Xây dựng Đảng là một vấn đề lớn thường xuyên được Đảng ta quan tâm trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng. Xây dựng Đảng được đề cập trong Báo cáo chính trị, Báo cáo xây dựng Đảng và thực hiện Điều lệ Đảng ở các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và thường chiếm vị trí nổi bật trong các văn kiện Đại hội.
Các nghị quyết Đại hội và các nghị quyết của các Hội nghị Trung ương ở từng nhiệm kỳ (từ Đại hội VI đến Đại hội X) hầu như không nghị quyết nào không đề cập tới nội dung xây dựng Đảng, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đến Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, Đảng ra Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu rõ quyết tâm của toàn Đảng, xây dựng Đảng về mọi mặt, phải nêu cao trách nhiệm và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đề cao tính tổ chức kỷ luật, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng. Đã có một Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến hệ thống các cấp ủy để chỉ đạo thực hiện nghị quyết quan trọng này.
Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã ra Nghị quyết lịch sử “Về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là một nghị quyết, có thể nói đã tổng hợp và kết tinh từ rất nhiều nghị quyết xây dựng Đảng trước đây và nâng cao cả về quan điểm, phương hướng và giải pháp xây dựng Đảng, nghị quyết có tầm vóc lớn, có ảnh hưởng rất lớn trong Đảng và trong nhân dân. Một nghị quyết lịch sử, với dũng khí phê phán, tự phê phán, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh “dựa vào dân mà xây dựng Đảng” của Đảng ta, đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo đảng viên và quần chúng, một Nghị quyết kịp thời, đúng lúc, rất được lòng dân, vì trách nhiệm cao nhất trước dân tộc và nhân dân mà Đảng tự đổi mới chính mình, đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng ở vị trí then chốt.
Cũng do đó, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII vượt ra khỏi giới hạn, phạm vi một Nghị quyết Trung ương mà trở thành một Nghị quyết có tầm ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài, cả trong nhiệm kỳ khóa XII và mãi mãi. Nó gắn liền với sự tồn tại của Đảng, với vai trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền của Đảng, có quan hệ tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ở chỗ, trong một thời gian dài, nhận thức của chúng ta về nội dung xây dựng Đảng thường chỉ giới hạn ở quan điểm: Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nêu lên và nhấn mạnh vào ba mặt đó của xây dựng Đảng, trong quan niệm của chúng ta, vấn đề đạo đức và văn hóa đặt trong lĩnh vực xây dựng Đảng về tư tưởng, nhất là, khi nói tới xây dựng Đảng về tư tưởng đã mặc định bao trùm cả đạo đức trong đó.
Xét về mặt lý luận, nói đạo đức ở trong tư tưởng và xây dựng Đảng về tư tưởng là đã bao hàm xây dựng Đảng về đạo đức thì đây mới chỉ là ý thức đạo đức, nhận thức xây dựng Đảng về đạo đức chưa trở thành một nội dung độc lập, có quan hệ với tất cả các lĩnh vực khác trong xây dựng Đảng.
Rõ ràng là, ý thức đạo đức, nhận thức, tri thức về đạo đức, tự bản thân nó không nói lên đầy đủ các vấn đề đạo đức trong Đảng và trong xây dựng Đảng. Cái cần thiết và quan trọng nằm ở tình cảm đạo đức, hành vi đạo đức, trở thành lẽ sống, lối sống hằng ngày. Do thiếu hụt ở phần quan trọng này mà, xét về mặt thực tiễn, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao… do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân không nhận thức rõ, không thấy hết tầm quan trọng của đạo đức, của văn hóa làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.
Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức nếu tách rời với đạo đức văn hóa thì đã thiếu những bảo đảm về đạo đức, văn hóa vốn hết sức cần thiết và quan trọng cho sự vững mạnh của chính trị tư tưởng và tổ chức.
Hơn nữa, do thiếu vắng hoặc xem nhẹ đạo đức, văn hóa trong xây dựng Đảng, nhất là khi Đảng đã cầm quyền, lại lãnh đạo, cầm quyền trong nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập… cho nên đã dẫn tới tình trạng suy thoái nêu trên.
Đại hội XII, có thể nói, lần đầu tiên đã nhận thức toàn diện về xây dựng Đảng, đã mở rộng nội dung xây dựng Đảng trên mọi lĩnh vực, mọi phương diện, mọi mối quan hệ, do đó đã đặt vấn đề đạo đức và văn hóa trong Đảng, xác định rõ ràng xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng văn hóa trong Đảng. Xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa trong tình hình hiện nay là điểm mấu chốt, cốt lõi làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng là Đảng lãnh đạo và cầm quyền.
Về mặt này, Báo cáo chính trị tại Đại hội XII, Đảng ta nêu rõ: Thực trạng yếu kém trong công tác xây dựng Đảng đã cho thấy yếu kém về đạo đức trong Đảng, với rất nhiều biểu hiện: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu… tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”. Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao.
Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng về rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ đảng viên chưa thật sự tích cực, đồng bộ, thường xuyên, một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa đều, chưa đi vào chiều sâu ở nhiều ngành, địa phương cơ quan, đơn vị; một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức.
Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Còn có biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thật sự sâu sát thực tế, cơ sở. Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít chậm được khắc phục.
Do những hạn chế, yếu kém đó mà Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI và Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nội dung xây dựng Đảng được đề cập trước hết là “chú trọng xây dựng Đảng về chính trị”, là “đổi mới công tác tư tưởng, lý luận”, là “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”. Về phương diện này, Đảng ta nhấn mạnh: “Tập trung thực hiện mục tiêu: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đại hội XII còn đề cập tới hàng loạt vấn đề khác trong công tác xây dựng Đảng mà ở mỗi vấn đề đều liên quan tới xây dựng đạo đức, rèn luyện phẩm chất, hoàn thiện nhân cách đảng viên, nhất là đảng viên có trọng trách lãnh đạo, quản lý. Đó là: Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện đầy đủ và có kết quả các nội dung trên đây trong công tác xây dựng Đảng, không chỉ đòi hỏi phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thực và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, chất lượng đạo đức trong từng tổ chức Đảng, trước hết của các cấp ủy Đảng mà còn đòi hỏi phải “đưa văn hóa vào trong chính trị” như Hồ Chí Minh đã từng nêu ra, làm cho văn hóa thấm vào đời sống của Đảng, vào các mối quan hệ giữa con người với công việc, với tổ chức và với nhân dân.
Đại hội XII khẳng định: “Coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị mà nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Đây là một nhận thức lý luận mới, đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn so với quan niệm trước đây “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Như vậy, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức - phần cốt lõi, chủ đạo của văn hóa, trong văn kiện Đại hội XII đã được trình bày trong mối liên hệ tổng thể với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, từ quan niệm đến nội dung, phương pháp và phương thức lãnh đạo của Đảng. Giải quyết những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi tính đồng bộ với những chuyển động tích cực giữa đảng viên với tổ chức đảng, với cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, với quần chúng nhân dân, với Nhà nước và các thiết chế chính trị - xã hội khác của hệ thống chính trị cũng như với toàn xã hội. Từ đó, có thể nhận thấy nội dung và mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức mà Đại hội XII xác định là rất thiết thực, cụ thể và sâu sắc. Nổi bật và tập trung là những điểm dưới đây: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xác định rõ, đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị; xây dựng Đảng về đạo đức từ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phải kiên quyết đấu tranh chống quan liêu tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm; đó chính là tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.
Nó cũng cho thấy, xây dựng Đảng về đạo đức là bảo đảm tối cần thiết để giữ vững, bảo vệ nhân cách đảng viên, làm cho mỗi đảng viên xứng đáng với danh hiệu cao quý của những người đứng trong đội ngũ tiên phong, đồng thời bảo đảm cho Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, từ chính trị đến tư tưởng và tổ chức.
Để xây dựng Đảng về đạo đức, đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà Hồ Chí Minh đã nêu ra, bảo đảm cho Đảng thật sự là một Đảng cách mạng chân chính “là đạo đức là văn minh” (Hồ Chí Minh) cần phải chuyển từ ý thức đạo đức sang hành động đạo đức, không chỉ với nỗ lực tự giác, trách nhiệm của từng người mà còn phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, của những người lãnh đạo, nhất là phát huy vai trò của dân trong xây dựng Đảng. Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của các tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên.
Với những quan điểm, quan niệm nêu trên, Đại hội XII, nhất là Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã đánh dấu một mốc quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhận diện đầy đủ, sâu sắc để kiên quyết đẩy lùi 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.
GS Hoàng Chí Bảo
Theo http://www.nhandan.com.vn
Thu Hiền (st)