101. Phải quan tâm đến mọi người hơn

Hồi trường Đảng Nguyễn Ái Quốc còn ở căn cứ kháng chiến Việt Bắc, một lần Bác Hồ đến dự lễ bế giảng của trường, xuống thăm nhà bếp, Bác thấy làm cỗ có vẻ linh đình, Bác nói với đồng chí phụ trách trường: “Này, bế mạc, chứ không phải “bế bụng” đâu nhé! Kháng chiến còn khó khăn lắm đấy, các chú ạ”.

Đến bữa ăn, thấy mâm cơm chỉ có một bát, một đôi đũa, Bác hỏi: “Thế Bác ăn với ai?”. Đồng chí phụ trách gãi đầu gãi tai: “Dạ, xin để Bác ăn riêng cho tiện…”. Bác ngắt lời: “Không tiện gì cả. Thế ra các chú muốn cho Bác ăn trên ngồi chốc à?”. Và Bác đòi phải bê các món ăn của cán bộ, nhân viên nhà trường lên cho Bác xem, rồi Bác bảo kê thêm bàn ghế cho mọi người cùng ăn với Bác. Bố trí xong xuôi cả rồi, Bác mới vui vẻ, bảo mọi người: “Ngồi cả vào đây, ăn chung với Bác, ăn một mình thì Bác ăn sao được?” Khi Bác lên nói chuyện với các học viên, đồng chí phụ trách trường giới thiệu: “Bác Hồ sẽ huấn thị cho chúng ta”. Bác cười mà bảo rằng: “Tôi nói chuyện với các đồng chí thôi, chứ có “huấn thị” gì đâu”.

Buổi tối, Bác ở lại trường để làm việc. Các đồng chí mang đến cho Bác chiếc đèn tọa đăng rất sáng. Khoảng 9-10h tối, Bác cầm đèn đó xuống Văn phòng trường và bảo rằng: “Đèn này to, tốn dầu lắm! Bác còn làm việc khuya, một chiếc đèn con thôi cũng đủ. Các đồng chí đổi cho Bác chiếc đèn khác”.

Sáng sớm hôm sau, trước khi Bác chia tay trường, đồng chí phụ trách hỏi Bác có điều gì căn dặn thêm về công việc của trường, Người nói: “Tôi chỉ mong các đồng chí đừng quan tâm đến tôi quá mà phải quan tâm đến mọi người hơn”.

102. Đời sống của dân quan trọng hơn

Năm 1951, hai nhà quay phim chiến sỹ miền Nam Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền được tham gia vào đoàn cán bộ miền Nam ra Việt Bắc.

Đoàn đã được Bác Hồ tiếp thân mật và tổ chức đón tiếp long trọng tại Văn phòng Chủ tịch nước. Riêng mấy anh em điện ảnh miền Nam còn được Bác mời đến trong một cuộc liên hoan lửa trại đầm ấm. Anh em đề nghị Bác cho phép “quay” một số cảnh làm việc, sinh hoạt của Bác, Bác đồng ý. Với chiếc máy quay phim “cổ lỗ sỹ” và một số mét phim ít ỏi, Lê Minh Hiền đã ghi được một số hình ảnh quý giá - cho đến ngày nay là vô giá - về Bác Hồ.

Đồng chí Hiền và đồng chí Đoàn vẫn còn áy náy là Bác mặc quần áo giản dị quá, sợ mang về miền Nam chiếu lên, đồng bào có thể là quá xúc động hoặc là chê trách người quay phim. Đồng chí Đoàn bàn với đồng chí Hiền là đề nghị Bác mặc bộ ka ki đại cán, kiểu Tôn Trung Sơn, bộ độc nhất của Bác để quay “cho đẹp”.

Tưởng Bác đồng ý, nào ngờ Bác nói:

- Bác như thế đấy, có thế nào các chú cứ thế mà quay.

“Thua” keo này, lại bày keo khác. Lâu lâu hai anh em lại “xin” Bác mặc bộ đại cán “cho”. Thấy các nghệ sỹ năn nỉ mãi, Bác cũng đành mặc “cho” đôi ba lần, những khi cần thiết… Tổ làm phim còn quay được một số cảnh Bác đánh máy chữ, trồng rau xanh, đi công tác lội suối, cưỡi ngựa. Anh em còn định xin quay một số cảnh nữa về đời sống hàng ngày của Bác.

Bác nói:

- Thôi! Đời sống của Bác lúc này không quan trọng bằng đời sống của nhân dân.

103. Ứng biến nhanh giặc nào cũng thắng

Nhân dịp đón các đồng chí ở miền Nam ra thăm miền Bắc vào dịp Tết Nguyên đán, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức bữa cơm thân mật…

Các đồng chí và gia đình được mời đã đến dự đông đủ. Riêng còn thiếu gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Tổ chức có ý đợi một lát…

Bác bảo: “Đúng giờ ta đi ăn cơm, ai tới chậm để phần”.

Đang lúc mọi người chuẩn bị nâng cốc thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình tới. Biết chậm, Đại tướng mặc dù mặc quân phục vẫn vội bế hai cháu nhỏ khẩn trương bước vào phòng. Vợ đồng chí cùng cháu lớn theo sau vội vã…

Thấy Đại tướng, Bác xem giờ rồi nói: “Chú Văn chậm 5 phút? Đại tướng cũng chậm giờ à?”…

Đại tướng vội đặt hai cháu xuống rồi lại trước Bác đứng nghiêm nói:

- Thưa Bác, riêng quân chủ lực thì cơ động dễ dàng. Song còn “lực lượng dân quân du kích” đông đảo thế này cơ động khó quá ạ!.

Bác cười và khen:

- Giỏi! Chú ứng biến nhanh như vậy, nếu nắm vững lực lượng của mình thì giặc nào cũng thắng.

Nói rồi Bác chỉ vào bàn ăn:

- Xung trận!

Mọi người cùng cười ồ cả lên và theo Bác vào “trận”.

104. Chữ “quan liêu” viết như thế nào?

Năm 1952, trong một lần đến thăm lớp “chỉnh huấn” chính trị trung cao cấp, anh em quây quần xung quanh Bác, nghe Bác kể chuyện, dặn dò.

Cuối buổi, Bác cầm một cái que nói:

- Các chú học đã giỏi, bây giờ Bác đố chữ này xem các chú có biết không nhé!

Anh em hưởng ứng “vâng ạ!”, “vâng ạ!”. Người nào biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc thì “nhẩm” lại kiến thức của mình, người không biết tiếng nước ngoài thì băn khoăn có chữ gì khó mà lại không đọc được nhỉ?

Bác vẽ một gạch ngang trên mặt đất rồi hỏi:

- Chữ gì nào?

Tưởng chữ “phạn”… chữ “cổ đại” nào chứ chữ này ai mà không biết. Cả lớp hò lên: Thưa Bác, chữ “nhất” ạ.

Bác khen:

- Giỏi đấy.

Rồi Bác lại gạch một gạch nữa dưới chữ nhất. Chưa kịp hỏi, anh em đã ồn lên:

- Chữ “nhị” ạ.

- Bác động viên:

- Giỏi lắm…

Người lại gạch thêm một gạch nữa dưới hai gạch cũ.

- Chữ “tam” ạ…

Bác cười:

- Khá lắm

Rồi Người vạch thêm một vạch nữa dưới chữ “tam”.

- Chữ gì nào?

“Các vị” đớ người ra, nhìn vào vạch đầu tiên thì vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn tí nữa cũng không được “song song” cho lắm, vạch thứ tư dài nhất, có vẻ đã “cong” lắm rồi… Tiếng Pháp thì không phải. Tiếng Hán chữ “tứ” viết khác cơ!

Bác giục:

- Thế nào? Các nhà “mác - xít”?

Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã “queo”, vạch thứ ba thì “quẹo”, vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt…

Bác đứng dậy:

- Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra… Các chú biết cả đấy…

Để que xuống đất, Bác nói:

- Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn… Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã tả hữu, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương, đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm…

Học viên cả lớp đứng im, không dám nhìn vào Bác.

105. Làm sao lo cho các cháu ăn no, có quần áo mặc

Tháng 8 năm 1945, Ủy ban Cách mạng họp ở đình Tân Trào, có đại biểu khắp nơi đến dự để chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Bác Hồ và các đại biểu đang ngồi họp ở đình Tân Trào thì đồng bào địa phương - đại biểu các dân tộc Tày, Trại, Nùng đến chào mừng, thăm hỏi. Hôm đó có chừng 2, 3 em nhỏ chừng ba bốn tuổi trong xóm ra chơi trước đình.

Các em đều xanh gầy, bụng ỏng, đít beo, lại trần truồng, lấm lem, đi chân đất. Bác Hồ trông thấy rất thương, xúc động, chỉ các cháu, Bác nói với đại biểu đến dự đại hội Tân Trào: Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc.

Câu nói đó của Người mãi mãi ghi sâu trong trí nhớ mọi người có mặt trong buổi họp và ai cũng thấy có trách nhiệm thiêng liêng chăm lo cho đời sống trẻ em được no cơm, ấm áo.

106. Dù tá hay tướng đều phải lo phục vụ nhân dân

Một người Mỹ mang hàm Thiếu tá tên là Tômát làm Tham mưu trưởng đại đội. Tôi thưa với Bác là nếu Thiếu tá làm Tham mưu trưởng, thì Đại đội trưởng gọi là cấp gì, nào ngờ nét mặt Bác nghiêm lại. Bác bảo: Chú phải lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, dù tá hay tướng, đã là một chiến sĩ cách mạng cũng đều lo phục vụ nhân dân cho tốt cả.

Vào khoảng tháng 7 năm 1944, một máy bay Mỹ bị quân Nhật bắn rơi ở Hòa An, Cao Bằng. Phi công Mỹ nhảy dù rơi xuống cánh rừng đã bị du kích địa phương bắt.

Lúc này, Mỹ ở trong phe Đồng minh chống phát xít. Phi công Mỹ được đưa đến chỗ chúng tôi. Bác gọi tôi đến, chỉ thị:

- Tuy ta còn thiếu thốn, nhưng các chú cố gắng cho anh ta ăn uống tương đối, cư xử tử tế, nhân đạo để họ hiểu ta.

Vâng lệnh Bác, chúng tôi đã làm như vậy. Phi công Mỹ được ăn với khẩu phần còn hơn cả chúng tôi.

Sau đó mấy ngày, Bác cho đưa anh ta đến gặp Bác. Bác hỏi chuyện bằng tiếng Anh. Người phi công vô cùng ngạc nhiên, trố mắt nhìn Bác đầy vẻ kính phục, không sao hiểu nổi ở chốn rừng núi này lại gặp được một ông già gầy guộc, mặc áo chàm với đôi mắt rực sáng lại nói tiếng Anh rất thành thạo, am hiểu phong tục nước Mỹ.

Sao (Shaw) - tên người phi công, tha thiết xin được thả về bộ chỉ huy Mỹ đang đóng trên đất Trung Quốc, dù có phải tốn chi phí đến bao nhiêu khi về nước cũng xin Chính phủ Mỹ và gia đình lo chịu.

Bác mỉm cười và giải thích thêm:

- Các anh trong quân đội Đồng minh, cùng chung một mục đích chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình thế giới. Chúng tôi cư xử với anh như thế này là thể hiện những cam kết thiện chí chứ không phải dùng anh vào mục đích kiếm lợi.

Sao đã hiểu và càng kính phục, tin tưởng Bác. Sau đó, chính anh ta đã được Bác cho theo sang Côn Minh, trao lại cho Bộ Tư lệnh Mỹ.

… Bác ở Trung Quốc về được một thời gian, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ điện cho Bác, xin được cử người sang để hợp tác bằng cách họ sẽ cho người nhảy dù xuống căn cứ Tân Trào.

Tôi lại được Bác giao nhiệm vụ đón 5 người Mỹ này. Chúng tôi đốt lửa làm ám hiệu cho máy bay biết mục tiêu. Khi họ nhảy dù xuống, chúng tôi tập hợp bộ đội hoan hô họ. Họ rất cảm động trước việc làm đó của ta.

Sau khi tiếp nhận 5 nhân viên tình báo quân sự Mỹ, họ đều được Bác giao nhiệm vụ.

Bác chỉ thị thành lập Đại đội Việt - Mỹ và chỉ thị tôi làm Đại đội trưởng.

Từ bấy đến nay tôi luôn luôn nhớ lời dạy ấy.

107. Có ăn bớt phần cơm của con không

Mùa thu năm 1951, Bác đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị toàn quân. Sau khi đọc lên những con số cụ thể về tệ nạn tham ô, lãng phí mà Ban lãnh đạo Nhà trường đã báo cáo với Bác, Bác nói:

- Các chú xem đấy, mới có từng này cán bộ mà đã tham ô, lãng phí như vậy, thử hỏi nếu cán bộ trong toàn quân, toàn quốc cũng phạm khuyết điểm như các chú ở đây thì thiệt hại cho công quỹ của Nhà nước, của nhân dân biết bao nhiêu. Ngừng một lát, Bác hỏi:

- Ở đây, những chú nào có vợ rồi, giơ tay.

Có độ một phần ba số cán bộ giơ tay.

Bác chỉ vào một đồng chí trong số những người vừa giơ tay ngồi ở hàng ghế đầu, rồi hỏi:

- Chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của con mình không?

Đồng chí cán bộ trả lời:

- Thưa Bác, không ạ!

- Thế thì tại sao của cải của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ hễ sểnh ra là đút vào túi?

Bác vừa nói vừa làm động tác vơ vét và đút vào cái túi vải bên mình. Bác phân tích cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí là một tệ nạn, một thói xấu, nó giống như sâu mọt đục khoét của cải của nhân dân, nó làm vẩn đục chế độ tốt đẹp của chúng ta, đến đạo đức và nhân phẩm của người cán bộ đảng viên.

Hôm ấy, chúng tôi được một bài học nhớ đời. Có anh cúi mặt không dám nhìn lên Bác nữa.

108. Bác muốn biết sự thật kia

Hòa bình lập lại, mặc dù rất bận, Bác vẫn dành thời gian đi thăm bà con nông dân.

Lần ấy, vào vụ thu hoạch mùa, anh em cảnh vệ chúng tôi được lệnh đến trước và bố trí một số chiến sĩ cùng gặt với bà con để tiện cho việc bảo vệ Bác.

Trên cánh đồng lúa vàng trải rộng, có khoảng năm sáu tổ đang khẩn trương gặt hái, mấy tổ gặt ở kề ngay đường, còn một nhóm gặt mãi xa trong cánh đồng lầy lội. Chúng tôi nghĩ, chắc là Bác sẽ đến thăm mấy tổ gần đường, vì vậy một số anh em bảo vệ trà trộn cùng dân gặt trong những nhóm đó.

Chuẩn bị xong, chúng tôi yên trí chờ đợi... Một lúc sau xe Bác đến và dừng lại gần chỗ chúng tôi bố trí. Bác xuống xe nhưng không lại chỗ bà con đang gặt gần đường. Người xắn quần, tháo dép đi thẳng ra nhóm đang gặt ở đằng xa. Thấy vậy, một đồng chí trong chúng tôi lúng túng gợi ý:

- Thưa Bác, chỗ đằng kia nông dân gặt đông quá ạ!

Bác quay lại nói ngay:

- Đông gì? Các chú bố trí đấy! - Rồi Bác tiếp tục đi. Chúng tôi anh nọ nhìn anh kia ngượng quá.

Đến chỗ bà con nông dân đang gặt ở giữa cánh đồng, Bác ân cần hỏi han từ chuyện trong nhà đến việc ngoài đồng... Do hóa trang rất khéo, vả lại buổi đi thực tế của Bác rất bất ngờ, nên bà con nông dân cứ ngỡ là một cán bộ già đi qua đường xuống thăm, nên nói chuyện với Bác rất tự nhiên, vui vẻ.

Lúc về nhà, Bác bảo chúng tôi: “Các chú nên rút kinh nghiệm, nếu làm việc gì cần phải bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được (hóa ra Bác đã nhìn thấy trong đám gặt gần đường có cả những anh “nông dân” mặt quần ka ki đi gặt).

Bác nói tiếp:

- Lần này đi thăm bà con nông dân. Bác muốn nói chuyện thật tự nhiên để biết rõ tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia! Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực!.

109. Đón vua hay đón Bác

Hồi còn bé, tôi được thấy một lần nhân dân huyện Thiệu Hóa tổ chức đón Bảo Đại đến khánh thành trường tiểu học của huyện.

Không biết thợ ở đâu về, họ dựng cổng chào bằng gỗ, bằng mây, bằng cành dừa, đan, cài hoa lá, viết chữ, treo cờ, giăng đèn rất công phu... Các quan sở tại từ các xã xa về, mũ áo thụng xanh, giày hia xúng xính chắp tay chờ đợi. Lính tráng súng ống canh gác nghiêm ngặt. Trông đến lạ mắt...

Lớn lên theo cách mạng, tôi được chứng kiến một số lần các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội nghị đón Bác...

Lần Bác đến dự lễ kỷ niệm thành lập quân đội ở nhà khách quốc tế trên đường Phạm Ngũ Lão. Bác từ một chiếc xe không được đẹp lắm bước xuống, anh em chúng tôi quên cả kỷ luật chạy ra vây lấy Bác. Mấy đồng chí bảo vệ xô bật chúng tôi ra. Bác chỉ nói nhẹ nhàng:

- Các cháu để Bác đi. Các chú đừng làm thế.

Lần vào Vinh, sáng sớm, hoa trong vườn tươi là thế mà mới 9, 10 giờ đã rũ xuống làm cho các vị chủ nhà héo hắt cả ruột gan.

Bác ra vườn, cầm cây hoa nhổ lên. Thì ra không phải là cây hoa trồng mà mới cắm... Bác cũng nhẹ nhàng nói:

- Không nên làm thế...

Năm 1953, Trung ương Hội Phụ nữ mời Bác đến thăm. Chị em hô hào quét nhà trong, vườn ngoài, đầu cổng sạch sẽ. Các chị căng một khẩu hiệu cắt dán chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” nhưng không dán các dấu. Lại làm một cổng chào kết lá, cài hoa rừng... Ai cũng bảo nhau mặc quần áo thật đẹp rồi xếp hai hàng, từ cổng vào nhà như kiểu “hàng rào danh dự”, hồi hộp, chờ đợi...

Sương sớm Việt Bắc đã tan, trời đã đẹp. Chờ mãi không thấy khách đến. Chủ tịch Hội đã sốt ruột hết đi ra, lại đi vào. Bỗng có tiếng báo:

- Chị Xuyến ơi! Bác ở trong này rồi!...

Thế là hàng rào danh dự tan! Ùa vào trong nhà đã thấy Bác đang thăm vườn rau, giếng nước... Bước ra cổng, Bác nói:

- Chào các cô, các cháu. Vào nhà thấy vắng. Bác đoán ngay là tất cả ở ngoài này.

Nhìn lên khẩu hiệu, Bác cười:

- Tiếng Việt ta có dấu, phát âm rất hay, phân biệt rõ ràng. Dán chữ thế này đọc thế nào cũng được, sai ý của mình đi.

Vào đến hội trường Bác hỏi:

- Các cô đón ai thế?

 Mọi người ngớ ra, không rõ ý Bác là thế nào.

- Thưa Bác, đón Bác đấy ạ!

 Bác ôn tồn nói:

- À ra thế. Các cô đón Bác, chứ có phải đón ông vua, ông quan nào đâu mà sửa soạn trang trí cầu kỳ như thế!...

Nghĩ thương các chị mất vui, Bác “rẽ” sang chuyện khác, khen:

- Sạch sẽ, gọn gàng thường xuyên hay chỉ được hôm nay thôi đấy!...

Bấy giờ các chị em mới dám “bắt chuyện”:

- Dạ thưa Bác, thường xuyên ạ.

Làm việc nước nặng nề, khó khăn nên phải hết sức cẩn thận.

Hồi Bác Hồ ở Pắc Bó, để giữ bí mật, nước được đựng trong những ống dài để trong hang. Trừ những khi ốm đau, sáng nào Bác cũng đi “kỉn” nước (Tiếng Tày “kỉn” là lấy).

Ống nước là một ống luồng, hoặc bương (loại tre lớn) sẵn trong rừng, đục thông các “mắt” lấy dây thừng hay mây buộc lại đầu trên và dưới, để gánh bằng đòn. Có ống không cần buộc dây, để vác trên vai.

Một sáng sớm, trời còn sương, mặt trời chưa tỏ, Bác và một đồng chí bảo vệ, mỗi người hai ống trên vai, ra suối “kỉn” nước. Bác đặt chân nhẹ nhàng lên các hòn đá, vục ống xuống lấy đầy nước, dựng vào một hòn đá, khỏa nước rửa chân tay. Đồng chí bảo vệ tuy là người miền núi, địa phương nhưng bước đi không vững, trên vai lại ống nước nặng, đặt ống không thăng bằng, nên vấp đá, chẳng may trượt ngã.

Bác đến nâng đồng chí dậy, dạy cách đặt, cách vác ống nước, cách đi trên đá. Rồi hai Bác cháu ra về.

Lên bờ, Bác nói:

“Làm việc nước nặng nề, khó khăn nên phải hết sức cẩn thận cháu ạ”.

110. “Cách mạng” theo ý Bác Hồ

Năm 1946, khi nêu lên khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, một số cán bộ đã góp ý với Người là nghe “nó cũ quá”. Bác đã giải thích, đại ý “không phải cái gì cũng bỏ”.

Năm 1947, ở Chiến khu Việt Bắc, với tên ký là Tân Sinh, Bác viết cuốn “Đời sống mới”, xuất bản lần đầu tiên ngay trong năm đó.

Trong trang đầu tiên đề cập tới “Đời sống mới”, tác giả viết “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ là xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơn cử cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải làm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm. Thí dụ, ta phải tương thân, tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm. Thí dụ, ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp”. Năm 1958, khi đồng chí Giang Đức Tuệ, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đến gặp Bác tại Văn phòng Chủ tịch ngày 20 tháng 10, Bác dặn: Cách mạng chỉ xóa bỏ cái xấu, cái dở và giữ lại cái tốt, cái hay”.

Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có lưu trữ một bài nói chuyện của Bác, nhan đề "thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu" (vào năm 1952).

Bác nói: “Cách mạng là tiêu diệt những cái xấu, xây dựng những cái tốt”. Bác thực sự đã cho ta tấm gương sáng về lời nói và cả về hành động cách mạng.

Bác đã nghiên cứu, đối chiếu, gạn lọc, xóa bỏ tất cả những cái xấu ngay trong lòng xã hội mới hiện đại, văn minh nhất đương thời, đồng thời đã phát hiện và giữ lại tất cả những cái hay, tốt, đẹp của lịch sử phát triển các dân tộc trên thế giới, cổ kim, đông tây. Người đã thấy được cái hay, cái tốt trong Phật giáo, Thiên chúa giáo, trong Khổng học để vận dụng vào cuộc cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng những điều hay, điều tốt của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Bác cũng thấy được trong từng con người, từng cộng đồng người, tuy “cũ”, tuy “xấu”, nhưng vẫn có cái “tốt” để phục vụ cách mạng, mà cái tốt trên hết “là lòng yêu Tổ quốc, yêu nước, thương nòi”. Cho nên, đã có những người làm quan to cho Pháp, cho triều đình Huế, đã học và kiếm được nhiều tiền trên đất nước “tư bản”, những nhà ‘tư sản”, những “địa chủ”, những công nhân sống lâu với kẻ địch, nhưng họ vẫn thấy được cái điều “cách mạng” ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin và đi theo “Cụ Hồ”.

Người đã đến viếng và thắp hương ở đền Bà Triệu tại Thanh Hóa, thích các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, Việt Nam, Pháp, Ý. Khi nói, khi viết đều dùng lời lẽ, chữ nghĩa giản dị, khi cần thiết cũng đã nêu lên những ý hay của Tổng thống Hoa Kỳ, dí dỏm của người Anh, sâu sắc của Không Tử. Tất cả những điều ấy và biết bao điều khác nữa đâu có thể nói Bác là “cũ”!.

Bác đã từng nói “Một đoàn thể mạnh thì cái tốt ngày càng phát triển, cái dở ngày càng bớt đi. Một điều tốt phải đưa ra cho tất cả mọi người cùng học, một điều xấu phải đưa ra tất cả mọi người cùng biết mà tránh”. Người cũng đã dạy rằng xóa điều xấu, làm điều tốt không thể gấp gáp được. Vì nếu có nấu cơm cũng phải 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ, người tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ cũng phải vài ba giờ mới xong”.

Trong tình hình đổi mới của nước ta hiện nay, cụm từ "Cách mạng, cái xấu, cái tốt”, nhất thiết cũng cần cho chúng ta suy nghĩ. Mở cửa đón gió bốn phương, không phải “nhập” cả những điều “mới”, “hiện đại” nhưng lại xấu xa, đồi bại, có những cái không tốt của “khách” mà chính họ cũng bỏ, tởm lợm, càng không phải một cuộc “loại bỏ” những cái “cũ” đẹp dần mất đi, cái mới chưa tốt lại đang được o bế, đang có “môi trường” sinh sôi, nảy nở. Điều này làm cho ai đó, rất cực đoan, muốn trở lại hai đầu “cũ, cũ hết, mới, mới hết; cũ xấu hết, mới tốt hết”. Đó là một thái độ không “cách mạng”, như lời Bác dạy.

Tâm Trang (tổng hợp)

Hết

Bài viết khác: