Thứ bảy, 28/12/2024

Công tác tư tưởng, văn hoá là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đây cũng là vấn đề sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng quan tâm với một tầm nhìn xa, rộng và những chỉ dẫn sâu sắc, thiết thực.

Các bài viết và nói của Người về công tác tư tưởng văn hoá thể hiện rõ việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao tính chủ động, tự giác, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể do Đảng đề ra, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi trong các thời kỳ cách mạng đã qua cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Để tiếp tục tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 05- CT/TƯ của Bộ Chính trị, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng trân trọng tổng hợp, tuyển chọn các bài viết, bài nói của Người về các vấn đề tư tưởng, văn hóa từ năm 1920 đến năm 1969 do Nhà xuất bản quốc gia xuất bản, đồng chí Hữu Thọ (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương) làm chủ biên để giới thiệu cùng bạn đọc.

Phần 1:

Thời kỳ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1920-1929)

            1. Lời phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp1 (trích)

… Thưa các đồng chí, lẽ ra hôm nay, tôi đến đây là để cùng với các đồng chí góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới, nhưng với một nỗi đau buồn sâu sắc, tôi đến đây với tư cách là đảng viên xã hội, để phản kháng những tội ác ghê tởm trên quê hương tôi... Các đồng chí đều biết rằng chủ nghĩa tư bản Pháp đã vào Đông Dương từ nửa thế kỷ nay; vì lợi ích của nó, nó đã dùng lưỡi lê để chinh phục đất nước chúng tôi. Từ đó, chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã, mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm. Tôi xin nhấn mạnh từ “đầu độc” bằng thuốc phiện, bằng rượu, v.v.. Trong vài phút, tôi không thể vạch được hết những sự tàn bạo mà bọn tư bản ăn cướp đã gây ra ở Đông Dương. Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người.

Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đều bị bắt và đôi khi bị giết mà không cần xét xử. Cái gọi là công lý Đông Dương là thế đấy! Ở xứ đó người An Nam bị phân biệt đối xử họ không có những sự bảo đảm như người châu Âu hoặc có quốc tịch Châu Âu. Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền cư trú và du lịch ra nước ngoài; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập. Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu. Người ta đã làm chết hàng nghìn người An Nam và tàn sát hàng nghìn người khác để bảo vệ những lợi ích không phải của chính họ.

Thưa các đồng chí, hơn hai mươi triệu dân An Nam, bằng hơn nửa số dân nước Pháp, đã bị đối xử như vậy, ấy thế mà họ lại là những người được nước Pháp bảo hộ! Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức ....

... Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa. Chúng tôi thấy rằng việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế thứ ba có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa.

Chúng tôi rất sung sướng khi nghe tin thành lập một đoàn đại biểu thường trực nghiên cứu về Bắc Phi, và mai đây, chúng tôi sẽ vui mừng nếu Đảng phái một đồng chí của Đảng để nghiên cứu tại chỗ những vấn đề ở Đông Dương và đề xuất những hoạt động cần phải tiến hành.

2. Đông Dương2 (trích)

Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa. Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm... Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng. Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại.

Bị đầu độc cả về tinh thần lẫn về thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm, người ta có thể tưởng rằng cái bầy người ấy cứ mãi mãi bị dùng làm đồ để tế cái ông thần tư bản, rằng bầy người đó không sống nữa, không suy nghĩ nữa và là vô dụng trong việc cải tạo xã hội. Không: Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương. Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ. Nếu những người xã hội chủ nghĩa lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ - bọn quan lại - cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng. Người Đông Dương tiến bộ một cách rất màu nhiệm và khi thời cơ cho phép họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ. Đằng sau sự phục tùng tiêu cực người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.

Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi.

 3. Bản truyền đơn bằng tiếng Việt của Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp3

Các bạn lao động bản xứ! Những người cộng sản ở chính quốc hiểu rõ nỗi đau khổ của các bạn... Các bạn bị hai lần bóc lột: Là lao động và là dân bản xứ. Những người chủ các bạn từ chính quốc đến không hành động một mình. Những người quyền thế nước các bạn, bọn đại địa chủ và bọn cầm đầu muốn giữ của cải và quyền hành của chúng. Để bóc lột các bạn, chúng đã câu kết với chính quyền, bọn thực dân và các công ty Châu Âu... Như ở khắp mọi nơi trên thế giới, chúng tôi đã lập ra một Đảng Cộng sản lớn đấu tranh để giải phóng mọi người lao động.

Đảng muốn hoạt động ủng hộ những người anh em của mình ở thuộc địa. Nó đề nghị các bạn cho biết những sự đàn áp mà các bạn là nạn nhân. Nó dành cho các bạn báo chí của nó và sự giúp đỡ của những nhà hoạt động chính trị của nó. Nó đề nghị các bạn giúp đỡ nó tích cực và ở nước thuộc địa nào có chi bộ đảng, chúng tôi mong các bạn coi đó là những cơ quan bảo vệ các bạn. Nó đề nghị các bạn đoàn kết lại giữa những người lao động ở nhà máy và nông thôn, bến tàu và có những mối quan hệ hữu nghị với những người lao động từ chính quốc tới ngày càng nhiều, họ thuộc cùng giai cấp với các bạn.

Vì nền hoà bình thế giới, vì tự do và ấm no, những người bị bóc lột thuộc mọi chủng tộc cần đoàn kết lại và chống bọn áp bức.

4. Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa4

Từ khi Đảng Cộng sản Pháp đã thừa nhận 21 điều kiện của Mátxcơva và gia nhập Quốc tế thứ ba, Đảng đã tự đặt cho mình một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn trong số các nhiệm vụ khác: Chính sách thuộc địa. Đảng không thể thoả mãn với những bản tuyên ngôn chỉ thuần là bằng tình cảm và không có kết quả gì như thời Quốc tế thứ nhất và Quốc tế thứ hai nữa, mà cần phải có một kế hoạch hoạt động chính xác, một chính sách có hiệu quả và thiết thực.

Trong vấn đề này, Đảng gặp nhiều khó khăn hơn mọi vấn đề khác, và đây là những khó khăn chủ yếu:

a) Diện tích các thuộc địa rất rộng. Không kể những “khu vực ủy trị” mới, lấy được từ sau chiến tranh, nước Pháp có:

Ở Châu Á, 450.000 km2; ở Châu Phi, 3.541.000 km2; ở Châu Mỹ, l08.000 km2; ở Châu Đại Dương, 21.600 km2. Tổng cộng: 4.120.000 km2 (gần gấp tám lần diện tích nước Pháp) với một dân số là 47.000.000 người. Số dân đó nói hơn 20 thứ tiếng khác nhau. Tình trạng có nhiều tiếng nói khác nhau như vậy làm khó khăn cho công tác tuyên truyền, bởi vì trừ mấy thuộc địa cũ ra, thì một tuyên truyền viên người Pháp chỉ có thể nói chuyện với quần chúng bản xứ qua người phiên dịch mà thôi. Mà phiên dịch thì khó nói lên được hết ý, vả lại trong những xứ bị cai trị một cách độc đoán ấy, thật khó mà tìm ra được một người phiên dịch những lời lẽ cách mạng.

Lại còn những trở ngại khác nữa. Tuy người dân bản xứ ở tất cả các thuộc địa đều là những người bị áp bức và bóc lột như nhau, nhưng trình độ văn hoá, kinh tế và chính trị giữa xứ này với xứ khác lại rất khác nhau. Giữa An Nam với Cônggô, Máctiních hay Tân Đảo hoàn toàn không giống nhau chút nào, trừ sự cùng khổ.

b) Tình trạng thờ ơ của giai cấp vô sản chính quốc đối với các thuộc địa.  Trong những luận cương về vấn đề thuộc địa, Lênin đã tuyên bố rõ rệt rằng “nhiệm vụ của công nhân ở các nước đi chiếm thuộc địa là phải giúp đỡ một cách tích cực nhất phong trào giải phóng của các nước phụ thuộc”. Muốn thế, công nhân ở chính quốc cần phải biết rõ thuộc địa là cái gì, phải biết những việc gì đã xảy ra ở thuộc địa, biết rõ nỗi đau khổ - hàng nghìn lần đau khổ hơn công nhân ở chính quốc - những người anh em của họ, những người vô sản thuộc địa phải chịu đựng.

Tóm lại là công nhân ở chính quốc phải quan tâm đến vấn đề thuộc địa.

Tiếc thay, một số đông chiến sĩ vẫn còn tưởng rằng, một thuộc địa chẳng qua chỉ là một xứ dưới đầy cát và trên là mặt trời, vài cây dừa xanh với mấy người khác màu da, thế thôi. Và họ hoàn toàn không để ý gì đến.

c) Tình trạng dốt nát của người dân bản xứ. Trong tất cả các nước thuộc địa, ở cái xứ Đông Dương già cỗi kia cũng như ở xứ Đahômây trẻ trung này, người ta không hiểu đấu tranh giai cấp là gì, lực lượng giai cấp vô sản là gì cả, vì một lẽ đơn giản là ở đó không có nền kinh doanh lớn về thương nghiệp hay công nghiệp, cũng không có tổ chức công nhân. Trước con mắt người dân bản xứ, chủ nghĩa bônsêvích – danh từ này vì thường được giai cấp tư sản dùng đến luôn, nên đặc sắc hơn và mạnh nghĩa hơn - có nghĩa là: Hoặc sự phá hoại tất cả, hoặc sự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất gán cho danh từ ấy làm cho quần chúng vô học và nhút nhát xa lánh chúng ta; nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả. Chỉ có một số ít người trong nhân dân hiểu được thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Nhưng số người thượng lưu ấy - thuộc giai cấp tư sản bản xứ và là cột trụ của giai cấp tư sản thực dân - cũng không thích thú gì việc chủ nghĩa cộng sản được người ta hiểu và được truyền bá rộng rãi cả. Trái lại, giống như con chó trong truyện ngụ ngôn, họ lại thích đeo cái vòng cổ để kiếm miếng xương của chủ. Nói chung, quần chúng căn bản là có tinh thần nổi dậy, nhưng còn rất dốt nát. Họ muốn giải phóng, nhưng họ chưa biết làm cách nào để đạt được mục đích ấy.

d) Những thành kiến. Vì giai cấp vô sản ở cả hai đằng đều không hiểu biết lẫn nhau, nên đã nảy ra những thành kiến. Đối với công nhân Pháp, thì người bản xứ là một hạng người thấp kém, không đáng kể, không có khả năng để hiểu biết được và lại càng không có khả năng hoạt động. Đối với người bản xứ, những người Pháp - mặc dầu họ là hạng người nào cũng đều là những kẻ bóc lột độc ác. Chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản không bỏ lỡ dịp lợi dụng sự nghi kỵ lẫn nhau đó và sự phân biệt đẳng hạng giả tạo về nòi giống đó để ngăn cản việc tuyên truyền và để chia rẽ những lực lượng đáng phải đoàn kết lại.

e) Đàn áp dã man. Nếu bọn thực dân Pháp rất vụng về trong việc phát triển nền kinh tế ở thuộc địa, thì họ lại là những tay lão luyện trong nghề đàn áp dã man và trong việc chế tạo ra cái lòng trung thành bắt buộc. Những người như ông Găngđi và ông Đờ Valơra có lẽ đã lên thiên đàng từ lâu rồi nếu các ông ấy sinh ở một trong những thuộc địa của Pháp. Bị tất cả mọi thứ thủ đoạn thâm hiểm của các toà án quân sự và toà án đặc biệt vây xung quanh, một người chiến sĩ ở bản xứ khó lòng tiến hành việc giáo dục đồng bào bị áp bức và dốt nát của mình mà không sa vào nanh vuốt của các nhà đi khai hoá cho họ.

Trước những khó khăn ấy, Đảng phải làm gì?

Tăng cường công tác tuyên truyền của Đảng để khắc phục.

5. Truyền đơn cổ động mua báo Le Paria5

Dự kiến những sự kiện nghiêm trọng có thể xảy ra ngày một ngày hai, bạn đừng đợi gì mà chưa mua báo Le Paria và hô hào bạn bè mua nó. Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dắt dẫn mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ.

Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xoá bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau.

Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới.

Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!

6. Thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp6

Các đồng chí,

Những nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Quốc tế về vấn đề thuộc địa đã mang lại hai tác dụng đồng thời nhưng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Một mặt, chủ nghĩa đế quốc đi áp bức - ngừa trước những kết quả có thể xảy ra của chính sách đó nếu nó được thi hành nghiêm túc - đã đề phòng và tăng gấp bội những hoạt động tuyên truyền, ngu dân và đàn áp. Mặt khác, nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa, được tiếng vang của cách mạng thức tỉnh, đã hướng theo bản năng của họ về Quốc tế của chúng ta, một chính đảng duy nhất mà họ hy vọng là sẽ quan tâm đến họ một cách thân thiết, mà họ hoàn toàn mong mỏi là sẽ mang lại cho họ sự giải phóng. Như vậy, chúng ta sẽ có thể không những đánh đổ uy thế của chủ nghĩa thực dân bóc lột và lay chuyển vị trí của chúng, mà còn có thể biến mối cảm tình thuần tuý tình cảm và thụ động của các dân tộc thuộc địa đối với chúng ta thành mối cảm tình hành động, nếu những nghị quyết của Quốc tế được chấp hành. Khốn nỗi cho đến nay, những nghị quyết ấy chỉ được dùng để tô điểm mặt giấy! Phân bộ Pháp, phân bộ Anh và những phân bộ các nước thực dân khác đã làm gì cho các thuộc địa của chủ nghĩa tư bản nước họ? Những phân bộ ấy đã có một chính sách thuộc địa và một cương lĩnh rõ rệt về thuộc địa, chính xác và liên tục chưa? Những chiến sĩ của các phân bộ ấy có hiểu thuộc địa là gì và tầm quan trọng của thuộc địa là như thế nào không? Người ta có thể trả lời là không.

Đối với các thuộc địa Pháp,

a) Một ban nghiên cứu thuộc địa đã được thành lập;

b) Một mục viết về thuộc địa đã được mở ra trên báo L’Humanité;

c) Những lời tuyên bố ủng hộ dân chúng thuộc địa đã được phát biểu trong các đại hội toàn quốc;

d) Hai cuộc hành trình tuyên truyền đã được các đại biểu của Đảng tiến hành.

Sau khi được thành lập ít lâu và khi đã giành được không phải là không chật vật những cột báo trên tờ L’Humanité, Ban nghiên cứu thuộc địa đã hoạt động khá tốt. Những tài liệu và tin tức có giá trị đã bắt đầu được gửi từ các thuộc địa đến Ban. Chiến dịch mà Ban tiến hành trên báo Đảng nhằm chống những nhũng lạm và tội ác của bè lũ thực dân, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dân chúng các thuộc địa và mang lại nỗi lo lắng cho chủ nghĩa đế quốc thực dân và báo chí của nó. Nhưng diễn đàn ấy đột nhiên đã bị báoL’Humanité bỏ đi. Bị tước mất phương tiện công tác và hoạt động, Ban lâm vào tình trạng hoàn toàn bị tê liệt. Điều đó đã làm cho giới báo chí to lớn của giai cấp tư sản rất hài lòng, những báo chí này đã dành rất đều đặn hàng bao nhiêu trang cho công tác tuyên truyền thực dân và luôn luôn sợ bị cải chính và lật mặt nạ.

Điều đó đã đặc biệt gây những ấn tượng rất nặng nề cho dân bản xứ. Mặc dầu là hão huyền, những lời tuyên bố trong các đại hội toàn quốc ủng hộ dân chúng các thuộc địa cũng đã góp phần củng cố mối cảm tình mà họ đã có đối với Đảng. Tuy nhiên thật là không thích đáng nếu cứ lắp đi lắp lại mãi một điều mà không làm gì cả. Và những người bị áp bức khốn khổ thấy chúng ta chỉ luôn luôn hứa hẹn nhưng cũng luôn luôn không hành động gì thì bắt đầu tự hỏi rằng không biết thực ra chúng ta là những người đứng đắn hay là những kẻ lừa phỉnh. Cuộc hành trình của các đồng chí Vayăng Cutuyariê và Ăngđrê Béctông qua Angiêri và Tuynidi, tiến hành hầu như cùng một lúc với các cuộc dạo chơi đế vương của bọn đại biểu tư sản, đã được dân chúng châu Phi rất hoan nghênh. Nếu những cuộc hành trình cùng một tính chất như thế được tiếp tục trong tất cả các thuộc địa thì chắc chắn là kết quả sẽ đáng mừng.

Nhưng, đáng lẽ phải tăng cường tuyên truyền thì chúng ta lại đã bỏ dở cái việc đã được bắt đầu, và bỏ mất những cơ hội tốt. Bởi thế, chúng ta đã làm rất ít trong khi xảy ra cuộc bãi công đẫm máu ở Máctiních, cảnh chết đói ở Bắc Phi và cuộc nổi dậy ở Đahômây.

Trong trường hợp sau chót này, chúng ta đã có một bộ mặt thiểu não. Nhiều ngày sau tất cả các báo tư sản và mười ngày sau báoL’Oeuvre, báo Đảng mới đăng tin về cuộc nổi dậy. Trong lúc chính phủ thuộc địa đã thiết quân luật, tập trung quân đội, huy động chiến hạm, huy động các bộ máy đàn áp, bắt bớ và kết án các nhà hoạt động từ 5 đến 10 năm tù; trong lúc các báo chí viết thuê đã tiến hành một cách có hệ thống một chiến dịch lừa dối và bưng bít dư luận thì chúng ta chỉ viết có hai hay ba bài báo ngắn, rồi thôi. Không phải là không mỉa mai mà không đáng buồn khi trong bóng tối của những ngục tù có tính chất khai hoá, những người anh em Đahômây đau khổ của tôi đọc điều thứ 8, trong số 21 điều kiện, nói rằng: “Mỗi đảng cam đoan tiến hành một công tác cổ động có hệ thống trong quân đội nước mình nhằm chống mọi ách áp bức dân chúng thuộc địa; và mỗi đảng phải ủng hộ, không những bằng lời nói mà cả bằng hành động, phong trào giải phóng của các thuộc địa”.

Nhưng thật là vô ích nếu buộc tội quá khứ và tiếc rẻ thì giờ đã mất. Tốt nhất là biết sử dụng tốt thì giờ trong tương lai. Vậy chúng tôi yêu cầu Đảng:

1) Chính thức thừa nhận Liên đoàn Máctiních (nhóm Giăng Giôrét);

2) Mở lại mục viết về thuộc địa trong báo L’Humanité;

3) Yêu cầu Ban nghiên cứu thuộc địa cung cấp tài liệu cho phân bộ thuộc địa và cứ hai hoặc ba tháng một, báo cáo công tác của mình với phân bộ;

4) Ở những nơi đã thành lập phân bộ thuộc địa thì khuyến khích các bộ phận này tăng cường công tác tuyên truyền và tuyển thêm người bản xứ;

5) Trên tất cả báo chí của Đảng, mở một mục viết về thuộc địa để làm cho độc giả làm quen với các vấn đề thuộc địa;

6) Nói đến các thuộc địa trong hết thảy các đại hội, míttinh hoặc hội nghị của Đảng;

7) Cử các nghị sĩ đi thăm các thuộc địa, mỗi khi nền tài chính của Đảng cho phép;

8) Tổ chức những nghiệp đoàn hoặc thành lập các nhóm tương tự các thuộc địa.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr. 22 - 23.

2. Sđd, t.1, tr. 27 – 28.

3. Sđd, t.1, tr. 451 – 452 (văn bản viết chung).

4. Sđd, t.1, tr. 62 – 64.

5. Sđd, t.1, tr. 461 (văn bản viết chung).          

6. Sđd, t1, tr.194 – 197.

 Tâm Trang (Tổng hợp)

Còn nữa

Bài viết khác: