Ngày 05-6-1911, từ bến Nhà Rồng, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Sau nhiều năm nghiên cứu tình hình trong nước và thế giới, với việc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (năm 1920), Bác đã tìm thấy con đường cứu nước mới đúng đắn: Con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin - con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Ngày 02-9-1945, thay mặt cho nhân dân Việt Nam, Người đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Từ đó, nhân dân ta trở thành người chủ thật sự của đất nước; tiến hành đấu tranh giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Như vậy, Bác Hồ đã đi qua cả một quãng đường dài của sự nghiệp cách mạng, từ bến Nhà Rồng ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) đến Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội). Đó là quãng đường Người đã tìm đường, mở đường và dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. Đã có nhiều bài nói, bài viết, công trình khoa học của các nhà khoa học trong nước và quốc tế nghiên cứu về tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người. Bài viết này chỉ nhấn mạnh hai vấn đề:
Một là, lịch sử dân tộc Việt Nam đã trao trọng trách cho Bác Hồ tìm con đường cứu nước mới. Năm 1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên vào Đà Nẵng tiến hành xâm lược nước ta. Từ đó, các phong trào đấu tranh chống bọn thực dân xâm lược, cứu nước liên tiếp nổi lên; tiêu biểu nhất là phong trào Cần Vương theo hệ tư tưởng phong kiến (cuối thế kỷ XIX) và phong trào theo hệ tư tưởng tư sản (đầu thế kỷ XX). Nhưng cuối cùng các phong trào cứu nước trên đều bị thất bại.
Thực tế lịch sử cho thấy, cuối thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam đã tàn tạ và lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc. Trong khi đó, phong trào Cần Vương mượn danh nghĩa nhà vua để đánh Pháp, khôi phục lại chế độ phong kiến, thì thất bại là tất yếu. Ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến đã gẫy gục. Tuy nhiên, ngọn lửa yêu nước của nhân dân ta không tắt. Một trào lưu cứu nước mới xuất hiện, đó là các phong trào theo hệ tư tưởng tư sản; tiêu biểu là phong trào: Đông Du của cụ Phan Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào cải cách của cụ Phan Châu Trinh,... Tuy là mới, nhưng các phong trào này lại thiếu đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu giai cấp tiên phong lãnh đạo, không đoàn kết, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, không phù hợp với xu thế phát triển của dân tộc Việt Nam, nên cũng bị thất bại. Ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản bị đổ, đó cũng là tất yếu.
Lúc này, đất nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh đó, với lòng yêu nước nhiệt thành, trí thông minh và tư duy phê phán đúng đắn, sắc sảo về thời cuộc và các con đường cứu nước trước đó cũng như đương thời; với ý chí lớn lao, sự khát khao cứu nước, cứu dân cháy bỏng, Bác Hồ đã ra đi tìm con đường cứu nước mới. Người đã không theo con đường Đông Du sang Nhật Bản lúc bấy giờ rất hấp dẫn do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo, hay con đường cải cách nửa vời của cụ Phan Châu Trinh mà tự nguyện dấn thân, bất chấp gian khổ, để nghiên cứu, tìm con đường cứu nước mới, có hiệu quả, đúng đắn nhất; đó là con đường sang Pháp và các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi. Đó cũng là cách để Người hòa mình vào giai cấp cần lao, tự lao động để kiếm sống và hoạt động; đi đến đâu cũng quan sát, dày công học hỏi, biến các sự kiện trong cuộc sống thành các bài học thực tế sống động.
Yêu nước, thậm chí yêu nước nhiệt thành, lúc bấy giờ không chỉ có Bác Hồ; bằng cấp cao về học vấn thì lúc bấy giờ Người không nằm trong số đó. Nhưng chính Bác Hồ, chứ không phải là cụ Phan Châu Trinh, cụ Phan Bội Châu, hay luật sư nổi tiếng Phan Văn Trường và các nhà yêu nước - cách mạng: Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh... trở thành người tìm thấy con đường cứu nước mới đúng đắn, mở ra sự phát triển thật sự cho dân tộc ta.
Điều mà nhiều người Việt Nam yêu nước khác không thấy được, mà Bác Hồ đã cảm nhận được lúc ấy, làvị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam. Mặc dù còn nhỏ bé, nhưng giai cấp công nhân Việt Nam đã hội tụ được những yếu tố là giai cấp đứng ở trung tâm của thời đại, có kỷ luật, đặc biệt là có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng. Đồng thời, Người đã nhận thấy rõ, con đường cứu nước duy nhất đúng ở Việt Nam là con đường theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm cách mạng vô sản: Giành độc lập dân tộc rồi xây dựng đất nước Việt Nam phát triển theo định hướng XHCN. Đây là con đường đảm bảo cho dân tộc ta xây dựng được đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự do, giàu mạnh; mà ở đó, mọi người đều được hưởng tự do và độc lập thực sự, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ấm no, hạnh phúc, bình đẳng. Để đảm bảo cho cách mạng thành công, Bác Hồ đã thấy đượcsức mạnh vô địch, lực lượng cách mạng hùng hậu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Đó là khối đoàn kết không phân biệt đảng phái, giai cấp, tầng lớp (trừ bọn việt gian, phản động, tư sản mại bản làm tay sai cho thực dân - đế quốc); không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, tôn giáo, miền núi, đồng bằng,... với nòng cốt là công nhân, nông dân và trí thức, kết hợp với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Đặc biệt, Người đã nhìn thấylực lượng lãnh đạocó tính chất quyết định tới sự thành bại của cách mạng theo con đường cách mạng vô sản là Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, luôn lấy lợi ích chân chính của nhân dân và dân tộc làm mục đích hoạt động.
Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng kiên trì con đường cách mạng mà Bác Hồ đã tìm thấy, đã mở đường và dẫn dắt. Sự kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH chính là sự nhân lên sức mạnh của ý nghĩa kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, là sự khẳng định những gì Bác Hồ đã trải qua từ bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử. Mọi sự dao động về con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vừa không đúng với thông điệp của chính cuộc đời người Anh hùng dân tộc vĩ đại và nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, vừa không phù hợp với xu thế tất yếu của sự phát triển dân tộc, bởi vì lịch sử Việt Nam đã chối bỏ một cách không ngẫu nhiên các con đường trước đó. Như vậy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức thực hiện tốtCương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), mà trong đó Đảng đã xác định mục tiêu, phương hướng, các giải pháp lớn để xây dựng một xã hội XHCN với các đặc trưng chủ yếu trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mục tiêu và con đường Bác Hồ đã lựa chọn là không thay đổi, là bất di, bất dịch. Song, để thực hiện được điều đó chúng ta cần thực hiện tốt phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh; luôn bám sát thực tiễn vận động của thế giới, khu vực, nhất là của đất nước, tích cực đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thực tiễn chứng minh rằng, cách mạng XHCN nói chung và sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam nói riêng, đòi hỏi rất cao sự vận dụng sáng tạo và sự phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, chỉ có thực hiện tốt vấn đề này, chúng ta mới tận dụng được thời cơ, vận hội, vượt qua thách thức, khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng thành công nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, cùng với việc phải kiên định mục tiêu và con đường đã chọn, chúng ta phải có tinh thần chủ động, sáng tạo rất cao. Yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước không dung hợp với sự bảo thủ, trì trệ, cứng nhắc khi tình hình trong nước và quốc tế đã có sự thay đổi. Xây dựng một xã hội XHCN ở Việt Nam là sự nghiệp chưa có tiền lệ, đòi hỏi chúng ta phải tìm tòi, không ngừng vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Chính vì sáng tạo, nên Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dẫn dắt dân tộc ta giành được nhiều thắng lợi trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN từ năm 1930 đến nay, như: Lúc “thù trong, giặc ngoài” tấn công, lúc đất nước phải dồn toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp chống thực dân Pháp xâm lược; lúc vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chi viện cho cách mạng miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; lúc thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; lúc hệ thống XHCN lâm vào khủng hoảng dẫn đến Liên Xô và CNXH ở Đông Âu bị sụp đổ. Do đó, sự kiên định và sáng tạo đã trở thành hai mặt không thể thiếu trong đường lối, chủ trương và trong hoạt động thực tiễn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Sự kiên định và sáng tạo là nhân tố quyết định đảm bảo cho Đảng, nhân dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và cũng là sự tiếp nối, nhân lên ý nghĩa của kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Chính sự kiên định và sáng tạo đòi hỏi Đảng ta đề ra đường lối xây dựng và phát triển đất nước phải luôn phù hợp với từng hoàn cảnh, từng thời kỳ; phải coi đổi mới là động lực, là điều kiện không thể thiếu của sự phát triển. Đồng thời, Đảng phải luôn luôn chú ý nâng cao tầm trí tuệ, nắm bắt những vấn đề nảy sinh từ sự vận động biện chứng và phát triển trên cơ sở học thuyết Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với những tri thức mới của thế giới; đồng thời, luôn chú ý tổng kết thực tiễn một cách đúng đắn; không chủ quan, duy ý chí, nôn nóng. Thực tế cho thấy, sáng tạo phải dựa trên một cái nền dân chủ, dân chủ đích thực để tìm ra chân lý; đồng thời, sự sáng tạo đòi hỏi phải đi liền với bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong điều kiện Đảng ta là một đảng duy nhất cầm quyền, chúng ta cần đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; trong đó, vấn đề then chốt là xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Hồ Chí Minh coi Đảng như người cầm lái cho con tàu đi, và để làm tốt việc đó, Đảng phải coi việc trước hết, việc thường xuyên là chỉnh đốn Đảng. Người đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta phải chú trọng đề phòng, chống sự sai lầm về đường lối và sự thoái hóa, biến chất Đảng. Điều này càng phải được đặc biệt quan tâm khi đất nước thực hiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Do Đảng cầm quyền và là đảng duy nhất trong xã hội, cho nên Đảng có nhiều lợi thế để lãnh đạo đất nước phát triển, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ Đảng dễ xa dân và đặc biệt là cán bộ, đảng viên của Đảng dễ lâm vào tình trạng đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng. Đảng cầm quyền nhưng Đảng phải thực sự hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều này đã được ghi trong Điều lệ Đảng và trong Cương lĩnh của Đảng, nhưng cần được thực hiện một cách thật sự nghiêm túc trong thực tế. “Đảng phải là tổ chức chân chính cách mạng”, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”; đảng viên phải làmcông bộc, làmđày tớ, làmtrâu ngựacho nhân dân (những chữ Hồ Chí Minh dùng). Sự nghiệp cách mạng thành hay bại phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi vì, nhân sự nào thì quan điểm ấy, đường lối ấy, phong trào ấy. Mỗi một cán bộ, đảng viên phải luôn nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin; luôn học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh một cách thực sự có kết quả; có như thế thì mới tiếp nối được con đường mà Bác đã khổ công tìm thấy và dẫn dắt dân tộc phát triển bao nhiêu năm nay.
Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta còn lắm gian nan, nhưng chắc chắn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ giành thắng lợi, bởi vì chúng ta quyết tâm đi theo con đường mà Bác Hồ đã vạch ra; quyết tâm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, có tầm cao trí tuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng; toàn dân tộc đoàn kết thành một khối vững chắc, luôn biết vượt qua thử thách, nguy cơ, biết tận dụng thời cơ để phát triển nhanh và bền vững./.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG
Minh Đức (st)