Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn. Một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng lúc này chính là cải thiện đời sống của nhân dân, cần phải thay đổi, xóa bỏ những lề lối, nếp sống cổ hủ, lạc hậu. Đảng ta chủ trương phát động phong trào “Xây dựng đời sống mới”. Ngày 03-4-1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập. Một năm sau, Bác về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Bác bắt tay viết tác phẩm Đời sống mới với bút danh Tân Sinh. Ngày 20-3-1947, Người đã công bố tác phẩm này để chỉ đạo và động viên phong trào toàn dân xây dựng đời sống mới.

Trong lời tựa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa của tác phẩm là giúp nhân dân ta thực hành đời sống mới để cứu quốc và kiến quốc: “Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”.  

Theo Người, thực hành đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính. Người giải thích: “Chính trong lúc này càng phải thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Quân đội phải siêng tập, siêng đánh (giặc). Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Cho nên phải Kiệm. Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính”. Cần, kiệm, liêm, chính như cách trình bày của Người trong tác phẩm không phải xa lạ, không khó khăn. Nếu mỗi người đều cố gắng sẽ thực hiện được một cách hiệu quả.

Nói về đạo đức mới, Người giải thích rằng không phải là gạt bỏ mọi cái cũ mà phải phát huy những tinh hoa về truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách... “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”. Đời sống mới bao gồm đời sống mới riêng cho từng người và đời sống mới chung cho cộng đồng, tập thể như các gia đình, làng xã, nhà máy, trường học, công sở... 

Thực hành đời sống mới là công việc của mọi người dân, bắt đầu từ cội nguồn là mỗi người, gia đình, làng xã. Người viết: “Do nhiều người nhóm lại mà thành làng, do nhiều làng nhóm lại mà thành Nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn; nếu mỗi người cá nhân tốt, thì làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng, nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì Dân tộc nhất định phú cường”.

Trong Tác phẩm, Người dành một phần nói về văn hóa gia đình. Trong gia đình, thực hiện đời sống mới thì trên thuận, dưới hòa, bình đẳng, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, không thiên tư, thiên ái; về vật chất từ ăn mặc, đến việc làm đều tiêu pha có kế hoạch, ngăn nắp; cưới hỏi, giỗ, Tết nên đơn giản tiết kiệm; quan tâm tới con cái, đến việc tu dưỡng học hành, kỷ cương nền nếp; giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng.

Để nhân dân nhận thức đúng và thực hành tốt đời sống mới, Người coi công tác tuyên truyền, thuyết phục rất quan trọng: “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương. Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi. Nói thì phải nói một cách đơn giản, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó... Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”.

Hiện nay nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Học những chỉ dạy của Người về đời sống mới còn nguyên giá trị. Sự nghiệp cách mạng đã mang lại những thành tựu vô cùng to lớn trên nhiều phương diện, trong đó có đời sống mới, cuộc sống của đại bộ phận nhân dân đã, đang và sẽ được ấm no, tự do, hạnh phúc, con người được phát triển năng lực toàn diện.

Tuy nhiên, thực tế có không ít biểu hiện những lễ hội tôn vinh nét đẹp văn hóa của dân tộc bị lạm dụng, thần thánh hóa diễn ra tràn lan, để lại những hình ảnh phản cảm gây bức xúc. Tình hình tội phạm gia tăng, mỗi năm, dịp Tết đến Xuân về lại có hàng trăm vụ đánh nhau, có những vụ gây chết người rất nghiêm trọng. Một số mối quan hệ rường cột trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội đã bị lạm dụng, đi quá xa so với những chuẩn mực thông thường. Việc cưới, việc tang nhiều nơi, nhiều nhà đã trở thành nỗi ám ảnh của cộng đồng vì chuyện lạm dụng. Từ thị thành cho đến nông thôn, những việc tốt, người tốt rất nhiều nhưng sức lan tỏa chưa tương xứng. Trong khi đó, những hiện tượng tiêu cực thông qua các phương tiện mạng xã hội lan tỏa rất nhanh. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn có một số không nhỏ cán bộ, đảng viên lạm dụng chức quyền, thực thi công vụ trái nguyên tắc và luân thường đạo lý, chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân ích kỷ mà thiếu trách nhiệm, vô cảm với đời sống người dân, không ít trường hợp ức hiếp dân lành, gây những hậu quả nghiêm trọng.

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cho thấy vai trò của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong hệ thống chính trị và từng người dân đồng sức đồng lòng, thấy rõ việc làm là thiết thực, hữu ích, bằng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao  mới thực hiện được chương trình, mục tiêu đặt ra. Đơn cử việc lập lại trật tự vỉa hè, dẹp nạn lấn chiếm lề lòng đường, phải có sự đồng thuận cao, nghiêm túc, minh bạch, công tâm, khách quan và quyết liệt thì mới có thể ổn định lâu dài, mới góp phần đem lại văn minh đô thị với đúng nghĩa.

Nhận thức sâu sắc về những nội dung cụ thể trong tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy không ngừng tuyên truyền và trước hết nêu gương xây dựng đời sống mới trong mỗi gia đình, ngoài xã hội. Hơn lúc nào hết, phải đề cao các giá trị cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là hạt nhân cốt lõi, nền tảng vững chắc trong cuộc sống.

Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đời sống mới, thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm, hiệu quả các chủ trương, chính sách Đảng về chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Nguyễn Minh Đức

Biên Hòa - Đồng Nai

Theo http://xaydungdang.org.vn/

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: