Đi theo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vinh dự lớn nhất của cụ Nguyễn Quang Thuận, 86 tuổi, ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng là những lần được về gặp Bác Hồ ở An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), được Bác tặng quà, gắn Huy chương, chụp ảnh với Bác. Cụ Thuận kể:

Sáng sớm ngày 19-5-1954, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 367 Pháo cao xạ thông báo cụ và bốn chiến sĩ xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ về An toàn khu báo công và chúc mừng sinh nhật Bác. Nhận tin này, cụ vui mừng chạy đi khắp căn cứ Mường Phăng (Điện Biên) báo tin vui với đồng đội. Ngay sáng hôm ấy, cụ cùng Phạm Thế Nhuận, Đại đội trưởng đánh sân bay Mường Thanh; Hoàng Đăng Vinh, chiến sĩ bắt sống tướng Đờ-cát; Phạm Văn Phan, công binh đưa bộc phá vào giữa đồi A1 và Bạch Ngọc Giáp, chiến sĩ pháo mặt đất từ căn cứ Mường Phăng về An toàn khu.

Hồi đó, đường đi còn rất khó khăn, mọi người đến An toàn khu đã hơn 6 giờ chiều, được đồng chí Trường Chinh đón tại Nhà khách của Trung ương, dặn dò các chiến sĩ vài điều rồi dẫn mọi người đi ăn cơm. Khoảng 10 giờ 30 đêm ấy, vì đi đường mệt, cả năm anh em đang thiêm thiếp ngủ thì Bác đến. Mọi người choàng dậy đã thấy Bác ngồi bên giường. Ai cũng bất ngờ, bàng hoàng, xúc động. Bác ân cần hỏi chuyện mọi người và khuyên các chiến sĩ đi ngủ để giữ gìn sức khỏe. Từ lúc Bác ra khỏi phòng, mọi người không ai ngủ, cứ ngồi kể chuyện về Bác cho đến sáng. Hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo tin lát nữa mọi người sẽ được gặp Bác, báo cáo chiến công với Bác và Bộ Chính trị. Nghe vậy, ai cũng sung sướng, hồi hộp chờ đợi. Khoảng 9 giờ 30 phút, Bác đón mọi người ngay sân vườn, phía trước lán trại Bác ở và làm việc. Cùng đứng với Bác ở phía sau có Bác Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Trường Chinh, Văn Tiến Dũng và đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Bác tươi cười bắt tay hỏi chiến công từng người trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác hỏi cho vui chứ thực ra ai lập công như thế nào Bác đã biết.

Sau khi nghe mọi người kể về chiến công và chúc thọ Bác, Bác bảo năm chiến sĩ đứng thành hàng ngang để Bác gắn Huy chương Chiến công. Bác còn nhờ đồng chí Các-men (Liên Xô) chụp ảnh cho Bác, Bộ Chính trị và các chiến sĩ xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chụp ảnh xong, Bác bảo các đồng chí trong Bộ Chính trị đưa các chiến sĩ thăm An toàn khu, xong lại về gặp Bác.

Những ngày sau đó, trở về đơn vị, ai cũng phấn khởi, kể lại chuyện cho đồng đội nghe về những ngày được sống bên Bác ở An toàn khu. Tạm dừng câu chuyện, cụ Thuận đứng dậy mở cánh tủ lấy ra một hộp gỗ nhỏ, trong đó đựng rất nhiều Huân chương, Huy chương và tấm ảnh đen trắng được ép bọc rất cẩn thận. Đó là ảnh cụ Thuận cùng bốn chiến sĩ chụp chung với Bác và Bộ Chính trị ở An toàn khu. Cụ coi đây là một kỉ vật mang theo suốt đời.

Tiếp nối câu chuyện, cụ Thuận bảo, đúng một tháng sau sinh nhật Bác, năm chiến sĩ lại được trở về gặp Bác ở An toàn khu. Lần này, Bác đãi cơm mọi người ở ngay trong khu lán của Người. Vừa ăn, Bác vừa hỏi chuyện và gắp thức ăn cho từng người. Sau bữa ăn, Bác bảo đồng chí Trường Chinh đưa năm chiến sĩ đi thăm vườn rau của Bác. Đồng chí Trường Chinh kể, đây là vườn rau do Bác tự trồng, hàng tháng, Bác góp cho nhà bếp 15 kg rau và mỗi bữa Bác vẫn dành một nắm gạo cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Trước khi chia tay, Bác đưa cho mỗi người một gói quà gửi về đơn vị và chuyển lời thăm hỏi tới anh em cùng gia đình. Rời An toàn khu mà lòng cụ Thuận thấy ấm áp, tai vẫn văng vẳng lời Người dạy bảo. Tình cảm của Bác đã tạo cho cụ Thuận một sức mạnh, tiếp tục cuộc trường chinh chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.

Rời quân ngũ trở về quê hương, phát huy tinh thần người chiến sĩ xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, cụ Thuận tiếp tục cống hiến công sức để xây dựng quê hương. Nhiều năm cụ là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Đại Hợp, Hội trưởng Hội Bảo thọ, hoạt động tích cực trong Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi…

Quốc Sĩ

Theo http://nguoicaotuoi.org.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: