1. Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy địnhvề giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2017
Chứng từ BHXH điện tử bao gồm:
- Hồ sơ BHXH điện tử;
- Chứng từ kế toán theo quy định của BHXH Việt Nam bằng phương tiện điện tử;
- Các văn bản, thông báo khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch BHXH bằng phương tiện điện tử.
Thời gian nộp chứng từ BHXH điện tử được quy định cụ thể như sau:
- Đối tượng nộp chứng từ BHXH điện tử được thực hiện giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
- Cơ quan tiếp nhận sẽ gửi thông báo xác nhận đã nhận được chứng từ BHXH điện tử đến địa chỉ thư điện tử của đối tượng nộp chậm nhất 15 phút sau khi nhận được chứng từ BHXH điện tử gửi đến.
2. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổsung một sốnghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2017
Nghị định đã bổ sung một số quy định về đất đai như:
- Thu hồi đất đối với các trường hợp:
+ Không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã bị cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không chấp hành.
+ Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
- Cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê, đất thuê lại trả tiền thuê đất hàng năm.
3. Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/3/2017
Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gồm:Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước;người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi chung là người phát ngôn);người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (sau đây gọi chung là người được ủy quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức, cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương, gồm:Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước;trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, gồm:Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã; trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước.
Các hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí gồm:
- Tổ chức họp báo.
- Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước.
- Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên.
- Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
- Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu.
- Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.
4. Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2017
Theo đó, bãi bỏ Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày kèm theo Thông tư 14/2016/TT-BYT, ban hành Danh mục mới bổ sung thêm nhiều loại bệnh vào các nhóm bệnh như:
- Nhóm bệnh Thai nghén, sinh đẻ và hậu sản: Biến chứng sau xảy thai, chửa trứng, chửa ngoài tử cung;
- Nhóm bệnh tâm thần: Rối loạn ám ảnh nghi thức; rối loạn stress sau sang chấn; các rối loạn nhân cách đặc hiệu;
- Nhóm bệnh tai và xương chũm được đổi thành nhóm bệnh lý tai mũi họng. Đồng thời bổ sung bênh: Papilome thanh quản; Viêm tai giữa mạn tính; Sẹo hẹp khí quản vào nhóm bệnh này.
Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày là cơ sở để thực hiện chế độ, quyền lợi cho người lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
5. Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2017
Theo đó, quy định 01 trong những điều kiện để thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp THPT như sau:
- Đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT: Thi 03 bài thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn thi 01 trong 02 bài thi là tổ hợp 1 (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc tổ hợp 2 (gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
- Đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên: Thi 02 bài thi môn Toán, Ngữ văn và lựa chọn thi 01 trong 02 bài thi là tổ hợp 1 (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc tổ hợp 2 (gồm Lịch sử, Địa lí).
Thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp, bài nào điểm cao hơn sẽ được tính để xét tốt nghiệp THPT.
6. Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2017
Theo đó, quy định mới về điểm sàn - ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong tuyển sinh đại học hệ chính quy như sau:
- Từ năm 2018 trở đi, mỗi trường tự xác định mức điểm sàn đầu vào cho trường mình khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Quy chế.
- Năm 2017 thì vẫn như mọi năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào kết quả kỳ thi TTPT quốc gia công bố mức điểm sàn để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Thu Hiền (tổng hợp)