Điểm mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời “có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”. Làm thế nào để nhận diện đúng, trúng cá nhân chủ nghĩa của từng người, từng cương vị công tác, từng trình độ ở không gian và thời gian khác nhau?
Sẽ có những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa giống nhau và khác nhau của đảng viên, đảng viên có chức vụ, đảng viên là lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu các cấp, cán bộ cao cấp. Nhiều khi cái tinh vi, cái phức tạp mới nảy sinh lại nằm ở chính bộ phận này, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" chỉ rõ: “Tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.
Đây cũng là điều đã được Bác Hồ cảnh báo từ lâu: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”[1]. Người chỉ ra cái gốc rễ ở đây là “khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”. Phải có một bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao, thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật về đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức vụ, nếu không sẽ rất khó đưa ra những phương thuốc chữa trị hiệu nghiệm.
Chủ nghĩa cá nhân theo quan điểm của Bác “là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”; “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm”; “do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”. Như vậy, có thể hiểu, do cá nhân chủ nghĩa mà dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bởi vì những người suy thoái là “chỉ biết mình béo, mặc thiên hạ gầy”; việc gì họ cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Những người suy thoái là họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Họ không thực hành “chí công vô tư” mà lại “hưởng trước thiên hạ; lo sau thiên hạ”, bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân, chứ không nghĩ đến lợi ích của nhân dân. Nói cách khác, cá nhân chủ nghĩa là xuất phát từ cá nhân để phục vụ cho cá nhân. Cách suy nghĩ của chủ nghĩa cá nhân một khi gặp mâu thuẫn giữa lợi ích chung và lợi ích cá nhân là kiên quyết đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của nhân dân, Tổ quốc.
Nói về biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, hình thái và sự phát triển của nó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng cho rằng, người bị chủ nghĩa cá nhân chi phối sẽ dễ nhìn lệch vấn đề, bộc lộ ra “mỗi cái một tí”, như thấy tác dụng cá nhân mình tăng lên một tí, thấy tác dụng của quần chúng nhân dân giảm đi một tí; thấy công lao của mình tăng lên một tí, thấy công lao của Đảng giảm đi một tí; đối với mình thì cộng một ít thành tích, đối với người khác thì lại cộng thêm cho họ một ít sai lầm, khuyết điểm; trong công tác cách mạng thường nhấn mạnh khó khăn của mình lên một tí, coi nhẹ khó khăn của người khác hay của Đảng đi một tí; nhẹ một tí phần cống hiến của mình cho cách mạng, nặng một tí phần đòi hỏi Đảng phải đãi ngộ mình; thấy hoài bão của mình về chủ nghĩa cộng sản bớt đi một tí, mà lo lắng cho tiền đồ cá nhân mình tăng lên một tí...
Những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân dù chỉ “mỗi cái một tí” theo kiểu cộng (+) thêm và trừ (-) bớt và “căn bản nó còn ở trong thời kỳ tự phát” như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra, nhưng rất nguy hiểm. Do chủ nghĩa cá nhân chi phối dù chỉ là “mỗi cái một tí”, nhưng “người ta sẽ xuyên tạc sự thật, điều chỉnh sự vật một cách giả tạo theo hướng có lợi cho cá nhân mình, và lẽ cố nhiên là có hại và gây khó khăn cho cách mạng”. Dù trong thời kỳ tự phát nhưng chủ nghĩa cá nhân đã phát sinh tác dụng đục khoét, làm băng hoại nhân cách của người cách mạng và dẫn tới xói mòn, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ...
Hiện nay, “mỗi cái một tí” vẫn còn, nhưng “một tí” của thời kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; của đầu tư nước ngoài, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước không hoàn toàn giống “một tí” thời chiến tranh giải phóng. Mặt khác, nếu trước đây khó phân biệt giữa chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa tập thể do chủ nghĩa cá nhân còn ở trình độ tự phát, thì nay cái khó phân biệt là do sự tinh vi, khôn ngoan của một bộ phận cán bộ có chức quyền.
Có thể dẫn ra hàng loạt biểu hiện tinh vi của những người có động cơ cá nhân chủ nghĩa. Đó là dựa vào thế lực của Đảng, núp dưới danh nghĩa tập thể để thực hiện mục đích riêng của mình. Miệng thì nói tập trung dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ, độc đoán chuyên quyền. Trên diễn đàn, nghị trường phát biểu rất cách mạng, tỏ rõ tinh thần phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định lập trường nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ.
Đây là sự tinh vi rất nguy hiểm, vì như Bác Hồ đã chỉ rõ: “Muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng thì ta lầm nó là cán bộ tốt”[2]. Về điểm này, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) cũng vạch rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”[3].
Để chống chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện tinh vi như vậy cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp. Các nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là đúng đắn và cần thiết. Nhưng phải thấy một thực tế rằng cá nhân chủ nghĩa không thể chấm dứt chỉ bằng tu dưỡng ý thức đạo đức; bằng giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Nó phải bị đánh bại bởi cơ chế, tính khoa học của bộ máy, tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật Đảng, sức mạnh của quần chúng, cơ bản nhất bởi nền dân chủ - dân chủ trong Đảng, trong xã hội, làm cho dân dám nói, dám phê bình Đảng, Chính phủ và cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, phần tác động lại của tu dưỡng ý thức không phải thứ yếu. Cơ chế, bộ máy tốt mà con người hư hỏng, cố tình xuyên tạc nó thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy nổi hiệu lực, thậm chí thành công cụ của cái xấu, cái ác. Vì vậy, đôi khi chúng ta phải chịu đau đớn trong việc kỷ luật cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp, để cứu cả một chế độ, một dân tộc, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Đó chính là biểu hiện của tinh thần, thái độ nhân văn cao cả nhất của chế độ chúng ta./.
-----------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.127.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.318.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.144.
PGS.TS Bùi Đình Phong
Theo báo Hà Nội mới
Thanh Huống (s/t)