Tính từ năm 1942 cho đến khi qua đời năm 1969, hầu như đón Xuân năm nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có thư và thơ chúc mừng năm mới. Theo tư liệu, có 20 bài thơ và 10 bức thư như vậy.
Bài thơ “Chúc mừng năm mới” đăng Báo Việt Nam độc lập số 114 năm 1942 là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác, trong đó bạn đọc đã bắt gặp biểu tượng cờ đỏ ngôi sao xuất hiện như một điềm báo trước:
Chúc toàn quốc ta trong năm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới
Cho đến năm 1969, đón Xuân Kỷ Dậu, Bác viết bài thơ chúc Tết cuối cùng, vị trí bài thơ nằm ở phần cuối “Thư chúc Tết mừng năm mới” gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Toàn áng thơ toát lên không khí tự tin, hào sảng tên con đường kháng chiến chống Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc; tư thế là của người nắm lẽ phải, đang chiến thắng, lời lẽ giản dị đến không thể giản dị hơn:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì Độc lập, vì Tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên, chiến sĩ đồng bào
Bắc- Nam sum họp Xuân nào vui hơn !
Chất thơ, tài thơ của loại thơ này không phải ở nghệ thuật sử dụng từ ngữ, độ hàm súc, nhiều tầng nghĩa, kết cấu phức tạp, bởi vậy, không phải công phu mới cảm nhận thấu hiểu hết được. Chất thơ, tài thơ ở đây chính là sự dễ hiểu, dễ thuyết phục, nhiều thông tin và dự cảm, để mọi người trong cộng đồng tin theo, làm theo vì một mục đích tối thượng đang đeo đuổi.
Bác Hồ viết thư và bài thơ chúc Tết này đúng vào ngày 1-1-1969. Sức khoẻ của Người bấy giờ đã sút kém tới mức báo động. Trong bài “Tết con Gà, nhớ Tết cuối cùng của Bác” in trên Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết Ất Dậu 2005, nhà văn Sơn Tùng ghi lại một số chi tiết rất đáng nhớ: “Một ngày Chủ nhật giáp Tết, 26-1-1969, Bác lên cơn đau. Các tấm rèm nan tre nhuộm xanh đều thả xuống quanh bốn phía Nhà sàn nơi Bác sống và làm việc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ bên kia vườn Phủ Chủ tịch đi sang với Bác lúc đau đớn này. Bốn giờ chiều, Hội đồng bác sĩ chẩn bệnh cho Bác… Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở lại với Bác tận tối, cùng ăn bữa tối với Bác.
Sáng ngày hôm sau, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ, với đồng chí Trần Lâm, bên Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị để ghi tiếng Bác đọc thơ Xuân và chúc mừng năm mới đến đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Bác gọi bác sĩ Mẫn cùng ngồi với đồng chí Vũ Kỳ để nghe giọng nói của Bác đã bình thường, rõ tiếng chưa. Nếu chưa thì để Bác luyện giọng tiếp, bác sĩ giúp Bác về thuốc thang cho chóng nói được tốt, kẻo khi đồng bào chiến sĩ nghe giọng nói không bình thường thì sinh lo lắng. Bác sĩ Lê Đình Mẫn rót nước trà cam thảo để Bác thấm giọng, Bác đọc: “Năm qua thắng lợi vẻ vang…” Đồng chí Vũ Kỳ vui hẳn lên: Giọng Bác gần như bình thường, Bác ạ! Bác luyện, thuốc thang thêm chút nữa, đến hôm Đài tới ghi, chắc chắn giọng đọc thơ của Bác ai nghe cũng vui! Rồi bác sĩ Mẫn nói nhỏ với đồng chí Vũ Kỳ: Năm con Gà Kỷ Dậu này, Bác đã tiên tri Mỹ cút Ngụy nhào, Bắc - Nam sum họp, ngày quét sạch giặc ngoại xâm của dân tộc ta chắc không còn xa nữa!”
Câu chuyện Bác Hồ chuẩn bị cho việc đọc thư và thơ Xuân năm 1969 do nhà văn Sơn Tùng cung cấp giúp cho mỗi chúng ta, càng qua thời gian càng thấm thía thêm những tình cảm, những nỗ lực và hy vọng tột cùng của Người cho dân, cho nước. Đầu mỗi năm mới, việc khai bút làm thơ Tết, chúc Tết từ nhiều đời nay đã trở thành một tập tục, một truyền thống, một giá trị mỹ học rất đáng trân trọng, đáng lưu giữ của nhiều dân tộc ở Á Đông, trong đó có Việt Nam. Với Bác, người am tường triết học và văn hoá Phương Đông, thì cái riêng và cái chung, hiện tại và dự đoán, cho mình và cho người, nỗi niềm và nhắn gửi, văn chương và văn hoá ứng xử… tất cả đã kết hợp một cách hài hoà trong mỗi một bài thơ chúc Tết.
Ông Niculin - Tiến sĩ văn học người Nga, một nhà Việt Nam học nổi tiếng đã có lý và có tình khi đưa ra nhận xét: “Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm công tác văn học. Người viết những bút ký, làm thơ, trong đó cảm xúc cá nhân hoà lẫn với những sự kiện vĩ đại xẩy ra trong đất nước”.
Nguyễn Văn Hùng
Thu Hiền (st)