Sinh thời Bác Hồ có tình cảm sâu sắc, thủy chung trước sau như một với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Xuất phát từ lịch sử cộng đồng các dân tộc Việt Nam đoàn kết gắn bó với nhau hàng nghìn năm cùng chống thiên tai địch họa, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà Bác Hồ đã khẳng định: Các dân tộc Việt Nam là anh em một nhà. Người nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, về địa lý, văn hóa và lịch sử từ lâu đời.

bac ho voi dongbao tay nguyen

 

Tượng đài "Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên" ở  Gia Lai (Ảnh: Báo Đăk Nông)

 

Bởi vậy, ngày 19-4-1946, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền Nam họp Đại hội ở Plâyku, Bác Hồ đã viết thư gửi Đại hội và nhắc nhở rằng: Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia-rai hay Ê-đê, Xê-đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.

Đầu thế kỷ 20, Bác Hồ chịu bao gian khổ và nguy hiểm, vượt qua muôn trùng thử thách khắp các nẻo đường Á – Âu – Phi – Mỹ để tìm một con đường cho dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp cũng chỉ nhằm bảo tồn và phát triển một dân tộc Việt Nam thống nhất. Năm 1920, Bác Hồ đã tìm ra con đường giành độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất cho dân tộc Việt Nam ngay trên đất Pháp. Ngay sau đó, trong lòng nước Pháp, Bác Hồ đã tố cáo chủ nghĩa thực dân Pháp không hề thay đổi âm mưu “chia để trị” các nước thuộc địa. Chính vì thế mà nước An Nam, một nước có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một truyền thống, đã bị chia thành “3 kỳ” dưới ách thống trị của chúng. Thực hiện âm mưu chia cắt ấy, các thế lực thực dân đế quốc hy vọng chia rẽ tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, đọc ngày 2-9-1945, Bác Hồ tiếp tục vạch trần chính sách cai trị thâm độc suốt hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với nước ta. Chúng thi hành những luật pháp dã man, chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung - Nam - Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Một lần nữa Bác Hồ lại khẳng định: Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên con Lạc cháu Hồng, đều là ruột thịt anh em. Một nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em. Không ai có thể chia rẽ con một nhà … Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta.

Khi đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp chiếm cứ miền Nam, chia cắt đất nước ta làm hai, Bác Hồ lại khẳng định: Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam thành hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt nước Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt. Miền Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Nhân dân Việt Nam sẽ được thống nhất. Bác Hồ còn nói với một nhà nhà báo nước ngoài rằng, Người chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc được độc lập, thống nhất, dân chủ. Và, nguyện vọng tha thiết, ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam là thực hiện thống nhất nước nhà. Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó phù hợp với quyền dân tộc tự quyết của Hiến chương Liên hiệp quốc, với chính nghĩa và nhất định thắng lợi. Bởi vậy, Bác Hồ đã thay mặt nhân dân ta trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước.

Bác Hồ đã nói với đồng bào Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam sau Cách mạng Tháng Tám: Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.

Đáp lại tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng đứng dậy đi theo Bác Hồ đánh thực dân Pháp. Những gương như anh hùng Núp xuất hiện khắp Tây Nguyên, tạo nên một Tây Nguyên bất khuất, đã góp phần cùng toàn dân tộc buộc thực dân Pháp phải đầu hàng và cút khỏi nước ta.

Thời chống Mỹ, tình hình cách mạng khó khăn, phức tạp, nhưng đồng bào Tây Nguyên hướng về miền Bắc nơi có Bác Hồ, nghe theo lời Người, nghe theo Đảng nổi dậy đánh Mỹ -  ngụy để dành quyền sống và độc lập, thống nhất cho dân tộc. Ngay thời kỳ đen tối nửa của những năm 50, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng đồng bào miền Tây các tỉnh Nam Trung Bộ đoàn kết thành một khối. Sức mạnh đoàn kết này từ năm 1958 đã đánh nhiều cuộc càn quét đẫm máu của Mỹ - ngụy nhằm gom dân theo cái mà chúng gọi là "chiến dịch thượng du vận". Điển hình là cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc ở Bác Ái( bắc tỉnh Ninh Thuận). Nhân dân ở đây đã làm chủ buôn rẫy suốt từ tháng 2-1959 cho đến ngày cách mạng giải phóng miền Nam toàn thắng năm 1975.

Ngày 28-8-1959, có lực lượng vũ trang hỗ trợ, nhân dân các dân tộc huyện Trà Bồng (tây Quảng Ngãi) đã đoàn kết chặt chẽ, nổi dậy đồng loạt, quét sạch quân địch trên địa bàn huyện. Nhân dân các huyện Ba Tơ, Sơn Trà, Minh Long... học tập Trà Bồng cũng lần lượt nổi dậy.

Tháng 10-1960, tại vùng căn cứ Kon Hà Nùng(An Khê, Gia Lai), đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc các tỉnh Nam Trung Bộ đã mở Đại hội mặt trận đoàn kết các dân tộc đấu tranh cho độc lập, thống nhất nước nhà, thực hiện chính sách đoàn kết bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam. Đại hội bầu cụ Y Bih Alêô, một cán bộ kháng chiến chống Pháp, một nhân sĩ rất có uy tín trong đồng bào tỉnh Đắk Lắk làm Chủ tịch. Đại hội đã ra lời kêu gọi các dân tộc hãy đoàn kết chặt chẽ chống Mỹ - Diệm. Đại hội xác định rằng phong trào các dân tộc Tây Nguyên là một bộ phận của Mặt trận Dân tộc đoàn kết thống nhất ở miền Nam Việt Nam. Đại hội cử một số đại biểu đi dự Đại hội toàn miền Nam để thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nguyện chiến đấu dưới lá cờ của Mặt trận. Từ đây, căn cứ Tây Nguyên được củng cố và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chiến đấu kiên cường cùng bộ đội chủ lực giải phóng Tây Nguyên, mở màn cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam và mùa Xuân năm 1975.

Sinh thời Bác Hồ đặc biệt chú ý tới hệ thống trường lớp, đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà, nhất là hệ thống các trường sư phạm. Đối với đồng bào Tây Nguyên, Bác Hồ đã dành một tình cảm đặc biệt cho sự nghiệp đào tạo con em đồng bào các dân tộc. Một sự kiện im đậm tình cảm của Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đó là khi miền Bắc được hòa bình, cán bộ và con em đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc, Bác Hồ đặc biệt chú ý con em đồng bào miền Nam ra tập kết. Một loạt các trường học cho con em miền Nam được mở ra ở các địa phương. Riêng một số con em dân tộc Tây Nguyên, ven biển miền Trung – Ba Na, Ê Đê, Hrê, Gia Rai, M’Nông, Xê Đăng, Stiêng, Ra Giai, Cơ Ho, Chăm, Chơ Ro, Mạ, Vân Kiều, Cà Tu, v.v. và một số con em dân tộc Khơme Nam bộ tập kết ra Bắc ở hai trường: Cán bộ dân tộc thiểu số miền Nam (ở Gia Lâm Hà Nội) và Trường học dân tộc thiểu số miền Nam số 5 (ở Giảng Võ, Hà Nội). Học sinh của hai trường này luôn luôn được Bác Hồ quan tâm, động viên khích lệ. Năm học 1954 – 1955, hai trường phát động phong trào thi đua học tập, rèn luyện thành cháu ngoan Bác Hồ, lấy thành tích mừng Ngày sinh của Bác Hồ. Sáng ngày 19-5-1955, đoàn học sinh của hai trường đến Phủ Chủ tịch chúc thọ Bác. Vừa đến cổng, thấy  Bác Hồ đi từ trên bậc thang xuống, cả đoàn học sinh chạy ùa đến và gọi thật to Bác Hồ, Bóok Hồ, Prák Hồ .. rồi quấn quýt chung quanh Bác. Người bé nhất được Bác ôm gọn vào lòng. Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9- 1955, Bác Hồ lại gửi tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh cho học sinh xuất sắc của trường. Từng bước đi của học sinh các dân tộc Tây Nguyên, đồng bào miền Nam được Bác Hồ quan tâm chăm sóc.

Cuối năm 1955, có 30 học sinh các dân tộc Tây Nguyên và 20 học sinh dân tộc Khơmer có trình độ từ lớp 4 trở lên được đưa về Trường trung sơ cấp sư phạm miền núi Trung ương tại 30 Phan Đình Phùng, Hà Nội học cùng học sinh các dân tộc: Thái, Tày, Nùng, Mường, Mông, Dao, Nhắng, Sán Chỉ, Bố Y, Pu Péo, Hà Nhì… Trường này đã trở thành nơi hội tụ, gặp gỡ giữa các dân tộc trong cả nước. Điều này thời đế quốc chưa bao giờ có, mà lần đầu tiên xuất hiện dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác Hồ sáng lập. Học sinh của trường được Bác Hồ, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, chăm sóc từ ăn, ở, học hành và rèn luyện. Biểu thị tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, học sinh thường gọi Bác bằng ngôn ngữ tôn kính riêng của mình là: Bóok Hồ, Prák Hồ, Ava Hồ, Achar Hồ, Giàng Hồ, Ké Hồ, Um Hồ, v.v.

Cả nước bước vào thời kỳ đổi mới tiếp tục thực hiện mong ước, tình cảm lớn lao của Bác Hồ là xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong thời kỳ mới này, đồng bào Tây Nguyên tiếp tục làm theo lời dặn của Bác Hồ xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh và phát triển toàn diện. Các tỉnh Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 56.199km2, chiếm 16,95% diện tích cả nước, có số dân ba triệu người, chiếm 4,2% số dân cả nước. Tây Nguyên có gần 40 dân tộc anh em cùng sinh sống -Tây Nguyên như một hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam, một vườn hoa đầy sắc hương trong vườn hoa dân tộc. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn nhớ lời Bác Hồ cách đây 70 năm: Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền độc lập của chúng ta.

Để phát triển Tây Nguyên giàu mạnh, đồng bào các dân tộc ở đây tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng thời ra sức xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ở Tây Nguyên trong thập niên cuối cùng của thế kỉ 20, công tác xây dựng nếp sống văn hóa được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chương trình phát triển kinh tế, văn hóa  -  xã hội. Trong phong trào này đã xuất hiện nhiều điển hình Krông Pách, Cư M’ga, Đác Nông (tỉnh Đắc Lắc), Ngọc Hồi, Đác Tô (tỉnh Kon Tum), A Dun Pa, Plây ku, An Khê (tỉnh Gia Lai)…

 Số gia đình đồng bào dân tộc thiểu số biết làm kinh tế vườn, trồng cây công nghiệp, hăng hái tăng gia sản xuất trong nền kinh tế nhiều thành phần ngày càng tăng. Có khoảng hơn 20.000 hộ nông dân các dân tộc Tây Nguyên lập vườn nhà theo mô hình tranh trại, thu nhập mỗi năm từ 100 đến 200 triệu đồng, có nơi 400 - 500 triệu đồng. Số gia đình có thu nhập cao ngày càng phổ biến. Các hủ tục mê tín dị đoan bị hạn chế, có nơi đã được xóa bỏ. Quan hệ gia đình giữa vợ chồng và con cái đã bình đẳng hơn ...

Làm theo lời Bác Hồ, theo Đảng, ngày nay đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Tây Nguyên đã đã tiến một bước dài vượt bậc. Đồng bào Tây Nguyên đã và đang đem tất cả tâm lực của mình, xiết chặt khối đoàn kết dân tộc bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược của Tổ quốc, cùng nhân dân cả nước thực hiện xuất sắc lời Bác Hồ dạy: Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.

PGS.TS Hoàng Trang

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh

Theo Báo Dân tộc và Miền núi

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: