Khắc phục tình trạng dân chủ hình thức trong sinh hoạt Đảng nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng là một trong “những việc cần làm ngay”, vừa là đòi hỏi bức bách từ thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

khac phuc tinh trang dan chu
Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017. Ảnh: Bá Thắng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề dân chủ, Người cho rằng: "Thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn"(1). Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” (2).  

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là qua hơn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Công tác tổ chức cán bộ đã có bước đổi mới căn bản theo hướng công khai, minh bạch, thực hiện theo quy trình từ khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đến luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… Các quyết định của cấp ủy căn cứ theo đa số ý kiến thành viên. Nhiều trường hợp áp dụng hình thức bỏ phiếu kín. Việc xây dựng quy chế làm việc, quy định trách nhiệm của người đứng đầu … đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế những biểu hiện lệch lạc như: Độc đoán, lạm quyền, cục bộ trong công tác cán bộ…

Tuy nhiên, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”. Nghị quyết thẳng thắn chỉ rõ một trong 09 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống là “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức…” (3). 

Trên thực tế, dân chủ hình thức đã và đang diễn ra trong nhiều khâu của công tác xây dựng Đảng. Đáng chú ý là một số cấp ủy, chi bộ, đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng (gọi chung là tổ chức đảng) trong sinh hoạt thường có biểu hiện xuôi chiều, phụ họa theo ý kiến người đứng đầu. Khi bàn công tác cán bộ, nhiều thành viên ỷ lại vào cơ quan tổ chức và thường trực, ban thường vụ cấp ủy, thiếu thông tin về nhân sự đưa ra bàn bạc, e ngại phát biểu chính kiến, nhất là đối với những nhân sự có quan hệ thân thích (là vợ, con, anh, em, bạn bè, đồng hương, đồng học…) với người đứng đầu và những người đang hoặc sẽ nắm giữ quyền lực chi phối các quyết định của tập thể; sợ mất lòng, sợ bị đánh giá là không ủng hộ. Tâm lý phổ biến “im lặng là vàng”, nên dễ dàng chấp nhận đề bạt, bổ nhiệm cả những cán bộ còn thiếu tiêu chuẩn, tín nhiệm thấp.

Thời gian gần đây, một số địa phương, đơn vị đề bạt, bổ nhiệm vợ con, người thân thích trong dòng họ không đủ tiêu chuẩn vào chức danh lãnh đạo, quản lý, hoặc thăng tiến quá nhanh, khiến dư luận xã hội bức xúc. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã thanh tra, phát hiện 09 địa phương, đơn vị bổ nhiệm 58 người chưa đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo, quản lý, trong đó 18 người có quan hệ ruột thịt, 40 người có quan hệ họ hàng với người có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, đề bạt. 

Dân chủ hình thức thực chất là mất dân chủ nhưng biểu hiện tinh vi, phức tạp, được ẩn lấp bởi vỏ bọc “đúng quy trình”, “đúng quy chế”, nên khó phát hiện. Mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong công tác cán bộ đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, không những bản thân cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm khó khăn, lúng túng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, mà nguy hại hơn là làm nản lòng những cán bộ có đủ tài, đức; là môi trường dễ nảy sinh sự thiếu thống nhất, mất đoàn kết trong nội bộ, tiềm ẩn mầm mống hình thành các “nhóm lợi ích”, tác động không nhỏ đến tư tưởng và tâm lý xã hội, xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. 

Vì vậy, khắc phục tình trạng dân chủ hình thức trong sinh hoạt Đảng nói chung và trong công tác cán bộ là một trong “những việc cần làm ngay”, vừa là đòi hỏi bức bách từ thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.  

Trước hết, cần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao năng lực làm chủ và ý thức trách nhiệm đối với mọi hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng mà mình sinh hoạt; tích cực đóng góp ý kiến, cùng tập thể xây dựng nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng, tránh tư tưởng bàng quan, vô cảm, xuôi chiều, chiếu lệ trong sinh hoạt Đảng. 

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng cần đề cao trách nhiệm nêu gương, thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc. Người đứng đầu tổ chức đảng phải thật sự dân chủ trong phân công công tác, chủ trì các cuộc họp, lắng nghe và tôn trọng ý kiến các thành viên, kể cả những ý kiến trái chiều; khuyến khích thảo luận, tranh luận thẳng thắn, chân thành, xây dựng; khuyến khích tự phê bình và phê bình, tiếp thu những ý kiến đúng đắn một cách cầu thị; không hách dịch, áp đặt ý kiến cá nhân; tránh thành kiến, trù dập người có chính kiến khác. 

Công khai, minh bạch công tác tổ chức, cán bộ là biện pháp quan trọng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng dân chủ hình thức. Để các nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng thật sự khách quan, thể hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thiết nghĩ, cần thực hiện biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy hoặc đề bạt, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý cần lấy ý kiến tập thể cán bộ, đảng viên, công chức nơi công tác (bằng phiếu kín) vàý kiến của tập thể cấp ủy (có sự tham gia của người đứng đầu tổ chức đảng) nơi cư trú.Ủy ban Kiểm tra phối hợp với Ban Tổ chức thẩm định hồ sơ nhân sự và quy trình công tác cán bộ đối với từng trường hợp, chịu trách nhiệm trước cấp ủy về tính trung thực của hồ sơ, bảo đảm nhân sự dự kiến đủ tiêu chuẩn để đề bạt, bổ nhiệm.

Các cơ quan, đơn vị chức năng cần thanh tra, kiểm tra, phát hiện và uốn nắn kịp thời những biểu hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên. Xác định rõ nguyên nhân sai phạm (nhất là những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng); đề xuất với cấp ủy, tổ chức đảng xử lý trách nhiệm của cơ quan tham mưu và của người đứng đầu đối với những trường hợp đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn; công khai việc xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

--------------
1- Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1996, tập 12, trang 249.   
2- Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1996, tập 12, trang 497.
3- Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương Đảng (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Hồng Minh

Nguồn http://www.dangcongsan.vn

Trần Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: