Bước sang những ngày đầu tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp gây chiến ở nhiều nơi, chiến tranh đã lan rộng ra cả nước. Trước tình thế vận nước lâm nguy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược...
Thiếu nhi Tuyên Quang dưới Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Huy Hoàng
Trong cuốn hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể lại: “... Một hôm, sau cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, khi mọi người đã ra về, Bác hỏi tôi:
- Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?
Tôi thưa với Bác:
- Có thể giữ được một tháng.
Bác hỏi lại:
- Các thành phố khác thì sao?
- Các thành phố khác thì ít khó khăn hơn.
- Còn vùng nông thôn?
- Vùng nông thôn nhất định ta giữ được.
Người suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Ta lại trở về Tân Trào”.
Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh và nhân chứng lịch sử thì ngay những ngày, tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã về Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyên Sơn Dương. Đó là đêm ngày 02/4/1947. Trong hồ sơ di tích Làng Sảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2000, ghi rõ: “Đêm ngày 02/4/1947, ông Chu Qúy Lương, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương giao nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo xã Hợp Thành lúc bấy giờ là Ma Văn Thư, Chủ tịch xã; Ma Văn Hạ, Phó Chủ tịch và Lương Văn Cảnh, La Văn Vạn, Ma Kim Ngọc đi đón Bác Hồ từ đồn Đăng Châu về nhà ông Ma Văn Hiến ở và làm việc...
Làng Sảo, xã Hợp Thành cách huyện lỵ Sơn Dương ngày nay 02km về hướng Đông Bắc (nằm phía trái tuyến quốc lộ 37 từ Tuyên Quang đi Thái Nguyên), giáp với xã Bình Yên. Làng Sảo xưa chỉ là một xóm nhỏ với 15 nóc nhà của đồng bào dân tộc Tày; rừng rậm rạp, nhưng có nhiều đường mòn đi lại thuận tiện cả trong vùng ATK - Tân Trào, sang Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên). Ở, làm việc tại nhà ông Ma Văn Hiến, ngày hôm sau mùng 3 đến ngày 06/4/1947, Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương bàn việc cụ thể hóa đường lối kháng chiến lâu dài, rút kinh nghiệm chỉ đạo trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc và khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng là hoàn toàn đúng đắn.Sau một thời gian ở và làm việc tại gia đình ông Ma Văn Hiến, cuối tháng 4/1947, Bác Hồ chuyển lên ở và làm việc tại căn lán nhỏ (gọi là lán 1) của gia đình bà Đinh Thị Tư ở cánh đồng Củ Đại, sát chân núi Lim. Cách lán Bác ở khoảng 100m là lán Bộ Tài chính, nơi ở, làm việc của đồng chí Lê Văn Hiến và cách lán của Bác Hồ khoảng 200m là nơi đặt trụ sở Phủ Thủ tướng, nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng. Cũng tại khu vực Làng Sảo còn có một số cơ quan đóng trụ sở làm việc như Bộ Tư pháp, Kho cất giấu ngân khố quốc gia, báo Cứu quốc…Tại đây, ngày 25/4/1947, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 45/SL, thiết lập Tòa án binh tối cao và quy định thành phần, thẩm quyền của Tòa án này. Ngày 27/4/1947, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị dân quân du kích toàn quốc (khai mạc ngày 25/4 tại một địa điểm ở Làng Sảo), Người đánh giá cao vai trò của dân quân tự vệ và du kích trong chiến tranh cách mạng: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tôc, là lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào bức tường đó, thì kẻ địch nào cũng phải tan rã”.
Được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, các đồng chí cận vệ đã hoàn thành căn lán nhỏ xinh xắn (gọi là lán II, cách lán I khoảng 100m). Đầu tháng 5/1947, Bác Hồ chuyển đến ở và làm việc tại căn lán này đến ngày 19/5/1947 thì chuyển đến nơi ở và làm việc mới. Tại lán II, Bác Hồ đã chủ trì các phiên họp của Chính phủ, đặc biệt quan tâm đến công tác quốc phòng và tình hình chiến sự. Ngày 01/5/1947, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 47/SL quy định về tổ chức của Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Tổng tham mưu, Cục Chính trị và Văn phòng Bộ Tổng tham mưu quân đội. Ngày 15/5/1947, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 50/SL đặt và quy định việc thưởng Huân chương Quân công và Huy chương chiến sỹ cho các cá nhân và đơn vị trong quân đội, dân quân tự vệ lập được nhiều thành tích trong chiến đấu.
Cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1947, tại Làng Sảo, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị bí mật “Hội nghị Thanh Sơn” đề ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công Thu đông năm 1947 của giặc Pháp; và trực tiếp chỉ đạo một cuôc họp bí mật của Trung ương Đảng đề ra phương hương chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân dân ta, chống cuộc càn quét của thực dân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc, giành thắng lợi, đập tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.
Trong thời gian ở Làng Sảo, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục hoàn chỉnh đường lối chiến lược của cuộc kháng chiến cứu nước. Những hoạt động của Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời gian này đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khó để đứng vững và phát triển, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Với vị trí chiến lược quan trọng, cùng với lòng dân tuyệt đối tin tưởng vào cách mạng, Làng Sảo đã góp một phần nhỏ bé đưa sự nghiệp cách mạng vượt qua những ngày tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến.
Bảy mươi năm đã trôi qua, đến nay những căn lán nhỏ nơi ở và làm việc của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ năm xưa đã trở thành di tích lịch sử quan trọng; ngôi nhà cũ của ông Ma Văn Hiến, Bác Hồ đã ở và làm việc ngày đầu về Làng Sảo đã được thay bằng ngôi nhà mới khang trang.Duy chỉ có chiếc giếng nước Bác Hồ thường ra lấy nước, tắm giặt là vẫn còn nguyên vẹn. Năm 2010, Khu Di tích Làng Sảo đã được phục hồi, bảo tồn, gồm: Xây dựng nhà bia tổng thể, các bia ghi dấu sự kiện Bác Hồ đã ở, làm việc tại gia đình ông MaVăn Hiến, lán I, lán II…
Cây đa, giếng nước và câu ca dao xưa còn đó:
Làng Sảo có gốc cây đa
Tân Trào, Hồng Thái đều qua đường này.
15 ngôi nhà bảy mươi năm trước, nay đã là hơn trăm và dân Làng Sảo đang từng ngày chung tay xây dựng phát triển đi lên cùng quê hương, đất nước.
Việt Thanh
Thu Hiền (st)