Từ Ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở nhà đồng chí xã đội trưởng xã Xuyên Dương (Thanh Oai, Hà Tây). Người bận việc suốt ngày vì không chỉ theo dõi, chỉ đạo chiến sự, đọc báo cáo từ các địa phương gửi về mà có lúc Người còn ngồi vẽ cả sơ đồ biên chế và cách thức hoạt động của các cơ quan trong Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể.

Sáng 1-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai bút đầu Xuân, gửi lời chúc mừng đến đồng bào và chiến sĩ cả nước một năm mới đoàn kết, kiên quyết kháng chiến thắng lợi. Người cũng gửi lời chào năm mới tới nhân dân Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Lào và nhân dân các nước dân chủ khác.

Ngày 10-1-1947, Người viết lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 1947: “Năm nay là năm kháng chiến. Toàn thể đồng bào đã chuẩn bị, từ nay chúng ta phải chuẩn bị thêm, để tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến”.

Tiếp đó, Người còn viết lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp: “Chúng tôi bao giờ cũng muốn cộng tác với dân tộc Pháp như anh em, trong hòa bình và tin tưởng lẫn nhau. Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”.

Chiều tối ngày 13-1-1947 (23 Tết âm lịch Đinh Hợi), Chủ tịch Hồ Chí Minh qua phà Ba Thá chuyển đến ở nhà đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch xã Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm (Thạch Thất, Sơn Tây). Người liên tục chủ trì các cuộc họp, đọc báo cáo, viết báo, viết sách phổ biến cách đánh du kích. Ngày 16-1-1947 (26 Tết), Người đến chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ (HĐCP) ở Chương Mỹ để nắm tình hình các mặt trận, nhất là mặt trận Hà Nội.

bac ho don tet dinh hoi
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đội bảo vệ tiếp cận trên đường kháng chiến

Ngày 20-1-1947 (29 Tết), Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp tới địa điểm họp HĐCP nhưng vì trời mưa, địa điểm lại mới, các thành viên đến không đủ nên đến 23 giờ đành phải hoãn họp. Chập tối ngày 21-1-1947 (30 Tết), Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự cuộc họp tất niên của HĐCP ở thôn Sài Sơn, phủ Quốc Oai, địa điểm họp là ngôi miếu thờ thần  trước hang Thánh hóa sát bên chùa Thầy. Vì là cuộc họp cuối năm nên các thành viên Chính phủ đều có mặt đầy đủ và còn có các vị Trưởng ban, Ủy viên Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và Phạm Bá Trực.

Đến hơn 20 giờ vẫn chưa thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, mọi người có phần lo lắng, sốt ruột. Anh em hậu cần lo được ít mứt kẹo, thuốc lá và mấy cái bánh chưng nên trong lúc chờ đợi, hội nghị nhất trí đem bánh kẹo, thuốc lá ra dùng trước cho có hương vị đêm giao thừa, còn để dành bánh chưng chờ Chủ tịch nước. Trong lúc đó, vì trời mưa, đường trơn nên ô tô đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nơi họp vừa chạy được một quãng thì bị sa một bánh xuống ruộng cạn. Tìm người khênh xe đêm 30 Tết không phải là dễ, may nhờ được một số đồng bào ở xóm gần đường đốt đuốc giúp kéo xe lên, đẩy cho nổ máy mới chạy tiếp được.

Đúng 21 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đột ngột bước vào phòng họp, đội mũ cát, cổ quàng khăn che kín bộ râu, hai ống quần xắn cao, chân lấm bùn lên tận đầu gối. Mọi người vui mừng đứng bật dậy đón Người, vừa tíu tít thăm hỏi. Sau khi chào mọi người xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh châm một điếu thuốc, nhấp một ngụm trà nóng, rồi mở đầu cuộc họp bằng câu chuyện chiếc xe bị sa lầy dọc đường, phải nhờ đồng bào giúp đỡ, Người nhấn mạnh: “Chỉ một việc đi xe thôi, không có nhân dân thì Chủ tịch nước cũng đành chịu. Huống hồ việc kháng chiến kiến quốc, một công việc to lớn, vĩ đại nhất định phải dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân mới ắt thành công”.

Sau đó Người tóm tắt tình hình các mặt trận, nêu rõ thành tích của cuộc kháng chiến và thông báo Người đã thay mặt Chính phủ viết thư chúc Tết các đơn vị quyết tử quân Thủ đô và cũng đã có thư chúc Tết đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ. Đối với công việc năm tới, Người nhấn mạnh ba vấn đề cần làm gấp là: Tổ chức tốt việc di cư, tản cư; chú ý công tác động viên nhân dân; đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Kết thúc buổi họp, Người đọc cho HĐCP nghe trước bài thơ chúc Tết năm mới Đinh Hợi mà lát nữa sẽ đọc tại Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đặt ở chùa Trầm.

bac ho don tet dinh hoi 2
Bút tích câu đối Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại chùa Trầm giao thừa năm 1947.

