Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng chiếc máy cày - kỷ vật của Bác Hồ kính yêu tặng nhân dân Thanh Hóa vẫn còn đó. Tình cảm, cảm xúc của những người con Thanh Hóa khi nhận được món quà đặc biệt ngày ấy- bây giờ vẫn còn vẹn nguyên.
Cách đây 70 năm, trong những tháng ngày gian khó, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với tình cảm đặc biệt, và với tầm nhìn chiến lược về vị trí, vị thế của tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/02/1947, lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Bác đã động viên Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, ra sức thi đua, chuẩn bị chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với lời căn dặn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... Quyết tâm làm thì sẽ trở thành tỉnh kiểu mẫu”...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa 4 lần. Những lần về thăm, Người luôn dành thời gian để nói chuyện, ân cần khuyên bảo tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo đời sống nhân dân, đoàn kết nội bộ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau...
Chiếc máy cày huyền thoại
Ngày 11/12/1961 Bác về Thanh Hóa và tới thăm HTX nông nghiệp tiên tiến Yên Trường (xã Yên Trường, huyện Yên Định), lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của huyện và tỉnh. Đây là địa phương có các phong trào thi đua lao động, sản xuất được Trung ương khen ngợi, đánh giá cao. Trong lần về thăm này, Bác đã chuyện trò rất thân mật với lãnh đạo xã, bà con nông dân, Bác thưởng Huy hiệu cho những nông dân xuất sắc, có thành tích trong lao động, sản xuất. Bác cổ vũ bà con nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, coi hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ, ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội. Là địa phương đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất, nhưng thấy bà con lao động vất vả, máy móc cũ kỹ lạc hậu nên Bác hứa sẽ tặng Yên Trường 1 chiếc máy cày (chỉ có Thanh Hóa và Quảng Bình được Bác tặng).
Ông Trịnh Gia Vân (88 tuổi), nguyên xã đội trưởng xã Yên Trường cho biết, khi nghe Bác nói nhân dân mừng lắm, ai cũng háo hức chờ đợi ngày được nhận món quà quý của Bác. “Khoảng 3 tháng sau ngày Bác về thăm, chúng tôi nhận được tin xuống thị xã Thanh Hóa nhận máy cày Bác tặng. Khi nghe tin này, nhân dân phấn khởi và vui sướng lắm, ai cũng háo hức được nhìn thấy chiếc máy cày chạy ầm ầm trên cánh đồng của xã” - ông Vân nhớ lại.
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân xã Yên Trường năm 1961
Cũng theo ông Vân, hôm đó bà con kéo ra sân vận động xã rất đông. Khi thấy chiếc máy cày được ông Lê Văn Cận lái về, bà con hò reo vui sướng.
“Tôi nhớ rất rõ đó là chiếc máy cày vạn năng mang nhãn hiệu DT24, trên thân máy có dòng chữ ZETOR 6711C, do Ba Lan chế tạo và tặng Bác. Chiếc máy có công suất 25 mã lực, được sử dụng khai hoang, cải tạo đồng ruộng, bơm hút nước, gặt, kéo rơ móoc vận chuyển lương thực, hàng hóa phục vụ cho nhân dân trong vùng. Là người được giao nhiệm vụ lái máy, tôi lấy làm tự hào, cho đến giờ, những giây phút đầu tiên được lái chiếc máy Bác tặng vẫn còn mãi trong tôi” – ông Lê Văn Cận (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định), xúc động kể.
Lần đầu tiên ở một xóm nhỏ Yên Trường rộn lên tiếng máy cày làm xáo động vẻ tĩnh lặng đã ngàn năm nay của một làng quê. Anh thợ trẻ Lê Văn Cận mặc bộ quần áo công nhân mới tinh, trang trọng ngồi trước vô lăng, thao tác những đường cày “biểu diễn”, lật tung lớp đất đỏ tươi, nâu thẫm tươi tốt. Biển người hò reo vang trời. Bọn trẻ con rồng rắn chạy theo máy, vấp ngã dúi dụi…
“Cảm xúc ngày ấy bây giờ vẫn còn vẹn nguyên. Vinh dự lắm, tự hào lắm. Được Bác Hồ về thăm đã là vinh dự lắm rồi lại còn được Bác Hồ tặng quà thì còn hạnh phúc nào bằng nữa. Hơn 50 năm qua, tôi vẫn không thể quên được cảm giác ấy” - ông Cận kể lại.
Được Bác Hồ tặng máy cày, Đảng bộ và nhân dân xã Yên Trường như có thêm động lực trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả công việc được tăng lên. Các tổ chức trong xã sinh hoạt, quán triệt nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ máy cày, đồng thời phát động nhiều phong trào lao động sản xuất như khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích. Nhờ có máy, hàng trăm ha đất hoang hóa được vỡ hoang, đưa vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh sản lượng lương thực của xã lên cao.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chiếc máy cày vẫn được giữ gìn. Hiện chiếc máy cày được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Cũng nhờ chiếc máy cày vạn năng những năm tiếp theo, Yên Trường liên tiếp lập được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Lao động hạng Nhất, 02 Huân chương Lao động hạng Nhì, 02 Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, năm 2000 Yên Trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đến năm 1976, chiếc máy cày đã dừng hoạt động, được Đảng bộ và nhân dân Yên Trường gìn giữ, bảo vệ cẩn thận và luôn coi đó là món quà đặc biệt của Người dành tặng cho địa phương.
Thanh Hóa làm theo lời Bác
Nhờ sự cổ vũ động viên của Bác Hồ, Thanh Hóa hôm nay đã trở thành một tỉnh kiểu mẫu
Nhờ sự nỗ lực vươn lên, mà trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Thanh Hóa đã xuất hiện rất nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc trong lao động và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đó là những nhân tố “kiểu mẫu” đúng như những gì Bác đã căn dặn và mong muốn Thanh Hóa thực hiện. Họ là những chàng trai, cô gái đang tuổi thanh xuân hi sinh chuyện riêng tư xung phong lên đường ra trận bạt núi, lấp đường cho những chuyến xe băng băng ra mặt trận, hay hiên ngang cùng cha, anh chiến đấu trên khắp các chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. Những đóng góp, hi sinh của những con người kiệt xuất đã được lưu danh và nhắc mãi về sau.
Sau ngày đất nước thống nhất, Thanh Hóa lại cùng với cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, từng bước đưa tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức để trở thành 1 tỉnh khá, tỉnh giàu. Nhờ đó mà Thanh Hóa từ 1 tỉnh thường xuyên thiếu lương thực đã vươn lên trở thành một trong những địa phương đứng tốp đầu về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa đạt 11,4%, cao nhất trong 30 năm đổi mới./.
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên
Theo Dân trí
Huyền Anh (st)