Làm nghề nào muốn tốt thì cũng phải tinh thông mọi ngón chuyên môn. Làm người chiến sĩ công an nhân dân nếu muốn hoàn thành thật tốt chức phận của mình thì không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn phải thấm nhuần những tiêu chí đạo đức cách mạng, trong đó có những phẩm chất cá nhân đặc biệt quan trọng rất cần được thường xuyên tự rèn luyện như những đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Đây cũng là một trong những điều mà Bác Hồ từng nhấn mạnh khi viết hoặc nói với lực lượng Công an nhân dân.
Đầu năm 1948, đồng chí Hoàng Mai, lúc đó là Giám đốc Sở Công an Khu XII, đã gửi biếu Bác Hồ số Tết Báo Bạn dân (Nội san của Công an Khu XII). Đọc xong số báo này, tháng 3 năm 1948, Bác Hồ đã gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai và căn dặn: “Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức”. Theo Bác, tư cách người công an cách mạng là phải đáp ứng được đủ những yêu cầu sau:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”
Bác Hồ đã luôn luôn nhấn mạnh tới việc “tu thân” của người chiến sĩ công an nói riêng và của cán bộ cách mạng nói chung, sao cho thực sự thấm nhuần tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính. Trong loạt bài viết in trên Báo Cứu Quốc năm 1949, Bác Hồ đã nhắc nhở:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người”
Khi dạy về bốn đức tính trên, Bác Hồ đã rất lưu ý tới sự liêm khiết của mọi người nói chung và của đội ngũ cán bộ cách mạng nói riêng. Và Bác đã nhắc lại lời của Khổng Tử: “Người mà không Liêm, không bằng súc vật”. Nói chung, trong tinh hoa văn hóa phương Đông, chữ Liêm luôn là một khái niệm được coi trọng.
Quân tử là phải biết làm tròn phận sự và “tri túc” (biết đủ), không tham những gì không phải của mình. Xưa nay, tri nhân (biết người), tri kỷ (biết mình) đã là quý rồi. Nhưng tri túc (biết đủ) lại càng quý hơn nữa. Không biết đủ thì sẽ không biết dừng lại trên hoạn lộ và những tham vọng thành đạt cũng như làm giàu, những tham vọng nếu ở mức độ hữu lý không bao giờ là xấu cả.
Cổ Ngạn có viết: “Người quân tử cũng mến của cải chứ không phải là không, tuy nhiên có hợp đạo lý thì mới lấy, người quân tử thường mưu cầu ở đạo, chứ không mấy lo nghĩ tới cái sự giàu nghèo, người quân tử có lo chăng là lo đến đạo, chứ không hề lo đến việc ăn uống”.
Còn Lão Tử thì nói: “Không họa nào lớn bằng không tự biết đủ. Không hại nào to bằng sự muốn chiếm hữu. Bởi đó, biết đủ trong cái đủ thì luôn luôn được đủ”. Cũng trong Cổ Ngạn còn có câu: “Biết đủ, coi là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ. Biết nhàn, coi là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn”. Đó là giữ chữ Liêm theo cách hiểu của người xưa.
Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sỹ
Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão (1963)
Đến Bác Hồ, Người đã lý giải chữ Liêm trên một bình diện rộng hơn và dân chủ hơn. Bài báo “Thế nào là Liêm” đã được Bác cho đăng trên tờ Báo Cứu Quốc số ra ngày 1/6/1949 với bút danh Lê Quyết Thắng. Vẫn phong cách giản dị nhưng sâu sắc, Bác giải thích:
“Liêm là trong sạch, không tham lam. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp. Cũng như ngày xưa Trung là trung với vua, Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi.
Ngày nay, nước ta là nước Dân chủ cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải Liêm. Cũng như Trung là trung với Tổ quốc, Hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ.
Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần.
Có Kiệm thì mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam.
Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm...”.
Hơn ai hết, Bác hiểu những người cán bộ của chế độ mới, những công bộc kiểu mới của nhân dân trong chính thể Dân chủ cộng hòa, chống lại thói bất liêm là một nhiệm vụ không hẳn đã dễ dàng. Bác nói thẳng thắn: “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư” chính là bất liêm. Bất liêm chính là nguyên nhân của mọi hiện tượng tham ô, lãng phí, làm mất uy tín và sức mạnh của bộ máy chính quyền:
“Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp dục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.
Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”.
Vị trí càng nổi bật thì càng phải đáp ứng những yêu cầu cao về giữ gìn tư cách đạo đức nói chung và về chữ Liêm Chính nói riêng. “Phải lo thì lo trước thiên hạ; hưởng thì hưởng sau thiên hạ” (trích từ bài “Đạo đức cách mạng”, 6/6/1955).
Cũng trong bài báo vừa nêu, công bố với bút danh C.B, Bác Hồ từ rất sớm đã cảnh báo hiện tượng tiêu cực: “Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng: Ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hóa. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó họ mắc phải những sai lầm: Kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”.
Bác Hồ đã hiểu quá rõ rằng, trên thế giới đã có không chỉ một cuộc cách mạng bị hỏng vì đã không xây dựng được một đội ngũ cán bộ cầm quyền với những phẩm chất đạo đức mới, thực sự liêm chính mà chỉ thay đẳng cấp cầm quyền tham nhũng hủ bại này bằng một đẳng cấp cầm quyền tham nhũng hủ bại khác.
Không ngẫu nhiên mà theo hồi ức của các bậc lão thành cách mạng, trong thời kỳ cách mạng mới giành được chính quyền, Bác Hồ đã xử lý rất nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, kể cả cấp cao, vi phạm những tiêu chí liêm chính của người cách mạng. Bác muốn phòng ngừa những diễn biến “đạn bọc đường” đối với một chính Đảng cầm quyền.
Cho đến những bài viết cuối cùng trên cõi thế, Bác Hồ vẫn trước sau như một nhấn mạnh tới việc giáo dục đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Người chiến sĩ công an muốn giữ chữ Liêm thì phải như thế nào? Cũng theo những lời dạy của Bác Hồ, trước hết và hơn hết là phải chống lại chủ nghĩa cá nhân. Trong bài nói tại Trường Công an Trung ương ngày 28/1/1959, Bác thêm một lần lý giải: “Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: Lương thấp cao, quần áo đẹp xấu; là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn”.
Bác đã thấy trước tất cả những hệ lụy mà chủ nghĩa cá nhân có thể làm nảy nòi, làm ảnh hưởng xấu tới chữ Liêm của người chiến sĩ công an: “Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: Sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm...”.
Cũng trong bài viết trên Báo Cứu Quốc, Bác Hồ đã dạy rằng, để người cán bộ nói chung và người chiến sĩ công an nói riêng có thể liên tục giữ gìn được chữ Liêm, ngoài sự tu dưỡng bản thân của họ, còn cần tới sự giúp đỡ, kiểm tra của nhân dân. Bác viết:
“Quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không Liêm cũng phải hóa ra liêm.
Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm.
Pháp luật cũng phải thẳng thay trừng trị những kẻ bất Liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì...”.
Đọc lại những dòng Bác Hồ đã viết nhiều năm về trước, hôm nay, chúng ta vẫn cảm thấy như mọi điều vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Để giữ chữ Liêm cho mình, không có gì tốt hơn là chúng ta sống, học tập, làm việc và chiến đấu theo đúng tinh thần những điều Bác Hồ đã dạy.
Theo cand.com.vn
Huyền Trang (st)