Lãnh tụ M. Găng-đi và Chủ tịch Hồ Chí Minh là hai nhà lãnh đạo Châu Á đã sử dụng hai chiến lược khác nhau để giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân. Lãnh tụ M. Găng-đi sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo động. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp tài tình giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Mặc dù sử dụng hai chiến lược khác nhau, nhưng Lãnh tụ M. Găng-đi và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có nét tương đồng ở mục đích đấu tranh giải phóng những người bị áp bức và dân tộc bị áp bức.
Cùng tương đồng cảnh ngộ
Đối với Ấn Độ, từ giữa thế kỷ XVIII, sau khi chiếm được ưu thế so với các nước phương Tây khác ở Ấn Độ, thực dân Anh tăng cường bành trướng đất đai của nước này. Cùng với quá trình xâm chiếm lãnh thổ, thực dân Anh nhanh chóng áp đặt ách thống trị và tiến hành các hoạt động khai thác ở Ấn Độ. Về chính trị, ban đầu công cụ để tiến hành các hoạt động xâm lược và thống trị của thực dân Anh ở Ấn Độ là Công ty Đông Ấn. Đến năm 1858, Nghị viện Anh giải tán hoàn toàn Công ty Đông Ấn và đặt Ấn Độ dưới quyền cai trị trực tiếp của chính phủ Anh. Về kinh tế, khi thực dân Anh đặt chân lên Ấn Độ thì nền kinh tế ở đây chủ yếu là nông nghiệp. Vì vậy, chúng ban hành những chính sách ruộng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vơ vét bóc lột. Với chính sách “chế độ Da-min-da vĩnh viễn” cho những người thầu thuế được quyền sở hữu những mảnh đất mà họ thu thuế và được tự do sử dụng đất đai công xã, thực dân Anh đã thủ tiêu quyền thừa kế ruộng đất và các quan hệ ruộng đất trong công xã nông thôn, đồng thời tạo điều kiện cho sự ra đời một tầng lớp địa chủ mới với quyền thỏa sức bóc lột nông dân dưới hình thức thuế và lao dịch. Bên cạnh đó, thực dân Anh thi hành chính sách thuế quan không bình đẳng: Thuế hàng hóa của Anh nhập vào Ấn Độ chỉ bằng 2% - 3,5% giá trị hàng hóa, trong khi hàng Ấn Độ nhập vào Anh phải chịu thuế 20% - 30%. Sự chênh lệch đó làm cho Ấn Độ trở thành một thị trường tiêu thụ quan trọng nhất của nền công nghiệp Anh. Ấn Độ còn là thị trường đầu tư của tư bản Anh. Về văn hóa giáo dục, thực dân Anh thi hành chính sách ngu dân, khuyến khích những tập quán lạc hậu và phản động thời cổ xưa, đồng thời hợp pháp hóa chế độ đẳng cấp và các tàn dư trung cổ lỗi thời.
Đối với Việt Nam, bước sang thế kỷ XIX, nhà Nguyễn - triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến chuyên chế Việt Nam - đã thực sự không còn khả năng lãnh đạo, tập hợp, phát huy các nguồn lực trong nhân dân. Nhà Nguyễn đã dùng chế độ pháp luật hà khắc, quân đội đông đảo và tư tưởng Nho giáo bảo thủ để tiếp tục kìm hãm nhân dân trong trật tự của nền chính trị chuyên chế cực đoan. Mâu thuẫn giữa giai cấp địa chủ phong kiến với nông dân ngày càng gay gắt, dẫn tới đỉnh cao là các phong trào phản kháng của nông dân nổ ra liên tiếp ở nhiều nơi. Khi triều đình nhà Nguyễn đang khủng hoảng thì thực dân Pháp ráo riết tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước họa ngoại xâm, chính quyền phong kiến Việt Nam đã nhanh chóng đầu hàng quân xâm lược. Từ một quốc gia phong kiến độc lập, thống nhất, có chủ quyền, Việt Nam trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến, không có độc lập, không có tự do.
Để bảo đảm cho nền thống trị, thực dân Pháp đã không xóa bỏ hoàn toàn lợi ích của giai cấp phong kiến, địa chủ bản xứ, mà tìm mọi cách dung dưỡng nó, biến nó thành cơ sở xã hội cho sự thống trị của chúng ở thuộc địa.
Thực dân Pháp thi hành chính sách độc quyền kinh tế, ra sức bóc lột, thuế khóa hết sức nặng nề. Điều này làm cho nền kinh tế Việt Nam phải phụ thuộc vào kinh tế chính quốc và không phát triển toàn diện. Nhân dân Việt Nam bị bần cùng hóa. Thực dân Pháp còn thực hiện chính sách ngu dân, nô dịch về mặt văn hóa, nhằm làm cho nhân dân Việt Nam vừa bị đoạn tuyệt với những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa xa lạ với các giá trị văn minh của thời đại mới, từ đó bất lực về mặt nhận thức trước nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Có thể thấy, đến cuối thế kỷ XIX, cả thực dân Anh lẫn thực dân Pháp đã thực sự biến Ấn Độ và Việt Nam thành thuộc địa để vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân công và tiêu thụ hàng hóa. Hậu quả tất yếu là tình trạng bần cùng của quần chúng nhân dân hai nước. Tất nhiên, ở đây cần nói thêm rằng, thực dân Pháp đã áp đặt một phương thức cai trị ở Việt Nam không giống như phương thức thực dân Anh thiết lập ở Ấn Độ. Với Ấn Độ, chính chế độ đẳng cấp nặng nề và sự phân tầng xã hội sâu sắc cùng với “chủ nghĩa dân tộc” yếu là những yếu tố thuận lợi cho việc áp đặt một chế độ cai trị hoàn toàn mới theo kiểu quy chế thuộc địa. Còn với Việt Nam, đặc điểm địa - chính trị với tính đa dạng và sự khác biệt rõ nét giữa các vùng, miền cùng với tính đặc thù của một quốc gia đa dân tộc, đã bị thực dân Pháp lợi dụng để thực hiện chính sách chia để trị, cai trị theo cả phương thức trực tiếp và gián tiếp. Tuy vậy, dù cách thức cai trị của thực dân có ít nhiều khác nhau, thì cả hai nước Ấn Độ và Việt Nam đều chung cảnh nô lệ lầm than, do vậy, yêu cầu giải phóng dân tộc là yêu cầu cao nhất, có ý nghĩa sống còn đối với cả hai dân tộc.
Giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào
Lãnh tụ M. Găng-đi là một lãnh tụ yêu nước, là biểu tượng của việc huy động sức mạnh đoàn kết nhân dân Ấn Độ vào mặt trận đấu tranh cho độc lập, tự do của đất nước. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc Ấn Độ, lãnh tụ M. Găng-đi là một chiến sĩ vĩ đại luôn đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đặc biệt là những thân phận cùng khổ. Lãnh tụ M. Găng-đi trở thành biểu tượng của một nước Ấn Độ tự do. Suốt cuộc đời lãnh tụ M. Găng-đi luôn đấu tranh cho một đất nước Ấn Độ mà ông “mơ ước”, ở đó, “người nghèo sẽ cảm thấy là đất nước của họ, trong đó họ có tiếng nói hữu hiệu, một nước Ấn Độ, trong đó không có người cao quý, kẻ tiện dân, một Ấn Độ, trong đó tất cả mọi cộng đồng sẽ sống trong sự hài hòa, êm đẹp. Có thể trong một nước Ấn Độ như vậy không có tầng lớp người bị nguyền rủa hoặc có tai họa bị đầu độc bởi rượu và ma túy. Phụ nữ có quyền lợi như người đàn ông”(1).
Để xây dựng được xã hội tốt đẹp đó, mục tiêu đấu tranh của lãnh tụ M. Găng-đi là giải phóng dân tộc. Ông nêu lên triết lý “chúng ta sẵn sàng chết hơn là sống trong chế độ nô lệ”(2), và cho rằng, giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của toàn thể xã hội (3). Với lãnh tụ M. Găng-đi, độc lập, tự do của dân tộc luôn phải gắn liền với cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân: “Bất cứ gì có thể có ích cho hàng triệu con người đang chết đói, tôi thấy là đẹp. Chúng ta hãy trước tiên đem lại những cái gì sống động cho cuộc sống, rồi mọi thứ trang hoàng duyên dáng khác của đời sống sẽ theo đó mà nẩy sinh…”(4).
Lãnh tụ M. Găng-đi không những đấu tranh cho độc lập dân tộc mình mà còn nêu cao chủ nghĩa quốc tế, đấu tranh cho các dân tộc bị thuộc địa khác. Ông cho rằng: “Cũng giống như trong nhà nước dân tộc - nơi không có sự phân biệt giữa đa số và thiểu số, trong một liên bang quốc tế của các quốc gia, tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ được độc lập hoàn toàn”(5). Chính vì vậy, lãnh tụ M. Găng-đi và nhân dân Ấn Độ luôn ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Nhân dân Việt Nam luôn nhớ rằng, Thánh Găng-đi ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam ngay khi mới bắt đầu”(6).
Ở Việt Nam, ngay từ đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến cách mạng Ấn Độ và triết lý chính trị của lãnh tụ M. Găng-đi. Người đánh giá cao cuộc đời cách mạng và tư tưởng của ông: “Ma-ha-mát Găng-đi đã đặt viên đá đầu tiên để dựng lên thuyết bất hợp tác và bất bạo động”(7).
Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị đọa đày đau khổ, nhận thức sâu sắc thực trạng phi nhân tính của nền chính trị thực dân, thân phận nô lệ của đồng bào, vận mệnh tồn vong của dân tộc, suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh “chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”(8). Với Người, không có một vấn đề chính trị nào lại không xoay quanh vấn đề con người, và cũng không có con người chung chung, trừu tượng mà chỉ có những con người hiện thực. Từ những suy nghĩ cách mạng đầu tiên đến những mong mỏi cuối đời kết tinh trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Độc lập, tự do, thống nhất, hạnh phúc, dân chủ, bình đẳng, công bằng, công lý, hòa bình,…chính là những giá trị nhân tính, những yếu tố làm nên giá trị, phẩm giá con người. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là các giá trị tự nhiên vốn có của con người, nghĩa là đã là con người thì phải được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc,… và các giá trị này gắn chặt với nhau, hòa quyện vào nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn thống nhất phải có hòa bình. Muốn độc lập thì phải thống nhất. Muốn độc lập thật sự thì phải có dân chủ. Bốn điểm đó như bầu trời có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; như một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; không thể tách rời nhau, không thể thiếu một điểm nào”(9).
Mong mỏi lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng con người, trước hết là giải phóng đồng bào, tức là lật đổ, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của ngoại bang, giành độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ chấp nhận độc lập dân tộc dưới chế độ quân chủ chuyên chế, càng không chấp nhận chế độ tư bản không kém phần chuyên chế. Bởi vì, đó là chế độ mà trong đó, người dân bị đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có xây dựng thành công một chế độ xã hội mà ở đó, con người được nâng lên thành con người đúng nghĩa mới là đích cuối cùng của sự nghiệp giải phóng con người.
Về giá trị dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Chỉ khi địa vị là chủ của dân được xác định, thì vai trò làm chủ của dân mới có điều kiện phát huy. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ còn chính là khát vọng vươn lên để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho mỗi con người. Với các nước thuộc địa, quá trình đi đến dân chủ là quá trình xác lập địa vị làm chủ đất nước của dân, để dân làm chủ thực sự, làm chủ mọi mặt của đời sống xã hội trong sự thống nhất giữa làm chủ của cộng đồng với làm chủ của cá nhân. Có như vậy nhân dân mới có cuộc sống hạnh phúc thực sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ (10). Như vậy, khái niệm hạnh phúc theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dân có được cơm no, áo ấm, không bị chết đói, chết rét; được là công dân của một nước độc lập, không còn mang nỗi nhục nô lệ; được học hành để nâng cao kiến thức và có khả năng chọn lựa, quyết định tương lai hạnh phúc của mình. Với Người, hạnh phúc thực sự của con người là mục tiêu cuối cùng của chính trị, của phát triển xã hội.
Có thể thấy, xuất phát từ thực tế hoàn cảnh của Ấn Độ - Việt Nam, triết lý chính trị của lãnh tụ M. Găng-đi và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhằm giải quyết vấn đề cứu dân tộc, cứu đồng bào đang bị đọa đày đau khổ. Chính sự gặp gỡ giữa hai triết lý chính trị cao đẹp ấy đã khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho lãnh tụ M. Găng-đi sự kính trọng to lớn, cũng như sự kính trọng mà sau này những người kế tục lãnh tụ M. Găng-đi - như G. Nê-ru - cũng đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cốt cách những bậc hiền nhân
Sống trong cảnh xã hội đầy bất công, bất bình đẳng, Lãnh tụ M. Găng-đi nhận thấy, từ xưa đến nay có hai cách đối đầu với bạo quyền: Một là, tiếp tục chấp nhận thân phận nô lệ; hai là, đấu tranh, trả đòn bằng bạo lực. Theo đó, thái độ cúi đầu khuất phục trước bạo quyền sẽ làm bại hoại tâm hồn của cả thủ phạm và nạn nhân. Nhưng trả đòn, hoặc dùng bạo lực để đáp lại bạo lực thì có thể sẽ gây nên càng nhiều hận thù và tai họa. Lãnh tụ M. Găng-đi đã chỉ ra con đường thứ ba khác với hai phương thức trên, đó là tư tưởng satyagraha với ba giá trị: Chân lý, bất bạo động và đức nhẫn nhục. Chủ đích là chấm dứt bất công bằng tâm hồn công chính và từ bi, đem yêu thương và lòng thành thực để cảm hóa tha nhân.
Lãnh tụ M. Găng-đi đã giúp toàn thế giới biết đến một thể thức độc đáo - satyagraha, một biện pháp hòa giải mọi mâu thuẫn - giữa các quốc gia, các nhóm người bị áp bức với chính quyền, giữa các phe nhóm trong một cộng đồng xã hội, cũng như giữa mọi người, giữa cá nhân với cá nhân. Tuy là một con đường khó đi, phải kiên nhẫn lâu dài, nhưng thành quả sẽ trường tồn, bền vững hơn cả. Tư tưởng satyagraha chính là kết quả của đức từ bi, trí tuệ và dũng cảm trong con người lãnh tụ M. Găng-đi. Lãnh tụ M. Găng-đi hay “Tâm hồn vĩ đại” như lời người Ấn Độ, đã trở thành người truyền cảm hứng cho hàng triệu người, dẫn đầu cuộc giải phóng nhân dân Ấn Độ khỏi sự cai trị của thực dân Anh.
Điều đọng lại sâu sắc nhất của triết lý lãnh tụ M. Găng-đi trong Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân đạo - luôn đấu tranh vì con người, đặc biệt là những con người nghèo khổ nhất và luôn thực hành cuộc sống giản dị, trong sạch và gần gũi với con người; hay nói cách khác, triết lý của Lãnh tụ M. Găng-đi là giải phóng những con người nghèo khổ bằng cách đề cao hòa bình và đạo đức với tấm gương mẫu mực của thủ lĩnh chính trị. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ M. Găng-đi luôn là một người “đã nêu cao đạo đức yêu nước, khắc khổ, nhẫn nại, suốt đời hy sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho hòa bình”(11).
Giống như lãnh tụ M. Găng-đi, cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được nhiều người coi là “huyền thoại của một vị hiền triết”(12). Ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, vượt qua năm châu, bốn bể để được nhìn thấy sự thật, quyết tâm hành đạo với một ý chí không gì lay chuyển “dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Và quan trọng hơn hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(13).
Điều quý giá nhất trong triết lý chính trị của Hồ Chí Minh chính là lòng nhân đạo và tình yêu thương bao la với mọi dân tộc, mọi kiếp người. Lòng nhân đạo và tình thương của Người luôn gắn liền với hành động. Hoàn cảnh lịch sử cụ thể không cho phép Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người yêu nước Việt Nam hành động theo phương thức của lãnh tụ M. Găng-đi, mà một cách tất yếu, phải dùng đến nhiều phương thức đấu tranh khác nhau, trong đó có cả phương thức bạo lực cách mạng. Nhưng dù là phương thức hành động nào đi chăng nữa thì trong đó vẫn luôn thấm đẫm lý tưởng nhân đạo và tình thương. Vì nhân đạo và tình thương mà suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hành động đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, như chính Người đã từng nói: “Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”(14).
Cốt cách hiền nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đi vào tâm thức của người dân Việt Nam mà còn của cả bạn bè thế giới, trong đó có nhân dân Ấn Độ. Trong bài phát biểu nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ vào tháng 02-1958, G. Nê-ru - vị Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ đã khẳng định: “Chúng ta có dịp đón chào nhiều vị thượng khách đến từ nhiều nước, nhưng vị khách chúng ta có dịp đón chào hôm nay thật là độc đáo vô song. Không một vị khách quý nào của chúng ta từ trước đến nay lại giản dị đến thế và chỉ nhìn thấy Người là chúng ta bị cuốn hút ngay… Đây là con người có trái tim vĩ đại và được đón tiếp Người, chúng ta dường như lớn thêm lên!”(15).
Lãnh tụ M. Găng-đi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như các nhà cách mạng Châu Á lỗi lạc cùng thời khi đối mặt với những thách thức của lịch sử đã tỏa sáng nhân cách và trí tuệ để xây dựng nên những triết lý chính trị sáng suốt và hiện thực hóa nó trong cuộc đấu tranh vì ngọn cờ độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của con người. Ở khía cạnh đó, dòng mạch trí tuệ của dân tộc và thời đại gặp gỡ, hòa nhịp, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nên những sự tương đồng, đồng cảm lớn. Đó là lý do mà trong lãnh tụ M. Găng-đi, ta thấy hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy hình ảnh của lãnh tụ M. Găng-đi. Đúng như nhà báo Pháp G. Rút-xơ đã nói: “ông Hồ Chí Minh luôn là một Lãnh tụ M. Găng-đi mác-xít… đại diện cho triết lý Á Đông”(16)./.
----------------------------
Bài viết được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Hà Nội, trong khuôn khổ đề tài QG.13.17.
(1), (3), (4) J. Nehru: Phát hiện Ấn Độ, t. 2, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1990, tr. 244, 245
(2) Glyn Richards: The philosophy of Gandi - A study of his basic idears, Curzon Press, UK, 1991, p. 136
(5) Bidyut Chakrabarty: Social and political thought of Mahatma Gandi, Routledge Taylor & Francis Group, New York, 2006, p. 124
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 264
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 59, 12
(8), (13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 272, 187, 272
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 244, 245
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 9
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 276
(12) GS. Trương Chính: Hồ Chí Minh, một vị hiền triết hành động, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 305
(15) Bộ Ngoại giao, Ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao: Bác Hồ và hoạt động ngoại giao, Một vài kỷ niệm về Bác, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 163
(16) Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam: Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc danh nhân văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 332
PGS, TS. Lại Quốc Khánh - Đại học Quốc gia Hà Nội
ThS. Phan Duy Anh - Đại học Thủ Dầu Một
Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn
Thanh Liễu (st)