Trong dịp đi thăm các nước Châu Âu vào mùa Hè năm 1957, Bác Hồ đã đến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức từ ngày 25/7 đến 1/8 - theo lời mời nồng nhiệt của Chủ tịch Wilhelm Pieck.

Riêng ngày 29/7, Bác dành thời gian thăm Trường chúng tôi tại Moritzburg - nơi có 150 thiếu nhi đang theo học từ mùa Thu năm 1955.

Từ một tháng tước, khi biết tin vui đó, lòng chúng tôi náo nức lạ thường. Các học sinh, sinh viên và công dân Việt Nam từ khắp cả nước CHDC Đức cũng được về đây đón Bác kính yêu.

Mùa Hè năm đó, Nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi nghỉ mát ở vùng Zwotha, miền Nam nước Đức, từ ngày 10 đến 25-7. Nhưng, chúng tôi đã sống trong một tâm trạng thật khó tả, chỉ mong được trở về Trường để chuẩn bị đón Bác. Thông cảm với chúng tôi, Nhà trường đã cho phép kết thúc cuộc nghỉ hè sớm hơn một tuần. Chúng tôi phân công nhau dọn dẹp trường sở, các ngả đường, sân bãi, chuẩn bị văn nghệ và cùng nhau làm biểu ngữ với đủ màu sắc để đón mừng Bác. Nhà trường cho xây dựng một lễ đài trên sân, treo bức vẽ chân dung rất lớn của Bác, ở giữa Quốc kỳ và Quốc huy hai nước. Được chứng kiến không khí tưng bừng chuẩn bị cho ngày đón Bác dưới mái trường Moritzburg, một số vị khách từ trong nước sang cũng chia vui cùng chúng tôi. Sống và ăn học trên đất nước bạn, chúng tôi đâu dám mơ sẽ có một ngày Bác Hồ tới đây, giữa vùng ngoại ô yên tĩnh này. Bác đã đi năm châu bốn biển, đã hoạt động cách mạng trên khắp các đại dương, các lục địa, nhưng ai ngờ sẽ có ngày Người đặt chân lên mảnh đất đã trở thành “quê hương thứ hai” của chúng tôi… Tôi cảm tưởng thời gian cứ trôi chậm lại. Rồi cái ngày chúng tôi mong đợi từng giờ, từng phút ấy cũng đã đến. Đây thực sự là một ngày hội lớn của 500 học sinh, sinh viên chúng tôi. Tất cả các thầy, cô giáo người Đức cùng các thành viên trong gia đình, các bạn học sinh các nước khác như: Triều Tiên, Trung Quốc và Đức cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất để về đây chào đón Bác Hồ. Làng Moritzburg hôm nay như rộn rịp hẳn lên, bầu trời và mặt hồ bên lâu đài cũng xanh hơn, mát hơn. Ai có thể tưởng tượng được rằng, bên lâu đài Moritzburg - nơi ngày xưa vua chúa ăn chơi, săn bắn lại có một ngày chứng kiến các công dân nhỏ tuổi một nước Á Đông sum vầy đón tiếp vị nguyên thủ quốc gia của  mình. Bản thân tôi, tuy còn bé, trong giờ phút ấy đã cảm xúc rất nhiều, suy nghĩ rất nhiều.

Tôi nghĩ về cuộc gặp Bác lần đầu tiên ở Hà Nội, cách đó hai năm, đến bức thư của Người gửi vào dịp Tết Bính Thân (1956); đến những lời thăm hỏi của Người tới thầy trò chúng tôi khi Bác Tôn Đức Thắng sang Đức mừng thọ Chủ tịch Willhehm Pieck 80 tuổi. Và mới đầu năm nay, nhân dịp Tết Đinh Dậu, Bác gửi thư chúc Tết sinh viên, học sinh và thiếu nhi ta đang học ở nước bạn. Đó là những kỷ niệm rất đặc biệt.

*

*      *

Khi thấy đoàn xe của Bác từ từ chuyển bánh trên con đường August Bebel tiến qua cổng trường, mấy trăm con người vô cùng sung sướng reo lên, tay tung cờ, hoa và bóng bay đủ màu chào mừng Bác. Bác xuống xe, hỏi ngay bằng tiếng Đức: “Wo ist mein Freund Otto Buchwitz?” (có nghĩa là: Ông bạn Otto Buchwitz của tôi đâu?). Người khoác tay cụ Buchwitz cùng vào sân trường. Một số bạn của chúng tôi được dâng hoa lên Bác và các vị cùng đi. Bước lên lễ đài, Bác vẫy tay, tươi cười nhìn các cháu. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò càng vang lên tưởng không bao giờ dứt.

Bác ra hiệu cho các cháu tạm im lặng, nhưng các cháu vẫn không ngớt reo hò: “Bác Hồ muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!”. Trên lễ đài có một chiếc ghế danh dự dành cho Bác, nhưng Người đã trân trọng mời cụ Otto Buchwitz ngồi vào đó. Cụ Buchwitz từ chối, cụ ngồi vào chiếc ghế bên cạnh, nhưng Bác Hồ đã mời bằng được. Chừng như tiếng reo có lắng xuống phần nào khi Bác Hồ bước đến trước ống mi-crô và tươi cười nói với các cháu của mình:

- Các cháu có biết bác Buchwitz là ai không? Suốt cả đời mình, bác đã tận tụy cống hiến cho nhân dân lao động Đức và nay 78 tuổi rồi, bác vẫn hoạt động, đặc biệt là vẫn chăm lo cho các cháu đấy…

Nghe thấy vậy, chúng tôi lại vỗ tay nhiệt liệt. Cụ Buchwitz rất xúc động. Sau này tôi mới được biết rõ cụ là một lãnh tụ của giai cấp công nhân Đức, đã dũng cảm chiến đấu chống bọn phát-xít và bị chúng hành hạ trong nhiều nhà tù cho đến ngày giải phóng. Cụ có công lớn trong việc thống nhất lại các chính đảng của công nhân, và là đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất của Cộng hòa dân chủ Đức.

Tiếp đó, Bác Hồ giới thiệu những người cùng đi. Bác chỉ tay về phía một thiếu tướng và một đại tá:

- Hai chú mặc quân phục rất đẹp kia là sĩ quan cấp cao của Quân đội nhân dân Đức đấy. Các chú ấy có nhiệm vụ bảo vệ Bác và bảo vệ các cháu nữa!

Chúng tôi lại vỗ tay sung sướng. Đến lượt chú Hummeltenberg, Bác giới thiệu:

- Còn chú có khổ người to lớn kia là làm lễ tân. Các cháu có hiểu lễ tân là gì không? Ví dụ, chú ấy có quyền nhắc Bác phải tuân theo giờ ăn, giờ ngủ.

Nghe Bác nói, chúng tôi cảm phục chú ấy lắm, vì chú ấy có quyền to quá, đối với cả Bác Hồ của chúng tôi!

Bác giới thiệu các ông: Fritz Lange, Đặc phái viên danh dự của Nhà nước Đức đi theo Bác; Rudi Jahn, Chủ tịch Hội đồng chính quyền thành phố Dresden, các vị trong đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta do Bác dẫn đầu.

Tất cả chúng tôi đều sung sướng thấy Bác mạnh khỏe và rất vui. Tôi để ý thấy rằng, người xúc động nhất có lẽ là anh phiên dịch, vì quá xúc động, đôi chỗ anh dịch không thành câu hoặc sai ý, Bác đã chữa lại cho. Bác ôn tồn khuyên: “Cháu cứ bình tĩnh dịch. Bình tĩnh là một trong những đức tính cần có của người phiên dịch”.

Sau những tiếng cười vui vẻ của mọi người, Bác thân mật thăm hỏi và tỏ lòng cảm ơn đối với các thầy giáo, cô giáo, các nhân viên phục vụ của người Đức. Với giọng ấm áp như của một người ông trong nhà, Bác nói với chúng tôi:

- Hình như các cô, các chú người Đức cưng các cháu lắm đấy, phải không? Nhưng, không vì được cưng mà không chăm học, không ngoan ngoãn. Các cháu phải nhớ rằng, các bạn của các cháu ở trong nước còn chật vật lắm, không được sung sướng như các cháu đâu. Các cháu phải biết kính trọng các thầy, cô giáo, các bác công nhân viên, sống giản dị, cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để xứng đáng với công lao nuôi dạy của bạn Đức, với tình cảm cao quý của bác Wilhelm Pieck, của Đảng, Nhà nước và nhân dân nước Bạn…

Lúc này, cả mấy trăm con người hết sức trật tự. Không ai bảo ai, chúng tôi đứng im lặng nghe Bác dạy. Giọng Người chậm rãi, ôn ồn nhưng cũng rất trang nghiêm. Lời Người giản dị , súc tích. Thật ra, điều Bác muốn nói nhất thì mãi sau này tôi mới hiểu ra. Theo lời kể của vị Đặc phái viên danh dự - ông Prítz Lange thì có lần Bác nói với ông rằng:

- Tôi không được vui lắm đâu, vì các đồng chí nuông chiều các cháu của chúng tôi ở đây quá. Tôi nghe nói, mỗi cháu có tới 5, 6 đôi giầy. Ở nước chúng tôi, không một người nào có nhiều giầy như vậy đâu. Bố mẹ, anh chị em của các cháu ấy còn rất nghèo. Đi 6, 7 đôi giầy nghĩa là chân các cháu không bao giờ bén đất. Được nuông chiều như vậy thì sau này làm sao các cháu thích nghi được với điều kiện sinh hoạt và lao động trong nước? Phải cho các cháu của chúng tôi lúc nào cũng hướng về Tổ quốc, về gia đình để sống và học tập, rèn luyện, phải liên hệ và hiểu được hoàn cảnh của mọi người trong nước…

Ông Đặc phải viên danh dự vội thưa với Bác: “Ở châu Âu, mỗi em bé trung bình phải có chừng ấy đôi giày, quần áo vì thời tiết bốn mùa rất khác nhau. Lại còn phải có giày thể thao, giày đi trong nhà…”. Bác lắc đầu:

- Đã đành là như vậy. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, một ngày nào đó, mà cũng rất gần thôi, các cháu của tôi lại trở về Tổ quốc. Các cháu sẽ sống và làm việc với những người ở Việt Nam kia mà! Cho nên, phải giáo dục cho các cháu đức tính giản dị, cần cù, khiêm tốn, không được đòi hỏi, yêu sách gì cả. Dù ở xa, các cháu vẫn là thành viên của một dân tộc còn phải lao động và đấu tranh gian khổ rất nhiều…

Đấy, điều Bác quan tâm nhất là ở đó! Người bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn lo toan cho chúng tôi, đến tập thể nhỏ này, đến từng lứa tuổi, từng con người! Những lời Bác nói hôm đó đã được ghi băng, và suốt mấy năm sau đó, hàng tuần lại được nhà trường phát lại cho chúng tôi nghe.

Bác tỏ ra rất hài lòng khi nghe đại diện của học sinh và sinh viên báo cáo thành tích. Bác khuyến khích: “Các cháu phải cố gắng và tiến bộ nhiều hơn nữa! Các cháu có quyết tâm làm theo lời Bác không?”. Đáp lại, hơn 500 thanh niên, thiếu niên đồng thanh thưa: “Có ạ!” và lại hô vang: “Bác Hồ muôn năm!”.

Một chương trình văn nghệ đã được trình diễn chào mừng Bác và các vị cùng đi. Mở đầu, chúng tôi hát bài: “Người về là chiến thắng”, ca ngợi công lao của Bác Hồ vĩ đại. Rồi đến những điệu múa rất uyển chuyển như điệu “Múa nón”, những bài dân ca Đức như “Tình bạn chân chính không thể chuyển lay”…

Tôi cũng xin kể lại việc Bác Hồ đã gặp người con trai đỡ đầu của Người như thế nào. Như mọi người biết, người con trai đó tên là Knuth Wolfgang Hartmann, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1951 ở Sebnitz, một thành phố nổi tiếng với nghề làm hoa nghệ thuật, nằm sát đường biên giới với Tiệp Khắc. Do Knuth có cùng ngày sinh với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cha mẹ em đã viết thư lên Người bày tỏ cảm tình sâu sắc với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, đồng thời xin Người nhận Knuth làm con đỡ đầu. Ngót năm tháng sau, gia đình Knuth nhận được thư trả lời của Người.

Cũng như chúng tôi, gia đình Knuth rất mong mỏi được chào đón Bác Hồ khi Người sang thăm Cộng hòa dân chủ Đức. Nhưng, mọi người trong nhà cũng ngại. Bởi vì, chương trình hoạt động của một cuộc đi thăm lớn như vậy thường rất sít sao. Không ngờ, một hôm gia đình Knuth được Đại sứ quán Việt Nam gửi giấy mời đến Moritzburg để cùng học sinh đón mừng Người. Sau này, ông Hartmann cho tôi biết, mọi người trong nhà sung sướng không sao nói thành lời. Giữa bao nhiêu công việc bề bộn, Hồ Chủ tịch đã không quên họ. Hồi này, Knuth đã hơn 6 tuổi, cũng biết ít nhiều về Bác Hồ rồi. Cậu ta mặc bộ quần áo đẹp nhất. Cùng đi thăm Bác Hồ với cậu có cha mẹ và bà ngoại, lúc đó 63 tuổi.

Chúng tôi đều chăm chú nhìn Knuth rụt rè bước lại gần vị cha đỡ đầu. Bác Hồ tươi cười đưa tay đón Knuth vào lòng và hôn lên má cậu ta. Cha mẹ và bà ngoại Knuth có điều kiện được chào Người, bày tỏ với Người niềm vinh hạnh to lớn của mọi người. Sau đó, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thành phố Sebnitz, ông Hartmann thay mặt toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình của thành phố kính dâng Người một bó hoa hồng rực rỡ làm bằng giấy do chính nhân dân quê ông làm ra. Từ lúc đó, Knuth được ngồi cạnh Bác Hồ kính yêu. Thỉnh thoảng Người xoa đầu Knuth, có khi đưa tay xoa cằm cậu ta một cách âu yếm… Knuth đã hết rụt rè, dường như không muốn rời Người ra nữa…

Đáp lại lòng mong muốn của chúng tôi, Bác đi chụp ảnh kỷ niệm với các nhóm học sinh. Ban tổ chức chia làm 15 nhóm, tôi hiện còn giữ được nhiều hình ảnh về ngày này.

Chụp ảnh xong, Bác đi thăm một số lớp học, nhà bếp, bệnh xá, phòng ngủ và cả những khu vườn mà chúng tôi thường ngày cuốc đất, trồng rau, trồng hoa.

Đi được một lúc, thấy Bác mệt, thầy hiệu trưởng Haubenschild của chúng tôi mời Bác vào phòng nghỉ để giải khát. Thầy Haubenschild thấy Bác cởi hàng cúc áo dạ đen, mở ra cho mát, rất cảm động vì bên trong Bác chỉ mặc một áo lót!

Tiếp xúc với Ban lãnh đạo Nhà trường. Bác Hồ nói như tâm sự:

- Ở thành phố này, người ta còn thấy rõ những dấu vết của sự phá hoại điên cuồng của máy bay Anh - Mỹ đối với thành phố văn hóa và công nghiệp nổi tiếng. Người ta cũng được chứng kiến những biểu hiện của tình đoàn kết anh em đẹp đẽ của Cộng hòa dân chủ Đức đối với Việt Nam, đối với Triều Tiên…

Người còn nói đến tình cảm của Liên Xô qua việc các chiến sĩ Hồng quân bảo vệ và tìm lại cho thành phố những bức tranh giá trị mà Bác được xem vào sáng sớm hôm đó.

Bác vui lòng viết vào Sổ vàng của Nhà trường chúng tôi dòng chữ như sau:

“Chúc các thầy giáo, cô giáo, các đồng chí công nhân viên và các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết, tiến bộ”.

29-7-1957

HỒ CHÍ MINH

Gia đình Knuth được tiếp xúc riêng với Người một lần nữa. Người tặng họ những món quà quý: Hai con trâu khắc bằng ngà, một tập ảnh phong cảnh và ba quyển báo ảnh Việt Nam. Ông Hartmann trân trọng gắn lên áo Người chiếc Huy hiệu danh dự bằng vàng của Hội đồng hòa bình toàn quốc mà ông được tặng trước đó hai năm. Bác Hồ ân cần hỏi thăm bà ngoại và mẹ Knuth, sau cùng nói với hai người bằng một câu tiếng Đức:

“Chúc mọi điều tốt lành và hẹn gặp lại!”. Knuth lại được Bác Hồ âu yếm ôm vào lòng và hôn lên má. Bác căn dặn ông bà Hartmann cố gắng dạy bảo cháu trở thành một em bé ngoan, chăm chỉ, mạnh khỏe và tiến bộ. Người còn nhờ họ chuyển lời chào và lời cảm ơn của Người tới toàn thể nhân dân thành phố Sebnitz, bày tỏ tình hữu nghị sâu sắc nhất của nhân dân Việt Nam với nhân dân Sebnitz.

Nếu như trước ngày Bác Hồ đến, tôi cảm thấy thời gian trôi rất chậm, thì lúc này tôi lại thấy thời gian sao mà đi nhanh thế! Giờ phút chia tay với Bác thật nặng nề. Chúng tôi quây chặt lấy Người, chỉ muốn Bác ở lại đây mãi mãi. Nhiều bạn đã khóc. Tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Bác an ủi:

“Các cháu hãy vui lên, lần sau Bác cháu ta sẽ gặp lại!” (Quả thật, Hè năm 1962, về nước, chúng tôi đã được Bác Hồ đến thăm tại cơ sở 2 của Bộ Giáo dục ở Thái Hà Ấp). Rồi Bác nói với những người Đức đứng gần đó:

- Các đồng chí xem suốt 9 năm trời, thực dân Pháp không tài nào bao vây được Chủ tịch nước Việt Nam; vậy mà lúc này Chủ tịch lại bị các cháu nhỏ của mình quây chặt lấy!

Bác nói tiếp:

- Trở về nước, tôi sẽ kể cho bố mẹ các cháu và nhân dân chúng tôi về công lao dạy dỗ, nuôi nấng của các bạn Đức đối với các cháu của chúng tôi…

Một sinh viên Triều Tiên nói với người bạn Việt Nam học cùng Trường: “Các bạn thật sung sướng có Bác Hồ. Người cũng là của chúng tôi đấy nhé!”. Người bạn Việt Nam không nói gì, chỉ gật đầu và lặng lẽ siết chặt tay người bạn một cách trìu mến…

Được chứng kiến tất cả những gì diễn ra trong ngày này, thầy Hiệu phó Achim Hirsch nói với các nhà báo Đức: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà chính trị tuyệt diệu đến mức huyền thoại (fabelhaft). Trong đời tôi, chưa hề gặp một con người thân tình, đáng yêu và có thái độ dân chủ đến thế. Tôi sung sướng được Người tặng một Bằng khen có chữ ký của Người”.

Để mãi mãi nhớ đến ngày vẻ vang đó, Nhà trường đã dựng lên một phiến đá to ghi rõ ngày Bác đến thăm trường.

Những năm học tập ở Đức, nhất là thời gian ở Moritzburg đã để lại trong lòng chúng tôi biết bao kỷ niệm trong sáng, đẹp đẽ. Nhưng, kỷ niệm đẹp nhất, sống động nhất vẫn là ngày 29-7-1957 chúng tôi được chào đón Bác Hồ kính yêu. Chúng tôi đều coi đó là một trong những ngày đẹp nhất, đáng ghi nhớ nhất của đời mình!

Trần Đương

Theo http://vanhien.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: