Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất. Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ cộng sản yêu nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, những miền quê đất nước nơi Người đã chọn từng sống, làm việc và làm căn cứ cách mạng để lãnh đạo nhân dân ta đi đến những thắng lợi cuối cùng đã trở thành địa danh lịch sử, văn hoá Việt Nam.

Cao Bằng - chiếc nôi đầu tiên của cách mạng Việt Nam

Năm 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị rời Trung Quốc về nước. Sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 1 năm 1941, Bác Hồ về Cao Bằng.

Cao Bằng có địa hình hiểm trở, rừng núi chiếm trên 90% diện tích, có nhiều núi cao, nhiều sông suối, lắm thác ghềnh như: Sông Bằng, sông Hiến, Sông Gâm, sông Bắc Vọng… Trên mảnh đất đầy núi non, rừng rậm, sông suối đó có những vùng thuận lợi cho các đội du kích, các cơ sở cách mạng hoạt động như Pác Bó (Hà Quảng), Lam Sơn (Hòa An)… Hệ thống giao thông thủy bộ của Cao Bằng giữ vị trí quan trọng có tầm chiến lược ở Việt Bắc không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, xã hội mà cả về chính trị, quân sự... Với những tư tưởng đúng đắn, sáng tạo, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra những nơi hội tụ đủ những điều cần thiết của một căn cứ địa cách mạng đầu tiên đó là nơi thiên thời, địa lợi, nhân hoà và đáp ứng được nhu cầu mà công cuộc giải phóng dân tộc đã đặt ra.

Pác Bó (xã Trường Hà, Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã trở thành nơi ở và hoạt động cách mạng của Đảng và Bác Hồ giai đoạn 1941-1945. Pác Bó với ngọn núi Các Mác sừng sững, với con suối Lênin trong xanh đã gắn liền với sự nghiệp và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Pác Bó, Người đã liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ cho phong trào Việt Minh, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh đã thâm nhập vào các thôn, xóm, bản làng, bám rễ và lớn mạnh không ngừng trong nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, không kể trai, gái, cụ già, trẻ con tất cả đều nỗ lực hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngoài những giờ làm việc, với bộ quần áo Nùng bạc màu, chiếc mũ vải và đôi hài bằng lá mo, Người thường đến thăm, gặp gỡ và trò chuyện với nhân dân làng Pác Bó, giải thích cho họ hiểu nguyên nhân của sự khổ cực, động viên họ tham gia vào mặt trận. Hình ảnh của “Ông Ké”, “Già Thu” đã in đậm trong lòng của người dân Pác Bó những ngày đầu cách mạng khi Người sống và làm việc tại đây.

dia danh bac chon 1
Lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng)
- nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì
(Ảnh tư liệu)

Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19-5-1941), hoàn thiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, quyết định những vấn đề cốt tử liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. Hội nghị đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh. Pác Bó cũng là nơi Người sáng lập báo Việt Nam độc lập - cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, tổ chức các lớp tập huấn chính trị, quân sự, thành lập đội du kích Pác Bó... Từ Pác Bó, Người đã đi nhiều nơi ở Cao Bằng chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 12-1944, Người ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay).

Như vậy, Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành chiếc nôi đầu tiên của cách mạng Việt Nam, để Người lãnh đo toàn dântiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, năm 1945 thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Cao Bằng thực sự trở thành căn cứ địa đầu tiên của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tuyên Quang - Khu giải phóng Việt Bắc

Tháng 5 - 1945, trước những biến chuyển mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới cũng như yêu cầu cấp bách của cách mạng lúc bấy giờ. Để đảm bảo yêu cầu đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cần phải xây dựng ngay căn cứ địa và lực lượng vũ trang.

Trên cơ sở những căn cứ địa cách mạng đã lần lượt thành lập ở Việt Bắc và căn cứ vào những báo cáo nghị quyết của Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (15-4-1945) , Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị “Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, đại thể nối liền nhau, nên thành lập một căn cứ lấy tên là Khu giải phóng”. Khu giải phóng Việt Bắc lấy Tuyên Quang làm trung tâm, làm nơi ATK Trung ương, nơi đặt các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.

Thực hiện chỉ thị của Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã chọn Tân Trào làm trung tâm căn cứ địa, bởi nơi đây  hội đủ những điều kiện yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành Thủ đô Khu giải phóng.

Với địa bàn núi sông hiểm trở, thế tiến công, phòng thủ đều thuận lợi, Tân Trào nằm giữa vùng núi non trùng điệp. Từ đây có thể dễ dàng lui về Bắc Cạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, sang Yên Bái, lên Hà Giang, khi Nam tiến cũng rất dễ dàng mở rộng xuống Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Theo nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mảnh đất Tuyên Quang hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tại đây, tháng 6-1945, Người đã chỉ đạo thành lập Khu giải phóng, lấy Tân Trào làm trung tâm, xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Tân Trào trở thành “Thủ đô Khu giải phóng” và sau đó là Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới.

Tại Đình Hồng Thái, trong hai ngày 16 và 17-8-1945 Bác đã triệu tập Quốc dân Đại hội với 60 đại biểu khắp 3 miền đại diện cho các tầng lớp, đảng phái lúc bấy giờ. Đại hội đã bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng  do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, phát động Tổng khởi nghĩa dành chính quyền trong cả nước đi đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945.

Cũng từ Chiến khu Việt Bắc, nhiều chính sách quan trọng của Đảng đã đi vào lịch sử. Tại đây, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã hoạch định, bổ sung đường lối cách mạng để dân tộc Việt Nam lập nên kỳ tích: Giữ vững thành quả của Cách mạng Tháng Tám 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

dia danh bac chon 2
Bác Hồ làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951 (Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng Tám thành công, sau ngày 02-9-1945, Tuyên ngôn Độc lập chưa đầy tháng, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến, bảo vệ độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược đã thấy ngày phải trở lại Việt Bắc nên cần phải củng cố căn cứ địa để kháng chiến lâu dài.

Tháng 12-1946, thực dân Pháp bội ước quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, trước tình hình cấp bách Bác chỉ  thị khẩn trương xây dựng An toàn khu. Một lần nữa Trung ương Đảng, Bác Hồ đã nghiên cứu thấy Tuyên Quang đủ điều kiện để làm nơi ở, làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ, là nơi bố trí triển khai các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Việt Minh, Liên Việt để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến tháng lợi hoàn toàn.

Từ cuối tháng 3 năm 1947 trở đi, chiến sự ngày càng lan rộng. Thực dân Pháp gấp rút chuẩn bị mở đợt tấn công quy mô lớn hòng chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Trước tình hình đó, tối ngày 01-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Trung ương Đảng lên đường đi Tuyên Quang, chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Trong thư gửi đồng bào Việt Bắc năm 1947, Hồ Chí Minh đã đánh giá vai trò to lớn của Việt Bắc trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.

Như vậy, trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Pháp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại Tuyên Quang với thời gian trên 6 năm. Trong thời gian này, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng tổ chức thành công nhiều đại hội, hội nghị, phiên họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận… quyết định những quyết sách lớn để đẩy mạnh kháng chiến thắng lợi như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Kim Bình, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt minh - Liên Việt, Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Việt  - Lào, Campuchia…

Thái Nguyên - An toàn khu (ATK)

Trở lại lịch sử, ngay từ cuối năm 1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Bác nói: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể thủ”.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược, Việt Bắc lại được Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm địa bàn xây dựng căn cứ địa, nơi đặt An toàn khu - cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến. Cuối tháng 10-1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc lựa chọn, chuẩn bị những địa điểm xây dựng căn cứ kháng chiến, nơi làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải di rời khỏi Thủ đô Hà Nội, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ.

Tháng 11-1946, Trung ương Đảng thành lập đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách chuyên lo việc nghiên cứu, vận chuyển, chọn địa điểm An toàn khu (ATK) cho các cơ quan Trung ương. Giữa tháng 12/1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Cạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương.

Vị thế của vùng ATK Định Hóa, rộng ra là của cả tỉnh Thái Nguyên đã được xác lập dựa trên những yếu tố thuận lợi về địa lý, kinh tế, về con người và truyền thống đấu tranh bất khuất của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Về mặt quân sự, Định Hoá có địa hình lý tưởng “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, là nơi mà những đội du kích, cứu quốc quân có thể dựa vào núi rừng hiểm trở để đảm bảo bí mật, che giấu lực lượng, tổ chức hoạt động huấn luyện hoặc phục kích, ngăn chặn các cuộc càn quét của kẻ địch mạnh hơn, đông hơn. Đặc biệt, Định Hoá có nguồn tài nguyên rừng, nước, lương thực, thực phẩm của nền kinh tế tự nhiên có thể tự cung, tự cấp làm hậu phương căn cứ địa... Từ núi rừng Định Hoá, có thể xuất phát tấn công địch ở các địa phương, khi thắng lợi có thể tiến về châu thổ sông Hồng, nếu khó khăn hoặc bị bao vây tấn công có thể lùi về để bảo toàn, xây dựng lực lượng.

Từ đầu năm 1947, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội... đã nhanh chóng vận chuyển máy móc, lương thực, thực phẩm... lên Việt Bắc, đến những nơi an toàn vùng rừng núi - nơi có địa lợi, nhân hòa “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.

Như vậy, từ mùa Xuân năm 1947, trên vùng miền núi Việt Bắc đã hình thành ATK Trung ương, chủ yếu nằm trên địa bàn 4 huyện: Định Hoá - Thái Nguyên, Chợ Đồn - Bắc Cạn, Sơn Dương và Yên Sơn - Tuyên Quang. Nơi đây đã trở thành đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, quân đội và mặt trận Liên Việt (nay là Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Văn Tiến Dũng… ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ và hào hùng. Ngoài ra, nơi đây còn là nơi ở và làm việc của các tổ chức Đảng, nhà nước, quân đội và các tổ chức đoàn thể, văn phòng Trung ương Đảng, Cục Chính trị, Cục Quân khí, Cục Quân pháp, Cục Thông tin – Bộ Quốc phòng, Cục Điện ảnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông vận Trung ương, Ủy ban hữu nghị hòa bình thế giới, Cục Bưu chính thông tin, nơi sản xuất vũ khí, đạn dược để phục vụ cho cuộc kháng chiến.

Ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân ở đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa. Trong thời gian kháng chiến, Người  từng sống và làm việc tại nhiều địa điểm ở Định Hóa như Khau Tý (Điềm Mặc), Khuôn Tát, Nà Lọm, Tỉn Keo (Phú Đình)... để bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến, Hồ Chủ tịch cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương Đảng, Chínhphủ không ở lâu tại một nơi, nhiều địa điểm chỉ một vài tháng, thường thay đổi nơi ở.

dia danh bac chon 3
Bữa cơm tại chân Đèo De (Định Hóa, Thái Nguyên) năm 1948
giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

và Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng Lê Đức Thọ
(Ảnh tư liệu)

Có thể khẳng định, Định Hóa được đóng vai trò là “Thủ đô kháng chiến”. Từ ATK Trung ương, nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, quyết định vận mệnh của dân tộc đã được ban hành dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng như: Ngày 15-10-1947, tại Khau Tý, Điềm Mặc, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc pháp. Năm 1948, tại Nà Lọm, xã Phú Đình công bố Sắc lệnh số 110/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm đợt đầu cho các tướng lĩnh. Trong đợt phong quân hàm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng. Ngày 19/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 206/SL thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao. Ngày 25-7-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Phạm Văn Đồng giữ chức Phó Thủ tướng và bổ sung làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao. Ngày 25-7-1950, thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới. Mệnh lệnh mở các chiến dịch Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… cũng được phát đi từ trung tâm đầu não kháng chiến ATK Định Hóa. Đặc biệt là, ngày 06-12-1953, tại Tỉn Keo, dưới chân Đèo De, núi Hồng thuộc xã Phú Đình - Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Nơi đây cũng là nơi chứng kiến Lễ công nhận Quốc thư đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba trình và cũng là nơi tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô Hà Nội sau hơn 7 năm ở và làm việc tại ATK Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước.

Phú Thọ

Phú Thọ là một trong những địa danh vinh dự nhiều lần được đón Bác về thăm, làm việc và lãnh đạo kháng chiến. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập đã phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách. Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì có cơ sở Đảng tin cậy, phong trào cách mạng của quần chúng vững vàng, vị trí gần Thủ đô, Phú Thọ được Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ và nhiều kho tàng, trường học cùng hàng vạn đồng bào các tỉnh lân cận bị địch tạm chiến đến tản cư. Ngày 04/3/1947, trên đường di chuyển lên căn cứ Việt Bắc theo hướng Hà Đông - Sơn Tây - Phú Thọ - Tuyên Quang - Thái Nguyên - Bắc Cạn, Người đã đến Phú Thọ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú Thọ gần một tháng với ba lần thay đổi địa điểm để đảm bảo bí mật tại các xã: Cổ Tiết (huyện Tam Nông), Chu Hóa (huyện Lâm Thao) và Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Khi lưu lại đây, Bác đã dành thời gian đọc lịch sử Việt Nam (cuốn Việt Nam sử lược), nghiên cứu cách đánh giặc của các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng  Đạo, Lê Lợi,… Người còn thường xuyên nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo của Đảng cần nghiên cứu kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của các thế hệ ông cha đi trước để vận dụng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hiện tại. Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa chữa, hoàn thiện nhiều văn bản được chuẩn bị trên đường di chuyển và soạn thêm nhiều văn kiện mới như: Thư gửi “Đồng bào toàn quốc”, “Đồng bào hậu phương”, “Quốc hội và nhân dân Pháp”; ký Sắc lệnh số 28/SL, số 29/SL, 30/SL,…; Mười vấn đề cần thiết trong kháng chiến; “Đời sống mới”;…

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác còn về Phú Thọ một số lần nữa để thăm các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Tháng 3 năm 1951, Đại đoàn 312 mở hội nghị ở xóm Cúng, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa quán triệt nhiệm vụ trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Một vinh dự lớn đến với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm đơn vị. Nói chuyện thân mật với các cán bộ Đại đoàn, Người căn dặn: “Muốn đánh thắng, trước hết phải đoàn kết chặt chẽ và có quyết tâm cao”.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại qua đất Phú Thọ, thăm Đền Hùng. Khoảng 10 giờ ngày 19-9-1954, Bác đã gặp và nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, tránh sa ngã, cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường”. Người nhấn mạnh:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (2).

Đây là lời dặn dò tâm huyết của Bác, không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô, mà còn xác định ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

dia danh bac chon 4
Ngày 20/7/1958, Bác Hồ nói chuyện
với Hội nghị Phát động thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ(Ảnh tư liệu)

Di tích K9 - Đá Chông (địa phận tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội)

Địa danh Đá Chông nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc quần thể núi Ba Vì, xã Bất Bạt - huyện Ba Vì trước đây, có độ cao 150 m so với mực nước biển, cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 50 km, có ranh giới với ba xã Thuần Mỹ, Minh Quang, Ba Trại, phía Tây giáp sông Đà, bên kia sông là xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đá Chông mang mật danh “Công trường 5”, mật danh “K9” nơi nghỉ và làm việc của Bác Hồ và Trung ương. Và ngày nay được gọi là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9 - Đá Chông (gọi tắt là Di tích K9).

Năm 1957, Bác Hồ cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương đi kiểm tra diễn tập của Sư đoàn 308. Khi dừng chân tại đây, Người đã nhận thấy đặc điểm vùng này có nhiều thuận lợi về địa hình, khí hậu, giao thông, thế sông đẹp, núi vững nên Bác đã quyết định chọn Đá Chông làm làm cơ sở của Trung ương, đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc và căn cứ địa để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dài lâu của dân tộc ta.

Đầu năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến khảo sát lại khu vực này. Sau chuyến khảo sát, đến giữa năm 1958, Khu làm việc của Trung ương ở Đá Chông đã được khởi công xây dựng với tên gọi là Công trường 5 với ba hạng mục xây dựng là: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và làm việc; Khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; Khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.

Bước sang năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ đã rõ ràng, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được lệnh tiếp tục lên xây dựng khu căn cứ của Trung ương. Đồng chí Hoàng Linh, Cục trưởng Cục Doanh trại phụ trách được giao vẽ thiết kế ngôi nhà 2 tầng, phỏng theo kiểu nhà sàn. Đặc biệt, Bác đã trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc, nhắm hướng cho ngôi nhà chính làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương

Trong những năm 1960- 1969, tại K9, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã có lần họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp 2 đoàn khách quốc tế (ngày 13-3-1961 tiếp Bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân cố Thủ tướng Trung quốc Chu Ân Lai và ngày 23-02-1962 tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc man Ti tốp) và nhiều lần Bác lên nghỉ tại đây.

Tuy không thường xuyên nhưng hình ảnh: Ngôi nhà 2 tầng (thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn của Bác ở Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch); ngôi nhà phục vụ; “con đường rèn luyện sức khoẻ”; “hòn non bộ”; 3 mỏm đá chông; vườn cây, khu nhà khách của Trung ương, sân bay trực thăng … đã in đậm bóng hình của Bác.

Khi Bác Hồ qua đời ngày 02-9-1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn khu căn cứ Đá Chông, bảo đảm được các yếu tố: Yên tĩnh, bí mật, thuận tiện giao thông để xây dựng thêm công trình “Ngôi nhà kính”, “Hầm ngầm” phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.

Từ ngày 24-12-1969 thi hài Bác được di chuyển từ Hà Nội lên, Khu căn cứ Đá Chông bước vào giai đoạn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: “Giữ yên giấc ngủ của Người”. Trong thời gian giữ gìn thi hài Bác ở đây, nhiều lần các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam ra công tác đều lên thăm viếng Người.

Như vậy, có thể khẳng định K9 - Đá Chông là địa điểm đã được Bác Hồ chọn làm vị trí để dựng khu căn cứ của Trung ương trong thời chiến. Nhiều lần Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị đã làm việc ở K9. Đây cũng là nơi được chọn để gìn giữ thi hài của Bác Hồ trong những năm chiến tranh, suốt từ khi Người ra đi - năm 1969 cho đến năm 1975, trước khi đón Người về Lăng ở Quảng trường Ba Đình./.

Minh Đức (Tổng hợp)

Bài viết khác: