Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bàn nhiều về đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng. Đạo đức là gốc, là quan điểm cơ bản, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức không chỉ là gốc, là nền tảng, là nhân tố chủ chốt của người cách mạng, mà còn là thước đo lòng cao thượng của con người…
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương sâu sắc cho thiếu niên, nhi đồng.
Trong bức thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng ngày 12-9-1951, Bác đã khuyên: “…Các cháu phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động…”. Ảnh: T.L
Đạo đức là gốc của người cách mạng
Người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng, phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người quan niệm: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức cách mạng là chỗ dựa giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Theo Người, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…; khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.
“Trung với nước, hiếu với dân”
Về những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam, quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh đã bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội. Đó là với đất nước, với dân tộc phải “Trung với nước, hiếu với dân”. Trung, hiếu là phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam và phương Đông được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân là điều chủ chốt của đạo đức cách mạng. Trung với nước là trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh giành độc lập và làm cho đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Nước là của dân, dân là chủ nước, cho nên trung với nước là trung với dân, trung thành với lợi ích của nhân dân, “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”… Hiếu với dân là Đảng, Chính phủ, cán bộ nhà nước phải là “đầy tớ trung thành của dân”, “phải tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân phải gắn bó với dân, gần dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của người làm chủ đất nước.
Yêu thương con người
Song song đó, quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh, với mọi người phải “Yêu thương con người, sống có nghĩa có tình”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu thương con người xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn của nhân loại và chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Yêu thương con người thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân trong quan hệ xã hội, là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Yêu thương con người là phải quan tâm đến những người lao động bình thường, chiếm số đông trong xã hội. Yêu thương con người là phải làm mọi việc vì con người, vì mục tiêu “ai cũng có cơm no, áo ấm để mặc, ai cũng được học hành”; dám hy sinh, dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người. Yêu thương con người là phải tin vào con người. Với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc, với người thì độ lượng, rộng rãi, nâng con người lên, kể cả với người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người là giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, sống cao đẹp hơn. Yêu thương con người là phải tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là mối quan hệ “với tự mình”. Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là 4 đức tính cần có của con người, mang một lẽ tự nhiên, như trời có 4 mùa, đất có 4 phương và Người giải thích cặn kẽ, cụ thể từng khái niệm:
“Cần” là lao động cần cù, siêng năng, lao động có kế hoạch, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm; phải thấy rõ “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta”.
“Kiệm” theo Hồ Chí Minh là tiết kiệm, sử dụng có kế hoạch và có mục đích, không xa xỉ hoang phí, phô trương hình thức. Theo Người, để xây dựng cuộc sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta không những phải tiết kiệm tiền bạc, sức lực mà còn phải biết tiết kiệm cả thời gian. Khi nói đến mối quan hệ giữa “cần” và “kiệm” Hồ Chí Minh cho rằng, nếu cần mà không kiệm thì như thùng không đáy; còn nếu kiệm mà không cần thì lấy gì mà kiệm.
“Liêm” là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, sống trong sạch, không tham lam, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa.
“Chính” theo Hồ Chí Minh “nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn”. Đối với mình, không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với người, không nịnh hót người trên; không xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà; không dối trá, lừa lọc. Người chính thấy “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”.
Chí công vô tư là “khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn tới chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
Quan niệm về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn là mở rộng, yêu thương con người đối với toàn nhân loại, người cách mạng phải có “tinh thần quốc tế trong sáng”. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế trong sáng là sự mở rộng quan hệ đạo đức giữa người với người và với toàn nhân loại vì Người không chỉ là “người Việt Nam nhất” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định, mà còn là “nhà văn hóa lớn của thế giới”, “chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế”. Đoàn kết quốc tế trong sáng theo Hồ Chí Minh trước hết là đoàn kết với nhân dân lao động các nước vì mục tiêu chung là đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột. Đó là tình đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới vì một mục tiêu chung, “bốn phương vô sản đều là anh em”; là đoàn kết với các dân tộc vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội (còn tiếp).
Box thông tin 1:
Đối với Đảng, đội tiên phong của giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”, “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Box thông tin 2:
Ở nghĩa rộng, đạo đức là hình thái ý thức xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc và làm giàu tính người trong các quan hệ xã hội, kể cả trong các quan hệ chính trị, tư tưởng. Nghĩa hẹp hơn, đạo đức là các quy tắc, chuẩn mực dùng điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ giữa người với người trong hoạt động sống.
P.V (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)
Thu Hiền (st)/ Theo http://baobinhduong.vn