Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 24/02/2025

1. Một trong những đức tính cần có ở người cán bộ cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở, là: Không nên tự mãn, tự kiêu, tự ti; phải thường xuyên học hỏi, cầu tiến bộ. Trong tác phẩm Sửa đổi  lề lối làm việc,  Người  phê phán: “Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại , khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi,  không xem ai ra gì, tưởng  mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng”, “... tự cho mình cái gì cũng giỏi,  việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ... Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình... Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại”,  đó chính là những  căn bệnh kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, tham lam. Theo Người, đã là người cán bộ cách mạng thì phải biết khiêm tốn, cầu thị, cầu tiến bộ, ham học hỏi: "Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ,  đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Đối  với đồng chí mình...  học cái hay, sửa  chữa cái dở...”; tư cách của một người cách mạng là: “Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nhẫn nại chịu khó.  Hay  nghiên cứu xem xét...”.

2. Mẩu chuyện "Chủ tịch nước nhờ người sửa bài viết của mình" thể hiện một cách sinh động đức tính khiêm tốn, cầu thị của Hồ Chủ tịch: Cụ Nguyễn Văn Tố nguyên là Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945; sau cách mạng, được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời, là đại biểu Quốc hội khóa I, Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cụ được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư, rồi cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Tháng 05-1948, cụ Nguyễn Văn  Tố bị giặc bắt và sát hại. Nghe tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết "Lời truy điệu cụ Tố" và kèm bức thư sau đây gửi  tới cụ Bùi Bằng Đoàn, một nhà nho, nhờ đọc và "Nếu có thể sửa thì xin cụ sửa giùm". Nguyên văn bức thư đó như sau: "Kính gửi  cụ Bùi, Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy  thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế. Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây,  trình  cụ xem. Nếu có thể sửa,  thì xin cụ sửa giùm.  Nếu không thể sửa  thì ta làm văn xuôi vậy. Khi tôi thảo xong, đọc lại, nghe khá chướng tai,  vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, cho nên cứ gửi để cụ xem. Mong kỳ Hội đồng sau sẽ được gặp cụ. Kính chúc cụ mạnh khỏe và xin cụ chuyển lời tôi hỏi thăm cụ Phan và cụ Vi. Chào thân ái và quyết thắng".

3. Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời tạo ra những thuận lợi và thách thức mới đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức. Kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên. Nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên - nhất là cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý - phải biết khiêm tốn, cầu thị, cầu tiến bộ, ham học hỏi; không tự tôn, tự đại, tự ti, kiêu ngạo, không giấu dốt; “... ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình" (lời Hồ Chủ tịch)./.

TS. Lê Văn Đính

Theo http://baoquangnam.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: