bac ho chuc tet dinh dau

Sáng mùng Một Tết Đinh Dậu 1957, Bác Hồ thăm và chúc Tết Báo Nhân Dân (Ảnh tư liệu)

Kể từ Tết Ðộc lập đầu tiên của đất nước - Tết Bính Tuất 1946, tới Tết cuối cùng trước lúc Người đi xa - Tết Kỷ Dậu 1969, Bác Hồ đã cùng đón 24 mùa Xuân với đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Trong 24 năm ấy, cứ mỗi độ Tết đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đi thăm và chúc Tết nhân dân. Qua cảnh Tết ở mỗi nhà mà Bác biết được đời sống của nhân dân ra sao. Bác đến với nhân dân thật tự nhiên, quen thuộc, thân thiết như người cha trong gia đình. Cách đây đúng 60 năm, nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 1957, Bác tặng một số quần áo do đồng bào các nơi biếu Người cho những anh chị em thương binh. Bác cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội báo cáo chi tiết về tình hình chuẩn bị và mua sắm trong dịp Tết của nhân dân Thủ đô. Sau khi nghe báo cáo, Bác về xã Tiến Bộ (nay là xã Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) để kiểm tra thực tế và thăm nhân dân chuẩn bị Tết. Người thăm hỏi tình hình mua sắm chuẩn bị Tết của một số gia đình nông dân và tỏ ý rất vui lòng khi thấy gia đình nào cũng có thịt, bánh chưng và hàng Tết.

Ngày 27.1.1957 (tức 27 tháng 12 năm Bính Thân), Bác gửi điện chúc Tết sinh viên, học sinh và các cháu thiếu nhi đang học tập tại các nước bạn nhân dịp năm mới. Người cũng nhờ các em chuyển lời thăm hỏi tới các thầy giáo và nhân viên phục vụ. Cùng ngày, Bác gửi điện chúc Tết kiều bào nước ngoài nhân dịp năm mới, nhắc nhở kiều bào ta nên tăng cường tình hữu nghị với nhân dân nơi mình sinh sống.

Ngày 28.1.1957 (28 Tết), Bác tiếp đại biểu bà con nông dân xã Nhật Tân, ngoại thành Hà Nội đến chúc Tết Người. Cùng ngày, Bác tiếp ông Tổng lãnh sự Indonesia và phu nhân đến chúc Tết Người.

Sáng 29.1.1957 (29 Tết), Bác cải trang như một cụ già ở quê ra thăm tình hình sắm Tết tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Người ghé vào gian hàng mậu dịch bán hoa quả tươi hỏi mua một quả cam. Nhân viên bán hàng không bán và cho biết chỉ bán từ 1kg trở lên. Người tỏ vẻ không vui. Đến chiều Bác gọi điện cho Bộ Nội thương góp ý về phương thức bán hàng. Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Bác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp các đại biểu quân đội, thương binh, quân nhân chuyển ngành có thành tích xuất sắc trong công tác năm 1956 đến chúc Tết Người. Vào buổi tối, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Bác cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự buổi họp mặt nhân dịp Tết Nguyên đán của cán bộ, nhân viên cơ quan Phủ Thủ tướng. Người chúc sức khỏe năm mới và khen ngợi thành tích mà anh chị em cán bộ, nhân viên cơ quan Phủ Thủ tướng đã giành được trong năm qua.

Sáng 30.1.1957 (30 Tết), Bác dự cuộc họp mặt cán bộ cao cấp và nhân sĩ, trí thức tiêu biểu mừng Xuân Đinh Dậu do Trung ương Đảng tổ chức. Buổi chiều, Bác tiếp các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước tới chúc Tết Người. Buổi tối, Bác đi thăm năm gia đình công nhân ở khu lao động nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy điện Bờ Hồ ở An Dương. Sau đó Bác đến thăm và chúc Tết một số gia đình ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh quê ở tỉnh Thừa Thiên, có sáu con đi bộ đội, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Khắc Vĩ hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ; gia đình đồng chí Phan Đăng Kỳ, cán bộ miền Nam tập kết; gia đình bà Thóc, góa bụa nghèo túng đang nuôi bốn con nhỏ.

Như một người thân trong đại gia đình công nhân, Bác cùng đón Tết với gia đình anh Nguyễn Văn Tảo và các gia đình công nhân khác của nhà máy điện Yên Phụ. Bác chỉ vào nồi bánh chưng đang sôi của gia đình anh Tảo và hỏi cụ thể số lượng bánh, thịt mà từng hộ đã lo được trong Tết này và cả những khó khăn về đời sống, việc làm hiện nay. Bác rất vui trước những tiến bộ về đời sống, nhất là nhà ở của công nhân nhà máy và thân mật nhắc nhở mọi người: “Thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Cố gắng thi đua làm việc và thực hành tiết kiệm”.

Ở một gia đình khác ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Bác đã đến chúc Tết và căn dặn mọi người “nên có sự thương yêu giúp đỡ lẫn nhau thì Tết mới đoàn kết vui vẻ”. Theo đồng chí Ninh, cảnh vệ của Bác vinh dự được đi với Bác đến chúc Tết một số gia đình kể lại: “Khoảng mười một giờ đêm, Bác đã thăm được tám nhà. Tới nhà thứ chín, xe dừng lại... Khi tôi vào nhà, cả nhà đều nhìn ra. Tôi vừa kịp đứng sang một bên, Bác đã bước đến, toàn gia đình ai nấy đều ngẩn ra. Mấy cháu nhỏ kêu lên ríu rít: “Bác Hồ! Bác Hồ! Bà ơi! Bác Hồ!”. Bà mẹ luống cuống đứng dậy. Còn các con, có lẽ nhiều người đã được gặp Bác trong khi công tác, nhưng lúc này thấy Bác ngay ở nhà mình, lại càng cảm động. Khi Bác tới giữa nhà thăm hỏi gia đình về Tết, bà mẹ đang nhìn Bác, bỗng từ từ cúi đầu xuống và lâu lâu một chút, bà mới nói được nên lời: “Ơn Bác, ơn Đảng, ơn Chính phủ, nhờ kháng chiến thắng lợi, gia đình nhà cháu hơn mười năm ly tán, Tết này các cháu mới về đông đủ đấy ạ! Tết năm ngoái, năm kia vẫn còn thiếu mấy cháu!”. Trong khi Bác nói chuyện với gia đình, tôi đưa mắt nhìn kỹ gian nhà. Gian nhà khá rộng. Trên bàn thờ, một mâm ngũ quả vàng ối những cam, bưởi, chuối... từng chồng bánh chưng xếp đầy cả hai bên. Bác đang nói chuyện chợt thoáng nhìn qua khung cửa bên trong, Bác thấy lấp ló một số người. Bác liền bước vào chúc Tết. Đó là một gia đình nghèo ở trong một chiếc buồng nối liền với dãy nhà bếp. Cả nhà, khi thấy Bác vào, đều luống cuống như gia đình bà mẹ ở nhà ngoài. Ông cụ chủ nhà chống gậy chừng trên năm mươi tuổi, nước da đen sạm, mặc chiếc áo màu nước dưa, vội vã chạy lại lấy tay với lấy chiếc ghế. Bác ra hiệu ngăn lại và thân mật bảo mọi người ngồi xuống giường. Người hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn của gia đình. Trước sự ân cần của Bác, đôi môi ông mấp máy như muốn nói điều gì mà không sao nói được. Lúc ấy, những người ở gia đình nhà ngoài cũng vào cả trong sân. Bác trở ra thì cả hai gia đình đều hòa lại quanh Bác. Bác bảo mấy người con của gia đình nhà ngoài: “Nhà ta tổ chức Tết khá đầy đủ, nhà trong ăn Tết còn thiếu thốn! Các cô, các chú nghĩ thế nào? Nên có sự thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thì Tết mới đoàn kết vui vẻ chứ!”. Như chợt tỉnh ra, bà mẹ và mấy người con vừa “vâng” một tiếng, thì các cô con dâu, con gái vội chạy lên nhà trên một lúc rồi mang bánh, mang giò xuống nhà dưới. Mấy chú bé cũng bảo nhau chia cho những chú bé nhà dưới mấy quả cam, vài chiếc pháo. Sắp giao thừa rồi! Nhiều tiếng pháo đây đó đã nổ vang xa, xe chở Bác lướt nhanh về Phủ Chủ tịch...”.

Sáng 31.1.1957 (mồng Một Tết), Bác gửi Thư chúc Tết đồng bào cả nước và kiều bào ta ở ngoài nước, toàn thể cán bộ, bộ đội và công an, các cụ phụ lão, thanh niên và nhi đồng. Bác cũng nhấn mạnh: “Tôi thân ái chúc đồng bào và cán bộ vui vẻ ăn Tết trong phong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm”. Tiếp đó Bác về thăm và chúc Tết một số gia đình cơ sở cách mạng cũ ở thôn Phú Gia, Phú Thượng, Từ Liêm (nay là quận Tây Hồ, Hà Nội) như gia đình cụ Công Ngọc Phan, các gia đình ông Môn, bà Kinh, bà Phó Ái. Nói chuyện với nhân dân trong thôn, Bác chúc đồng bào đoàn kết, đoàn kết quân và dân, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sau đó Bác đến thăm và chúc Tết một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, luôn cảnh giác giữ gìn ý chí chiến đấu, tác phong và kỷ luật quân đội, tiết kiệm, giúp đỡ nhân dân, cố gắng học tập và rèn luyện.

Trong ngày mồng Một Tết hôm đó Bác còn đến thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng ở Thanh Oai, Hà Tây; thăm công trường xây dựng số 4 và thăm cảnh nhân dân Thủ đô vui đón Tết.

Nguyễn Văn Toàn

Theo Báo Văn hóa

Đức Lâm (st)

Bài viết khác: