Cách đây 70 năm, trong những ngày cuối năm 1946 đầu năm 1947, Hồ Chủ tịch đã bí mật chuyển tới một ngôi nhà tại xã Xuân Dương (Thanh Oai, Hà Nội) để làm việc. Tại đây, Người đã viết nhiều văn bản đối nội và đối ngoại quan trọng để chỉ đạo toàn diện cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ.
Chiếc máy chữ Bác đã sử dụng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Kiến Nghĩa
Tôi về xã Xuân Dương, tìm tới ngôi nhà năm xưa Bác đã từng ở trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Nếu như ngôi nhà tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) nơi Bác viết “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” đã rất nổi tiếng, thì nơi ở tiếp theo của Người tại xã Xuân Dương đến nay được biết đến chưa nhiều.
Dọc theo đường đê của xã, tới thôn Xuyên Dương, tôi thấy một tấm bia được dựng trang trọng để giới thiệu về ngôi nhà Bác ở, nằm cách đó vài trăm mét. Theo tư liệu lịch sử, ngày 19/12/1946, sau phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng thông qua “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” tại nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật rời khỏi đây ngay tối hôm đó để bảo đảm an toàn.
Nơi Người tới là nhà ông Nguyễn Huy Chúc nằm sát bờ đê sông Đáy, khi cần có thể di chuyển bằng đường thủy lẫn đường bộ đều thuận tiện. Trong thời gian Bác ở tại đây, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng thường đến làm việc để kịp thời đưa ra những kế hoạch, chỉ đạo sát thực trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến…
Ông Trần Đình Thỏa giới thiệu những tư liệu tại Nhà lưu niệm Bác Hồ. Ảnh: Kiến Nghĩa
Tại xã Xuân Dương, tôi gặp ông Trần Đình Thỏa, con cụ Trần Đình Thủy từng là quản gia trong gia đình cụ Nguyễn Huy Chúc trước đây. Ông Thỏa vốn là cán bộ văn hóa xã Xuân Dương nhiều năm, lại từng được bố kể về thời gian Bác ở nơi đây nên biết về câu chuyện năm xưa.
Ông cho biết: “Bố tôi kể lại, khoảng 8 giờ tối ngày 19/12/1946, có một số người tới nhà ông Chúc, trong đó có một ông cụ dáng đi nhanh nhẹn và có đôi mắt rất sáng. Khi đó mọi người, kể cả vợ chồng ông Chúc đều không biết đó là Bác Hồ, mà chỉ phỏng đoán đó là một cán bộ quan trọng của Cách mạng. Tại đây, Bác ở trong một ngôi nhà yên tĩnh, trên có gác xép. Cạnh nhà là căn hầm để trú ẩn”.
Thời gian đó, do không dám để ý đến công việc của Bác nên ông Trần Đình Thủy chỉ biết Người luôn làm việc rất khuya vì trong phòng luôn sáng ánh đèn. Hàng ngày luôn có một số người đến đây để họp bàn, trao đổi. Thời gian thấm thoát trôi, đến chập tối ngày 13/1/1947, Bác đã mời vợ chồng ông Chúc vào phòng để nói chuyện.
Trước hết, Người cảm ơn gia chủ đã giúp đỡ mình trong thời gian vừa qua, sau đó tặng quà mọi người. Do vợ mới sinh con gái đầu lòng, ông Chúc đã đề nghị Bác đặt tên cho cháu. Bác đặt tên con ông Chúc là Kim Minh, rồi chào mọi người và qua phà Ba Thá để rời đi.
“Khi đó, bố tôi cũng được Bác tặng 2 mét vải nâu để may áo. Bố tôi cất giữ chiếc áo rất cẩn thận, dịp quan trọng mới mang ra mặc rồi lại cất đi. Sau nhiều năm, chiếc áo rách dần, đến nay không còn. Trước khi mất vào năm 2009, không ít lần bố tôi vẫn nhắc đến chiếc áo đó” - ông Thỏa cho biết.
Sau khi Bác rời khỏi Xuân Dương, thực dân Pháp đã tới phá dỡ toàn bộ ngôi nhà nơi Người từng ở. Trước đó, gia đình ông Chúc đã được Cách mạng thu xếp chuyển đi nơi khác. Chiếc giường và bộ bàn ghế Bác từng làm việc cũng được người dân cất giấu, giữ gìn cẩn thận. Năm 1990, ngôi nhà được xã Xuân Dương cho khôi phục lại, dựa theo trí nhớ của cụ Trần Đình Thủy và một số người cao niên trong xã.
Nhà làm xong, chiếc giường, bộ bàn ghế Bác đã sử dụng năm xưa được chuyển lại vào ngôi nhà nơi Người từng ở. Vài năm sau, bà Nguyễn Thị Thanh, người năm xưa từng theo phục vụ Bác tại Xuân Dương cũng có dịp đến tham quan ngôi nhà này. Bà xúc động trào nước nước mắt khi nhớ lại cảnh cũ năm xưa, những ngày được theo phục vụ Bác, thấm thoắt mà đã vài chục năm…
Năm 2006, trước thực trạng ngôi nhà bị xuống cấp, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã quyết định tu bổ, phục hồi toàn bộ khu di tích rộng hơn 600m2, trong đó có ngôi nhà Bác Hồ đã ở và làm việc, đồng thời sưu tầm, phục chế các hiện vật…Tại đây được trưng bày thêm chiếc máy chữ được Bác sử dụng trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Cùng năm đó, khu lưu niệm này được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Thanh, người từng phục vụ Bác tại Xuân Dương thăm lại ngôi nhà Bác đã ở sau khi được phục hồi lần đầu. Ảnh: Kiến Nghĩa chụp lại ảnh tư liệu
Cùng ông Trần Đình Thỏa đi thăm di tích, ngoài những hiện vật Bác từng sử dụng năm xưa, tại đây còn có một số ảnh chân dung của các đồng chí đã từng về Xuân Dương gặp Bác để làm việc, hay tấm sơ đồ ghi lại quá trình di chuyển của Bác trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến…
Tại đây, tôi được đọc bức thư đầy xúc động mà Người đã viết tại Xuân Dương ngày 7/1/1947 để gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng sau khi biết con của bác sĩ đã hy sinh. Trên tấm biển lớn trích nội dung bức thư, Người bày tỏ: “… Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác, dũng cảm hy sinh, để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất đi nhưng tinh thần họ sẽ luôn còn với non sông Việt Nam…”.
Năm xưa, trước Tết Nguyên đán Đinh Hợi 1947 khoảng một tuần, Bác đã rời nơi đây để chuyển đến địa điểm mới, thấm thoắt mà đã 70 mùa Xuân đi qua…
|
Huyền Trang (st)