Chủ tịch Hồ Chí Minh được vinh danh “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”. Cả cuộc đời và sự nghiệp, Người đã hy sinh cho độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một vĩ nhân đồng thời cũng là tấm gương của một con người chân chính, bình dị, ai cũng có thể học, làm theo để trở thành một cán bộ tốt, một đảng viên tốt, một người công dân tốt. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Vì vậy, “học Hồ Chủ tịch thực ra dễ lắm, vì những điều Hồ Chủ tịch dạy chúng ta đã có sẵn trong tâm hồn, trong trí óc. Chúng ta hãy phản tỉnh lại thì thấy trong đáy lòng, trong ký ức, câu “Trung với nước, hiếu với dân”, đoàn kết phấn đấu, cần, kiệm, liêm, chính chúng ta đã học từ thời cha ông. Chúng ta hãy hồi tỉnh lại, chúng ta sẽ thấy hiểu Hồ Chủ tịch hơn nhiều và làm những điều Hồ Chủ tịch dạy sẽ không còn khó nữa”[1].

Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần xuất phát từ tâm trong sáng của mỗi người Việt Nam. Bởi đạo đức của Người, những gì Người nói và làm đã có sẵn trong tâm hồn, trí óc chúng ta như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định. Mặt khác, mục đích của việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn vì mục đích là để “làm người”, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, toàn tâm, toàn ý “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.  

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lâu dài trong đời sống hằng ngày, thiết thực đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay. Đó là ngăn chặn, xoá bỏ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội, đặc biệt là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó, có cán bộ cấp cao đã tha hóa, biến chất cần “vạch mặt, đặt tên”. Thực chất việc đẩy mạnh học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, như Người từng căn dặn:“Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.  

Vì vậy, học và làm theo Người phải ngay trong những hoạt động, hành vi sinh hoạt đời thường như Bác thường dạy chúng ta:“Muốn đi xa, trước hết phải đặt chân từ trong nhà”. “Phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày”. Học và làm theo Người, dù ở chức danh, địa vị nào ai cũng nên bắt đầu ngay từ những việc nhỏ bé, đời thường nhất như những câu chuyện nhỏ của Người sau đây.                         

Câu chuyện thứ 1: Đầu năm 1946, cả nước ta tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội là nơi Bác Hồ ra ứng cử có 118 vị chủ tịch UBND và đại biểu các giới hàng xã, đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của Nước Việt  Nam Dân chủ Cộng hoà”. Từ nhiều nơi trong cả nước đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhất trí cử Bác vào Quốc hội. Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định, tôi đã ra ứng cử ở Hà Nội nên tôi không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.                    

Câu chuyện thứ 2: Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, khách nước ngoài và nhân dân đi lễ rất đông. Bác vừa vào chùa vị sư cả liền ra đón Bác và xin Người không cần cởi dép nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người xong mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ.   

Qua những câu chuyện trên, mỗi chúng ta cảm nhận được từ những việc đơn giản, đời thường ấy, Bác Hồ đã dạy chúng ta những bài học sâu sắc về cách sống, tôn trọng quy định, cách làm người giữa xã hội với nhiều mối quan hệ rất đa dạng và nhất là bài học về sự gương mẫu chấp hành qui tắc, luật lệ chung với “tâm” của mình. Mỗi chúng ta học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải xuất phát từ “tâm”, bởi tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng luôn phải đối đầu với “kẻ thù nguy hiểm” của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Theo Bác, vì chủ nghĩa cá nhân mà nhiều người mắc bệnh tự phụ, tự cao, tự đại... cho mình đã là người tốt rồi, tài giỏi hơn người rồi, tự cho mình là “cách mạng già”, “cách mạng cũ”, hoặc “biết mình có khuyết điểm nhưng không chịu sửa”, hoặc chỉ chú trọng về hình thức, nặng về phong trào thuần túy… thì khó có hiệu quả. Mỗi chúng ta, hãy từ “tâm” để tự giác tu dưỡng bản thân, thật sự khiêm tốn đánh giá chính bản thân, lắng nghe lời phê bình chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè … để “sửa mình”, soi lại mình và ghép mình vào tổ chức, hoàn thiện bản thân… Đó là một cách học tập hiệu quả, thiết thực và có chất lượng.                   

Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, góp phần giữ vững “kỷ cương” của cơ quan, đơn vị; không nên quá coi trọng “cái tôi” mà sống theo suy nghĩ chủ quan, vi phạm các nguyên tắc chung của xã hội, của tổ chức và cần nghiêm túc khắc phục, sửa chữa sai sót bằng những việc làm thiết thực hàng ngày. Nếu chúng ta xuất phát từ “tâm” khi học và làm theo tấm gương của Bác Hồ thì việc tuân thủ một cách nghiêm túc luật lệ, kỷ luật, kỷ cương sẽ trở thành một thói quen bình dị, tự nhiên, không gò ép. Từ những hành động nhỏ như “tuân thủ giờ giấc làm việc”, “tiết kiệm và sử dụng đúng của công”, “đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy” hoặc “vào cổng xuống xe” khi đến cơ quan theo qui định... đến việc lớn chấp hành nghị quyết của Đảng, Nhà nước, tổ chức, chỉ thị của cơ quan, đơn vị, quy định của lãnh đạo cấp trên…  Từ đó, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng sẽ trở thành một việc tự giác và thiết thực nhất trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XII của Đảng đề ra./.   

Phạm Thị Nhung và Bùi Duy Sỉu

Trường Sĩ quan Lục quân 1

Theo http://www.xaydungdang.org.vn

Thu Hiền (st)

.............

[1] Phạm Văn Đồng - Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb.Sự thật, H.1974, tr.17-31.

Bài viết khác: