Nhắc đến Thường Tín (Hà Nội) hẳn không ít người nhớ đến những ngôi làng cổ kính với “đặc sản” là nghề thêu hàng trăm năm tuổi. Với người dân nơi đây họ không chỉ coi nghề là kế sinh nhai mà còn dùng đường kim, mũi chỉ để thỏa sức sáng tạo, chắp cánh ước mơ. Bằng đôi bàn tay khéo léo không ít nghệ nhân đã tạo nên được những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Những bức “vẽ” chân dung Bác Hồ bằng đường kim mũi chỉ của nghệ nhân Hoàng Thị Khương, Nguyễn Quốc Sự… là một trong số đó. 

nghe nhan 2
Các nghệ nhân của Làng thêu Quất Động

Nghề thêu còn lại chút này…

Nhắc đến nghề thêu hẳn chẳng mấy ai còn xa lạ. Nghề có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người Thường Tín. Nghe các cao niên trong vùng kể, người có công truyền dạy nghiệp thêu ở Thường Tín là ông Lê Công Hành, sống vào khoảng thế kỷ XVII. 

Những địa phương được truyền nghề này sau đều dựng đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã, lấy giỗ vào 12.6 âm lịch. Thời hưng thịnh của nghề thêu phải kể đến khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, cả vùng nhà nào cũng có dăm bộ khung. Từ già trẻ, trai gái đến những cô bé, cậu bé mới chục tuổi đều thoăn thoắt đưa kim. 

Tranh thêu ra đến đâu, bán hết ngay đến đó. Thậm chí, những đơn đặt hàng phải có trước từ vài tuần tới vài tháng mới đủ để cung ứng. Những nước Châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản hay Châu Âu xa xôi như Đức, Pháp… về tận làng để đặt mẫu và đặt hàng. Các xưởng thêu hộ gia đình mọc lên khắp nơi, trong làng ngoài xóm hầu như không thấy bóng dáng người ra đường. Đêm đến, họ thắp đèn dầu ngồi thêu cho kịp ngày trả khách. Những ngôi nhà hai, ba tầng thay thế cho mái ngói cứ mọc lên nhờ cây kim sợi chỉ và những đôi bàn tay như thế. 

Cảnh tượng khi ấy giờ được những người 70, 80 tuổi nhắc đến như một kỷ niệm vàng son, giờ nghề đã chẳng còn thịnh. Ở Thường Tín, cái “gốc” nghề thêu là làng Quất Động, giờ ghé làng mới thấy những nghệ nhân thêu đã mất đi quá nửa. Số còn lại thi thoảng thẫn thờ mang đôi khung thêu bị mọt ra phơi nắng ở đầu hè rồi kể chuyện cho đám cháu ngơ ngác về ngày xưa, thời của âm thanh xoàn xoạt những cây kim theo nhịp tay thoăn thoắt đưa lên đưa xuống trên nền vải phin trắng...

Có gia đình trước là một xưởng thêu lớn nhất nhì trong làng giờ cũng chỉ làm cầm chừng. Họ bảo: “Ngày trước người Nhật rất ưa chuộng mặt hàng thêu chỉ truyền thống của Việt Nam, nhưng sau khi họ tìm được mối hàng bên Trung Quốc rẻ hơn thì họ không còn đặt hàng từ Việt Nam nữa”.

Những bức tranh mang bóng hình lãnh tụ

Kỳ thực, nghề thêu lúc thịnh, lúc suy, nhưng có một điểm chung là thời nào cũng vậy, những nghệ nhân trong vùng vẫn luôn cần mẫn, đam mê. Họ biết là nghề đang lâm độ khó khăn nhưng vẫn giữ nghề để hi vọng nhen lên ngọn lửa truyền thống.

Khi tìm hiểu nghề thêu ở Thường Tín, những nghệ nhân già thường bảo tôi rằng, trong các sản phẩm từ thêu tay truyền thống như: Khăn, mũ, áo dài, tranh, chân dung… thì thêu chân dung thuộc loại khó nhất. Dĩ nhiên, những người thợ giỏi sẽ chứng minh được tay nghề của bản thân qua “nấc thang” khó ấy. 

Ở làng Quất Động người ta thường hay nhắc nhiều đến nghệ nhân Hoàng Thị Khương (SN 1965) với bức thêu chân dung Bác Hồ. Nghe kể, chị Khương là con gái thứ 3 trong gia đình có 6 người con. Không may mắn như những đứa trẻ khác, khi mới tròn 3 tháng tuổi chị bị một cơn sốt cao hành hạ. Kể từ đó, đôi chân chị không thể cử động được nữa. Và trong những ngày tháng tăm tối ấy, chị Khương tìm được niềm vui từ việc thêu tranh. 

Nghe nhan 1
Nghệ nhân Hoàng Thị Khương

Gần 50 năm trong nghề thêu, chị Khương đã giành được nhiều giải thưởng lớn. Năm 2010, chị được Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh bức tranh “Ánh trăng” là sản phẩm của năm. Chị cũng từng “giật” giải Nhất trong Cuộc thi Inter Abilympics 2011 giành cho người khuyết tật được tổ chức tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc… Nhưng tiếp xúc với người phụ nữ tật nguyền giàu nghị lực này mới thấy, giải thưởng chị tâm đắc nhất lại là một giải khuyến khích. Chị bảo, giải thưởng tâm đắc này bản thân giành được trong cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công của Hà Nội năm 2013 với bức tranh thêu mang tên “Chân dung Bác Hồ”.

Thêu chân dung Bác Hồ, kỳ thực không ít người đã làm qua. Nhưng chị Khương lại là một trong số những người thành công nhất, bức thêu ấy thực đến mức không ít người yêu thích tìm đến chị ngã giá hàng trăm triệu. “Cái khó của thêu chân dung là ở thần thái của đôi mắt. Rất nhiều người đã từng thêu qua chân dung Bác nhưng nhiều bức ấy thiếu đi thần thái. Khi thêu đôi mắt, tôi phải tước nhỏ sợi chỉ và pha nhiều mầu cùng với những kỹ thuật điêu luyện nhất mới thổi hồn được cho tác phẩm” – chị Khương bật mí.

Nhắc nhiều đến bức tranh thêu này, chị bảo thêu chân dung của Bác Hồ hoàn toàn xuất phát từ sự tôn kính. Đối với chị, hình ảnh của Bác là hình ảnh của cả dân tộc. Chị Khương thật thà: “Mình thêu tranh Bác mất hơn một năm, có người trả không phải ít tiền nhưng mình vẫn không bán mà chỉ chờ đến ngày được tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, thực hiện tâm nguyện của mình”. 

Ở Thường Tín, chân dung Bác Hồ cũng là bức tranh thêu để đời của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự. Nguyễn Quốc Sự là cái tên chẳng xa lạ bởi ông đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước nhờ kỹ nghệ thêu điêu luyện. Hơn 60 năm gắn bó với nghề thêu, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã đạt được nhiều giải thưởng. Nhưng cũng thực lạ, niềm vinh quang đến với ông phần lớn đều nhờ cảm hứng lấy từ Bác Hồ.

Giải thưởng lần đầu tiên nghệ nhân Sự giành được là vào năm 1981 khi Cục Đào tạo, Liên xã Trung ương và Trường Mỹ Nghệ duyệt tác phẩm thêu “Nhà sàn Bác Hồ” của ông để tham dự triển lãm Olimpic tại Liên Xô (cũ). Với tác phẩm này, Nguyễn Quốc Sự giành được giải thưởng và được tặng thưởng Huân chương Lê-nin, Bằng khen của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và sau đó là Huy chương Vàng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. 

Có thể khẳng định, bức “Chân dung Bác Hồ” là sản phẩm tranh thêu để đời của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự. Có tận mắt quan sát mới thấy, từ khóe mắt, nụ cười hay chòm râu của Bác Hồ đều rất sống động khiến cho người ta tưởng đó là một bức ảnh chụp chân dung. Hơn nữa, cái thần thái của Bác được khắc họa một cách sống động, tỉ mỉ mà ít nghệ nhân làm được. “Thêu chân dung là phải giữ được cái hồn, cái thần, hình khối, không được béo, gầy. Nghề thêu tay không chỉ cần đến sự khéo léo, tỉ mẩn mà hơn hết ở một bức tranh thêu, người ta phải thấy được cái hồn của bức tranh và cả cái tâm của người thợ” - nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đúc rút. 

Có thể nói, trong sâu thẳm trái tim của người dân Việt Nam, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn sống mãi với tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời. Ở những bức tranh thêu tay của nghệ nhân Hoàng Thị Khương hay Nguyễn Quốc Sự, người ta đều thấy được tất cả những điều đó. Lòng yêu kính Bác có thể được thể hiện theo nhiều cách khác nhau nhưng một điểm bất biến Bác Hồ mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo./.

Đinh Luyện

Kim Chi (ST)

Nguồn: Báo Pháp luật

Bài viết khác: