Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Đã 48 năm đi qua, cây đa cuối cùng Bác Hồ trồng trên đồi Đồng Váng (thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì) vẫn ngày càng xanh tươi, vươn cao, xòe tán che chắn mưa nắng. Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi trở về Yên Bồ để được ngồi dưới cây đa Bác Hồ, dù chỉ là một khoảnh khắc trong không gian thiêng liêng đầy nắng gió ở “Đồi cây đón Bác”...

cay da
Dưới bóng đa nghe kể chuyện Bác Hồ trồng cây.

Lồng lộng giữa đồi cây 

Không hẹn trước, nhưng may mắn chúng tôi được cán bộ văn hóa xã Phùng Văn Tiến đưa đến gặp nhân chứng đặc biệt: Ông Phùng Văn Thăng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại - một trong những người vinh dự được đón Bác Hồ về trồng cây trên đồi Đồng Váng năm xưa. Năm nay bước sang tuổi 88, ông Thăng vẫn minh mẫn và sôi nổi khi biết nguyện vọng của chúng tôi muốn nghe chuyện năm xưa Bác Hồ trồng cây.

Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bước chân ông Thăng vẫn nhanh nhẹn khi dẫn chúng tôi đến thăm gốc đa lịch sử. Với ông, nơi này đã trở nên đặc biệt thân thiết. Lồng lộng giữa đồi xanh mát, “Cây đa Bác Hồ” hôm nay như vị tướng giữa đoàn quân thắng trận. Đắm trong dòng hồi tưởng, giọng ông Thăng vẹn nguyên cảm xúc về Người: “Hôm đó là ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16-02-1969), cán bộ, nhân dân xã Vật Lại vô cùng bất ngờ, vui sướng, vinh dự khi được đón Bác Hồ về thăm, Người còn trồng cây trên đồi Đồng Váng. 

Từ sáng sớm, đông đảo nhân dân đứng hai bên đường đón Bác, ai cũng hồi hộp, mong ngóng được tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu. Bác đến với nụ cười hiền hậu chào nhân dân. Mọi người vô cùng phấn khởi, không ai bảo ai, cùng đồng thanh chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Hôm đó, dù chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo, trải chiếu để mời nhưng Bác lại chọn bãi cỏ “cho mát”... Đấy là lần thứ năm tôi được gặp Người nhưng lần nào cũng vô cùng xúc động...”. Sau khi chúc Tết, thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ, đồng bào xã Vật Lại, Bác cùng mọi người trồng cây. Người đã chọn trồng cây đa vì muốn gửi gắm niềm tin, chuyển tải tình thương yêu vô hạn tới thế hệ mai sau. 

Rợp mát trong tình thương của Người

Cây đa ở Yên Bồ là cây cuối cùng do Bác Hồ trồng đã trở thành kỷ vật thiêng liêng, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân Vật Lại nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Người dân xã Vật Lại luôn coi cây đa là biểu tượng được "rợp mát trong tình thương của Người". Cán bộ, nhân dân trong xã luôn trân trọng, bảo vệ, chăm sóc cây đa ngày càng xanh tốt. Từ năm 2004, khuôn viên rừng cây rộng 18,3 héc ta này đã quy hoạch và được công nhận là Khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Ngoài được đầu tư về hạ tầng, Khu di tích được cán bộ, nhân dân xã Vật Lại chăm sóc, bảo vệ bằng tình cảm và niềm kính yêu Bác Hồ vô hạn. Trong suốt nhiều năm qua, 10 thành viên trong Ban quản lý Khu di tích do xã thành lập chia ca trực ngày đêm bảo vệ an toàn tuyệt đối “Đồi cây đón Bác”. Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại Phùng Kim Chung chia sẻ: "Người dân tự nguyện, nhưng chúng tôi cũng luôn động viên, hỗ trợ về vật chất, tinh thần". 

Bên cạnh đó, Khu Di tích lịch sử - văn hóa và “Cây đa Bác Hồ” luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân. Vì thế hiện nay Khu di tích đã trở thành địa điểm ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về phẩm chất, đạo đức, phong cách giản dị và sự nghiệp vĩ đại vì dân, vì nước của Bác Hồ. Niềm tự hào của miền quê được Bác về thăm đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phùng Văn Tiến, cán bộ văn hóa xã Vật Lại không giấu niềm vinh dự khi được sinh ra vào đúng năm Bác về thăm quê mình: "Người quê tôi tôn vinh “Cây đa Bác Hồ” như biểu tượng sinh động của miền đất hội tụ hồn thiêng sông núi, là thông điệp chuyển tải những giá trị lịch sử - văn hóa vô giá để mỗi cán bộ, nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong xây dựng quê hương". 

Cùng chung tình cảm sâu nặng đó, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Kim Chung bộc bạch: "Quê hương Vật Lại luôn mang trong mình tình cảm thiêng liêng về Bác. Những lời Bác dặn luôn là “kim chỉ nam”, là nền tảng cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, tu dưỡng đạo đức, nghiêm túc thực hiện đấu tranh phê bình, tự phê bình để xây dựng Đảng bộ, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh". 

Vật Lại là xã thuần nông, nhưng chính quyền cùng nhân dân trong xã đã khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, đưa thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt khoảng 26 triệu đồng/năm; công tác văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; cải cách hành chính được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. 

Đặc biệt nơi đây, tình làng nghĩa xóm luôn được đề cao, những va chạm nhỏ đều được hòa giải kịp thời ngay từ khi phát sinh trên tinh thần duy trì khối đoàn kết toàn dân. Bởi vậy, trong nhiều năm qua trên địa bàn rất ít vụ việc phức tạp kéo dài và hầu như không có khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Trong công tác xây dựng nông thôn mới, năm 2017 UBND xã xây dựng kế hoạch duy trì 12 tiêu chí đã đạt và đăng ký thêm 3 tiêu chí (trường học, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa) và phấn đấu đến năm 2018 đạt chuẩn nông thôn mới. Thời điểm này, xã đang tập trung hoàn thành công trình “Ao cá Bác Hồ” để tạo cảnh quan đẹp, góp phần tôn vinh nơi Bác về thăm…

Việc phát động Tết trồng cây và tự tay Bác thực hiện cho mọi người học tập, làm theo ở xã Vật Lại đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự về môi trường sống rất cần những “lá phổi xanh”. Đặc biệt, dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19-5 năm nay vừa tròn một năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì những lời căn dặn, việc làm thiết thực cùng tình thương bao la của Người đối với nhân dân và đất nước càng có ý nghĩa thời đại sâu sắc cho tất cả chúng ta./.

Minh Bắc

Theo http://hanoimoi.com.vn

Lưu Văn Hiển (st)

Bài viết khác: