Những cảnh báo của Bác Hồ chỉ ra trước đây về các “căn bệnh” mà cán bộ, đảng viên nhiễm phải so với những biểu hiện về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra hoàn toàn trùng khớp, có chăng chỉ khác nhau về tính chất, mức độ, phạm vi, đối tượng... mà thôi. Bác chỉ rõ: “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do so sánh, mà họ biết rõ ràng”; “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Chỉ dẫn của Bác chính là một trong những giải pháp mà Nghị quyết đã đề cập cần triệt để thi hành.
Tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ ta là một Chính phủ làm đày tớ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Nếu ai ở trong Chính phủ mà muốn làm quan thì không ở được trong Chính phủ ta. Bác nói như thế là chẳng những trong Chính phủ Trung ương mà cả chính phủ địa phương cho đến các ủy ban hành chính xã, nếu ai muốn làm quan thì mời đi làm quan chứ không được ở trong chính quyền của ta”.
Đây không phải là lần đầu tiên Bác Hồ nói về Chính phủ là “công bộc” của dân. Ngay từ khi Đảng ta chưa ra đời, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Bác đã chỉ ra 22 điểm cần có trong “tư cách một người cách mệnh” mà nòng cốt là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. Sau đó không lâu, ngày 20-2-1947, tại buổi nói chuyện với các đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Bác Hồ tiếp tục yêu cầu: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
Đảng ta ra đời và lãnh đạo nhân dân giành chính quyền cho dân. Dân giao chính quyền đó cho người đại diện của mình là các tổ chức, chính quyền, cán bộ, đảng viên. Những cán bộ có phẩm chất, năng lực được đông đảo nhân dân tín nhiệm bầu vào Ủy ban nhân dân làng, sau đó được bầu vào Quốc hội, Chính phủ Trung ương và “chính phủ” địa phương. Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân” (19-9-1945), Bác yêu cầu “bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các ủy ban nhân dân bây giờ”. Tuy nhiên, khi cách mạng đã thành công, chính quyền về tay nhân dân, nhưng một số “căn bệnh” của quan lại phong kiến vẫn nhiễm vào đầu óc không ít cán bộ, đảng viên chúng ta và trở thành “khuyết điểm to”. Đó “khuynh hướng chật hẹp và bao biện”, “lạm dụng hình phạt”, “hủ hóa”, “kéo bè kéo cánh”, “kiêu ngạo”... Ngày 1-3-1947, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Bác đã nêu tám khuyết điểm “phải kiên quyết tẩy sạch”. Đó là: “Địa phương chủ nghĩa”; "Óc bè phái”; “Óc quân phiệt quan liêu” (khi phụ trách một vùng nào thì như một ông “vua con”); “Óc hẹp hòi”; “Ham chuộng hình thức”; “Làm việc lối bàn giấy”; “Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”; “Ích kỷ, hủ hóa”. Tháng 10-1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z, Bác Hồ đã chỉ ra những khuyết điểm phát triển thành “căn bệnh rất nguy hiểm” mà cán bộ, đảng viên còn mắc phải. Theo Người, có thể xếp vào ba loại: “Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng và ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa”. Ba “chứng bệnh nguy hiểm” này nếu không chữa ngay để nó lây ra, thì có hại vô cùng. Đặc biệt, ngay từ thời gian này, Bác Hồ phân tích một cách sâu sắc rằng: “Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong ta đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải sửa chữa hết những chứng bệnh đó”. Điều đáng chú ý là, những chứng bệnh này là bước phát triển tất nhiên của những chứng bệnh cũ. Đó là các: “Bệnh nể nang”; “Bệnh tham lam”, “Bệnh lười biếng”, “Bệnh kiêu ngạo”; “Bệnh hiếu danh”; “Bệnh thiếu kỷ luật”; “Óc hẹp hòi”; “Óc lãnh tụ”; “Bệnh hữu danh vô thực”; “Bệnh kéo bè kéo cánh”; “Bệnh cận thị” (không nhìn xa thấy rộng); “Bệnh tị nạnh”; “Bệnh xu nịnh, a dua”... Những chứng bệnh trên bắt nguồn từ “Bệnh cá nhân”, mọi suy nghĩ việc làm đều xuất phát từ lợi ích cá nhân và đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, trước hết. Tất cả đều vì cá nhân, vì gia đình mình, vì phe nhóm mình. Bác khẳng định: Mắc những căn bệnh đó là do “kém tính đảng”, mắc một trong những bệnh đó “là hỏng việc”. Người căn dặn “chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy”.
Sau này, Bác Hồ cũng đã chỉ ra một số “căn bệnh” mà cán bộ, đảng viên mắc phải, nhưng Người chỉ rõ các căn bệnh này thuộc phạm trù “chủ nghĩa”. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, viết nhân dịp 39 năm ngày Đảng ta ra đời (3-2-1969), Người đã khái quát: “Còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn rất kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa (...) tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành (...), tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem kinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh (...) mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.
Những cảnh báo của Bác Hồ chỉ ra trước đây về các “căn bệnh” mà cán bộ, đảng viên nhiễm phải so với những biểu hiện về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra thì hoàn toàn trùng khớp, có chăng chỉ khác nhau về tính chất, mức độ, phạm vi, đối tượng...mà thôi.
Trong Nghị quyết lần này, trên cơ sở chỉ ra những biểu hiện suy thoái, chỉ ra nguyên nhân, rất nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, cụ thể đã được Trung ương đề ra mà trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Có một vấn đề rất cần được nghiên cứu, hết sức coi trọng. Đó là vai trò của quần chúng, nhân dân trực tiếp kiểm tra, giám sát, góp ý cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm, coi trọng; chưa thật sự dựa vào dân cũng như phát huy sức mạnh của người dân trong công tác xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ lâu, Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do so sánh, mà họ biết rõ ràng”; “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Chỉ dẫn của Bác Hồ chính là một trong những giải pháp mà Nghị quyết đã đề cập cần triệt để thi hành./.
Vũ Bình Minh
Theo http://www.xaydungdang.org.vn
Thu Hiền (st)