Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có tầm ảnh hưởng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Chiến thắng đó là kết quả của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thế mà vẫn có ý kiến xuyên tạc ý nghĩa của sự kiện lịch sử quan trọng này.

dai thang mua xuan

Nhân dân Sài Gòn dự mít tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.
(Ảnh tư liệu)

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã đi vào lịch sử hơn 40 năm. Trong khoảng thời gian ấy, các thế hệ người Việt Nam yêu nước chân chính càng thấm thía hơn những mất mát, đau thương, sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh đã làm nên trang sử vẻ vang đó; càng cảm nhận sâu sắc hơn trên mọi phương diện của cuộc kháng chiến và càng thêm tự hào về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về dân tộc, nhân dân và Quân đội nhân dân Anh hùng. Đó là nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta hôm nay.

Thế nhưng, đến nay ở đâu đó vẫn có một số người, cả những người đã từng ở bên kia chiến tuyến và trong nước, vì lý do nào đó, cố tình xuyên tạc lịch sử, bản chất, tính chất và ý nghĩa, tầm vóc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Họ xuyên tạc một cách trắng trợn rằng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta thực chất là cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc. Nào là: “Không phải là chiến thắng của Việt Nam trước Mỹ”(!); đáng lẽ cuộc chiến ấy “đã không xảy ra”(!). Thế rồi, họ cố tình đổ lỗi cho Đảng và nhân dân ta là người đã gây nên chiến tranh, v.v.

Những người đưa ra luận điệu này đã cố tình xuyên tạc, bóp méo bản chất, tính chất thực sự của cuộc kháng chiến mà dân tộc ta đã trải qua. Họ đã “cố tình” không hiểu, cuộc chiến này là cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ; giữa khát vọng độc lập dân tộc với thế lực hiếu chiến, xâm lược; giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa chống cộng do đế quốc Mỹ đứng đầu.

Xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ muốn chứng tỏ: Với lực lượng quân sự và kinh tế khổng lồ, chúng có thể “đè bẹp mọi phong trào giải phóng dân tộc, chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa xã hội ở bất cứ nơi nào trên thế giới”1. Với mưu đồ đó, đế quốc Mỹ đã đưa vào Việt Nam hơn nửa triệu quân, sử dụng tất cả các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất lúc bấy giờ, mưu toan đè bẹp ý chí chiến đấu của dân tộc ta, buộc nhân dân ta phải khuất phục. Chúng còn phiêu lưu thực hiện chiến dịch vô nhân tính ném bom hủy diệt Thủ đô Hà Nội bằng siêu pháo đài bay B.52, hòng đưa Hà Nội và miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”. Đó là lịch sử - sự thật không thể chối bỏ.

Miền Nam là một bộ phận không tách rời của Việt Nam. Đó là máu thịt của Việt Nam, chân lý đó không bao giờ thay đổi. Nhân dân Việt Nam đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chống lại tên đế quốc hùng mạnh và tàn bạo nhất, chống lại một thế lực xâm lược, chống cộng điển hình nhất của chủ nghĩa đế quốc, để bảo vệ “chân lý đó”. Đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ, vì thế nó thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước, ý chí thống nhất, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam. Chỉ có nhân dân Việt Nam chống kẻ thù xâm lược, chứ không có chuyện miền Bắc xâm lược miền Nam như sự tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch. Cần nhấn mạnh thêm rằng, đúng là cuộc chiến tranh này là rất “không cần thiết” và “có thể tránh khỏi”, nhưng nguyên nhân sâu xa là do với bản chất hiếu chiến và dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ, nên tiếc rằng điều “không cần thiết” và “có thể tránh khỏi” lại là điều không thể.

Cũng không thể nói rằng, chiến thắng của nhân dân ta “không phải là chiến thắng của Việt Nam trước Mỹ”! Đây là luận điệu vừa phi lịch sử, vừa phi đạo đức. Bởi lẽ, Đại thắng mùa Xuân 1975 là đại thắng của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam trước đế quốc Mỹ - thế lực xâm lược hùng mạnh nhất. Đó cũng là sự phá sản, thất bại của thế lực xâm lược lớn nhất hòng áp đặt ách thống trị, nô dịch, áp bức và bóc lột đối với nhân dân ta ở miền Nam. Hãy tôn trọng sự thật lịch sử như đúng nó vốn có, hãy nhìn nhận lịch sử với con mắt khách quan. Bất kỳ người nào có cái nhìn thiện chí đều thấy rằng: Kẻ gây ra “binh đao, khói lửa” đối với dân tộc Việt Nam chính là đế quốc, thực dân. Thực tế lịch sử đã chứng minh, mục tiêu chiến lược của Mỹ là áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, một bàn đạp chiến lược để Mỹ thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới, chứ không phải là Mỹ “không hề muốn cai trị người Việt Nam”. Việc rút quân của Mỹ khỏi Việt Nam năm 1973 là việc làm bắt buộc và tất yếu do sự phá sản, thất bại chiến lược của Mỹ, chứ không phải là một “sai lầm lịch sử” đơn thuần. Đồng thời, đó là thắng lợi của chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, tiếp đến “đánh cho Ngụy nhào” của nhân dân ta.

Cái “sai lầm lịch sử” của Mỹ ở đây chính là đã liều lĩnh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa đối với Việt Nam. Điều này nhiều quan chức và học giả Mỹ đã thừa nhận. Nhà báo tư sản nổi tiếng Rô-bớt Côn-oen cũng đã phải lên tiếng phản bác quan điểm cho rằng đó không phải là một chiến thắng của Việt Nam trước Mỹ, và nhấn mạnh “Hôm nay cách nhìn nhận đó đã sụp đổ”2. Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu đã phải thú nhận: “Mỹ còn viện trợ thì chúng tôi còn chống cộng”; “Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc lập”3. Trong cuốn Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ, hai tác giả J.C. Râu-ơ và R. Bơ-gơ đã viết: “Trên 70% dân chúng vẫn coi cuộc chiến (Mỹ xâm lược Việt Nam) căn bản là sai lầm và phi đạo đức”; “Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương”4. Maxwell Taylor - nguyên đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã phải thú nhận đây là thất bại trong cuộc chiến “ngu xuẩn" của Mỹ: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng trong cuộc chiến này mà chỉ toàn là ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”5. Trong hồi ký “Nhìn lại quá khứ - Tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, Rô-bét Mắc Na-ma-ra, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã không chỉ thừa nhận thất bại của Mỹ ở Việt Nam, coi đó là “một thảm kịch”, mà còn thừa nhận cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra do những “sai lầm về chính trị” của nhiều đời tổng thống.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là một chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Đó là chiến thắng của chính nghĩa và nhân văn trước phi nghĩa và bạo tàn; chiến thắng của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trước chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa chống cộng do đế quốc Mỹ đứng đầu. Đó không phải là chiến thắng của những người trong cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn”, không phải là chiến thắng của miền này đối với miền kia trên đất nước Việt Nam như sự xuyên tạc trắng trợn hoặc cố tình hiểu sai của thế lực thù địch; mà là chiến thắng của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trước kẻ xâm lược. Dân tộc ta, với ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, chấp nhận gian khổ, hy sinh, đứng lên chiến đấu để bảo vệ quyền được sống trong tự do và độc lập, thống nhất đất nước, khiến cả thế giới kính phục, gọi Việt Nam là “lương tri của thời đại”. Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam góp phần loại trừ “một tội ác chống nhân loại”6; được cả thế giới, trong đó có cả những học giả, chính khách, tướng lĩnh Mỹ từng trực tiếp tham gia chiến tranh hết lời ca ngợi, xem đó như là một biểu tượng của tinh thần anh dũng, lòng quả cảm, ý chí không chịu khuất phục trước thế lực đế quốc hung bạo.

Thời gian trôi đi, nhiều người Việt phía bên kia chiến tuyến từng tuyên bố “không đội trời chung với cộng sản” đã quay về quê cha đất tổ, rũ bỏ thù hằn và đã được Tổ quốc mở rộng vòng tay đón nhận. Sự gắn kết giữa người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài và trong nước ngày càng được củng cố, tăng cường. Điều đó xuất phát bởi tình cảm, dòng dõi con Lạc, cháu Hồng, tình yêu nước và niềm tự hào là người Việt Nam. Tính sáng ngời chính nghĩa, giá trị to lớn, tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đại thắng Mùa xuân 1975, của cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã rung động đến người Mỹ. Nhiều người Mỹ ngày càng suy nghĩ đúng hơn về Việt Nam, nhận thức rõ hơn những hy sinh, mất mát và chiến thắng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến và tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Ngày 10-11-1995, trong cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Rô-bét Mắc Na-ma-ra - cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát biểu: “Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề nhận thấy sự hận thù nào trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình dẫu chưa phồn vinh nhưng quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không thể tranh cãi”7.

Ngày nay, nhớ về lịch sử, nhưng chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Người Mỹ cũng đồng nhận thức như vậy. Ngày 24-5-2016, tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã phát biểu trước hơn hai nghìn bạn trẻ Việt Nam rằng: “Ý thức về quá khứ nhưng ta nên hướng về tương lai, về sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để thúc đẩy lẫn nhau”8. Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, đã trở thành đối tác toàn diện của nhau. Chỉ có như thế, Hoa Kỳ và Việt Nam mới cùng phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế trong hiện tại và tương lai./.

_____________

1 - Mai-cơn Mác-lia - Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, H. 1990, tr. 172.

2 - Thông tấn xã Việt Nam - Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 30-8-2007, tr. 3.

3 - Báo Nhân Dân, số ra ngày 24-4-2014, tr. 4.

4 - Báo Nhân Dân, số ra ngày 16-9-2007, tr. 5.

5 - Sức mạnh Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1997, tr. 182-183.

6 - Chiến tranh Việt Nam nhìn từ phía bên kia, Nxb Dân trí, H. 2010, tr. 225.

7 - Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2010, tr. 396-397.

8 - Ninh Hồng Nga, Nguyễn Hà Ngọc - Tổng thống Ô-ba-ma ba ngày trên đất Việt, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 67.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

Nguồn http://tapchiqptd.vn

Trần Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: