Ngày 16-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, lên án chủ nghĩa thực dân Pháp và đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được sự phồn vinh và phúc lợi trong nước, sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới. An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”. Đây là văn kiện mang tính nhà nước đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng một số thành viên nhóm tình báo "Con Nai" Mỹ
tại Tân Trào năm 1945. Ảnh tư liệu.
Quay ngược lại dòng thời gian, chúng ta nhớ về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại NewYork. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa phải làm việc trên tàu để kiếm sống vừa học tập và tìm hiểu về lịch sử – xã hội nước Mỹ. Năm 1966, trong lần tiếp nhà báo Mỹ David Dellinger, Người có nói: “Khi trở về Mỹ, ông có thể nói rằng tôi đã đi làm cho người ta với lương tháng 40 đô-la, còn bây giờ làm Chủ tịch nước Việt Nam, tôi được lĩnh 44 đô-la. Tôi làm việc không đến nỗi vất vả lắm, và tôi dùng một số thời gian rảnh để học tập và đi thăm những khu vực khác trong thành phố”.
Người đã nghiên cứu truyền thống văn hóa Mỹ, đặc biệt là bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ do Th. Jeffersơn khởi thảo. Đây là một văn kiện đầy sức mạnh, đã khuấy động tâm hồn bao nhà cách mạng thế giới, trong đó có Hồ Chí Minh. Những tư tưởng của bản Tuyên ngôn đã được Hồ Chí Minh tiếp nhận và trích dẫn nhiều lần. Năm 1925, khi viết “Lịch sử cách mạng Mỹ”, Người đã dẫn câu: “Giời sinh ra, ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn sung sướng… Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng thì dân chúng phải đạp đổ Chính phủ ấy đi và gây lên Chính phủ khác…” (Đường Kách mệnh). Trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người suy rộng câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng...” trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Washington thành “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng...”.
Với Hoa Kỳ, năm 1913, Nguyễn Tất Thành đã đến đây, đến chân tượng Nữ thần Tự do ở New York, biểu tượng cho tự do của nhân dân Mỹ. Người đã đến nhiều nơi trên đất Mỹ, đã lao động, đã sống và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân ở đây. Hồi đó, Mỹ đã giàu và mạnh. Sau thế chiến thứ nhất Mỹ giàu và mạnh hơn và sau thế chiến thứ hai, Mỹ trở thành cường quốc giàu và mạnh bậc nhất thế giới. Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đã có những cơ duyên vô cùng tốt đẹp và thuận lợi. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (1-9-1939), trên đường về nước, Nguyễn Ái Quốc đã thấu hiểu chiến tranh và xác định cách mạng giải phóng dân tộc của dân tộc ta đứng về phe Đồng Minh chống phát xít. Sau khi Người về nước, Nghị quyết BCHTW Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (Khóa I) đã ghi rõ tư tưởng này. Nghị quyết còn chỉ rõ: Phát xít Đức sẽ tấn công Liên Xô, chúng sẽ thất bại, chủ nghĩa phát xít sẽ thất bại, thời cơ sẽ đến với nhân dân Việt Nam (phe Đồng Minh lúc đó bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và các dân tộc tiến bộ khác chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh). Sau khi thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), Nguyễn Ái Quốc rất muốn tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Đồng Minh, đặc biệt là Mỹ. Cuối 1944, một máy bay do thám Mỹ trên bầu trời Bắc Việt Nam bị pháo cao xạ Nhật bắn hạ, Trung úy phi công William Saw nhảy dù xuống Cao Bằng và được Việt Minh cứu thoát khỏi vòng vây của Nhật-Pháp. Trung úy Saw được Bác Hồ tiếp đón thân mật và Người tìm cách đưa viên phi công về Trung Quốc cho Tập đoàn không quân số 14 Mỹ. Đầu tháng 3-1945, nhân danh lực lượng Việt Nam giải cứu cho Trung úy Saw, Hồ Chí Minh tiếp xúc với AGAS. Phía Mỹ cảm ơn và tặng người thuốc men, tiền bạc. Người không nhận tiền.
Quan hệ Việt - Mỹ những năm 1944 - 1945 đã có những bước phát triển tốt đẹp. Những người bạn Mỹ đã đến Việt Nam, đã giúp đỡ vật chất và tinh thần cho cách mạng Việt Nam. Rất tiếc là sau đó, Hồ Chí Minh dù cố gắng tìm mọi cách để phát triển quan hệ này cho tốt đẹp hơn, nhưng phía Mỹ lại tìm mọi cách để lảng ra.
Ngày 25-8-1969 (trước lúc đi xa một tuần) Bác Hồ đã viết thư cho Tổng thống Mỹ. Người đã gợi mở cho Tổng thống Mỹ rằng: Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng (Tổng thống Mỹ đã gởi thư cho Bác-TG). Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam… Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự… Tư tưởng ấy của Bác thể hiện rất rõ trong các điều khoản của Hiệp định Pari 1-1973, tạo điều kiện để Mỹ rút quân trong danh dự.
Trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Barack Obama, một trong các nội dung quan trọng hàng đầu mà hai bên thảo luận và hợp tác là vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama
Với tinh thần như Phó Tổng thống Joe Biden đã “lẩy” Kiều trong tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam năm ngoái “Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”, chúng ta tin rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác thiện chí với Việt Nam vì lợi ích chung, vì sự tiến bộ, vì hoà bình, an ninh khu vực và trên toàn thế giới, đúng như niềm hy vọng và tin tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vào Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ trong nửa đầu thế kỷ XX.
Hai ông Harry Ashmore và W.Baggs chủ bút tờ Miami News đã quá cố, là những người Mỹ cuối cùng có cuộc trò chuyện dài với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi họ đến thăm Hà Nội đầu năm 1967. Khi về Mỹ, họ đã viết: “Chúng tôi có cảm tưởng Cụ Hồ là một người có trí óc thông minh, hoàn toàn độc lập và không tin tưởng một cách mù quáng. Cụ thường tỏ vẻ như một người, tuy đã bị lừa dối nhiều phen, nhưng không thù hằn gì về những chuyện quá khứ và cũng quyết không bao giờ để mình lại bị mắc mưu một lần nữa”.
71 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập. Mối quan hệ Việt – Mỹ đã có những bước tiến quan trọng. Cái bắt tay thân thiện giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Mỹ George.W.Bush vào lúc 10h 50 phút ngày 22-6-2007 đã đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ Việt - Mỹ: Chúng ta nên nắm tay nhau hướng tới tương lai. Cuộc hội ngộ này chậm mất hơn nửa thế kỷ. Lúc đó, Bác Hồ đã hết sức cố gắng, các sĩ quan Mỹ cũng đã cố gắng. Nhưng người đứng đầu Nhà Trắng chưa hiểu thiện chí của Bác, của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền độc lập của các quốc gia dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi… Đó cũng chính là những tư tưởng chủ đạo trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, của tư tưởng Hồ Chí Minh: Luôn luôn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, phát triển và tiến bộ.
Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cánh cửa quan hệ Việt - Mỹ đã được khai mở. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện mong muốn hợp tác của Việt Nam với Mỹ. Người đã tranh thủ mối quan hệ này để làm nhiều việc cho cách mạng. Với cách ứng xử tài tình trong công tác ngoại giao của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà người Mỹ hiểu về nhân dân Việt Nam. Và hơn nữa, hình ảnh Người cũng đã để lại trong lòng những người bạn Mỹ những tình cảm sâu sắc không chỉ lúc đó mà cả sau này./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)