Cách đây 67 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

CMT8 duoi goc nhin van hoa
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ Lâm
 thời sau phiên họp Chính phủ đầu tiên (3/9/1945)

 Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945. Về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, là sức mạnh đại đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là sự thể hiện tuyệt vời của tinh thần quật khởi và trí tuệ Việt Nam, của truyền thống văn hóa Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám là điển hình của sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thể hiện trình độ khoa học và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn tổng thể, Cách mạng Tháng Tám 1945 không chỉ là một cuộc cách mạng chính trị, một cuộc đảo lộn chính trị, một thắng lợi chính trị, mà còn là một cuộc đảo lộn văn hóa, một thắng lợi văn hóa.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, chế độ Cộng hòa dân chủ ra đời; người dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình. Nói theo tinh thần của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Sự nghiệp văn hóa lớn lao nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh và Đảng ta là đã huy động sức mạnh hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa của thời đại, lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại cho nhân dân ta quyền làm người, quyền được sống một cuộc sống xứng đáng với con người. Sự nghiệp đó trả lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa Việt Nam cũng là một sự nghiệp văn hóa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử và nền văn hóa của loài người”.

 Kế thừa những thắng lợi của ông cha ta trước đây, trong thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta còn giành được nhiều thắng lợi khác. Nếu chỉ xét về mặt văn hóa, việc đem lại quyền làm chủ, quyền làm người thật sự cho nhân dân lao động, thật sự đem lại độc lập tự do cho nước nhà thì Cách mạng Tháng Tám có một giá trị đặc biệt to lớn và sâu sắc. Có thể khẳng định rằng không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì cũng không thể có thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chính thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra một giá trị to lớn, trở thành khâu đột phá cho các thắng lợi tiếp theo.

 Các nhà sử học đã từng nhấn mạnh thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp từ ba cuộc diễn tập: 1930-1931; 1936-1939; 1939-1945. Xét đến cùng, đó là thắng lợi của tổng hợp sức mạnh văn hóa, nó bao gồm sức mạnh văn hóa truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước và sức mạnh văn hóa dân tộc từ khi có ánh sáng văn hóa của Đảng.

 Văn hóa dân tộc từ ngàn năm cho đến đêm trước của Cách mạng Tháng Tám chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập, lòng khát khao tự do của dân tộc Việt Nam. Điều đó còn có giá trị hơn nhiều so với sức mạnh vật chất cụ thể. Bác Hồ đã tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Cùng với lòng yêu nước là tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc. Đó là một tình cảm tự nhiên (Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng). Đó là một triết lý nhân sinh (Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao). Đó là một phép ứng xử và tư duy chính trị rất cụ thể và sâu sắc của người Việt Nam (Nước mất thì nhà tan/ Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh). Từ truyền thống đoàn kết dân tộc để đi tới Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã từng kêu gọi: Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh. Từ lời kêu gọi đó, tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, đảng phái,… đã tập hợp dưới ngọn cờ của mặt trận Việt Minh, thành những tổ chức cứu quốc.

 Sức mạnh của văn hóa Việt Nam là lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy đại nghĩa làm đầu, dùng chí nhân thay cường bạo. Đó là một nền văn hóa trọng đạo lý làm người, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng mà cao hơn là đối với Tổ quốc. Sức mạnh văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ nền văn hóa trọng dân, đề cao dân, lấy dân làm gốc. Nguyễn Trãi từng nói: Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, lật thuyền mới biết dân như nước. Hội nghị Diên Hồng dưới thời vua Trần Thánh Tông, nhằm huy động trí tuệ của dân chống giặc Nguyên Mông là một biểu tượng của văn hóa. Trước Cách mạng Tháng Tám, Quốc dân đại hội Tân Trào là sự kế tục, phát huy tinh thần văn hóa trong điều kiện mới. Sức mạnh của văn hóa Việt Nam còn chứa đựng lòng khoan dung hòa hợp để hòa đồng. Bao dung để đoàn kết, đoàn kết phải bao dung (cầu đồng tồn dị) là sự ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh trong quá trình tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám.

 Quá trình chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám chính là quá trình khơi nguồn và quy tụ sức mạnh văn hóa vốn tiềm ẩn lâu đời trong lịch sử dân tộc. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đem lại cho văn hóa truyền thống một tinh thần mới, một tầm cao mới, một sức mạnh của văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Sức mạnh văn hóa đó chứa đựng tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, văn hóa và cách mạng, nhờ đó đem lại sự thành công cho Cách mạng Tháng Tám.

 Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là ánh bình minh của dân tộc, mở ra trang sử mới của Việt Nam, mở đường cho văn hóa phát triển. Từ đây, nhân dân ta bắt tay xây dựng nền văn hóa mới theo phương châm Dân tộc - Khoa học - Đại chúng như Đề cương văn hóa 1943 đã chỉ dẫn./.

 Theo Báo Lâm Đồng online

Huyền Trang (st)

 

 

Bài viết khác: