Tọa lạc bên con rạch Ruộng với dòng nước ngọt bốn mùa, Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm tự hào của người dân huyện Cái Bè vì đây là địa phương duy nhất trong tỉnh có Phủ thờ Bác. Phủ thờ không chỉ là nơi để tưởng nhớ vị Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc mà đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử quan trọng trong đời sống của người dân địa phương.
Phủ thờ Bác được xây dựng hình lục giác, mái cong, lợp ngói mang đậm nét kiến trúc phương Đông. Bên trong có bàn thờ Bác với bức tượng đồng cùng những hình ảnh tư liệu trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác. Khuôn viên bên ngoài được bao bọc bởi các loại hoa, cây kiểng. Phủ thờ được mở cửa thường xuyên để đón khách tham quan trong và ngoài địa phương đến đốt hương, tưởng nhớ Bác.
Vào dịp 19-5, 2-9 hàng năm, Tỉnh ủy, Huyện ủy cùng cán bộ xã, nhân dân 2 xã Tân Thanh, Tân Hưng đều đến Phủ thờ để tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm Bác. Phủ thờ còn đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch, cán bộ trong cả nước đến viếng trong những chuyến về nguồn khi đoàn đến tham quan khu đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) ở TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Đặc biệt, Phủ thờ còn là nơi tham quan của học sinh các trường trong huyện để giáo dục lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và phát động phong trào “Cháu ngoan Bác Hồ” thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy. Như trong ngày 26-3, Huyện Đoàn Cái Bè và Ban Giám hiệu trường THCS Thạnh Hưng đã tổ chức lễ kết nạp mới 116 đoàn viên tại Phủ thờ.
Theo lãnh đạo UBND xã Tân Thanh, quá trình xây dựng Phủ thờ Hồ Chí Minh như sau: Sau ngày 30-4-1975, nhằm tưởng nhớ công ơn của Bác, các cán bộ cách mạng lão thành của xã Thanh Hưng (sau này tách ra thành Tân Hưng và Tân Thanh vào năm 1979) đã đề xuất lấy nền bót của chế độ cũ ngay dưới đầu cầu rạch Ruộng để xây dựng Đền thờ tưởng nhớ Bác.
Việc xây dựng Phủ thờ Bác được sự đồng tình ủng hộ cao của bà con trong xã cũng như một số đồng hương làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh đóng góp tiền, công sức để xây dựng. Nhờ sự đồng tình hưởng ứng cao, công trình khởi công vào tháng 8-1975 thì đến năm sau đã hoàn thành.
Đến năm 1983, Phủ thờ được tổ chức trùng tu, nâng cấp bằng nguồn kinh phí đầu tư của Tỉnh khang trang như hiện nay. Ngày 2-9-2006, Bảo tàng Quân khu 9 đã hỗ trợ UBND huyện Cái Bè 50 triệu đồng để trưng bày 5 mảng hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác.
Mặc dù về ranh giới hành chính, Phủ thờ Bác Hồ tọa lạc ở ấp 3, xã Tân Hưng nhưng Phủ thờ được xem là biểu tượng văn hóa, lịch sử của hai xã. Đây cũng chính là động lực giúp chính quyền và nhân dân 2 xã phấn đấu thi đua xây dựng, phát triển kinh tế. Điều này được minh chứng bằng thành tích được công nhận xã văn hóa của xã Tân Thanh vào ngày 20-5-2003, xã văn hóa đầu tiên của huyện Cái Bè.
Điều cảm động là không chỉ đến ngày 19-5, 2-9 mà đến các ngày lễ, Tết, đông đảo người dân 2 xã cũng tự đến Phủ thờ viếng Bác.
Ông Đỗ Văn Liêm (54 tuổi, ấp 4, xã Tân Thanh), cho biết: Đến Phủ thờ đốt nhang viếng Bác Hồ như đã thành thông lệ của bà con, đây là cách thể hiện đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vì nhờ có Hồ Chủ tịch mới có hòa bình độc lập. Vì Bác Hồ ở Hà Nội xa quá, nên khi đến Phủ thờ cũng như đã được gặp Bác! Người dân ở đây cũng như nhiều nơi khác đến Phủ thờ đều rất xúc động khi xem tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác.
Ngoài Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Tân Thanh hiện nay, trước ngày 30-4-1975 huyện Cái Bè còn có 2 đền thờ Bác Hồ ở Cái Bè (nay đã không còn). Đó là 2 đền thờ được dựng vào năm 1972 ở xã Mỹ Thiện (sau này tách thành 2 xã Thiện Trung và Thiện Trí) và Hậu Mỹ Nam để tưởng nhớ và hun đúc lòng yêu nước của cán bộ, nhân dân xã nhà trong chống Mỹ.
Tại xã Mỹ Thiện, đền thờ được dựng ở ấp Mỹ Phúc gần rạch Cả Sơn, trong khoảng đất vườn của ông Đỗ Văn Điệu. Đền thờ lúc bấy giờ được làm theo kiểu hình tròn, lợp tuýt-rô, vách đóng bằng cây, trong đền có bàn thờ và ảnh Bác bằng vải với chiều rộng khoảng 6m và trước đền có cột cờ. Còn đền thờ Bác Hồ tại xã Hậu Mỹ Nam đặt ở ấp Mỹ Tường, mái và vách lợp lá, trong đền có bàn thờ với ảnh Bác bằng giấy in.
Theo lời kể của ông Đặng Minh Tiến, nguyên là Trưởng ban An ninh vũ trang xã Mỹ Thiện, ông Đinh Hồng Lư, nguyên là Bí thư xã Hậu Mỹ Nam thời kỳ 1965-1975:
Niềm tự hào của cán bộ, cơ sở cách mạng ở hai xã là từ khi lập đền cho đến ngày hòa bình, các đền thờ Bác hoàn toàn được bảo vệ nguyên vẹn, không hề bị đánh phá. Thậm chí trận chống càn ác liệt với trận chiến 7 ngày đêm máu lửa nhưng đền thờ Bác vẫn được bảo vệ an toàn. Sự hiện hữu và tồn tại nguyên vẹn của đền thờ Bác Hồ sau mỗi trận càn như khẳng định một chân lý đã trở thành sự thật: Lòng dân tin Đảng, tin vào Bác thì cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam nhất định thắng lợi vẻ vang.
Hướng đến kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Bác, người dân huyện Cái Bè lại càng thêm tự hào là địa phương đã lập và bảo vệ thành công Đền thờ Bác đến ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là đã xây dựng, bảo quản Phủ thờ Hồ Chí Minh như hiện nay./.
HỮU CHÍ
Theo baoapbac.vn
Thanh Huyền (st)