Đến 22 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia tay HĐCP, tiếp tục lên xe đến hang chùa Trầm. Lúc này mưa càng to, đường càng lầy và trơn hơn, đồng chí Thư ký của Người kể lại: “Nhiều lúc bánh xe quay tít trên mặt đường mà xe vẫn đứng nguyên một chỗ, đành phải xuống đẩy xe. Ánh đèn pha chiếu phía trước nhòa đi vì mưa nặng hạt. Lo nhất là khi xe lên dốc, nhiều lúc thấy xe không tiến mà còn lùi nữa, tôi buột miệng kêu lên: “Thôi chết rồi”.

Mỗi lúc thấy xe khó đi, tôi lại quen miệng kêu: “Thôi chết rồi”. Bác cũng sốt ruột, quay sang nói với tôi: “Chú này sao chết nhiều lần thế?”. Xe vòng qua Xuân Mai rồi rẽ quặt xuống, gần 12 giờ đêm mới đến nơi. Hang chùa Trầm điện đèn sáng trưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngay phòng thu thanh đọc thơ chúc Tết gửi nhân dân cả nước: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.

Đọc thơ xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh và một số anh em bạn bè quốc tế đang có mặt, góp phần cùng nhân dân Việt Nam kháng chiến. Đang câu chuyện, chợt trông thấy áo đồng chí Nguyễn Nhất bị rách ở vai, Người cười, nói vui với đồng chí Dương Thị Ngân là phụ nữ duy nhất tại Đài lúc đó: “Cô phải chú ý vá lại áo cho đồng chí này nhé, ở đây chỉ có mình cô là nữ thôi”.

Sau đó, đồng chí Trần Lâm, phụ trách Đài mang đến mấy tờ giấy hồng để Người viết hai câu đối: “Kháng chiến tất thắng/ Kiến quốc tất thành” bằng chữ Hán tặng cho sư cụ chùa Trầm. Lúc Người chuẩn bị ra về, sư cụ trụ trì xin yết kiến, đi cùng có một chú tiểu đội mâm bánh chưng. Nhà sư thành kính chắp tay run run, mắt đăm đăm nhìn Người, nói: “Đây là lòng thành của nhà chùa kính dâng, mong Chủ tịch thu nhận cho”. Người cảm ơn sư cụ và mong sang năm mới nhà chùa cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công.

bac ho don tet dinh hoi 3
Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh thường họp và làm việc ở Sài Sơn (chùa Thầy).

Khoảng 0 giờ 45 ngày mùng 1 Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra xe quay về. Trời vẫn mưa to nên anh em phải đẩy xe mấy quãng nhưng khi cách nhà chừng 2km thì xe bị tụt cả hai bánh xuống ruộng. Đồng chí lái xe đành ngủ lại trông xe để sáng mai nhờ người giúp, còn mấy Bác cháu lội bộ về nhà xông đất. Tuy đã mệt và muộn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đọc hai bài báo đến 5 giờ sáng mới ngả lưng và đến 7 giờ, Người đã dậy làm việc như thường lệ.

Sau khi phân công anh em đi chúc Tết các nhà lân cận, Người trịnh trọng viết mấy chữ: “Cung hỷ tân Xuân” trên tờ giấy điều, kèm theo một quả cam, một quả quít gửi sang chúc Tết và mừng tuổi gia đình cụ chủ nhà. Sau đó Người tiếp tục chỉnh sửa bản thảo cho tập tài liệu về “Kinh nghiệm du kích”. Trưa mùng 1, một số anh em đi ăn Tết cùng các gia đình trong xóm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà làm việc và dùng bữa cơm Tết có âu cơm độn sắn, mấy miếng thịt nạc rim và bát canh rau cải. Chập tối, mấy Bác cháu ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa, kể về những kỷ niệm ngày Tết ấm cúng đã qua của mỗi gia đình.

Đúng 21 giờ, đồng chí Trần Đăng Ninh ra đón các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh vào chúc Tết và họp tân niên với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Thư ký Vũ Kỳ đưa bánh chưng ra chiêu đãi khách. Mọi người vừa ăn vừa bàn công việc. Điều Người quan tâm nhất lúc này là cuộc chiến đấu của các chiến sĩ Liên khu I, đặc biệt là việc bố trí kế hoạch chu đáo để đưa Trung đoàn Thủ đô vượt vòng vây, rút ra căn cứ an toàn sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Hà Nội. Đến 23 giờ, trời trở lạnh đột ngột, mọi người đốt thêm củi ở giữa phòng cho ấm rồi bàn tiếp tình hình thế giới và nước Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta tiến hành cuộc chiến đấu này không phải chỉ vì nền độc lập của dân tộc ta mà còn là vì hạnh phúc của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ là ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới”. Cuộc họp Thường vụ đầu năm kết thúc lúc 1 giờ sáng ngày mùng 2 Tết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều mùa Xuân và Tết Nguyên đán trong sự nghiệp cách mạng gian khổ và vinh quang của mình, nhưng Tết Đinh Hợi năm 1947 của Người đặc biệt ý nghĩa! Một cái Tết cho thấy hình ảnh dung dị đời thường của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất và chính Người đã tạo nên niềm tin tất thắng vào cuộc trường kỳ kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Đỗ Hoàng Linh
(Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

Đức Lâm (st)

Bài viết khác: