Cũng như những năm trước đây, cứ vào dịp Tết Độc lập, người dân trên mọi miền đất nước lại về với “Làng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha”. Trong những ngày tháng thiêng liêng này, chúng tôi tìm gặp người nghệ sĩ đã quay những thước phim cuối cùng về Bác. Đó Thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân (ảnh), 82 tuổi, ở xóm Liên Sơn 1, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trong căn phòng nhỏ, ông Xuân gợi nhớ lại những tháng năm không thể nào quên…
Năm 1952, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Thanh Xuân xếp bút nghiên rời Làng Sen lên đường vào quân ngũ. Xuất thân trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ông đã góp phần trong thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau kháng chiến chống Pháp, ông được lệnh cùng đơn vị tiếp quản Thủ đô.
Năm 1961, ông Xuân được chuyển về công tác tại Xưởng phim Quân đội. Với niềm say mê ham học hỏi cộng thêm lòng kiên trì chịu khó, ông tiếp cận nhanh với máy quay phim. Hơn 37 năm trong quân ngũ và 30 năm cầm máy quay lưu lại hơn 7000 thước phim tư liệu nhưng có lẽ khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời bấm máy của ông là 10 ngày túc trực bên cạnh Bác Hồ, ghi những thước phim quý giá lưu lại cho mai sau. Ông Xuân bồi hồi nhớ lại: “Được gặp Bác là niềm vui sướng tự hào của cuộc đời tôi, nhưng được giao trọng trách quay lại những thước phim trước khi Bác mất đó là lòng thành kính mà tôi dâng lên Người”.
Ngày 29-8-1969, nhận được lệnh đặc biệt của Tổng cục Chính trị, ông Xuân và một đồng chí (người miền Nam) vào Phủ Chủ tịch. Không được thông báo trước, ông Xuân cùng đồng đội cấp tốc mang theo hành trang gồm máy quay và một số trang thiết bị cần thiết. Khi xe dừng trước Phủ Chủ tịch, trong lòng ông Xuân xúc động vì được gặp Bác là niềm mơ ước từ lâu. Nhưng khi tận mắt chứng kiến sức khỏe Bác yếu dần, ông Xuân chỉ biết ôm đồng nghiệp rơi lệ…
“Chúng tôi ở bên Bác 24/24 giờ trong ngày. Chúng tôi lo nhất là khi bật máy quay lên sợ làm mất giấc ngủ của Bác. Do chiếc máy quay đã cũ, âm thanh phát ra từ máy khiến chúng tôi ái ngại. Chúng tôi đã nghĩ ra cách dùng vải nhung, xốp bọc bên ngoài máy với mục đích là cách âm để tránh tiếng động mạnh. Chúng tôi tự dặn mình: Đây là nhiệm vụ thiêng liêng, phải dốc toàn tâm để ghi được những khoảnh khắc cuối đời của Bác” - ông Xuân kể. 10 ngày túc trực bên giường bệnh, sử dụng hơn 5000m phim nhựa, ông Xuân đã ghi lại tất cả những hình ảnh từ sinh hoạt cho đến giây phút trước khi Người về với thế giới người hiền. Trước khi ra đi, Bác chỉ có một ý nguyện thật giản dị: “…Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế… Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ… Bác muốn nghe một đôi làn quan họ…”. Những cảm xúc trào dâng ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Xuân.
Đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, ngồi lật lại trang sử cuộc đời, ông Xuân không khỏi xúc động bồi hồi, đặc biệt khi nhắc lại giây phút bên Bác. Trở về với cuộc sống đời thường, trong mỗi hành động, mỗi việc làm của mình, ông Xuân luôn cảm nhận được ánh mắt Bác Hồ dõi theo như nhắc nhở ông phải sống mẫu mực với con cháu, với bà con xóm làng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Ông Nguyễn Bảo Huỳnh, Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh Liên Sơn 1 cho biết: “Ở Hội Cựu chiến binh, ông Xuân là người tích cực. Cứ mỗi lần sinh hoạt, ông đều kể các câu chuyện về Bác cho anh em nghe và có những nhận thức sâu sắc, trên cơ sở đó mà vận dụng vào thực tiễn đời sống hiện nay...”.
Theo qdnd.vn
Huyền Trang (st)