Các tác giả của chiến lược “diễn biến hòa bình” đã hý hửng chào đón thắng lợi sau sự kiện chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu nhưng chúng đã phải im lặng khi “diễn biến hòa bình” không áp đặt thành công ở Trung Quốc, một nước chiếm diện tích bằng 1/4 Châu Á và 1/4 dân số thế giới. Khác với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, từ năm 1957, Mỹ đã rất thận trọng khi xác định Trung Quốc là một trong những trọng điểm chống phá bằng biện pháp “diễn biến hòa bình”. Nét đặc sắc của “diễn biến hòa bình” ở Trung Quốc được các thế lực thù địch vận dụng vô cùng khôn ngoan, xảo quyệt; song lại rất mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo; đó là sử dụng đồng thời nhiều biện pháp để làm tha hóa, biến chất bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó biện pháp tối ưu được chúng xác định là thúc đẩy “tự diễn biến, tự biến chất” do Mỹ và phương Tây chủ mưu, các thế lực phản động trong và ngoài nước trợ giúp. Để đạt được mục tiêu đặt ra, một trong những thủ đoạn nham hiểm được Mỹ và phương Tây áp dụng “khôn ngoan” ở Trung Quốc là thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại; đồng thời, dùng đồng đô la để quyến rũ, gây chia rẽ nội bộ và luồn sâu vào các cơ quan cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Trung Quốc.

Năm 1989, sự kiện Thiên An Môn bắt đầu khi Hồ Diệu Bang, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (người ủng hộ xu hướng tự do, dân chủ theo phương Tây) qua đời. Những kẻ cầm đầu cuộc bạo loạn Thiên An Môn đứng ra thành lập Hội Sinh viên tự trị để phát động thanh niên, sinh viên chống chính quyền, bắt đầu từ việc tuần hành và nêu yêu sách, yêu cầu chính phủ đối thoại với sinh viên; qua đó, đòi xác lập chế độ dân chủ tư sản theo kiểu phương Tây, đòi sửa đổi hiến pháp, đòi tự do hóa kinh tế, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Vào tháng 5-1989, cuộc bạo loạn chính trị phát triển đến đỉnh điểm thành bạo loạn phản cách mạng. Trước tình hình đe doạ đến sự tồn vong của chế độ, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để giải tán biểu tình kiên quyết chấm dứt bạo loạn.

Năm 1992, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Mỹ và phương Tây dồn sức, tập trung mọi lực lượng, sức mạnh vốn có để chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, thực hiện “diễn biến hòa bình” ở nước này với nhiều biện pháp rất thâm độc, trong đó các biện pháp tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo được chúng áp dụng triệt để. Trước tình hình trên, chính quyền Trung Quốc một lần nữa đã thống nhất vẫn kiên quyết dùng vũ lực để giải tán tất cả các cuộc bạo loạn ở Tây Tạng, Bắc Kinh và nhiều thành phố khác.

Vì vậy, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ của Mỹ và phương Tây đã không thành công. Trong mọi hoàn cảnh, tình huống, Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc đều chủ trương kiên quyết, kiên trì đường lối không nhượng bộ, không thỏa hiệp với bất kỳ lực lượng, phe phái đối lập nào, đồng thời dùng sức mạnh chuyên chính vô sản để đập tan mọi cuộc bạo loạn bằng sức mạnh tổng hợp, sử dụng sức mạnh của quân đội, công an để trấn áp; cấm các phóng viên nước ngoài tiếp cận, đưa tin; kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân chống lại chủ nghĩa khủng bố, bạo loạn; đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm sau các cuộc bạo loạn lật đổ do các thế lực thù địch gây ra để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc.

Đó là điều khác biệt căn bản so với cách làm của các Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Vì lẽ đó, “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã không thể thực hiện được, đã thất bại ở một nước phương Đông. Điều này nói lên rằng, “diễn biến hòa bình” với các âm mưu, thủ đoạn dù có tinh vi, xảo quyệt đến mức nào, song đó chỉ là ý muốn chủ quan mang tính áp đặt của các thế lực thù địch, còn nó có thực hiện được hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào đường lối, chủ trương, chính sách của các Đảng Cộng sản và sự giác ngộ, tinh thần đề cao cảnh giác cách mạng của quần chúng nhân dân và việc nhận thức sự nguy hiểm, tác hại khôn lường do âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch gây ra. Từ sự phân tích trên, có hai vấn đề đặt ra đối với việc phòng, chống “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam hiện nay mà chúng ta cần học tập, rút kinh nghiệm để áp dụng, vận dụng vào cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” ở nước ta thời gian tới.

Thứ nhất, tại sao các Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô lại mắc mưu “diễn biến hòa bình”, lâm vào khủng hoảng trầm trọng, nhân dân mất niềm tin vào Đảng, và tự Đảng Cộng sản đánh mất vai trò lãnh đạo, sự cầm quyền của mình, dẫn đến kết cục bi thảm: Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội; chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt và công sức của hàng trăm triệu người, hàng chục năm vun đắp đã bị đánh cắp, đã bị sụp đổ. Có thể nhìn nhận vấn đề trên ở các khía cạnh sau:

a) Do Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu và Liên Xô vi phạm thô bạo nguyên tắc mácxít - lêninít, dẫn đến nội bộ Đảng, Nhà nước và nhân dân bị chia rẽ, mất đoàn kết, thiếu thống nhất, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã bị tha hóa, biến chất. Đó là những điểm yếu chí mạng, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong xác định đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng. Mặt khác, do biến chất, thoái hóa, nên Đảng không thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ của Đảng, làm trong sạch, lành mạnh “bộ máy”, nội bộ Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Trong nội bộ Đảng, Nhà nước đã bị tác động mạnh của “diễn biến hòa bình” dẫn đến tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm cho các phe phái nổi lên tranh giành quyền lực. Không ít cán bộ cao cấp của Đảng đã phản bội Đảng.

b) Các Đảng Cộng sản nêu trên đã bị “lây nhiễm” tư tưởng tự do, dân chủ theo kiểu phương Tây trong cải cách, cải tổ, đã thỏa hiệp, chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong quá trình cải tổ, cải cách đất nước, dẫn đến tình trạng tranh giành quyền lực, đấu đá, xâu xé lẫn nhau, làm suy yếu Đảng, đánh mất niềm tin, sự giúp đỡ của nhân dân.

c) Các Đảng Cộng sản nêu trên không những không chăm lo xây dựng đất nước, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân mà còn mắc mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch, không chăm lo xây dựng lực lượng quân đội và công an vững mạnh, làm trong sạch các cơ quan bảo vệ luật pháp như thanh tra, kiểm tra, công tố và tòa án.

d) Sự can thiệp ngày càng sâu rộng của Mỹ và phương Tây, nhất là việc tạo dựng “ngọn cờ”, hỗ trợ lực lượng đối lập, chống đối trong nước, làm cho các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô gặp không ít khó khăn cả về kinh tế lẫn chính trị, xã hội, dẫn đến khủng hoảng trầm trọng; Đảng không thể lãnh đạo nhà nước và xã hội, còn Nhà nước không thể kiểm soát đội ngũ công chức và chính quyền nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội khác.

e) Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã lợi dụng triệt để “diễn biến hòa bình” để tập hợp, lôi kéo các phần tử bất mãn với chế độ, xuyên tạc sự thật để nhân dân nghi ngờ, mất niềm tin vào Đảng, chống lại Đảng, Nhà nước; đồng thời, kích động, mua chuộc, lôi kéo một bộ phận không nhỏ nhân dân đứng về phía chúng, gây khó khăn cho Đảng, Nhà nước. Mặt khác, các Đảng Cộng sản đã coi thường, không chăm lo công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tự mình làm hư hỏng nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, cần đặt câu hỏi: Tại sao “diễn biến hòa bình” đã không thành công ở Trung Quốc và Cuba? Phải chăng ở hai nước này, các Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa không mắc mưu “diễn biến hòa bình”; đã nhận thức rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của “diễn biến hòa bình”, có đối sách chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” một cách hiệu quả nên không để xảy ra tình trạng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, không để cho tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây thấm sâu vào quần chúng nhân dân? Có lẽ thực tiễn đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” ở các nước này đã trả lời, giải đáp câu hỏi đó./.

                                                                                   Theo Nhân Văn

                                                                                  Thanh Huống (s/t)

Bài viết khác: