Với nhà thơ Vũ Quần Phương, năm nay là thời điểm và là dấu mốc đặc biệt kỷ niệm 70 năm lần đầu tiên Bác đọc thơ chúc Tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN).

Ngày 27/1/1947, vào đêm giao thừa Tết Đinh Hợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm Đài Tiếng nói Việt Nam (lúc đó đang sơ tán tại hang Long Sơn, cạnh chùa Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội). Tại đây, lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Thơ chúc Tết trên Đài TNVN.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, ngay cả khi đọc những vần thơ chúc Tết đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nghĩ rằng chính Người đã tạo nên một tập tục và khai sinh ra một trào lưu đọc thơ chúc Tết về sau. 

nha tho vu quan phuong
Bác Hồ nghe lại bài phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng tại xe thu lưu động của Đài TNVN ngày 5/9/1960 
(Ảnh tư liệu)

Bao giờ kháng chiến thành công/Chúng ta sẽ uống một chung rượu đào”. Đây là hai câu thơ trong bài thơ chúc Tết Bính Tuất năm 1946. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, việc Bác sử dụng hình ảnh “chung rượu đào” bộc lộ bút pháp ước lệ cổ điển. Thơ của các nhà cách mạng chủ đề bao quát bao giờ cũng là lòng yêu nước, là ý chí cứu nước, cho nên chất liệu của thơ thường là thể hiện tình đất nước, nghĩa là yếu tố hiện thực bao giờ cũng làm nền tảng cho cảm hứng. Quan niệm cái nên thơ của cổ điển ít nhiều có tính ước lệ mà rượu là chất liệu được dùng phổ biến.

"Ở đây nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vận dụng ước lệ cổ điển, gợi tới tích xưa: Tướng sĩ đổ rượu xuống sông, để toàn quân cùng uống. Chung là cái dụng cụ đựng rượu, theo từ điển Đào Duy Anh thì dung tích là 6 hộc, 4 đấu. Cả đồ đựng lẫn đơn vị đo lường ấy thời nay ở ta không ai dùng nữa. Và rượu không chắc đã là món chủ yếu để khao quân. Nếu có, cũng chỉ là thứ điểm xuyết. Càng không nhất thiết phải là rượu đào hay bồ đào mỹ tửu như trong thơ Vương Hàn. Bác Hồ mượn mẫu ước lệ này, dùng lại ngôn từ xưa, gợi tích xưa để nói tình tướng với quân. Điều lưu ý là chất ước lệ trong thơ Bác Hồ chỉ thoáng qua, đủ gợi chứ không sa đà”, nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích.

Cũng theo nhà thơ Vũ Quần Phương, trong Thơ chúc Tết gửi tới toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc đến “người chiến sĩ”. Bởi lẽ, họ là những người đang đánh giặc, giữ nước trên mặt trận kháng chiến chống Pháp. Người làm thơ về họ vừa như một lời chúc, vừa như một lời nhắc nhở, động viên.

nho tho vu quan phuong 2
Nhà thơ Vũ Quần Phương

“Nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ, đầu tiên người ta sẽ biết được sức khỏe của Người như thế nào. Những năm cuối đời, khi sức khỏe đã có phần giảm sút, trước lúc đọc thơ, Bác sẽ đọc thử để giọng nói trôi chảy hơn. Cả nước nghe tiếng Bác vẫn còn lưu loát thì yên tâm rằng Bác vẫn còn khỏe mạnh. Tuy nhiên, mỗi năm, thơ Tết của Bác lại mang tính tổng kết và dự báo tình hình đất nước. Người nghe sẽ đoán và hiểu được nội dung hàm ý mà Người muốn gửi gắm.

Nhà thơ Vũ Quần Phương kể: “Những năm theo học ở trường Chu Văn An, ngay gần Phủ Chủ tịch, Bác Hồ thi thoảng có sang thăm học sinh chúng tôi. Mỗi dịp như thế, cả thầy và trò đều tập trung giữa sân trường để nghe Bác nói chuyện, dặn dò. Với riêng tôi, đó là những khoảnh khắc ấm áp và quý giá trong cuộc đời mình”.

Thư chúc Tết của Bác bao gồm cả văn xuôi nhưng kết thúc bao giờ cũng có mấy câu thơ. Người dân ai cũng thuộc phần thơ sau cùng đó cho nên vào ngày hôm sau, lúc trà dư tửu hậu, người ta sẽ bàn tán, bình luận về những bài thơ đó như một sự kiện thời sự. Ở Hà Nội, mỗi đêm giao thừa, trong khoảnh khúc đoàn tụ, nhà nào cũng tập trung theo dõi và lắng nghe tiếng đọc thơ của Người. Lời chúc Tết của Bác không chỉ vang lên trong mỗi nhà mà còn ở trên mỗi con đường, ở mỗi cơ quan, đơn vị, nơi chiến trường, ở các nhà ga, bến tàu, ở những nơi mà nhiều người không thể về nhà trong đêm giao thừa cũng mong ngóng tiếng đọc thơ của Người.

Lúc đó radio vẫn còn ít lắm, người ta chủ yếu nghe qua tiếng loa, giá một cái bằng 1/10 tiền lương hàng tháng. Đặc điểm của chiếc loa này là tự nói tự ngừng, qua tiếng loa người ta nghe được tiếng nói, lời thông báo của Nhà nước, thành phố. Ở nhà không có loa, nhiều người tìm ra Bờ Hồ, ra đường để nghe loa công cộng. Không khí ấy trở thành một nét riêng của đêm giao thừa Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung lúc bấy giờ”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhắc lại một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời ông. Đó là lần ông đón giao thừa trên một chuyến tàu đêm từ Hải Phòng về Hà Nội. Cả đoàn tàu đêm đó chỉ duy nhất có một người có chiếc loa phát radio. Mọi người đều hồi hộp dõi theo tiếng đài của vị khách và chờ đợi lời chúc Tết của Bác. Qua mỗi ga tàu lại lắng nghe từng thời khắc đêm giao thừa và cảm nhận hơi ấm, sức mạnh dân tộc trong từng câu thơ, giọng đọc của Người.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, những vần thơ Tết của Bác Hồ còn có vai trò như một lời hiệu triệu. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chúng ta ký hiệu với nhau, cứ đến câu thơ cuối cùng kết thúc lời chúc Tết của Bác là nổ súng.

“Nếu thơ trữ tình được Bác chủ yếu sử dụng chữ Hán, với những lối ví von hình ảnh, uyên thâm thì thơ Tết và thơ cổ động lại được chủ yếu viết theo chữ Quốc ngữ với lối viết giản dị, rõ ràng thể hiện tinh thần mạnh mẽ, ý chí quyết tâm của vị lãnh tụ.

Bài Chúc đồng bào có lời gọn như khẩu hiệu và ý rõ như hiệu triệu. Hiệu triệu mọi việc phải tiến tới. Trong đó có hai việc lớn là kiến quốc và kháng chiến. Kiến quốc thì mau thành công. Kháng chiến thì mau thắng lợi. Bác Hồ đặt nhiệm vụ kiến quốc trước, kháng chiến sau vì đó là đầu năm 1946, khi kháng chiến mới chỉ xảy ra ở Nam Bộ. Còn sau ngày 19/12/1946, nghĩa là Thơ chúc Tết các năm 1947, 1948, 1949, 1950, 1951, 1952, 1953 thì chỉ nói đến nhiệm vụ kháng chiến. Có nói thêm thi đua và tăng gia sản xuất cũng chỉ là nói đến mấy biện pháp cần làm để kháng chiến mau thành công. Lưu ý cái đích của lời chúc không phải chập chờn giữa Thắng và Thua - phải Thắng, giữa Thành và Bại - phải Thành, mà là rọi vào chữ Mau. Thành và Thắng là cái tất yếu không bàn ở chỗ đó, mà ở chỗ phải Mau, mau đến thành công và mau đến thắng lợi”.

Với nhà thơ Vũ Quần Phương, năm nay là thời điểm và là dấu mốc đặc biệt kỷ niệm 70 năm lần đầu tiên Bác đọc thơ chúc Tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cả dân tộc từng chờ đợi và lắng nghe thơ Người suốt những năm kháng chiến, kiến quốc thì nay, gợi nhắc lại khoảnh khắc ấy chính là một điều đáng quý, để tri ân và ôn lại những năm tháng đầy gian khổ mà ấm nồng, vinh quang của đất nước./.

Bài thơ chúc Tết Đinh Hợi năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Theo Đào Bích/VOV.VN

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: