Đại tướng Văn Tiến Dũng (tháng 7-1954). Ảnh: tư liệu/flickriver.com.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sống trong sự kìm kẹp của xã hội thực dân, phong kiến lại sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng từ phong trào đấu tranh của công nhân, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã gửi trọn niềm tin và sự lãnh đạo của Đảng và trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lần thứ nhất, đồng chí Văn Tiến Dũng và một số cán bộ của Đảng ta bị thực dân Pháp bắt giam và quy tội “làm rối trật tự trị an”. Tuy nhiên, đồng chí cùng các chiến sĩ cách mạng đã kiên quyết đấu tranh phản đối sự bắt giam vô lý này, buộc chúng phải trả tự do sau ba ngày bắt giữ.
Thời gian sau đó, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thay đổi phương thức lãnh đạo; để tránh tổn thất, hầu hết cán bộ đều phải rút vào hoạt động bí mật. Riêng đồng chí Văn Tiến Dũng và một số ít cán bộ nhận nhiệm vụ ở lại Hà Nội hoạt động công khai để tiếp tục duy trì, gây dựng phong trào. Đây là những ngày tháng hoạt động rất khó khăn đối với đồng chí Văn Tiến Dũng. Đồng chí bị bọn mật thám Pháp bám sát, theo dõi ngày đêm, trong khi các đồng chí lớn tuổi dày dạn kinh nghiệm, những người cộng tác chặt chẽ với đồng chí trước đây, cả những cốt cán sôi nổi của phong trào đã rút vào hoạt động bí mật và phân tán xa gần hết. Trong hoàn cảnh ấy, đồng chí vẫn tự nhủ mình: “Sẽ làm hết sức để xứng đáng với tất cả đồng chí thân yêu, với tất cả những gì mà Đảng đã tin cậy đặt ở nơi mình cùng những đồng chí khác có nhiệm vụ ở lại tiếp tục nắm phong trào” (1).
Lần thứ hai, đồng chí Văn Tiến Dũng bị mật thám Pháp bắt tại trụ sở cách mạng ở phố Hàng Gà, chúng lục soát và tìm thấy một số tài liệu mật của Đảng. Đồng chí bị bọn chúng tra tấn dã man hòng khai thác triệt để những thông tin về cơ sở cách mạng và các đồng chí của ta, nhưng chúng đành bất lực trước người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi kiên trung. Tại phiên tòa xử kín Văn Tiến Dũng cùng một số chiến sĩ cộng sản, đồng chí bị chúng luận tội tụ tập và lợi dụng các tổ chức thợ thuyền để gây rối loạn, tuyên truyền cộng sản làm mất trị an; đồng chí đã thẳng thừng bác lại lời luận tội của bọn chúng và lên án thực dân Pháp, đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống cơ cực của người lao động. Cuối cùng, chúng tuyên án đồng chí hai năm về “tội” tàng trữ tài liệu, sách báo, tuyên truyền các khẩu hiệu của Đệ tam quốc tế và gây rối trị an. Hơn hai tháng sau, đồng chí bị đày đi nhà tù Sơn La. Trước mặt là những năm tháng gian khổ, hy sinh, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần và thầm tự nhủ: “Dù hai năm hoặc lâu hơn thế nữa, nhà tù đế quốc đâu đã dễ giam cầm hoặc thủ tiêu được ý chí và tâm hồn của những người cộng sản” (2). Những ngày bị tù đày, bị tra tấn, đồng chí luôn vững vàng một niềm tin với Đảng, với thắng lợi của cách mạng và quyết tâm biến những ngày bị giam cầm thành những ngày rèn luyện và đấu tranh.
Lần thứ ba, khi đang trên đường về cơ sở của ta ở Tiên Du (Bắc Ninh) sau cuộc họp với cán bộ xã Dương Quang (Gia Lâm), đồng chí Văn Tiến Dũng (lúc này là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ) bị bọn tay sai của thực dân Pháp bắt, giải lên dinh Tổng đốc Bắc Ninh. Sáng hôm sau, chúng đưa đồng chí về Hà Nội, giam tại xà lim sở mật thám. Ở đây, đồng chí gặp lại bọn mật thám cũ đã từng theo dõi mình trong những năm 1938, 1939. Bọn chúng tra tấn đồng chí hết sức dã man trong một thời gian dài, thành nhiều đợt, có đợt kéo dài hơn 40 ngày, khiến đồng chí nhiều lần bị ngất đi rồi tỉnh lại. Lần bị bắt này, bọn mật thám Pháp giở đủ chiêu trò tra tấn, dụ dỗ, nhưng cuối cùng vẫn không khai thác được gì, buộc chúng phải chuyển đồng chí về nhà lao tỉnh Bắc Ninh để chờ ngày mở phiên tòa xét xử. Vậy là, sau 75 ngày đêm bị cùm xích, tra tấn, toàn thân đầy thương tích, cánh tay trái bị liệt, đồng chí vẫn giữ vững phẩm chất, khí tiết của người cộng sản và đã chiến thắng. Những ngày sau đó, bị giam tại nhà lao tỉnh Bắc Ninh, với ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước nhà tù thực dân, cộng với lòng dũng cảm, mưu trí của mình và được Chi bộ, các cơ sở giúp đỡ, đồng chí đã vượt ngục thành công, trở về với tổ chức tiếp tục hoạt động,
Giữa ba lần bị địch bắt giam ấy, đồng chí Văn Tiến Dũng phải trải qua hai năm mất liên lạc với tổ chức. Đồng chí vừa phải luồn trốn tránh địch, làm đủ mọi nghề kiếm sống, vừa tìm mọi cách liên lạc với tổ chức. Khi làm thợ mộc, khi giả làm nhà sư, đồng chí đã phải hoạt động hết sức gian nan và vượt qua biết bao nguy hiểm. Cộng với những năm tháng bị giam cầm, tra tấn thì đây là khoảng thời gian thử thách cực kỳ khổ ải, nhưng đồng chí đã tỏ rõ là người chiến sĩ cộng sản trung kiên ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ, luôn chói ngời tinh thần tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, luôn có niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng. Phẩm chất quý báu đó đã đặt nền móng giúp đồng chí vượt qua những thử thách gay go với nhiều cương vị công tác quan trọng, trở thành một danh tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quân đội.
Đại tướng Văn Tiến Dũng và phu nhân Nguyễn Thị Kỳ năm 1955. Ảnh tư liệu.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Văn Tiến Dũng luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối chính trị và quân sự của Đảng, những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về vũ trang toàn dân, về chiến tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội nhân dân. Đồng chí đã nhiều lần vinh dự được trực tiếp lĩnh hội những bài học quý giá từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, bài học lớn nhất là cách mạng phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân; đồng chí đã được Bác dạy: “Chú đã hoạt động cách mạng thì chú đã biết, Đảng muốn tồn tại, phát triển phải có dân; quân đội muốn tồn tại cũng phải dựa vào dân, không có dân thì có quân cũng không đánh được đâu. Phải làm sao cho bộ đội được dân phục, dân tin, dân yêu. Muốn thế phải động viên bộ đội hăng hái đánh giặc, tích cực giúp dân. Đó là công tác chính trị, là công tác vận động cách mạng, vận động quần chúng của Đảng trong quân đội” (3).
Cùng với đó là những bài học về công tác chính trị, công tác tham mưu mà đồng chí được lĩnh hội từ Bác: “Công tác chính trị là công tác đối với con người, là linh hồn của quân đội cách mạng. Công tác chính trị phải chủ động, chớ lẽo đẽo theo đuôi phong trào. Tình hình càng khó khăn càng phải chủ động” (4); “Làm quân sự, làm tham mưu, chú phải bằng mọi cách biết trước tình hình, đi trước tình hình, có chuẩn bị trước thì mới luôn luôn giữ được chủ động” (5)...
Là người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần những lời dạy, tư tưởng quý báu của Người để vận dụng vào thực tiễn cách mạng, cùng với bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của mình, đồng chí Vãn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những tướng lĩnh tài năng xuất sắc của Quân đội ta, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (6).
Đại tướng Văn Tiến Dũng, một vị tướng tài ba, chính trị - quân sự song toàn, nhà chỉ huy tham mưu chiến lược tài năng của Quân đội ta
Theo yêu cầu của Đảng, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Ông là vị tướng tài ba, nhà chính trị - quân sự song toàn, nhà chỉ huy tham mưu chiến lược tài năng của quân đội ta.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã giành được chính quyền trong cả nước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, vừa ra đời, nước ta đã phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách nghiêm trọng, vận mệnh của Tổ quốc như ngàn cân treo sợi tóc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta bước vào chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ. Ở Chiến khu 2 (gồm các tỉnh: Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Văn Tiến Dũng - Chính ủy và đồng chí Hoàng Sâm - Tư lệnh, lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh mẽ về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng; vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, cùng các tầng lớp nhân dân chống “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, vừa tổ chức một số đơn vị “Nam tiến”, chi viện cho các mặt trận Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 214/SL-CP, bổ nhiệm đồng chí Văn Tiến Dũng làm Chính trị Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chính trị; ngày 12-2-1947, Người ký Sắc lệnh số 16/SL, cử đồng chí làm Chính trị Cục trưởng; đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Trên cương vị ấy, đồng chí Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp tích cực vào việc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân và xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị làm nòng cốt tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Sự lãnh đạo của Đảng quyết định bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của quân đội và là nhân tố bảo đảm cho quân đội liên tục phát triển, trưởng thành và chiến thắng vẻ vang.
Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên tháng 3-1975. Ảnh tư liệu.
Sau này, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, càng trải qua khó khăn, gian khổ với những thử thách gay go, ác liệt, tài năng quân sự của đồng chí Văn Tiến Dũng càng được bộc lộ rõ nét. Trong đó, phải kể đến hai thời kỳ: Thời kỳ đồng chí làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320, chiến đấu trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ và thời kỳ đồng chí làm Tổng Tham mưu trưởng tham gia chỉ đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn tầm chiến lược.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bằng Bắc Bộ là một địa bàn chiến lược quan trọng đối với cả ta và địch, bởi ngoài giá trị về địa lý, bố trí chiến lược quân sự, địa bàn này còn là nơi tập trung sức người, sức của mà cả hai phía đều muốn làm chủ để bổ sung nguồn nhân lực, vật lực cho chiến tranh. Vì thế, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây luôn là địa bàn giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Sau thất bại ở biên giới Việt - Trung, đầu tháng 12-1950, Chính phủ Pháp cử tướng Đờ-lát-đờ Tát-xi-nhi sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh kiêm Cao ủy. Ngay sau khi đến chiến trường Việt Nam xem xét tình hình, Đờ-lát đã triển khai kế hoạch hành động 15 tháng; trong đó, một trong những trọng điểm là thiết lập tuyến phòng thủ kiên cố, lập “vành đai trắng” bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nhằm ngăn chặn chủ lực ta đánh vào và kiểm soát ta đưa nhân lực, vật lực ra vùng tự do.
Với sự tập trung dày đặc, càn quét liên tục, trong năm 1951, địch đã bình định được nhiều vùng rộng lớn. Do đó, nhiều căn cứ du kích của ta bị xóa, nhiều cơ sở cách mạng bị bật khỏi dân, việc huy động nhân lực, vật lực từ các tỉnh đồng bằng ra vùng tự do bị đình trệ. Trong tình thế vô cùng khó khăn đó, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng Bộ Tư lệnh Đại đoàn mưu trí và gan góc đưa cả Đại đoàn hơn một vạn quân vượt sông Đáy, sông Hồng, lần đầu tiên tiến sâu vào trong lòng địch. Đây là địa bàn có địa hình trống trải, địch xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc, gây khó khăn cho ta trong việc đưa quân vào vùng này. Với tài thao lược của mình, ngay sau khi vượt sông Đáy (đêm 9-12-1951), Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng đã sử dụng hai Trung đoàn (48 và 52) vượt 20km đường ruộng chiêm, qua hai con sông và nhiều đồn bốt địch, tập kích địch ở thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình) - căn cứ trung tâm của bọn đầu sỏ đội lốt tôn giáo. Ta làm chủ thị trấn Phát Diệm chỉ trong một ngày, đánh tan nhiều đội quân ứng chiến, tiêu diệt một số vị trí khác, diệt và bắt hơn 1.000 lính Âu - Phi và lính ngụy.
Cách sử dụng lực lượng thọc sâu táo bạo, đánh “nở hoa trong lòng địch” của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng đã giáng đòn choáng váng, làm cho quân địch kinh hoàng. Trên đà thắng lợi, Đại đoàn 320 tiến sang Nam Định đánh địch và tiếp đó vượt sông Hồng sang chiến đấu ở Thái Bình.
Với cách sử dụng lực lượng cơ động, linh hoạt, táo bạo, Đại đoàn đã buộc địch phải căng lực lượng đối phó ở nhịều nơi. Các trận tiêu diệt hoàn toàn đại đội biệt kích “Hổ xám” Văng-đăng-be ở thị xã Nam Định, đại đội biệt kích Rút-cô-ni ở thị xã Phủ Lý, tiêu diệt địch ở vị trí Đào Thành (Thái Bình)... đã thể hiện cách đánh táo bạo, tài sử dụng lực lượng của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng.
Bằng các hoạt động tích cực chủ động với nhiều cách đánh sáng tạo, trong những năm 1951-1953, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 đã cùng bộ đội, dân quân du kích các địa phương đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt, giam chân một lực lượng lớn quân cơ động của địch, góp phần làm đảo lộn thế chiến lược của thực dân Pháp trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, làm thất bại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.
Nếu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài thao lược của đồng chí Văn Tiến Dũng thể hiện ở tài cầm quân xông pha nơi trận mạc trong lòng địch hậu, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tên tuổi của đồng chí lại gắn với những chiến dịch lớn mang tầm chiến lược. Trong đó có các chiến dịch tiêu biểu:
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971): Đây là cuộc đọ sức giữa khối chủ lực cơ động ngụy được Mỹ dày công xây dựng (xương sống của chương trình Việt Nam hóa chiến tranh) với lực lượng của ta mà Binh đoàn 70 vừa được thành lập tháng 10-1970 làm nòng cốt. Tính quyết liệt của chiến dịch này thể hiện ở sự đối đầu giữa hai khối chủ lực mạnh của hai bên. Vì thế, việc bày binh bố trận, tổ chức cơ động lực lượng và tổ chức các trận then chốt có ý nghĩa quyết định sự thành bại của chiến dịch. Thượng tướng Văn Tiến Dũng ra trận mang theo quyết tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh nhất thiết phải đánh thắng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược. Bằng tài thao lược của mình, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch đã buộc địch từ thế tiến công chủ động ban đầu thành thế bị động, bất ngờ; tập trung lực lượng bẻ gãy hoàn toàn cánh quân bảo vệ sườn Bắc, đẩy lùi mũi tiến công và đánh thiệt hại cánh quân bảo vệ sườn Nam, gây tổn thất lớn cánh quân ở khu vực phía Đông, lần lượt đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn ở khu vực phía Tây, tiến tới công kích địch trên toàn tuyến, tiêu diệt quân địch rút chạy. Thắng lợi của chiến dịch này đã mở ra hiện thực đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ về quân sự và “tác động mạnh mẽ đến cục diện chung của cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương”(7).
Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (1975): Với đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột nằm ngoài dự kiến của cả Bộ Tổng Tham mưu ngụy và Mỹ, ta đã làm cho địch choáng váng, rối loạn, cả hệ thống phòng ngự của chúng ở Tây Nguyên bị rung chuyển, về cách sử dụng lực lượng trong đòn điểm huyệt này, trong hồi ký của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: “Tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, ta lấy lực lượng mạnh gấp nhiều lần hơn địch, tổ chức các đội đột kích binh chủng hợp thành mạnh kết hợp với các tiểu đoàn đặc công và bộ binh bí mật triển khai trước, đánh thẳng ngay vào trung tâm thị xã, chiếm hai sân bay, nhanh chóng tiêu diệt đầu não chỉ huy của địch rồi mới phát triển trở ra tiêu diệt địch bên ngoài thị xã. Cách đánh này có hai vấn đề khó: Một là, tổ chức chiến đấu hợp đồng và chỉ huy các cánh quân thống nhất thời gian và hành động theo kế hoạch, vượt sông, vượt qua được các chốt phòng ngự của địch từ xa đến sát thị xã. Có một điểm nữa là phải giữ được bí mật, làm cho địch bị bất ngờ đến lúc ta nổ súng. Thực hiện được tốt hai vấn đề trên thì địch sẽ bị đánh ngã rất nhanh” (8). Với cách đánh táo bạo đó, đồng chí đã cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ huy lực lượng của ta tiến công dũng mãnh, làm cho quân địch hoảng loạn, dẫn tới sai lầm chiến lược rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên, đưa cuộc chiến tranh chuyển sang bước ngoặt có lợi cho ta.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4-1975): Với vai trò là Tư lệnh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; đánh chiếm Sài Gòn nhanh gọn nhưng phải đảm bảo cho thành phố ít bị tàn phá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Sau nhiều đêm thức trắng trao đổi bàn bạc, Đại tướng đã cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đi tới nhất trí về cách đánh của Chiến dịch lịch sử này là: “Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành” (9). Với cách đánh táo bạo đó, ta đã nhanh chóng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bên cạnh những chiến công vang dội ấy, trong gần 25 năm làm Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí luôn dành nhiều tâm sức, trí tuệ xây dựng Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu các cấp trong quân đội từ nền nếp, tác phong công tác đến trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ tham mưu, chỉ huy đơn vị giỏi. Là người đứng đầu cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí đã chỉ đạo Cơ quan phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Chính trị và các tổng cục, tạo dựng sự đoàn kết nhất trí cao, góp phần tích cực trong công tác huấn luyện bộ đội, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng với Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng và Nhà nước từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện. Đồng thời, có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiếp tục phát huy bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Năm 19 tuổi, khi còn là người thợ dệt làm thuê ở Hà Nội, đồng chí Văn Tiến Dũng đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia đấu tranh và hoạt động rất hăng hái trong phong trào dân chủ do Đảng ta phát động, trước hết để chống thực dân Pháp và đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống người lao động. Trong vòng 5 năm (từ 1939 đến 1945), đồng chí đã ba lần bị thực dân Pháp bắt giam. Bị giam cầm trong nhà tù thực dân, đồng chí đã luôn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, tỏ rõ ý chí kiên cường bất khuất, không chịu khuất phục trước sự tra tấn dã man của kẻ thù. |
-----------
(1) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.63.
(2) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.70.
(3) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.237.
(4) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.250.
(5) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.353.
(6) Hồi ký: Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.52.
(7) Văn Tiến Dũng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.81
(8) Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.59
(9) Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Sđđ, tr.214
(Còn nữa)
Theo http://www.qdnd.vn
Hà Minh (st)