Cách đây gần 72 năm, ngày 9-6-1945, từ Chiến khu Việt Bắc, lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi thư cho Trung úy Sác-lơ Phen (Charles Fenn) thuộc đơn vị tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA) đóng ở Côn Minh, báo tin các báo vụ viên của Mỹ được cử đến giúp đỡ Việt Minh vẫn mạnh khỏe.
Theo nhà văn Mỹ Lây-đi Bô-tơn (Lady Borton), khi dự thảo “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện cho S.Phen hỏi về một số câu chữ trong “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ. Từ đây, giữa hai người có một tình bạn lâu dài.
Cuộc gặp gỡ tiền định
Sinh ra ở Luân Đôn năm 1907, S.Phen bước vào đời làm một chân phụ việc trên boong tàu, rồi phóng viên ảnh ở Trung Quốc. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông làm phóng viên chiến trường cho AP, rồi trở thành nhân viên OSS.
Sác-lơ Phen và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần gặp gỡ năm 1995. Ảnh tư liệu.
Năm 1973, S.Phen viết về người bạn lâu năm của ông - lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cuốn sách “Giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh” phát hành ở nhiều nước được đánh giá cao về cái nhìn sâu sắc và độ chính xác. Bản tiếng Nhật của sách này bán được gần chục vạn cuốn.
Cuốn sách “Tại cổng con rồng: Cùng với OSS ở Trung Quốc” của S.Phen được xuất bản tháng 10-2004, sau khi tác giả của nó mất được nửa năm. Cuốn sách chính là hồi ký của ông bộc lộ một chi tiết đem lại những cảm xúc trái chiều trong độc giả. Năm 1940, từ Oa-sinh-tơn sang Trung Quốc, S.Phen làm cho tờ Tạp chí Ngày Thứ sáu (Friday) thuộc cánh tả, một đối thủ của Tạp chí Life. Theo S.Phen, có một số cây viết là đảng viên cộng sản nên tạp chí chịu ảnh hưởng nhất định của hệ tư tưởng này. Nhiều người cho rằng, lập trường thiên tả đã ảnh hưởng đến đánh giá của S.Phen đối với lãnh đạo OSS thời đó, còn đa số bạn đọc nghĩ rằng, cuộc gặp gỡ của S.Phen với Hồ Chí Minh đã được tiền định. Trong cuốn sách S.Phen ghi nhận, khi thực hiện nhiệm vụ chống phát xít, ông đã nhận được sự hiệp trợ vô giá của Hồ Chí Minh và một tình bạn đặc biệt giữa hai người đã kéo dài mãi về sau.
Để viết sách “Hồ Chí Minh - một hành trình”, nhà văn L.Bô-tơn đã tìm gặp S.Phen. Dưới đây là một số trích đoạn từ cuốn sách này:
“Vào một ngày Xuân năm 1945, Hồ Chí Minh kể cho sĩ quan Đồng minh S.Phen nghe về cảm xúc xáo trộn của mình khi ngắm bức tượng Thần Tự Do lúc Người cập bến Niu Y-oóc. Theo S.Phen, Hồ Chí Minh cho rằng, Niu Y-oóc đã có sức truyền cảm mạnh mẽ đối với đời mình, thông qua sức sống diệu kỳ, sự đa dạng, cũng như triển vọng tiềm tàng của nó về quyền bình đẳng cho mọi chủng tộc, mọi quốc tịch…
Vào các ngày 17, 20 và 23 của tháng 3-1945, Hồ Chí Minh đã gặp S.Phen, một thành viên của Cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ tại quán cà phê Đông Dương ở Côn Minh. S.Phen kể rằng, Hồ Chí Minh là “một người có tuổi, tính cách mạnh mẽ, ăn vận giản dị, áo mất một chiếc cúc”…
S.Phen triển khai thực hiện các thỏa thuận. Là người chuộng văn chương, sau này khi giải ngũ làm nghề viết kịch và tiểu thuyết, S.Phen lúc đó đã lấy tên các nhân vật của đại văn hào Sếch-xpia (Shakespeare) làm mật danh liên lạc. S.Phen là Hăm-lét, Hồ Chí Minh mang mật danh Lu-xi-út, nhân vật của vở bi kịch đầu tiên của Sếch-xpia, vở “Titus Andronicus”, kết thúc bằng việc Lu-xi-út trở thành Hoàng đế mới của La Mã và phục hồi nền công lý”.
Người phương Tây đầu tiên viết kịch bản về cách mạng Việt Nam
S.Phen là người phương Tây đầu tiên viết một kịch bản về cách mạng Việt Nam. Đó là vở “Những người phun lửa”. Khi gần 90 tuổi, ông mang kịch bản sang Việt Nam tặng các đồng đội người Việt của thuở ban đầu “Việt-Mỹ”. Trong sách “Sân khấu Luân Đôn từ năm 1950 đến 1959”, tác giả Oe-rinh (P.Wearing) chú dẫn, vở “Những người phun lửa” đã công diễn từ ngày 30-3 đến 10-4-1954 tại rạp Hoàng Gia. Tờ Times ra ngày 31-3-1954 bình luận: “Một nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra”. Sách “Làm nên uy tín sân khấu: Những khảo sát kịch trường Luân Đôn hiện đại của Le-vô (Z.Levo)” cho biết, kịch của S.Phen “đã được giải của Hội đồng nghệ thuật (Arts Council Award) và nhận được những lời bình đầy thiện ý”…
Dưới mắt người Việt Nam hôm nay, trong một vở kịch không dài, tác giả đã cung cấp được một bố cục chặt chẽ và logic về một bác sĩ Mỹ, do hoàn cảnh run rủi, đã gắn bó với các thương binh là bộ đội Việt Nam đến mức cùng rút đi với họ về chiến khu khi quân Pháp tràn tới. Sự chuyển biến về tư tưởng của thiếu phụ Pháp, vợ chủ đồn điền người Pháp cũng rất tự nhiên, từ chỗ không quan tâm đến cuộc chiến tới chỗ cảm tình với những người kháng chiến. Hai tuyến nhân vật thuộc hai bên cũng rất sống động, một bên “rất Việt” và một bên “rất Pháp”, đối chọi nhau không chỉ bằng súng đạn mà cả bằng tri thức, tâm hồn. Người chỉ huy Việt Minh tên Phạm, một kỹ sư biết tiếng Pháp, có phải là một hóa thân của Phạm Việt Tử, người đi cùng với Hồ Chí Minh đến gặp S.Phen lần đầu ở Côn Minh? Hôm nay chúng ta, dù háo hức thế nào cũng không có cách gì để xem một Hao-uốc Guốc-nây (Howard Goorney) nổi tiếng vào vai Phạm, hay Giu-li-a Giôn (Julia Jones) đóng nữ quân y Việt Minh xinh đẹp như thế nào.
“Cuộc sống bắt đầu từ tuổi 87”
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tại Hồng Công, S.Phen hành nghề xuất nhập khẩu, như một số cựu “Con Nai”. Chỉ trong hai năm, ông kiếm được số tiền đủ sống trong một số năm, rồi sang Luân Đôn để lập nghiệp văn chương. Khoảng giữa thập kỷ 70, S.Phen quyết định rời Anh quốc cùng vợ. Ông sang West Cork, Ái Nhĩ Lan, khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh khách sạn…
S.Phen vẫn mang theo bên mình những kỷ vật vô giá. Đó là những bức thư mà Hồ Chí Minh viết cho ông sau khi họ chia tay. Có những bức viết tay, có bức đánh máy từ tháng 5-1945 đến tháng 8-1945, chỉ ký tên là Hoo, hoặc C.M do điều kiện còn bí mật. Chỉ có một bức được ký là Hồ Chí Minh viết tháng 1-1947, khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp đã bùng nổ. Dù ngắn nhưng bức thư này được cho là đặc trưng cho sự tin tưởng vào lý trí của những người dân Mỹ tiến bộ, niềm tin về sau sẽ được các nhà hoạt động hòa bình Mỹ nhận thấy tràn ngập ở miền Bắc cả trong những ngày chiến tranh phá hoại ác liệt nhất...
Năm 1995, khi sang Việt Nam dự kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Việt-Mỹ, S.Phen đã qua tuổi 87. Các thành viên một thời “bộ đội Việt-Mỹ” tái ngộ ở Hà Nội đã không thể không nhớ rằng, khi sách “Giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh” xuất bản năm 1973, tác giả S.Phen đã bị mất quyền công dân Mỹ mười mấy năm và phải bôn ba tứ xứ.
Cùng kỳ, bài viết trên Báo Mặt trời Baltimore ra ngày 4-8-1995 nói về một nhân chứng ngày đầu quan hệ Việt-Mỹ mùa thu 1945 tên là Ray Gri-léc-ki (Ray Grelecky). Bài này cho rằng, những công bố về Hồ Chí Minh như sách của S.Phen “đánh đổ một số thần tượng Mỹ”, rằng bộ phim của BBC “Bác Hồ và chú Sam” (1995) nhận định: “Kiểu tuyên truyền nhồi sọ lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã giấu giếm sự thật về nước Mỹ từng giao thiệp với Hồ Chí Minh”.
Tới tuổi 95, chàng Hăm-lét - S.Phen vẫn tiếp tục du ngoạn Niu Di-lân, châu Phi, châu Âu, Cô-xta Ri-ca và Mỹ. Khởi bút cuốn tự truyện “Cuộc sống bắt đầu từ tuổi 87” năm 2004, ngọn bút S.Phen chợt dừng lại, mãi mãi./.
LÊ ĐỖ HUY
Theo Báo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)