Đại tá Nguyễn Văn Hội khi còn trẻ
Tròn 88 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, dẫu 67 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của Đại tá Nguyễn Văn Hội, Cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, cảm xúc thiêng liêng về Tết Độc lập thì mãi còn tươi rói, vẹn nguyên…
Trưởng thành từ Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu
Năm 1943, đang chuẩn bị thi tú tài thì ông tình cờ làm quen với y tá Lâm, công tác ở Bệnh viện Bạch Mai. Gia đình Lâm là gia đình cách mạng; anh trai Lâm là một trong những người sáng lập ra tổ chức “Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu”, đã bị địch bắn chết. Hàng ngày đi làm qua nhà ông, Lâm thường cho ông xem những tờ báo có tên “Độc lập”, “Cứu quốc” rồi dần dần giác ngộ và đưa ông vào tổ chức “Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu”. Là thành viên của tổ chức rồi, ông tiếp tục giác ngộ và giới thiệu thêm một số bạn bè học ở Trường Bưởi, Trường Gia Long cùng tham gia. Ngày ấy làng Kim Liên (bây giờ là phường Kim Liên) - nơi ông trực tiếp tham gia hoạt động có đến 3 tổ chức là Hội Truyền bá quốc ngữ, Đoàn Thanh niên thể dục- thể thao và Đội Phòng thủ chủ động. Cả 3 tổ chức này đều do Pháp sáng lập để nắm lực lượng thanh niên. Ta đã lợi dụng biến nó thành tổ chức của ta. Với vai trò thủ lĩnh các tổ chức trên, ông Hội và các ông Trần Đình Long, Trần Đình Cầu đã thuyết phục và giác ngộ được ông Lý Tiến và đám trương tuần, binh tuần đi theo Cách mạng.
Hăng hái tham gia Tổng khởi nghĩa
Khi Nhật đảo chính Pháp, 3 tổ chức của làng Kim Liên được địch trang bị 50 khẩu súng. Qua nguồn tin từ cơ sở, biết Pháp giấu vũ khí ở sân bay Bạch Mai, người của ta đã bí mật lấy thêm được một số khẩu nữa. Đã có vũ khí trong tay, lại giác ngộ được đám trương tuần, binh tuần từ trước nên việc vận động Lý Tiến giao nộp ấn tín diễn ra rất suôn sẻ. Ngày 17-8-1945, cuộc mít tinh do địch tổ chức đã được biến thành cuộc mít tinh lớn của Việt Minh, khiến Hà Nội sục sôi khí thế cách mạng. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên tầng hai Nhà hát Thành phố, đại biểu Việt Minh kêu gọi nhân dân đứng dậy lật đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Tổ chức của ông phấn chấn, ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa bằng những việc làm cụ thể như may cờ, rải truyền đơn, căng khẩu hiệu…
Ngày 19 tháng 8, mới sớm tinh sương, ông và các đồng chí trong đội của mình đã hòa vào hàng chục vạn nhân dân thành phố rầm rập tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn. Đúng 11 giờ trưa, cuộc mít tinh bắt đầu. Lời kêu gọi khởi nghĩa của Đảng được đón mừng bằng những tiếng reo hò và những khẩu hiệu hô vang khắp Quảng trường. Khi cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành; ông lại theo dòng người chia thành nhiều ngả, có các Đội Tự vệ chiến đấu dẫn đầu đi chiếm các công sở cho đến khi Thành phố Hà Nội hoàn toàn thuộc về tay nhân dân.
Có mặt tại Ba Đình lịch sử
Đến giờ Đại tá Nguyễn Văn Hội vẫn còn nhớ như in cảm xúc của thời khắc ấy. Từ sáng sớm ngày 2 tháng 9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đổ dồn về phía Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng giăng ngang đường phố: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”… Giữa Quảng đường Ba đình lộng gió, Lễ đài được dựng lên, các Đội Tự vệ vũ trang cùng những đơn vị quân giải phóng đội mũ ca nô, quân phục nghiêm trang, hàng hàng thẳng tắp trước Lễ đài. Đội của ông đứng giữa biển người, nét mặt ai cũng hân hoan phấn khởi. Đúng 14 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su tiến ra. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, tất cả đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cả biển người im phăng phắc lắng nghe. Lời Bác điềm đạm, đầm ấm, từng câu, từng tiếng thể hiện tình cảm sâu sắc và ý chí kiên quyết.
Trọn đời theo Đảng, vì dân
Được chứng kiến giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy, ông càng thấm thía cái giá phải trả để có được nền tự do, độc lập. Là một thanh niên trí thức trưởng thành từ tổ chức “Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu”, được đứng trong hàng ngũ của Đảng năm 1946, Đại tá Nguyễn Văn Hội đã dành cả cuộc đời đi theo cách mạng. Ông trở thành người chiến sĩ Phòng - Không quân dũng cảm, can trường, sẵn sàng xông pha nơi hòn tên, mũi đạn để góp một phần xương máu vào chiến công chung của toàn dân tộc. Từ một sĩ quan tên lửa trở thành một cán bộ cao cấp của Quân đội, Đại tá, thương binh Nguyễn Văn Hội đã sống một cuộc đời thật đẹp. Ông từng có mặt khắp các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc, cùng đồng đội lập được nhiều chiến công, xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng: 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 2 Huân chương chiến công hạng Nhì.
Giữa Ba Đình ngập nắng, kể cho chúng tôi nghe một phần ký ức đẹp của mình, Đại tá Nguyễn Văn Hội xúc động bày tỏ: Được dự Tết Độc lập khi mới là chàng trai 21 tuổi đời, đến giờ trong tôi vẫn còn nguyên cảm xúc sục sôi khí thế cách mạng. Ngay từ khi giơ nắm tay hô vang “xin thề” trong ngày đại lễ, tôi đã nguyện một lòng theo Đảng, vì dân. Là người chiến sỹ cách mạng từng đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, tôi thật tự hào bởi đã cùng quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi “Lời thề Độc lập” đúng như Bác Hồ từng mong muốn.
Bài, ảnh: Thanh Bình
Theo qdnd.vn
Tâm Trang (st)