Thứ bảy, 28/12/2024

7. Chính sách ngu dân7 (trích)

Càng nghèo khổ thì số người thất học càng nhiều. Mặt khác, thực dân Pháp lại cố tâm huỷ bỏ Hán học mà chúng thấy là nguy hiểm cho sự thống trị của chúng vì chúng biết rằng Hán học có thể đưa vào An Nam những tư tưởng tiến bộ phương Tây thông qua Trung Quốc và Nhật Bản. Người ta có thể tưởng rằng bỏ Hán học đi để đẩy lùi ảnh hưởng nước ngoài, người Pháp sẽ thay thế vào đó bằng nền giáo dục của họ. Không phải thế đâu. Thâm ý của họ chỉ là đẩy người An Nam vào vòng ngu tối. Tôi xin nêu ra sau đây một vài bằng chứng của người Pháp.

Đại tá Bécna viết: Về phương diện tinh thần, người Pháp không tổ chức một nền giáo dục mới thay thế cho nền giáo dục An Nam mà họ đã bỏ đi. Họ chỉ xây dựng được một ít trường học để đào tạo ra những con vẹt, những người vong bản thiếu đạo đức và thiếu cả kiến thức phổ thông.

Trong một bản báo cáo về tình hình Đông Dương, tướng Penơcanh cũng viết: Trong 50 năm chiếm đóng ở Nam Kỳ và 25 năm chiếm đóng Bắc Kỳ, những trường học Pháp không đào tạo lấy được một người An Nam thật sự có học thức.

Ông Mácxơ, văn sĩ thuộc địa, đã viết câu sau đây lột tả được đúng tư tưởng đang thống trị trong đầu óc của các nhà cai trị của chúng ta: Chúng ta chỉ cần dạy tiếng Pháp cho người An Nam, dạy cho họ biết đọc, biết tính toán chút ít thôi, biết hơn nữa chỉ là thừa vô ích.

Nhưng ngay cả nền giáo dục sơ đẳng ấy cũng chỉ được phổ cập một cách quá bủn xỉn và nhỏ giọt. Trường học rõ ràng là còn thiếu nhiều, giáo viên thì chưa đủ tư cách để giảng dạy.... Trường học lập ra không phải để giáo dục cho thanh niên An Nam một nền học vấn tốt đẹp và chân thực, mở mang trí tuệ và phát triển tư tưởng cho họ, mà trái lại càng làm cho họ đần độn thêm. Ngoài mục đích giáo dục để đào tạo tuỳ phái, thông ngôn và viên chức nhỏ đủ số cần thiết phục vụ cho bọn xâm lược - người ta đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học, chỉ dạy cho họ một dòng “trung thực” giả dối, chỉ dạy cho họ biết sùng bái những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một Tổ quốc không phải là Tổ quốc của mình và đang áp bức mình. Nền giáo dục ấy dạy cho thanh thiếu niên khinh rẻ nguồn gốc dòng giống mình. Nó làm cho thanh thiếu niên trở nên ngu ngốc. Điều gì có thể rèn luyện được cho học sinh biết suy nghĩ, biết phân tích thì người ta không dạy ở nhà trường. Vấn đề nào có liên quan đến chính trị, xã hội và có thể làm cho người ta tỉnh ngộ đều bị bóp méo và xuyên tạc đi. Có học lịch sử nước Pháp đi nữa, thì người ta không hề đả động đến chương nói về cách mạng. Người ta cấm học sinh đọc tác phẩm của Huygô, Rútxô và Môngtexkiơ. Nói tóm lại, trường học thật là tương xứng với chế độ đã khai sinh ra nó.

8. Báo chí8 (trích)

Nói xong vấn đề giáo dục, thì tự nhiên chúng tôi nghĩ ngay tới câu hỏi: Thế còn báo chí? Những điều tôi sẽ kể về báo chí An Nam nó kỳ dị quá đến nỗi khó mà tin được. Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Lý do như thế này. Chính quyền Pháp quyết định rằng không một tờ báo bằng tiếng An Nam nào được xuất bản nếu không được viên toàn quyền cho phép, rằng họ chỉ cho phép với điều kiện là bản thảo đưa đăng phải trình viên toàn quyền duyệt trước đã và giấy phép ấy họ thu hồi lúc nào cũng được. Tinh thần bản sắc lệnh về báo chí là như thế đấy. (Chúng tôi bị cai trị bằng chế độ sắc lệnh do viên toàn quyền ban bố chứ không phải bằng những đạo luật đã được thảo luận và biểu quyết ở nghị viện). Trên thực tế còn tệ hơn nữa. Mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả.

Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.

Ngay cho đến cả những tờ thông tin thuần tuý về kinh tế và thương mại, người ký giả bản xứ cũng chỉ xin được phép bằng những biện pháp quanh co...

…..

Trước khi đưa đi nhà in, tất cả các bài báo phải dịch ra tiếng Pháp và đưa kiểm duyệt đã. Cấm ngặt những tờ thông tin ấy không được đả động gì đến những vấn đề chính trị hay tôn giáo mà chỉ được đăng những tin tức thông thường, những vấn đề xét ra có lợi cho Nhà nước. Khi đất nước bị một thiên tai nào, lụt lội, bão táp, đói kém, v.v., phòng kiểm duyệt cấm báo không được cho dân chúng biết những tin “không vui” ấy, cấm báo không được mở lạc quyên giúp những người bị nạn. Báo không có quyền nói gì, dù chỉ bóng gió, đến việc bầu cử hội đồng thuộc địa hay hội đồng hàng tỉnh. Có một tờ, dịch ra tiếng An Nam đạo luật cấm những hành vi hối lộ trong việc tuyển cử, đã bị kiểm duyệt trắng mất nửa tờ báo mà còn bị khiển trách thêm nữa. Nhiều khi người ta cấm cả dịch đăng những bài đã đăng ở các báo tiếng Pháp xuất bản ở Đông Dương.

Các bạn chớ tưởng rằng mấy tờ báo thông tin khốn khổ ấy được tự do phân tách tất cả những cái thuộc về kinh tế. Chẳng hạn, họ không được nói đến đời sống đắt đỏ, đến việc mất mùa, đến việc buôn gian bán lậu của bọn con buôn người Âu, đến việc xoay xở tiền nong bất lương của bọn quan cai trị, đến những vụ đầu cơ đê tiện của bọn chủ đồn điền và chủ nhà máy người da trắng.

9. Thư gửi đồng chí Pêtơrốp, Tổng thư ký Ban Phương Đông9 (trích)

Đồng chí thân mến,

Hôm qua, trong khi dự cuộc mít tinh của sinh viên trường Đại học Cộng sản phương Đông, một ý kiến mà tôi đã ngẫm nghĩ từ lâu, lại nảy ra trong đầu óc tôi. Tôi tự thấy có trách nhiệm phải trình bày với đồng chí.

… Đồng chí đã hiểu rõ nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là SỰ BIỆT LẬP. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU.

Sẽ rất có ích cho người An Nam biết bao, nếu họ được biết những người anh em Ấn Độ của họ tự tổ chức như thế nào để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Anh, hoặc biết công nhân Nhật Bản đoàn kết nhau lại như thế nào để chống lại ách bóc lột của chủ nghĩa tư bản, hoặc biết người Ai Cập đã phải hy sinh cao cả như thế nào để đòi lại quyền tự do của mình? Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

10. Những thảm họa của nền văn minh10 (trích)

Để truyền bá văn minh Pháp, bảo vệ danh dự lá quốc kỳ Pháp ở các thuộc địa xa xôi, người ta dùng những đội quân gồm toàn những tên lưu manh, những bọn lười biếng, những tên lọt lưới pháp luật, những tên giết người, nói tóm lại, gồm các tinh hoa của những cặn bã, lượm lặt ở tất cả các nước Châu Âu. Đến nước đã bị xâm chiếm hay sắp bị xâm chiếm cũng vậy, người ta thả những tên sát nhân này vào trong đám dân chúng thiếu tự vệ. Và để kích thích chúng, người ta buông lỏng cho bọn côn đồ tha hồ hoành hành theo thú tính tàn bạo của chúng. Sau đây là vài câu chuyện do các nhà văn thuộc địa kể lại, họ đã từng chứng kiến những hành động dã man của những người vệ sĩ anh dũng cho nền văn minh cao cả ấy.

Tôi phải nhắc để các bạn nhớ rằng tất cả những câu chuyện này, cũng như những chuyện tôi sẽ kể thêm, đều do người Pháp đã mắt thấy tai nghe, viết ra. Khi họ viết, có lẽ họ không nghĩ rằng, một ngày kia sẽ có một người An Nam đọc những chuyện đó; nếu biết rằng tôi đã sử dụng những tài liệu họ viết, chắc chắn là những nhà văn đó sẽ hối hận vì đã nói hết sự thật. Nói rõ như vậy rồi tôi xin tiếp tục.

Không chỉ có người sống mới là nạn nhân của chế độ thực dân man rợ ấy. Biết người An Nam rất sùng bái tổ tiên, bọn người Pháp còn có những hành động độc ác đối với cả người chết; chúng giày xéo thi thể cha mẹ người ta để cho con cái phải đau xót, hoặc hành hạ xác kẻ thù đã bị thua và đã bị giết chết, để cho hả lòng căm tức và rửa tiếng bất lực không đánh bại được người đó khi họ còn sống. Như Đội Văn là một người yêu nước đã chiến đấu nhiều năm trời, chống lại nền cai trị Pháp, đã bị chém ở Hà Nội, đầu đem bêu ở Bắc Ninh, xác ném xuống sông Hồng.

Tống Duy Tân sau mười năm chiến đấu tuyệt vọng cũng bị bắt và bị chém. Thi thể của ông bị đem bêu ở phố.

Phan Đình Phùng, một vị quan to và là một nhà văn thân danh tiếng, chống Pháp mười năm trời rồi chết trong rừng sâu. Ông chết rồi nhưng bọn Pháp vẫn chưa tha: Người ta quật mộ ông lên, đốt xác và đem tro vứt đi. Người ta báo thù cả người đã nằm yên dưới mộ.

Bất lực không đánh nổi ông Đề Thám, không sao giết được ông bằng thuốc độc cũng không trừ được ông bằng cốt mìn, người ta bèn đào mả cha mẹ ông, đem hài cốt vứt xuống sông.

Sau những cuộc biểu tình ở miền Nam Trung Kỳ, nhiều nhà văn thân đã bị xử tử và bị đầy biệt xứ. Trong số đó có ông Nghè Trần Quý Cáp, một nhà nho thanh cao ai cũng mến phục. Ông Cáp bị bắt trong khi còn dạy học; không xét hỏi gì cả, người ta đem chém ông hai mươi bốn giờ sau khi bị bắt. Chính phủ giết chết ông chưa đủ, còn hành hạ mãi, không chịu giao trả thi hài ông cho gia đình.

….

11. Lê-nin và các dân tộc thuộc địa11

Lê-nin đã đặt tiền đề cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa. Lê-nin là người đầu tiên đã kiên quyết lên án mọi thành kiến về vấn đề này còn âm ỷ trong đầu óc của nhiều nhà cách mạng Châu Âu và Châu Mỹ.

Mọi người đều biết rõ những luận cương của Quốc tế Cộng sản về vấn đề thuộc địa. Trong tất cả các đại hội của Quốc tế Cộng sản, của Quốc tế Công đoàn và Quốc tế Thanh niên cộng sản, vấn đề các nước thuộc địa đã được nêu lên hàng đầu. Lê-nin là người đầu tiên đã hiểu và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lê-nin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng, nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được.

Lê-nin đã tìm ra những phương pháp có hiệu quả để tiến hành có kết quả công tác trong các nước thuộc địa và đã nhấn mạnh là cần phải sử dụng phong trào cách mạng dân tộc ở những nước này.

Các đại biểu của các nước thuộc địa tham dự các đại hội của Quốc tế cộng sản, vẫn còn nhớ vị lãnh tụ - người đồng chí đã dành cho họ sự chú ý dường nào, và Người đã biết đi sâu tìm hiểu như thế nào những điều kiện công tác phức tạp nhất và thuần tuý có tính chất địa phương. Mỗi người chúng ta đều có đủ thời gian cần thiết để tin chắc rằng những điều nhận xét của Người là đúng và những lời giáo huấn của Người là quý giá đến mức nào. Với phương pháp khéo léo của mình, Lê-nin đã lay chuyển được quần chúng nhân dân chưa giác ngộ và lạc hậu nhất trong các nước thuộc địa. Sách lược của Lê-nin về vấn đề này đã được các đảng cộng sản trên toàn thế giới áp dụng, đang lôi cuốn tất cả những phần tử ưu tú và tích cực ở các nước thuộc địa vào phong trào cộng sản.

Việc Lê-nin giải quyết vấn đề dân tộc hết sức phức tạp ở nước Nga Xô viết là một thứ vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ trong các nước thuộc địa.

Trong con mắt của các dân tộc thuộc địa, trong lịch sử cuộc đời khổ đau và bị mất quyền của các dân tộc thuộc địa, Lê-nin là người sáng tạo ra cuộc đời mới, là ngọn hải đăng chỉ dẫn con đường đi tới giải phóng cho toàn thể nhân loại bị áp bức.

12. Vì sao phải viết sách này12

a) Phàm làm việc gì cũng vậy, bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành công. Tục ngữ Tàu có câu: “Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức”.

b) Sư tử mạnh biết chừng nào, nếu bắt thỏ thì có khó gì, thế mà còn phải dùng hết sức, huống gì làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại, nếu không hết sức thì làm sao được.

c) Lại nhiều người thấy khó thì ngã lòng, không hiểu rằng “nước chảy đá mòn” và “có công mài sắt có ngày nên kim”. Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi. Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong.

d) Muốn đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan thì trước ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải gánh một vai, vì sao phải làm ngay không nên người này ngồi chờ người khác. Có như thế mục đích mới đồng; mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng; tâm đã đồng, lại phải biết cách làm thì làm mới chóng.

e) Lý luận mà lịch sử cách mệnh có nhiều sách lắm. Pháp nó sợ, nên cấm chúng ta học, cấm chúng ta xem, cho nên đồng bào ta đối với hai chữ cách mệnh còn lờ mờ lắm. Có người biên chép đề xướng ra một chút lại làm một cách rất hồ đồ; hoặc xúi dân bạo động mà không bày cách tổ chức; hoặc làm cho dân quen tính ỷ lại mà quên tính tự cường.

f) Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?

g) Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả.

Hơn sáu mươi năm nay, đế quốc chủ nghĩa Pháp đạp trên đầu hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau chuốt!

Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh.

Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!.

13. Tư cách một người cách mệnh13

Tự mình phải:

Cần kiệm.

Hoà mà không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình.

Cẩn thận mà không nhút nhát.

Hay hỏi.

Nhẫn nại (chịu khó).

Hay nghiên cứu, xem xét.

Vị công vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm.

Giữ chủ nghĩa cho vững.

Hy sinh.

Ít lòng tham muốn về vật chất.

Bí mật.

Đối người phải:

Với từng người thì khoan thứ.

Với đoàn thể thì nghiêm.

Có lòng bày vẽ cho người.

Trực mà không táo bạo.

Hay xem xét người.

Làm việc phải:

Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.

Quyết đoán.

Dũng cảm.

Phục tùng đoàn thể.                          

………………

Chú thích

7. Sđd, t.1, tr.398 - 400.

8. Sđd, t.1, tr.403 - 404.

9. Sđd, t.1, tr. 263.

10. Sđd, t.1, tr. 349, 352 - 354.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr. 136 - 137.

12. Sđd, t.2, tr. 261 - 262.

13. Sđd, t.2, tr.260

Tâm Trang (tổng hợp)

Còn nữa

Bài viết khác: