Qua chiến đấu và chiến thắng, Đảng ta, cả dân tộc và mỗi người dân Việt Nam yêu nước được rèn luyện về nhiều mặt, càng nhận thức được đúng đắn hơn con đường đi tới tương lai, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...
Trong khi Đại hội lần thứ XII của Đảng thành công rực rỡ với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới” thì trên trang điện tử BBC tiếng Việt lại có bài viết lạc lõng: “Đại hội Đảng và tính chính danh cầm quyền”. Tác giả bài viết cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự phong cho mình quyền lãnh đạo đất nước?”. Thực tế có phải như vậy không, hay đây lại là một hành vi “rắc cát vào động cơ” đang thúc đẩy bánh xe lịch sử đưa dân tộc tiến lên phía trước.
Một tất yếu khách quan
Trong thời đại ngày nay, đảng chính trị lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã trở thành hiện tượng phổ biến khắp toàn cầu. Ngay cả một số quốc gia còn tồn tại chế độ quân chủ-vương quyền thì quyền lực nhà vua chỉ còn là tượng trưng, các đảng chính trị mới thực sự là nhân tố lãnh đạo chính quyền, giữ vị trí quyết định đường hướng phát triển của đất nước. Đây là giá trị mang tính phổ quát của nhân loại và được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận, đưa vào hiến pháp của quốc gia mình. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, Điều 21 của Hiến pháp nước này quy định: “Các đảng chính trị tham gia vào việc hình thành ý thức chính trị của nhân dân”. Như vậy, việc một đảng chính trị xây dựng đường lối và tổ chức thực thi công việc lãnh đạo chính quyền là một tất yếu khách quan. Nhà nước là cơ quan đại diện quyền lực của nhân dân. Đảng nào giành được sự tín nhiệm của số đông dân chúng, đảng ấy trở thành đảng cầm quyền. Đây cũng là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, không thể đem giá trị của dân tộc này áp đặt lên một dân tộc khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.
Vấn đề tiếp theo cần bàn là số lượng đảng chính trị ở mỗi quốc gia. Thực tế lịch sử các nước trên thế giới cho đến nay cho thấy, vấn đề số lượng đảng chính trị không nói lên chất lượng dân chủ, không là thước đo đánh giá trình độ dân chủ của quốc gia đó. Theo một tài liệu thống kê năm 2003 được công bố ở nước Anh trong sách “Species of Political Parties: A New Typology”, trên thế giới có hàng chục quốc gia theo mô hình có nhiều đảng tham chính thì cũng có hàng chục quốc gia theo mô hình chỉ một đảng tham chính. Rất nhiều quốc gia châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ la-tinh phát triển đất nước không theo mô hình xã hội chủ nghĩa cũng chỉ có một đảng chính trị duy nhất lãnh đạo như Ả-rập Xê-út, Ba-ren, Bê-nanh, Găm-bi-a, Gha-na, Ha-i-ti, Bô-xni-a Héc-dê-gô-ni-a, Mô-na-cô, Tát-gi-ki-xtan… Riêng với các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, có nước một đảng, có nước có nhiều đảng chính trị, do sự lựa chọn của nhân dân nước đó quy định và được ghi vào hiến pháp. Như ở Trung Quốc, có 8 đảng chính trị nhưng cả 8 đảng đều thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng duy nhất lãnh đạo chính quyền. Ở các nước tư bản phát triển, nhiều nước theo mô hình đa đảng nhưng quyền lãnh đạo Nhà nước cũng thường chỉ dồn vào một hoặc hai đảng. Như nước Mỹ, có tới 112 đảng chính trị đăng ký hoạt động nhưng suốt lịch sử mấy trăm năm của nước này chỉ có hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thay nhau cầm quyền. Ở Xin-ga-po cũng có nhiều đảng, nhưng chỉ có Đảng Nhân dân hành động cầm quyền. Rõ ràng, một đảng hay nhiều đảng lãnh đạo nhà nước là quyền lựa chọn của nhân dân mỗi nước.
Đối với Việt Nam, vào thời điểm đầu năm 1930 vẫn là một xứ thuộc địa của Pháp. Các cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương đã thúc đẩy quá trình phân hóa xã hội thêm gay gắt. Sau giai cấp công nhân, giai cấp tư sản cũng ra đời, là một giai cấp nhỏ yếu, chủ yếu là những nhà buôn cung cấp dịch vụ cho giới chủ của “chính quốc” Pháp và do đó hầu hết lệ thuộc chính trị vào các ông chủ. Giai cấp tư sản dân tộc ở Việt Nam mà đại diện là Việt Nam Quốc dân đảng do lãnh tụ Nguyễn Thái Học đứng đầu đã tham gia phong trào yêu nước nhưng thiếu đường lối đúng đắn, thiếu lòng tin vào sức mạnh của nhân dân, đã phiêu lưu khởi nghĩa giành chính quyền thông qua cuộc khởi nghĩa Yên Bái ngày 10-2-1930 với phương châm “không thành công thì cũng thành nhân”. Kết quả của sự phiêu lưu đó là cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, khiến tình thế dân tộc “đen tối như không có đường ra”. Không một đảng phái chính trị nào còn tồn tại dưới sự “khủng bố trắng” của thực dân Pháp.
Giữa lúc đó thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đường lối của Đảng chỉ rõ mâu thuẫn chủ yếu của dân tộc, vạch rõ đối tượng và lực lượng cách mạng, chủ trương con đường “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đường lối đúng đắn đó ngay lập tức chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước. Năm 1945, chỉ với khoảng 5.000 đảng viên nhưng Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám, một cuộc cách mạng “long trời lở đất”, đưa Việt Nam từ xứ thuộc địa trở thành nước độc lập. Ở thời điểm đó, nhân dân ta chỉ thừa nhận duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo; nhưng do tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, nhân dân ta đã chấp nhận cho hai đảng chính trị phản động tồn tại là Việt Quốc và Việt Cách. Khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, cả hai đảng này đã bám gót quan thầy, bỏ chạy khỏi đất nước mình, tự động bỏ lại cả 70 ghế trong Quốc hội mà nhân dân ta đã “nhượng” cho họ không qua bầu cử. Sau ngày 30-4-1975, ở nước ta vẫn tồn tại 3 đảng chính trị, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn có Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, sau đó đã tuyên bố tự giải tán.
Điểm lại đôi nét về lịch sử các đảng chính trị tại Việt Nam như vậy để thấy rằng, việc Đảng ta trở thành đảng chính trị duy nhất ở Việt Nam là một quá trình lịch sử tự nhiên, hoàn toàn khách quan, do nhân dân tin tưởng và giao phó trọng trách. Ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào, Đảng cũng luôn khẳng định mình là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân và của cả dân tộc Việt Nam. Thành công không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam trong 86 năm qua, chính là thành công trong công tác tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng giàu bản lĩnh, trí tuệ
Được nhân dân và lịch sử dân tộc chọn lựa trở thành Đảng lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh, tài năng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, càng trải qua những cơn bão táp hay những thử thách ngặt nghèo của lịch sử, Đảng càng tỏ rõ bản lĩnh và trí tuệ, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, lâm vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, phải đương đầu ngay với một liên minh phản động quốc tế: Ở phía Bắc có 20 vạn quân Tưởng, ở phía Nam có quân Anh, Pháp cùng với hàng chục nghìn hàng binh phát xít Nhật. Đặc biệt nguy hiểm là mưu đồ “diệt Cộng, cầm Hồ” của Tưởng Giới Thạch. Trong tình thế hiểm nghèo đó, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng được thể hiện qua những sách lược quan trọng, thực hiện “hòa để tiến” nhằm phân hóa kẻ thù, thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, sẵn sàng chấp nhận cả việc tuyên bố giải tán Đảng, đưa Đảng trở lại hoạt động bí mật nhằm tranh thủ mọi cơ hội, biến thời gian thành lực lượng, đưa cách mạng vượt qua bão tố.
Từ tháng 9-1945 đến tháng 4-1975, Đảng lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, 30 năm trời ròng rã, phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh to lớn. Sau đó, chúng ta còn phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, kết hợp với việc cứu giúp nước bạn Cam-pu-chia trước nguy cơ bị diệt chủng, trong nhiều tình huống không thể lường trước. Đặc biệt, sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ, cơn bão táp của thoái trào chính trị trên thế giới tưởng như sẽ cuốn phăng các nước XHCN còn lại, trong đó có Việt Nam. Nhưng bằng sức mạnh nội sinh của một dân tộc khát khao hòa bình, độc lập và CNXH, Đảng đã đồng hành cùng nhân dân, cùng đất nước bước qua khủng hoảng bằng công cuộc đổi mới với những tư duy sáng suốt nhưng vẫn trên tinh thần kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh, sự vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng ở nước ta càng đi vào cuộc sống, càng được chứng minh là rất đúng đắn. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã "mang sức ta mà giải phóng cho ta", vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc. Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập thống nhất, có đầy đủ chủ quyền, có quan hệ quốc tế rộng rãi và là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới; thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức trung bình; đất nước có lực lượng vũ trang đủ mạnh và trung thành với lý tưởng của Đảng, có nền văn hóa, khoa học công nghệ đang trên đà phát triển, luôn tích cực và chủ động giải quyết các vấn đề đối nội, đối ngoại, có vị thế ngày càng quan trọng, sánh vai cùng với các nước năm châu.
Qua chiến đấu và chiến thắng, Đảng ta, cả dân tộc và mỗi người dân Việt Nam yêu nước được rèn luyện về nhiều mặt, càng nhận thức được đúng đắn hơn con đường đi tới tương lai, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý các vấn đề sao cho “trong ấm, ngoài êm”, biết “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”, “bảo vệ Tổ quốc từ xa”. Tại Đại hội XII của Đảng, trong bài phát biểu giới thiệu những nội dung cốt lõi của Văn kiện trình Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta”. Đó không chỉ là sự khẳng định ý chí kiên định của Đảng ta, nhân dân ta và dân tộc ta, mà còn là lời khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành của Đảng ta, một Đảng giàu bản lĩnh và trí tuệ đang quyết tâm và tự tin đưa dân tộc vững bước trên con đường đã chọn./.
Hồng Hải
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huống (st)