Phút giao thừa Xuân Kỷ Dậu (1968) ấy, cách Xuân này tròn 42 năm, trên suốt dải đất nước từ Bắc chí Nam – ở một căn nhà lầu sáng điện bên Hồ Gươm giữa Thủ đô Hà Nội hay một thuyền nhỏ trên kênh rạch Đồng Tháp Mười, trong căn hầm trên miền núi cao heo hút tại dãy Trường Sơn hay trong chiếc tháp canh lộng gió biển khơi nơi hòn đảo nhỏ…, qua chiếc máy thu thanh, đồng bào chiến sỹ cả nước đã chăm chú lắng nghe tiếng Bác Hồ kính yêu đọc thơ chúc Tết.

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào

Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn.

Như bao giờ, hơn cả bao giờ, giọng Bác trầm ấm mà sang sảng, khỏe khoắn, rất đỗi quen thuộc. Niềm vui chiến thắng, niềm vui Xuân, khí thế kiên cường, quả cảm, quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược tỏa ra từ lời thơ, từ giọng đọc khỏe khoắn ấm áp của Bác thấm sâu vào hồn mỗi người dân Việt Nam ta đang đón Tết dân tộc cổ truyền, đang lao động, chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Có ai ngờ để có thể đọc mấy vần thơ chúc Tết chưa đầy 1 phút đồng hồ như vậy, để truyền được những cảm xúc ấy cho đồng bào, chiến sỹ ta, Bác đã phải luyện giọng kiên nhẫn, công phu suốt hơn một tháng trời.

Từ năm 1967 Bác bắt đầu yếu. Những tháng giáp Tết Kỷ Dậu, sức Bác càng sút kém hơn. Mà năm nay Bác muốn, đến lúc giao thừa, cũng sẽ đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ ta như thường lệ, nên Bác vừa chuẩn bị làm thơ, đồng thời chăm chú tập luyện giọng. Bác đặt ra công việc phải luyện giọng đọc thơ, bởi vì giọng Bác lúc này yếu, Bác đọc thường luôn bị ngắt bởi những hơi thở gấp gáp, mệt mỏi, Bác muốn mọi người nghe Bác vẫn cảm thấy như bình thường, không nhận ra Bác yếu nhiều. Bác không muốn để nhân dân phải băn khoăn lo lắng, bớt vui giữa lúc đón Xuân mà Bác kiên trì luyện tập (Hồi cuối năm 1946 đang đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, có lúc Bác đã ho. Sau khi Đài tiếng nói Việt Nam truyền đi lời Bác, nhiều đồng bào ta đã gửi thư đến Bác bày tỏ mối lo lắng, khuyên Người nên để tâm chăm sóc sức khỏe hơn. Nhiều người đã gửi cam, gửi quà biếu để Bác tẩm bổ).

Từ khi Bác ốm đau, vì không muốn để đồng bào cán bộ, chiến sỹ ta phải bận lòng lo lắng, Bác đã nhiều lần cố giấu sự yếu mệt của mình. Ví như lần Bác tiếp đồng chí Nguyễn Văn Linh và cán bộ miền Nam, dịp Đoàn ra miền Bắc báo cáo công việc. Bác mời cơm đồng chí Nguyễn Văn Linh và cán bộ trong Đoàn lúc 5 giờ chiều. Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ – thư ký của Bác, làm sao cho đồng chí Linh không thấy Bác yếu mệt nhiều, yên tâm cảm thấy Bác khỏe. Và chính Bác đã chú ý thực hiện ý định ấy. Đến giờ hẹn, Bác ngồi vào bàn ăn trước, tránh không đi lại. Phút đầu đồng chí Nguyễn Văn Linh gặp đồng chí Vũ Kỳ ra đón, hỏi luôn:

- Anh Kỳ, nghe nói Bác yếu lắm… Đồng chí Vũ Kỳ khéo trả lời:

- Anh đến tuổi Bác, anh không khỏe bằng Bác đâu. Gặp Bác anh sẽ thấy…

Vào bữa ăn, Bác ngồi đầu bàn, bên trái là đồng chí Nguyễn Văn Linh, bên phải là đồng chí Vũ Kỳ, bên đồng chí Vũ Kỳ là đồng chí cùng đi với đồng chí Nguyễn Văn Linh. Theo thói quen, mở đầu bữa ăn Bác húp một thìa canh. Bác vừa húp canh xong, đồng chí Nguyễn Văn Linh đón bát để xới cơm cho Bác, Bác khẽ khua tay nói:

- Chú để chú Kỳ giúp Bác. Thấy bát của Bác khá to, đồng chí Nguyễn Văn Linh thưa:

- Sao Bác ăn chén to thế? Bác quay sang đồng chí Nguyễn Văn Linh:

- Các chú ăn yếu làm sao đánh giặc được.

Thế là các vị khách của Bác xơi cơm bát nào bát nấy cũng đầy ụ, còn đồng chí Vũ Kỳ xới cho Bác vơi vơi một chút, lại cố làm cho bông bông những hạt cơm lên. Và thế là Bác ăn xem ra có vẻ chả kém gì các vị khách vừa mới bước qua ngưỡng cửa trung niên ấy.

Khi ra về đồng chí Nguyễn Văn Linh tỏ vẻ yên tâm vui vẻ nói với đồng chí Vũ Kỳ “Bác ăn khá đấy, thế mà lại bảo Bác yếu…”

Bác đã luyện giọng đọc thơ như thế nào? Từ trước Tết Kỷ Dậu hơn một tháng, sáng nào cũng vậy, ngủ dậy tập thể dục, đánh răng rửa mặt xong, Bác xuống nhà ăn, ăn sáng. An sáng xong là Bác ngồi vào chiếc bàn đồng chí Vũ Kỳ làm việc tập đọc gắng sao cho rõ, to, không có tiếng thở. Khi thì Bác đọc những đoạn văn, đoạn thơ Bác đã thuộc. Có những hôm Bác bảo mấy đồng chí bảo vệ đứng ra phía sau nhà, cách Bác chừng 20 thước nghe Bác đọc và Bác kiểm tra kết quả đọc của mình qua việc yêu cầu các đồng chí ấy nhắc lại lời Bác. Có những đoạn thơ quen thuộc, đồng chí bảo vệ nhắc lại, Bác e đồng chí ấy chỉ nghe láng máng và nhắc lại theo trí nhớ, nên Bác đọc chệch đi, câu mở đầu Truyện Kiều “Trăm năm trong cõi người ta – Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” Bác đọc thành “Trăm năm trong cõi người ta – Chữ tài chữ mệnh khéo là yêu nhau” Đồng chí bảo vệ nhắc lại đúng các chữ sau, Bác mới yên tâm (tất nhiên sau khi đồng chí bảo vệ nhắc lại đúng thì Bác cháu cùng thú vị cười vui).

Ngày nào cũng như ngày nào, sau khi luyện đọc hồi lâu Bác mới lên Nhà sàn làm việc. Hơn một tháng trời như vậy Bác không bỏ luyện đọc một ngày nào.

Đến ngày Đài tiếng nói Việt Nam đến thu thanh, Bác dặn cán bộ kỹ thuật lưu ý tăng âm và Bác ngồi tại phòng, vẫn tiếp khách ung dung tự tại đọc những vần thơ chúc Tết lịch sử. Đọc xong Bác ra xe đặt máy đề nghị mở băng cho Bác nghe lại. Nghe xong Bác hỏi đồng chí ở Đài tiếng nói Việt Nam:

- Bác có phải đọc lại không? Các đồng chí kỹ thuật nhà đài đáp ngay:

- Thưa Bác tốt ạ, tốt rồi ạ!

Thế là Bác chỉ đọc có một lần.

Bác cháu vui vẻ chụp ảnh kỷ niệm, rồi Bác còn nghe nghệ sỹ Trần Thị Tuyết ngâm thơ.

Có ai ngờ, đấy là cái Tết cuối cùng Bác đọc thơ chúc Tết đồng bào.

Có ai ngờ, để làm một việc giản dị vậy thôi, Bác phải luyện tập công phu, kiên trì như thế!

Theo Baotanghochiminh.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: