Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới biết đến là một lãnh tụ đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống trong thế kỷ XX, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn. Vậy, điều gì đã làm nên sự vĩ đại ở Hồ Chí Minh?
Bác Hồ thǎm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958 (Ảnh tư liệu)
1. Người kết tinh hồn thời đại, làm thăng hoa dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại
Nhiều chính khách và học giả nước ngoài đã dành những lời tốt đẹp, cao quý, biểu thị sự ngưỡng mộ và kính trọng nhất để nói về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Trong con người ấy, là sự hội tụ những gì tinh hoa nhất của thế giới nhân loại và của dân tộc Việt Nam, đã làm nên tầm cao trí tuệ, tư tưởng, đạo đức và tâm hồn Hồ Chí Minh. Người mang trong mình phẩm chất bác ái của Đức Chúa Giê-su, lòng từ bi, vị tha của Đức Phật, trí tuệ của Mác - Lê-nin. Đồng thời, mang tinh thần an dân và khuyến dân trong tư tưởng của Nguyễn Trãi - nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của Việt Nam ở thế kỷ XV, tâm hồn của đại thi hào Nguyễn Du với nỗi đau nhân thế trong kiệt tác Truyện Kiều. Để rồi, con người ấy đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, trong sáng và đẹp đẽ, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập - tự do - hạnh phúc của nhân dân ta và nhân dân thế giới.
Trên con đường cách mạng, Hồ Chí Minh đã mẫn cảm và sáng suốt khi xác định rằng, cách mạng trước hết cần có Đảng lãnh đạo và Người đã vận dụng sáng tạo học thuyết Đảng kiểu mới của V.I. Lê-nin vào thực tiễn, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo dục, rèn luyện Đảng ta thành một đảng cách mạng chân chính. Hồ Chí Minh yêu cầu người cách mệnh phải giữ chủ nghĩa cho vững, trong Đảng ai ai cũng phải tin, phải theo chủ nghĩa ấy, lại phải ít lòng ham muốn về vật chất. Có như vậy mới đủ bản lĩnh đi đến cùng trong sự nghiệp tranh đấu vì lợi quyền và hạnh phúc của nhân dân. Đảng là một tổ chức cách mạng, chiến đấu hy sinh phục vụ giai cấp, dân tộc và nhân loại. “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài”1. Vì vậy, đảng viên, cán bộ phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu để dân tin và dân theo, “một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn”, v.v.
Trải nghiệm thực tiễn cách mạng phong phú và sâu sắc, Người còn phát hiện ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chỉ ra tính tất yếu lịch sử của chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Dung dị mà sâu sắc, Người đã viết: Không ai có thể ngăn cản mặt trời mọc thì cũng không một thế lực nào có thể ngăn cản các dân tộc tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là do Người đặt nền móng. Người còn là nhà cách tân, có tư tưởng đổi mới và hội nhập quốc tế để phát triển từ rất sớm; dồn nỗ lực và tinh lực của đời mình vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nhất là khi Đảng đã cầm quyền. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Người đã làm sáng tỏ chủ thuyết xây dựng Đảng cầm quyền với những điều cốt yếu, hệ trọng nhất từ tư tưởng đến phương pháp và phong cách, từ đạo đức, nhân cách, lối sống của cán bộ, đảng viên đến văn hóa ở trong Đảng. Đảng lãnh đạo và cầm quyền bằng khoa học, dân chủ và đạo đức, phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Cao cả và thiêng liêng, Người căn dặn: Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Hồ Chí Minh còn là nhà tổ chức thiên tài, đặt công tác đào tạo bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ ở tầm chiến lược, coi đó là công việc gốc của Đảng. Với phương châm nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, Người chú trọng hành động và thực hành, suốt đời “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại”, “tinh thần đoàn kết” để dân tin, dân phục, dân yêu, dân giúp đỡ, dân ủng hộ, dân bảo vệ thì sự nghiệp cách mạng mới thành công. Sự nghiệp ấy suy đến cùng cũng chỉ vì dân, làm cho dân được sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc, là chủ và làm chủ thực sự.
Những chỉ dẫn thiết thực, giản dị mà sâu sắc của Người đã giúp Đảng ngày càng lớn mạnh, trưởng thành. Đảng vì dân mà tồn tại và chiến đấu hy sinh nên nhân dân một lòng tin tưởng vào Đảng, đi theo lý tưởng, mục tiêu mà Đảng đã vạch ra, vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, nhân dân tự hào gọi Đảng là Đảng của mình. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mở ra thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, thực sự mang tầm vóc vĩ đại, làm thăng hoa dân tộc Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại. Thời gian càng lùi xa, thực tiễn càng biến đổi và phát triển, ta càng nhận ra sự sáng suốt, sự tiên liệu đầy mẫn cảm trong tầm nhìn xa trông rộng của Người. Điều đó càng cho thấy tầm vĩ đại của Hồ Chí Minh, không chỉ là tư tưởng sáng tạo, gắn liền tư tưởng với phương pháp và phong cách, mà còn là đạo đức, lẽ sống cao thượng, trọn một đời vì nước, vì dân, tranh đấu, hy sinh và dâng hiến cho cuộc sống của nhân dân. Sự hy sinh và dâng hiến của Người trọn vẹn và toàn vẹn, quên mình đến mức hóa thân, bởi thế Hồ Chí Minh vĩ đại và cao thượng.
2. Điều làm nên sự vĩ đại ở Hồ Chí Minh gắn liền với những bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của Người
Những bước ngoặt ấy đã tác động sâu xa tới lịch sử dân tộc thời hiện đại và có sức ảnh hưởng rộng lớn vào đời sống chính trị thế giới đương đại, làm thay đổi chiều hướng vận động của lịch sử đất nước, số phận của cả một dân tộc, vị thế và phẩm giá của con người Việt Nam. Mùa hè năm 1911, người thanh niên đầy nhiệt huyết Nguyễn Tất Thành mới 21 tuổi, rời Bến cảng Nhà Rồng, bắt đầu cuộc dấn thân tìm đường cứu nước, cứu dân. Cuộc đi đó kéo dài 30 năm, qua các châu lục Á - Âu - Phi - Mỹ, qua mọi miền đất lạ hơn 30 nước, bằng con đường “vô sản hóa”, lao động - học tập và tranh đấu để tìm đường, chọn hướng, nhận ra chân lý để rồi trọn đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận hiến cho dân tộc và nhân loại. Gần một thập kỷ (1911 - 1920) qua trường đời thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước và tinh thần dân tộc trở thành người cộng sản, suốt đời đấu tranh vì thắng lợi của lý tưởng, mục tiêu cộng sản chủ nghĩa. Chính trong bước ngoặt đầu tiên này, năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi tám điều yêu sách của dân tộc Việt Nam tới Hội nghị Véc-xây đòi tự do, độc lập cho nhân dân mình. “Đường Kách mệnh” đã được nhận ra hình hài từ đó để định hình thành tác phẩm lý luận sau này, đặt nền móng lý luận và phương pháp cho học thuyết giải phóng bằng cách mạng, chuẩn bị trực tiếp về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời chính đảng cách mạng kiểu mới ở Việt Nam.
Sự kiện Nguyễn Ái Quốc, từ người dân của một xứ thuộc địa, mất độc lập chủ quyền lại trở thành người đồng sáng lập ra Đảng Cộng sản ở chính quốc, vào tuổi 30 là trường hợp hy hữu của lịch sử. Cũng vào tuổi ấy, C. Mác và Ph. Ăng-ghen viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” với khẩu hiệu hành động “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”, được Lê-nin bổ sung (“các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”) và được Nguyễn Ái Quốc phát triển, “tất cả mọi người lao động đoàn kết lại”, một sự phát triển với tầm tư tưởng lớn và bằng tư duy độc lập sáng tạo, khoáng đạt. Mười năm sau, vào năm 1930, ở tuổi 40, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng ta, là tác giả của bản Cương lĩnh đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Những bước ngoặt ấy, là những bước sinh thành thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Luận cương V.I. Lê-nin về quyền tự quyết của các dân tộc được Nguyễn Ái Quốc tiếp cận và thâu thái (năm 1920) đã góp phần quyết định tới bước ngoặt trong hành trình tìm đường, nhận đường để chọn đường của Người, và “Bản án chế độ thực dân Pháp”, một tác phẩm lý luận chính trị tầm cỡ của Nguyễn Ái Quốc được viết vào năm 1925. Hai mươi năm sau (năm 1945), Người khởi thảo và tuyên đọc “Tuyên ngôn Độc lập” tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ở Hà Nội. Người không chỉ khai sinh ra chế độ dân chủ cộng hòa ở Việt Nam, mà còn tuyên bố sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân Pháp, đưa dân tộc Việt Nam tới tự do và làm chủ.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - một trong những cuộc cách mạng điển hình của thế giới trong thế kỷ XX - được dẫn dắt và thực hiện bởi thiên tài Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập, rèn luyện. Ba mươi năm của cuộc hành trình (1911 - 1941) vì độc lập - tự do - hạnh phúc cho dân tộc để dẫn đến giải phóng 20 triệu người Việt Nam và xác lập chính thể dân chủ cộng hòa trong ngày độc lập 02-9-1945. Cũng từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức trở thành Đảng cầm quyền dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vĩ đại và huyền thoại Hồ Chí Minh, còn ở sự kiện bước ngoặt không thể nào quên, 20 năm sau “Tuyên ngôn Độc lập” (năm 1965), Người viết bức thư để lại cho đồng bào, đồng chí mà chúng ta gọi là Di chúc. Văn kiện lịch sử thiêng liêng này, Người viết lần đầu tiên vào tháng 5-1965, ở tuổi 75, để hằng năm, Người nghiền ngẫm, suy tư, sửa từng câu, từng chữ và ký thác tất cả vào chúng ta. Người dành cái tối đa cho dân, cho nước và cho Đảng. Người chỉ nói về việc riêng đúng 79 từ trong 1.000 từ. Trong cái tối thiểu ấy cũng lại đầy ắp tình thương yêu, sự quan tâm, chăm sóc cho nhân dân, đồng bào của Người. Hạnh phúc của dân là hoài bão, khát vọng một đời của Hồ Chí Minh. Đó là sự vĩ đại và cao thượng. Ngày lập nước cũng lại trùng hợp với ngày Người trở về thế giới người hiền, ngày 02-9-1969. Giờ ấy, phút ấy, Người đã từng viết và sửa Di chúc, đã từng đọc báo, cần mẫn, đều đặn chăm chút, nâng niu những tấm gương “người tốt, việc tốt” cho đời.
Hai mươi năm sau ngày ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946), lời của Người như lời hịch của non sông, “thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, Người lại có lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước chống Mỹ xâm lược (năm 1966) với một thông điệp lịch sử “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thông điệp ấy cũng là chân lý lớn nhất của lịch sử, là sự lựa chọn đúng đắn nhất, mãi mãi tỏa sáng ý chí Việt Nam, nhân cách Việt Nam mà Người là điển hình mẫu mực, trọn vẹn, toàn vẹn nhất. Cuộc đời 79 mùa Xuân của Người gắn bó máu thịt với nhân dân, với đất nước và thời đại, còn có bao nhiêu bước ngoặt như thế nữa. Tất cả đều quy tụ vào “Ái Quốc” và “Ái Dân” - tên của Người, lấp lánh ánh sáng minh triết Hồ Chí Minh, sâu thẳm triết lý nhân sinh và hành động Hồ Chí Minh. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm có trong những bước ngoặt của Người, đã mở ra chân trời, triển vọng rạng rỡ, trang sử mới Việt Nam trong thời đại mang tên Người. Sự hiện diện của Hồ Chí Minh trong lịch sử đã chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước của các bậc tiền bối để khai mở “đường cách mệnh” đến nơi, đúng đắn và triệt để. “Cách mệnh là phá cái cũ lỗi thời, xấu xa, hư hỏng đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển và tốt đẹp”. Người là hiện thân của câu trả lời đúng đắn, sáng tạo và triệt để, lại kịp thời, đúng lúc trong thực tiễn lịch sử, chính xác đến kỳ lạ và kỳ diệu trong những tiên tri, dự báo tương lai đến từ sự mẫn tiệp, thông tuệ của thiên tài tư tưởng Hồ Chí Minh, “tầm mắt đại dương” và “tâm hồn lộng gió thời đại” Hồ Chí Minh - đó là sự vĩ đại Hồ Chí Minh. Người sống mãi trong lòng dân và trong trái tim nhân loại là vì vậy.
3. Đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống thanh tao, giản dị, bản lĩnh đứng ngoài vòng danh - lợi để toàn tâm, toàn ý phụng sự và dâng hiến cho dân, cho nước làm nên sự vĩ đại Hồ Chí Minh
Đạo đức và thực hành đạo đức là một điều nổi bật, nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Người đòi hỏi rất cao về đạo đức cách mạng. Theo Bác, người cách mạng phải đủ cả bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Lại chính Người nêu gương thực hành, làm gương mẫu cho đảng viên, cán bộ noi theo. Biết rằng, ở đời “nhân vô thập toàn” nên Người căn dặn phải suốt đời đấu tranh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, trau dồi đạo đức cách mạng, thấy rõ cuộc đấu tranh này sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng. Phải dùng dân chủ mà chữa trị bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, phải thực hành văn hóa để chữa thói phù hoa xa xỉ, phải dùng luật pháp nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm để bảo vệ nhân dân.
Với Hồ Chí Minh, sự vĩ đại còn thể hiện vô cùng chân thực, cảm động, để lại ấn tượng sâu xa tận đáy lòng trong mỗi người dân bởi đức khiêm nhường, tình thương mến, sự ân cần chu đáo, bao dung nhân ái, lối sống giản dị, ứng xử tự nhiên mà tinh tế của Người. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận xét rằng, trong trái tim mênh mông tình thương của Người, có chỗ cho tất cả mọi người, mỗi cảnh đời, mỗi số phận. Mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng, mỗi con người có một nỗi đau riêng. Cộng tất cả nỗi khổ đau đó lại là nỗi khổ đau của bản thân Người. Miền Nam luôn ở trong trái tim Người. Giữa cơn đau quặn thắt trái tim, Người vẫn hướng tới đồng bào, đồng chí, “không thể bỏ dân mà đi được”, lắng nghe tin chiến thắng nơi tiền tuyến, lo lắng cho đời sống của những người nông dân nghèo khổ nơi đê vỡ, lũ lụt tràn về, cũng không quên nhắc nhở ngành giáo dục lo việc trường sở, học hành cho các cháu. Người từ chối chưa nhận Huân chương với lời giải thích rằng, đợi miền Nam giải phóng, đồng bào miền Nam thay mặt cả nước, gắn Huân chương cho Người cũng chưa muộn. Và đến lúc ra đi, trên ngực áo của Người không một tấm Huân chương. Người nói lời cảm động tận đáy lòng “mới chỉ đi đến nơi mà chưa về đến chốn”. Người tự thấy mình chưa xứng đáng để nhận sự tôn vinh. Người sống vì dân và chỉ một lòng một dạ vì dân, chỉ canh cánh một nỗi niềm chưa được tận mắt chứng kiến ngày cách mạng miền Nam toàn thắng. Giản dị là đặc trưng nổi bật cho lối sống và phong cách của Người. Người giản dị chứ không giản đơn. Bởi thực sự vĩ đại, nên giản dị ở Người như một lẽ tự nhiên làm lay động mỗi tấm lòng. Đó là giản dị của bậc vĩ nhân, hiền triết. Thực sự vĩ đại nên Người giản dị thực sự, tất cả đều toát lên sự gần gũi thân thương của con người giữa đời thường. Phải trải nghiệm cuộc sống vô cùng phong phú, sâu sắc, thành ra cốt cách, bản lĩnh văn hóa mới đạt tới sự giản dị ấy.
Vĩ đại Hồ Chí Minh còn bởi trước hết Người là một con người và cuối cùng vẫn là một con người, dù Người được tôn vinh, ngưỡng mộ ở bậc thánh nhưng không siêu thực mà ở trong lòng dân, trong cuộc sống của dân. Đại văn hào Pháp Vích-to Huy-gô từng viết: “Trước một trí tuệ uyên bác thì tôi cúi đầu bái phục, trước một nhân cách cao cả thì tôi quỳ gối tôn thờ”. Hoàn toàn có thể đem những lời ngợi ca, tôn vinh ấy ứng vào Hồ Chí Minh - con người Việt Nam đẹp nhất, con người mà sự nghiệp, di sản, đạo đức và nhân cách đã thuộc về dân tộc và thế giới nhân loại. Lịch sử luôn tường minh. Chân lý luôn giản dị. Tình thương yêu, niềm xúc động, sự tôn vinh mà cả dân tộc và thế giới dành cho Người mãi mãi là nguồn cổ vũ, là động lực tinh thần cho phát triển. Cái gì đã là máu thịt thiêng liêng, giá trị nào đã “làm tổ” trong tâm hồn con người mọi thế hệ thì mãi mãi bền vững, có sức sống bền vững. Hồ Chí Minh nằm trong trường hợp đó, trong tâm hồn Việt Nam, trong trái tim nhân loại.
Di sản Hồ Chí Minh - từ tư tưởng, phương pháp và phong cách đến đạo đức và tấm gương đạo đức của Người đang là ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi tới đích cuối cùng trên con đường lớn của lịch sử vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.
GS,TS. Hoàng Chí Bảo
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo:www.tapchiqptd.vn
Huyền Trang (st)