Ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day - WNTD) được chọn vào ngày 31 tháng 5 hàng năm, theo Nghị quyết (Resolution) 42.19 của Tổ chức Y tế Thế giới. Mục đích của Tổ chức Y tế Thế giới là muốn tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu. Mục đích xa hơn của ngày này là gây sự chú ý của cộng đồng đến tác hại của thuốc lá đối với người hút chủ động cũng như bị động, mà hàng năm cướp đi sinh mạng của 5,4 triệu người trên toàn cầu.
Chủ đề “Sử dụng thuốc lá – mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia” của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay đề cập tới những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như của từng quốc gia do việc sử dụng thuốc lá gây ra. Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25 đến 31/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi người dân Việt Nam, đặc biệt thế hệ trẻ hãy nói không với thuốc lá.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ mít tinh
Với những gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, tại Việt Nam công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cũng đang được Quốc hội, Chính phủ quan tâm thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ khi phê chuẩn Công ước Khung, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và cho phép thành lập Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá. Hiện nay, thuốc lá là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực như: An ninh lương thực, bình đẳng giới, giáo dục, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh từ 13 – 15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, nơi công cộng trên phương tiện giao thông công cộng giảm được từ 12 – 15%. Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, kết quả điều tra do Tổng Cục thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%). Trong đó, tỷ lệ hút thuốc điếu của nam giới khu vực thành thị giảm được 6,5%.
Tuy nhiên, số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, trung bình số tiền người Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 nhóm bệnh. Tỷ lệ bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại nước ta. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh thường gặp liên quan đến thuốc lá (gồm: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn) là hơn 23.000 tỷ đồng/năm. Theo thống kê tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
Việt Nam vẫn là một trong số những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhiều nhất thế giới. Kết quả điều tra do Tổng Cục thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam vẫn ở mức trên 40%. Bên cạnh đó, việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta. Đặc biệt việc giám sát và xử phạt chưa nghiêm đang gây ra những khó khăn cho việc cai nghiện và giảm tỷ lệ người hút thuốc lá.
Trong thời gian tới, Việt Nam cùng với các quốc gia ưu tiên thúc đẩy các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, lồng ghép các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trong các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đồng thời khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.
Một số hình ảnh nội dung tuyên truyền không hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị
trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong thời gian vừa qua, thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp: Không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của mỗi người và của cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đã ban hành Chỉ thị số 466/CT-BQLL ngày 15/5/2017 về việc cấm hút thuốc lá trong các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Quản lý Lăng. Thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng đã thực hiện nói không với hút thuốc lá tại cơ quan - đây chính là cách xây dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)