Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 24/02/2025

 

Ngày 24/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2017/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017 là 1.300.000 đồng/tháng  (thay cho mức cũ là 1.210.000 đồng/tháng).

Cùng với việc áp dụng mức lương cơ sở mới từ 01/7/2017, nhiều chế độ về bảo hiểm cũng có sự thay đổi đáng quan tâm.

che do BH
Nhiều chế độ bảo hiểm sẽ thay đổi từ ngày 01/7/2017. Ảnh minh họa: Internet

1. Tính mức đóng bảo hiểm xã hội

Từ ngày 01/7/2017 sẽ áp dụng mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng làm căn cứ tính mức lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN).

Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 01/7/2017 cao nhất là 26.000.000 đồng/tháng (1.300.000 đồng/tháng x 20 lần).

Áp dụng mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng tính mức đóng BHYT đối với đối tượng chỉ tham gia BHYT.

Các nội dung này được quy định tại Công văn số 2159/BHXH-BT ngày 01/6/2017của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN và thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN theo mức lương cơ sở mới.

2. Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Ngày 29/5/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 2039/ BHXH-CSYT về việc áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định số47/2017/NĐ-CP trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.Theo đó, từ ngày 01/7/2017, sẽ áp dụng mức lương cơ sở mới (1.300.000 đồng/tháng) để thanh toán chế độ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đơn cử như sau:

Người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở tương đương với 195.000 đồng không phải thực hiện cùng chi trả. Quy định hiện hành là 181.500 đồng (Khoản 1 của Công văn số 2046/BHXH-CSYT ngày 06/6/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Mức cùng chi trả tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ cao, chi phí lớn của một số đối tượng theo quy định là 45 tháng lương cơ sở tương đương với 58.500.000 đồng. Mức cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở là 7.800.000 đồng

Cũng theo Công văn số 2039/BHXH-CSYT thì việc thực hiện thanh toán chế độ bảo hiểm y tế này áp dụng kể cả trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế vào viện trước ngày 01/7/2017 nhưng xuất viện từ ngày 01/7/2017.

3. Tăng tiền dưỡng sức sau khi ốm đau

Từ ngày 01/7/2017, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau (sau đây gọi gọn là tiền dưỡng sức sau khi ốm đau) của người lao động quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ tăng lên thành 390.000 đồng/ngày (hiện hành là 363.000 đồng/ngày).

 

Điều 29 - Luật bảo hiểm xã hội năm 2014

3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.


             Cụ thể, tiền dưỡng sức sau khi ốm đau của người lao động như sau:

 

Tiền dưỡng sức sau khi ốm đau (bằng 30% mức lương cơ sở/ngày)

Hiện nay (Áp dụng theo mức lương cơ sở tại Nghị định số  47/2016/NĐ-CP)

1.210.000 đồng x 30% = 363.000 đồng/ngày

Từ ngày 01/7/2017 (Áp dụng theo mức lương cơ sở mới tại Nghị định số 47/2017/NĐ-CP)

1.300.000 đồng x 30% = 390.000 đồng/ngày

Người lao động cần lưu ýđiều kiện để được hưởng tiền dưỡng sức sau khi ốm đau là: Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏetừ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

- Tối đa 7 ngày đối với người lao động sứckhỏechưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;

- Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

4. Tăng trợ cấp thai sản

Từ ngày 01/7/2017, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (sau đây gọi gọn là trợ cấp thai sản) sẽ tăng thêm 180.000 đồng/ mỗi con (Căn cứ Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014).

 

Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi - Luật bảo hiểm xã hội 2014

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

 

Như vậy, theo quy định hiện hành, mức trợ cấp thai sản/mỗi con đang là 2.420.000 đồng. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở kể từ ngày 01/7/2017 sẽ khiến mức trợ cấp thai sản/mỗi con tăng lên thành 2.600.000 đồng.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: