Ngày 20.2.2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Dựa trên tư liệu của Ban Đề tài tư liệu lịch sử “Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác” (ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa) và một số tài liệu của các nhà nghiên cứu đã được công bố, Lao Động trân trọng giới thiệu con đường vào thăm Thanh Hóa của Bác 70 năm trước.
Con đường lần đầu Bác vào thăm Thanh Hóa
Chiều 19.2.1947, chiếc xe Jeep được ngụy trang đưa Bác vào Thanh Hóa kinh lý. Người lái xe cho Bác là đồng chí Nguyễn Văn Nên (Bác đặt tên là Ngọc); đồng chí bảo vệ tiếp cận Nguyễn Văn Lý (Bác đặt tên là Hoàng Hữu Kháng).
Trước đó, ngày 7.2.1947, Bác đã gửi thư cho ông Hoàng Hữu Nam – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch - yêu cầu các tỉnh, trong đó có Thanh Hóa, trong 10 ngày phải cung cấp 31 điểm câu hỏi điều tra về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, dân cư, địa lý, ưu khuyết điểm để Người nắm tình hình.
Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh số 15/SL bổ nhiệm ông Đặng Việt Châu – nguyên Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ - làm đặc phái viên Chính phủ ở Thanh Hóa.
Ngày 14.2.1947, sau 2 tháng cầm chân Pháp ở thủ đô, Bác chỉ thị cho Bộ Tổng chỉ huy rút các lực lượng chiến đấu ở trung tâm ra khỏi thành phố Hà Nội để đảm bảo an toàn lực lượng chủ lực, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ.
Cùng ngày 14.2.1947, Bác đã thảo mật điện cho ông Đặng Việt Châu về chủ trương: “Có tối cao đặc phái Chính phủ vào Thanh Hóa kinh lý, chuẩn bị báo cáo công việc”. Ngày 17.2.1947, Bác đã triệu tập cuộc làm việc với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Lê Văn Hiến, Hoàng Hữu Nam để thông báo về chuyến đi Thanh Hóa.
Như vậy, chuyến đi Thanh Hóa lần đầu tiên với tư cách người đứng đầu Chính phủ non trẻ được Bác chuẩn bị rất kỹ và đã được Người vạch sẵn lộ trình.
Từ địa điểm chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây – nay là Hà Nội), nơi Bác làm việc lúc bấy giờ, đoàn công tác đưa Bác đi đường 6A ra Xuân Mai, rẽ trái theo đường 21 về Chi Nê. Đêm 19.2.1947, Bác nghỉ tại nhà khách Đồn Điền của ông Đỗ Đình Thiện – một cơ sở cách mạng của Bác, ông Thiện từng là thư ký của Bác trong chuyến đi Pháp năm 1946.
3 giờ sáng 20.2.1947, từ đồn điền Chi Nê sang đường 59 đi Nho Quan (Ninh Bình), đến đường 12 đi Ghềnh, theo quốc lộ 1A. 8 giờ sáng 20.2, Bác gặp đoàn cán bộ Thanh Hóa ra đón gồm các đồng chí: Bùi Đạt – Bí thư Tỉnh ủy, Lê Chủ - Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa, Đặng Việt Châu – đặc phái viên Chính phủ tại Thanh Hóa.
Sau khi nghe đồng chí Bùi Đạt báo cáo sơ bộ tình hình, Bác hỏi về cách thức, thành phần và nội dung cuộc họp cũng như địa điểm tổ chức họp. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng đặc phái viên Chính phủ đưa Bác đi thẳng qua ga xe lửa lên cầu Cao, qua cầu Đống, cầu Trầu, cầu Cáo đến ngã ba Rừng Thông rồi hướng vào làng Bản Nguyên thì gặp đường mòn.
Xe dừng lại, Bác cùng lãnh đạo Thanh Hóa chọn 2 nơi khai hội. Sau đó, Bác họp với lãnh đạo tỉnh tới hơn 1 giờ chiều mới nghỉ. Bác cùng với lãnh đạo tỉnh mở cơm trưa ra ăn, thực chất là xôi nếp đóng oản, muối vừng do gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện chuẩn bị từ đêm 19.2 để ăn trong ngày.
Tranh sơn dầu Bác nói chuyện với cán bộ, nhân sĩ, trí thức tại rừng thông, ngày 20.2.1947.
Đến 15h15 ngày 20.2.1947, Bác cùng lãnh đạo tỉnh quay lại địa điểm 2, nơi có hòn đá nguyên thủy tại rừng Thông. Tại đây, Bác đã có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với đại diện nhân dân theo thành phần tỉnh đã triệu tập, ước chừng khoảng 300 người. Một số đại biểu lãnh đạo miền núi ngày sau mới xuống, tỏ ra rất tiếc nuối. Theo một số tài liệu, buổi tối 20.2.1947, Bác có cuộc nói chuyện với nhân dân thị xã Thanh Hóa trước Nhà thông tin thị xã.
Khoảng 8h30 sáng 21.2.1947, xe đưa Bác về căn cứ chùa Thầy an toàn, kết thúc chuyến thăm lần đầu tiên tới Thanh Hóa. Sau khi vào Thanh Hóa, Bác quyết định lên chiến khu Việt Bắc.
Mong muốn Thanh Hóa sẽ là tỉnh kiểu mẫu
Trong lần về thăm, làm việc lần đầu tiên với Thanh Hóa, Bác có 2 bài nói chuyện quan trọng. Đó là những văn kiện lịch sử, thể hiện đường lối kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến, tích cực tham gia sản xuất, đóng góp nhiều của, nhiều người cho kháng chiến.
Đặc biệt, tại lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Bác đã nhấn mạnh đến việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Theo đó, qua các buổi nói chuyện, Bác bày tỏ mong ước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh kiểu mẫu. “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
Bác cũng chỉ rõ xây dựng tỉnh “kiểu mẫu” trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước tiên: Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu… Trước lúc chia tay, Bác nhắn gửi tha thiết tới đồng bào với lời hẹn ngày trở lại: “Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người “kiểu mẫu”.
Thanh Hóa là tỉnh vinh dự được 4 lần đón Bác về thăm. Mười năm sau, ngày 13/6/1957, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hoá vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ hai. Người đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là sự chi viện sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1960, Bác về thăm Thanh Hoá lần thứ ba. Lần này, Bác đã nói chuyện với các vị đại biểu tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VI (ngày 19.7.1960). Sau đó, Người về thăm Sầm Sơn, cùng bà con thôn Vinh Sơn, thị xã Sầm Sơn kéo lưới. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu rất đỗi thân quen mà gần gũi vẫn còn đọng lại trong sâu thẳm ký ức của mỗi người dân thị xã Sầm Sơn và nhân dân Thanh Hóa, thể hiện sự chăm lo, tấm lòng nhân ái của Bác đối với đồng bào và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh.
Bác Hồ tham gia kéo lưới cùng bà con ngư dân thôn Vinh Sơn, thị xã Sầm Sơn, ngày 17.7.1960. Ảnh: Tư liệu
Lần cuối cùng, Thanh Hóa được vinh dự đón Người là năm 1961. Trong những ngày ở thăm Thanh Hóa (ngày 11-12/12/1961), hình ảnh ghi sâu đậm trong lòng nhân dân Thanh Hóa nói riêng cũng như đồng bào cả nước là vào ngày 12/12/1961, tại sân vận động tỉnh, Bác đã bắt nhịp cho đồng bào và nhân dân Thanh Hoá bài ca “Kết đoàn”.
70 năm sau ngày đầu tiên được đón Bác về thăm, hiện Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang từng ngày phấn đấu xây dựng, phát triển Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu theo lời dạy của Người./.
Xuân Hùng
Theo Báo Lao Động
Thanh Huyền (st)