những giải pháp đồng bộ, kiên quyết và nghiêm khắc
Để xử lý những thông tin xuyên tạc, bịa đặt độc hại đó, dư luận bạn đọc phản hồi về BáoQuân đội nhân dânkhẳng định: Nhà nước ta đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, chặt chẽ để đấu tranh với những luồng “gió độc” thông tin trên. Các cán bộ quản lý ở Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như giới luật sư đều chung nhận định cho rằng: Mạng xã hội dù “ảo” nhưng hành lang pháp lý rất rõ ràng đủ sức xử lý những hành vi tán phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm danh dự, xâm hại quyền lợi của cá nhân và tổ chức. Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội) khi trao đổi với BáoQuân đội nhân dâncho biết, qua quan sát, phân tích nhiều vụ việc vi phạm đã được các cơ quan pháp luật xử lý gần đây cho thấy, cả về mặt pháp lý, đạo lý và phương diện kỹ thuật, chúng ta có đủ sức mạnh để đấu tranh thắng lợi. Điều quan trọng nhất hiện nay chính là thái độ, phương pháp xử lý hay nói một cách khác là cần sự vào cuộc đồng bộ, kiên quyết và nghiêm khắc hơn nữa.
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền từng là một nạn nhân của chiêu trò bịa đặt thông tin về sức khỏe của ông khi ông đang công tác cho biết: “Tôi cũng như nhiều cựu chiến binh và nhân dân rất phẫn nộ khi kẻ xấu cứ liên tục tán phát thông tin bịa đặt. Hầu như năm nào, trước thềm những sự kiện lớn của đất nước cũng có một vài vụ. Nhiều trường hợp đã bị xử lý cả hành chính và hình sự. Có kẻ đã phải ngồi tù trả giá cho những hành vi đen tối đó. Thế nhưng, tôi có cảm giác rằng Đảng, Nhà nước ta và các cơ quan quản lý nhiều khi vẫn có phần nương tay, đề cao sự giáo dục, thuyết phục, cảm hóa đối với những đối tượng vi phạm mà còn thiếu sự trừng phạt nghiêm khắc, thích đáng trong một số trường hợp. Chính vì vậy, có không ít kẻ vi phạm nhưng vẫn không nhận thức đầy đủ hành vi sai trái, vẫn cố tình tái phạm. Rất cần phải có một số “chiến dịch” tấn công và đẩy lùi loại thông tin này, tìm ra những đối tượng chủ mưu, vi phạm, xử lý hình sự để răn đe, làm gương”. Nhà văn Đông La, người từng có nhiều bài viết phê phán hiện tượng xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo đã ví những kẻ xấu đó như đám “rắn rết” nghênh ngang, lộng hành trên xa lộ thông tin. Nguyên nhân tạo ra sự “nhởn nhơ” ấy có một phần do thanh gươm pháp luật chưa được rút ra trong một số thời điểm và một số đối tượng đáng phải xử lý. Với vụ việc kẻ xấu tung tin đoàn xe Chủ tịch Quốc hội hay thông tin bịa đặt về Ngân hàng Nhà nước đổi tiền hoặc đối tượng ở Thanh Hóa sản xuất clip bôi nhọ lãnh đạo, cơ quan chức năng vào cuộc đều nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Nếu như việc chỉ đạo xử lý ấy được tiến hành thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn, chắc chắn những âm mưu độc địa như vừa qua không có đất lộng hành. Việc xử lý nên rộng hơn, không chỉ dừng ở truy tìm và xử phạt kẻ tạo ra thông tin mà phải xử lý cả kẻ tiếp tay cho thông tin lan truyền với động cơ xấu.
Coi thông tin xuyên tạc, bịa đặt dù nguy hiểm nhưng chỉ như bóng đêm so với ánh sáng mặt trời của cuộc sống, Thượng tá, TS Nguyễn Xuân Sinh, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử giáo dục (Khoa Sư phạm Quân sự, Học viện Chính trị) cho rằng, cách ứng xử với loại thông tin ấy là vũ khí quan trọng đẩy lùi nó. Qua nhiều năm sống chung với internet và mạng xã hội, người dân Việt Nam ngày càng nâng cao nhận thức và có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng ứng xử, sống chung với “chợ trời thông tin”. Quán triệt quan điểm “xây luôn đi đôi với chống”, theo TS Nguyễn Xuân Sinh, không chỉ đấu tranh với việc tán phát thông tin từ bên ngoài mà còn phải ngăn ngừa cả từ “bên trong”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng gần đây đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ bao hàm cả việc: “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Sự định hướng từ công luận và các cơ quan quản lý là rất quan trọng nhưng một yếu tố không thể thiếu là phải có “hệ miễn dịch” từ mỗi người. Niềm tin vào sự thật, tin vào sự lãnh đạo, vai trò của Đảng, Nhà nước sẽ đẩy lùi thông tin tiêu cực, đúng như điều mà cha ông ta đã đúc kết trong một câu nói rất hay: “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.
PHẠM VĂN - NGỌC LONG - NGUYÊN MINH
Theo http://www.qdnd.vn/
Huyền Trang (st)