Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Dân trí là trình độ hiểu biết của nhân dân về văn hóa, khoa học – kỹ thuật, thể chế chính trị, hiến pháp và pháp luật, các chuẩn mực đạo đức và luân lý, v.v. Bởi vậy, dân trí thấp là mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm thực hiện âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì thế, nâng cao dân trí để ngăn chặn các hoạt động “diễn biến hòa bình” là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Trong quá trình thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, một trong những thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động là lợi dụng trình độ dân trí thấp của một bộ phận đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trọng điểm là Tây nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động nhằm chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ở những địa bàn này, ngoài việc dân trí thấp hơn các địa bàn khác, còn có những khó khăn về kinh tế, đời sống, giao thông,… để chúng dễ bề lợi dụng hoạt động chống phá. Thực tiễn cho thấy, thủ đoạn hoạt động của chúng thường là, tổ chức truyền đạo trái pháp luật, xuyên tạc sự thật, gây bạo loạn, mâu thuẫn giữa các dân tộc, giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương về đền bù đất đai để lôi kéo, kích động một số người nhẹ dạ, cả tin có những hành động thiếu tỉnh táo, kiềm chế gây mất ổn định về mọi mặt chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; thậm chí họ còn kích động tuyên truyền. Ở mức độ khác, họ còn đòi thành lập nhà nước (Đề Ga, H’.Mông, Khơ-me Krom) tự trị; lôi kéo, kích động một số đối tượng bất mãn, thoái hóa, biến chất ở một số khu vực nhạy cảm, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… ngấm ngầm tổ chức tụ tập đông người bằng sự che đậy tinh vi dưới mọi hình thức, kể cả về cái gọi là “lòng yêu nước” để phá hoại, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ Việt Nam với các nước láng giềng. Điển hình là lợi dụng vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD – 981 trái phép ở vùng biển của Việt Nam và gần đây là lợi dụng vụ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra ở 04 tỉnh ven biển miền Trung, họ đã xúi giục nhân dân, nhất là đồng bào công giáo tụ tập đòi yêu sách về đền bù, đóng cửa nhà máy Formosa gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt, trong đó có chính sách đầu tư của quốc gia. Song, những hành động trên của họ đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam kịp thời phát hiện, đấu tranh, nên chúng đã thất bại, không thực hiện được mưu đồ xấu. Không dừng lại ở đó, họ còn mua chuộc, lôi kéo một số trí thức, cán bộ, đảng viên biến chất ở trong nước và ngoài nước, xuyên tạc, nói xấu chế độ.

Hiện nay, sự chênh lệch về trình độ dân trí giữa các vùng miền: Nông thôn với thành thị, miền xuôi với miền ngược, đồng bào dân tộc Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số,... vẫn khá lớn. Các vùng có kinh tế khó khăn, dân trí thấp, như: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chia rẽ, gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Từ thực tế các vụ việc xảy ra ở một số vùng, miền trên cả nước vừa qua cho thấy, do trình độ nhận thức thấp nên người dân dễ bị lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo. Ví dụ: Tà đạo “Dương Văn Mình” với những lý lẽ nhảm nhí, “phi khoa học”, khuyên người Mông đi theo chúa trời thì khi bị bệnh sẽ tự khỏi; người già sẽ lột xác, không làm cũng có ăn, cũng giàu có, v.v.

Vì thế, coi trọng nâng cao dân trí góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để phòng, chống các hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động là vấn đề quan trọng hiện nay. Để thực hiện tốt, chúng ta cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, giải quyết tốt một số nội dung chủ yếu sau.

Một là, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cho toàn dân. Đặc biệt, đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số - nơi trình độ dân trí thấp cần kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền và coi trọng phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ cơ sở. Thông qua đó, kịp thời truyền tải một cách sâu rộng những giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức cách mạng, luân lý và những quan điểm thẩm mỹ tiến bộ, cũng như thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, của khoa học - công nghệ, v. v. Từ đó, giúp họ nhận thức đúng về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; thúc đẩy họ áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần - cội nguồn sức mạnh phòng, chống “diễn biến hòa bình”.

Đồng thời, tăng cường quản lý công tác xuất bản, phát hành và ngăn chặn kịp thời những văn hóa phẩm xấu độc, nhất là quản lý hệ thống thông tin mạng, những thông tin có nguồn từ nước ngoài, mạng xã hội,… làm cho nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.

Hai là, đổi mới, phát triển hệ thống giáo dục quốc dân ở các cấp học từ giáo dục mầm non, phổ thông, dạy nghề đến cao đẳng, đại học; chú trọng phổ cập giáo dục ở vùng kinh tế khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thành mạng lưới dạy nghề cho lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, người tàn tật, gắn dạy nghề với tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên, thực hiện nhiều hình thức đào tạo đáp ứng yêu cầu đa dạng của đội ngũ lao động, giảm sự bất bình đẳng giữa các vùng miền, trong các khu vực kinh tế. Chú trọng bồi dưỡng các giá trị văn hóa, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức, cốt cách con người Việt Nam cho thanh niên, học sinh, sinh viên.

Ba là, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của công tác giáo dục trong các nhà trường, cần coi trọng xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế và cơ sở văn hóa, như: Nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, bảo tàng, công viên văn hóa, v.v. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án quốc gia phải gắn kết chặt chẽ các phong trào thi đua với các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của các địa phương, nhất là các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng việc làm; các phong trào như: “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhằm quy tụ lòng người, tạo sức mạnh tổng hợp phòng, chống các hoạt động “diễn biến hòa bình”.

Bốn là, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ trí thức – lực lượng nòng cốt thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Coi trọng kết hợp công tác giáo dục với định hướng chính trị, xây dựng cho họ có bản lĩnh chính trị, lập trường kiên định, vững vàng, có trình độ chuyên môn, học hàm, học vị, tạo điều kiện cho họ phát huy trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong bối cảnh phức tạp hiện nay, càng cần phải khơi dậy, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, nhất là âm mưu, thủ đoạn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch để góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

HẢI ÂU

Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Đức Lâm (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: