Hình ảnh Bác Hồ sau hàng chục năm vẫn còn in đậm, vẹn nguyên cảm xúc trong tâm tưởng những người con xứ Nghệ.

Trong thời chiến tranh loạn lạc, ai đã từng được gặp Bác Hồ dù chỉ trong phút giây ít ỏi thì đó sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên. Năm tháng qua đi, hình ảnh Bác Hồ và những tình cảm trân trọng, kính yêu vô vàn dành cho Bác vẫn mãi mãi không bao giờ phai nhạt.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Mai Thị Thu Hà (SN 1950) ở khối 4, phường Trường Thi, thành phố Vinh ( Nghệ An ) trong tiết trời nắng đẹp của tháng 5 lịch sử. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi khắc sâu trong trái tim cô học trò nhỏ ngày ấy. Giờ đây, đã ở cái tuổi xế chiều, đầu điểm bạc hoa râm, nhưng bà Hà vẫn nhớ như in giây phút vinh dự được đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 tại sân bay xã Nghi Liên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Mỗi lần nhắc lại, bà không khỏi xúc động xen lẫn cảm xúc tự hào.

Rót chén trà mời khách, bà Hà bồi hồi cho biết: “Cả cuộc đời, điều mà tôi vinh dự và tự hào nhất là được gặp Bác Hồ ngay trên mảnh đất xứ Nghệ. Đó cũng chính là nguồn động lực to lớn giúp tôi luôn cố gắng phấn đấu trong cuộc sống”.

buc anh ba ha 1
Bà Hà xúc động nhìn lại bức ảnh được chụp chung với Bác Hồ

Thời điểm ấy, năm 1961, nghe tin Hồ Chủ tịch về thăm quê, bà con xứ Nghệ đã xếp thành những hàng dài hai bên đường để được đón Bác. Các trường học cũng cử một số học sinh giỏi đến đón Bác ở sân bay. Năm đó, bà Hà 11 tuổi, là học sinh lớp 4. Bà vinh dự được là một trong số những học sinh được theo đoàn đi đón Bác.

Nhớ lại ngày đó, bà Hà vẫn chưa hết xúc động: "Khoảng gần trưa, chiếc máy bay chở Bác hạ cánh trong tiếng hò reo của mọi người: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Không khí tại sân bay rất náo nhiệt, mọi người vẫy cờ chào đón Bác trong niềm hân hoan vui sướng. Bác cũng giơ cao bàn tay gầy guộc vẫy tay chào bà con, trên môi nở nụ cười hiền hậu".

Lúc ấy, cảm xúc của tôi rất khó tả. Tôi chưa tin mình được nhìn thấy Bác Hồ bằng xương, bằng thịt đứng trước mặt mình. Ấn tượng của tôi lúc đó về Bác là một ông cụ râu tóc bạc phơ, với bộ quần áo nâu, khoác bên ngoài chiếc áo kaki trắng rất đẹp. Tôi không ngờ người lãnh đạo cả dân tộc, từng đi bốn biển, năm châu lại gần gũi và giản dị đến vậy…", bà Hà nói thêm.

Trở về từ sân bay, cô học trò nhỏ tên Hà vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc vui mừng nhưng cũng đầy tiếc nuối vì chưa được lại gần, trò chuyện với Bác. Thế rồi, thật bất ngờ khi trong tối ngày hôm đó, cô bé Hà được cô giáo đón đi đến UBND tỉnh Nghệ An. Tại đây, cô bé 11 tuổi lại thêm một lần bất ngờ, reo vui mừng rỡ khi trước mắt mình là Bác Hồ đang đứng cùng rất nhiều bạn nhỏ và các cô chú trong Tỉnh ủy. Vui mừng hơn, Hà lại được sắp xếp ngồi ngay cạnh Bác.

buc anh ba Ha
Bức ảnh bà Hà (ngồi cạnh Bác phía bên phải) chụp chung với Bác
năm 1961 được bà gìn giữ cẩn thận

“Hôm đó, trong buổi trò chuyện thân mật cùng các cháu, Bác Hồ hỏi: ‘Các cháu ở đây có làm kế hoạch gì không?’. Tôi liền giơ tay xin trả lời: "Dạ, thưa Bác, chúng cháu tuổi nhỏ làm kế hoạch nhỏ ạ". Trả lời xong, tôi nhận được lời khen cùng với 2 cái kẹo của Bác" - Bà Hà vừa cười vừa nhớ lại.

Bác phát kẹo cho tất cả mọi người và trò chuyện, hỏi han việc học tập. Tiếp đó, khán phòng cùng nhau cất lên lời bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Vị lãnh tụ thân thiện vỗ tay, bắt nhịp cùng tiếng hát của các bạn nhỏ, đôi mắt Người ánh lên niềm vui...

Cũng như bà Mai Thị Thu Hà, là người con xứ Nghệ luôn nghĩ về Bác với tất cả tình cảm trân trọng, đáng kính, Đại tá Nguyễn Đình Chuân trú tại xóm 18, xã Nghi Phú, thành phố Vinh (Nghệ An) vẫn giữ nguyên trong mình những hồi ức đẹp đẽ về 3 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Sinh ra và lớn lên trong thời đất nước chiến tranh loạn lạc, cũng giống như bao chàng trai khác, Nguyễn Đình Chuân xin đi tòng quân. Vào sinh ra tử với biết bao trận đánh lớn, sống dưới làn mưa bom bão đạn, những kỷ niệm cùng đồng đội thời ấy chưa một lần phai nhòa trong ký ức người chiến sỹ Điện Biên. Và hơn 40 năm trong cuộc đời quân ngũ, ký ức về những lần được gặp Bác là cảm xúc vinh dự, xúc động và tự hào.

Đại tá Nguyễn Đình Chuân xúc động kể lại: Lần thứ nhất ông được gặp Bác Hồ vào mùa Hè năm 1953, tại khu rừng nứa huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). Ngày ấy, ông và đồng đội được điều động về xây dựng đơn vị hỏa lực đầu tiên của quân đội Trung đoàn Pháo cao xạ 367 Đại đoàn Công pháo 351. Chiến dịch Tây Bắc giành được thắng lợi, vào một buổi tối Bác và đồng chí Nguyễn Chí Thanh cưỡi ngựa đến thăm Đại đoàn 351. “Nghe tin Bác đến thăm đơn vị, Chính ủy Phạm Ngọc Mậu ra đón Bác. Gặp Bác, anh em trong đơn vị không kìm được xúc động đồng thanh hô to: “Hồ chủ tịch muôn năm”. Nghe vậy, Bác rất vui và ân cần nhắc nhở: Các cô chú hãy hạ đuốc xuống kẻo cháy lán, cả doanh trại lại lộ bí mật, địch đến đánh phá, lại không an toàn”, Đại tá Chuân nhớ lại.

Lần thứ 2 ông Chuân được gặp Bác Hồ là đầu tháng 10/1954, sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Về tiếp quản Thủ đô, đơn vị ông được chọn tham gia diễu binh chào mừng ngày Thủ đô giải phóng (10/10/1954).

Đang làm nhiệm vụ ở sân bay Bạch Mai, nghe tin Bác Hồ và đồng chí Văn Tiến Dũng sẽ ghé thăm, ai cũng mừng vui háo hức và chỉnh đốn hàng ngũ chỉnh tề. Bác đến, tươi cười, cầm mũ vẫy chào, ánh mắt thiết tha, gần gũi và chứa chan tình cảm.

Cho đến bây giờ, nhớ lại hôm đó, Đại tá Nguyễn Đình Chuân vẫn không quên cảm xúc kiêu hãnh, tự hào khi đi giữa trời Thủ đô gió lộng, qua những con phố rợp trời cờ hoa và ngàn vạn gương mặt rạng rỡ, vỡ òa xúc cảm ngày giải phóng. Lúc đó, quân phục trang nghiêm, bên những cỗ sơn pháo, pháo cao xạ nòng vươn cao còn vướng mùi thuốc súng những tháng năm giáng sấm sét lên đầu thù ở Điện Biên Phủ, ông cảm thấy thiêng liêng hơn bao giờ hết.

14 năm sau, ông được gặp lại Bác vào đúng ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu (16/2/1969). Năm ấy, Bác Hồ cùng các đồng chí Văn Tiến Dũng, Nguyễn Lương Bằng đến chúc Tết tại hội trường Quân chủng Phòng không - Không quân. Lúc đó, sức khỏe Bác đã yếu nhiều, nhìn Bác ai cũng rưng rưng nước mắt. Lần gặp mặt Tết năm đó cũng là lần cuối cùng các chiến sỹ Quân chủng Phòng không - Không quân được đón Bác về thăm...

Đôi mắt đượm buồn, lặng im trong giây lát, Đại tá Chuân tâm sự : “Lúc nghe tin Bác mất, tất cả các anh em chiến sỹ chúng tôi, từ khối óc đến trái tim đều đau xót. Ai ai cũng khóc thương, không khí rất nặng nề, u buồn. Tham gia chiến trận, người chiến sĩ như tôi từng chứng kiến nhiều lần đổ máu của đồng đội, nhưng khi hay tin Bác qua đời, nỗi đau ấy không thể diễn tả được”.

Với những người ở thế hệ đi trước như bà Hà, như Đại tá Chuân, những giây phút ít ỏi được gặp Bác là những kỷ niệm không thể nào quên trong đời. Họ đã được Bác tiếp thêm nguồn sức mạnh vô giá, để cô học trò nhỏ biết ước mơ, phấn đấu, để người lính Điện Biên vượt qua bao gian khổ, nguy hiểm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trải qua hàng chục năm với nhiều đổi thay, thế nhưng cảm xúc về lần gặp Bác ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn. Hình ảnh giản dị, khiêm nhường ấy của Người mãi in đậm trong trái tim muôn triệu con người với tấm lòng kính yêu và nhớ ơn luôn còn mãi về sau./.

Chi Nguyễn

http://www.baomoi.com

Đỗ Thị Khánh Vân (st)

Bài viết khác: