Đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư của Đảng, người học trò xuất sắc, người đồng chí gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực; một nhân cách lớn – một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và liên tục, đồng chí đã hiến trọn trái tim, khối óc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Trường Chinh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khoa bảng, yêu nước trên vùng đất địa linh nhân kiệt Nam Định, được giáo dục chu đáo, đồng chí đã sớm bộc lộ tư chất thông minh và nhiệt huyết với dân với đất nước. Năm 1925, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào yêu nước ở Thành Nam. Bị đuổi học, đồng chí lên Hà Nội, gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng năm 1927 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản ngay khi Đảng ra đời. Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, một chiến sĩ tiên phong tham gia thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Hoạt động tích cực trong Ban Tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng, cuối năm 1930, đồng chí bị địch bắt, kết án 12 năm tù, giam cầm tại Nhà tù Sơn La. Vượt qua những năm tháng bị đầy ải trong nhà tù đế quốc, năm 1936, đồng chí được trả tự do. Trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền, đồng chí Trường Chinh đã đem hết tài trí truyền bá cương lĩnh, đường lối của Đảng, góp phần vào sự thành công của Cuộc vận động dân chủ do Đảng lãnh đạo trong thời kỳ 1936 - 1939.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, đây là thời kỳ hết sức khốc liệt với cách mạng thế giới cũng như cách mạng Việt Nam, hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc đó bị thực dân Pháp bắt và giết hại. Vượt qua sự truy sát của kẻ thù, đồng chí Trường Chinh đã góp phần tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương và trở thành Quyền Tổng Bí thư của Đảng tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương (tháng 11-1940). Cùng với Ban Chấp hành Trung ương mới, đồng chí từng bước lãnh đạo, củng cố hệ thống tổ chức của Đảng, xây dựng các an toàn khu và đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.
Một số hình ảnh hoạt động của đồng chí Trường Chinh.
Tháng 5-1941, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương họp đã ra nghị quyết đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của cách mạng nước ta. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 là bước chuyển hướng chiến lược, là “chính sách mới” của Đảng. Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, quán triệt tư tưởng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, với tài năng tổ chức, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương, củng cố và khôi phục phong trào, phát triển lực lượng chính trị, xây dựng và mở rộng Mặt trận Việt Minh, xây dựng các chiến khu, thành lập khu giải phóng,… lãnh đạo đoàn kết toàn dân tộc tập trung vào nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu của cách mạng Việt Nam lúc này là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát-xít Nhật, giải phóng dân tộc. Nắm sát và dự báo đúng đột biến của tình hình Nhật sẽ “hất cẳng” Pháp độc chiếm Đông Dương, nên ngay đêm Nhật đảo chính Pháp, đồng chí đã kịp thời chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, mang ý nghĩa lịch sử này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học nhạy bén của đồng chí Trường Chinh đã thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước thành cao trào “Kháng Nhật cứu nước”. Trong những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử, được Hội nghị toàn quốc của Đảng cử phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, với vai trò của mình, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng kịp thời ra lệnh Tổng khởi nghĩa, phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám thành công – Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên Độc lập – Tự do và Chủ nghĩa xã hội.
Những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước cộng hòa non trẻ của ta nằm trong vòng vây của các thế lực đế quốc, phản động, cách mạng ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở nắm vững nguyên tắc và thực hiện các sách lược mềm dẻo của Trung ương Đảng, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã cùng Bác Hồ và Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta vượt qua sóng gió hiểm nghèo, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, tranh thủ thời cơ, chuẩn bị điều kiện mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1947, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh viết tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, vạch ra chiến lược chiến tranh cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chiến đấu và vững tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Năm 1951, trước yêu cầu mới, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo, tổ chức thành công Đại hội lần thứ II của Đảng. Tại Đại hội này, đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Trên cương vị đó, đồng chí đã cùng Bác Hồ, Trung ương Đảng quyết tâm lãnh đạo, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng miền Bắc, đánh dấu bắt đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên thế giới.
Đánh giá công lao của đồng chí Trường Chinh, Đảng ta khẳng định: “Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất, đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”…
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là Ủy viên Bộ Chính trị, trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng và là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, đồng chí Trường Chinh có nhiều đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng đường lối cách mạng, lãnh đạo, tổ chức và động viên nhân dân tập trung cao nhất mọi nguồn lực xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, chuẩn bị các quyết sách chiến lược lớn để giải phóng miền Nam, hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên cả hai miền, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Một số hình ảnh hoạt động của đồng chí Trường Chinh.
Đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Là Ủy viên Ban Dự thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1960-1961), Chủ tịch Ủy ban Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1980), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Nước CHXHCN Việt Nam (1981 - 1987). Đồng chí tham gia chỉ đạo soạn thảo và công bố nhiều đạo luật, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, nước ta trong tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội, trăn trở với thực tại đất nước, với sự nhạy bén và tư duy sắc sảo, đồng chí Trường Chinh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng đã thâm nhập thực tế, tập hợp các sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tìm tòi con đường đổi mới. Tháng 7-1986, đồng chí Trường Chinh được Ban Chấp hành Trung ương bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội VI của Đảng. Đại hội khẳng định đường lối đổi mới toàn diện, xác định rõ: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước, dân tộc. Đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra, mà đồng chí Trường Chinh là một trong những người tiên phong đã đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng, giữ vững chế độ XHCN ở nước ta trước sự đổ vỡ của hệ thống XHCN trên thế giới.
Không những là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đồng chí còn là nhà lý luận chiến lược của cách mạng Việt Nam, với nhiều tác phẩm có giá trị; là một nhà văn hóa lớn, tác phẩm “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943 là cơ sở lý luận cho đường lối văn hóa văn nghệ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của Đảng. Đồng chí cũng là một nhà báo, một tên tuổi hàng đầu trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, là nhà thơ với bút danh Sóng Hồng… Tất cả hòa quyện vào nhau, thể hiện một cách sinh động lương tâm, trí tuệ, tình cảm cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất.
81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng bền bỉ, liên tục, đồng chí Trường Chinh giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt 3 lần được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí đã cống hiến trọn đời cho dân, cho đất nước, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thắng lợi cuối cùng và mở đầu công cuộc đổi mới đất nước. Tên tuổi, sự nghiệp của đồng chí gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của Đảng, của dân tộc, với những kỳ tích của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
Học tập và noi gương đồng chí Trường Chinh, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang phấn đấu, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Nguyễn Tử Phương Thành (Tổng hợp)