Thứ bảy, 28/12/2024

Trước tình cảnh nước mất nhà tan, Hồ Chí Minh đã sớm đau với nỗi đau của dân tộc, quyết tìm phương cách giải phóng đồng bào mình khỏi kiếp nô lệ, lầm than. Trong hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, Người đã kế thừa nhiều giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước, đồng thời tiếp cận nhiều giá trị mới của thời đại.

Từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã được giáo dục Nho học và bước đầu tiếp cận văn hóa phương Tây. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người không ngừng học hỏi, tiếp cận, am tường văn hóa Đông, Tây, kim, cổ. Người luôn quan tâm tìm hiểu và tiếp thu những giá trị tốt đẹp, tiến bộ. Người chỉ ra những ưu điểm cốt lõi trong từng học thuyết, như: Việc đề cao tu dưỡng đạo đức trong học thuyết của Khổng Tử, lòng bác ái cao cả trong tôn giáo của Giêsu, phương pháp khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, sự phù hợp với điều kiện nước ta của chính sách tam dân của Tôn Dật Tiên. Hồ Chí Minh tự nhận mình “là học trò nhỏ” của các bậc tiền bối. Với đức khiêm nhường này, Người luôn ra sức học hỏi, tiếp thu tri thức của nhân loại và dùng trí tuệ ấy dấn thân tranh đấu, phục vụ cho đồng bào, dân tộc mình và nhân loại cần lao bị áp bức, bóc lột. Hồ Chí Minh đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Đông, từ những học thuyết tôn giáo đến những tư tưởng tiến bộ của nhiều nhà yêu nước.

Phật giáo vào Việt Nam khá sớm (1) và ảnh hưởng lớn đến sự hình thành văn hóa Việt. Phật giáo có những tư tưởng căn bản như: Tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn, yêu thương con người; nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm làm điều thiện; đề cao lao động, chống lười biếng; có tinh thần dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đẳng cấp... Những mặt tích cực của Phật giáo rất gần gũi, phù hợp với truyền thống người Việt Nam, nên có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành và phát triển của văn hóa, tư tưởng và lối sống của người Việt, thấm đượm trong đời sống tinh thần của dân tộc và nhân dân lao động. Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng nhân ái, độ lượng, khoan dung, yêu thương con người; sống có đạo đức, trong sạch, giản dị; tinh thần dân chủ, bình đẳng; tinh thần yêu lao động...

Trong quá trình du nhập vào Việt Nam, Nho giáo (2) đã hòa quyện với chủ nghĩa yêu nước, tạo thành Nho giáo yêu nước Việt Nam với nhiều giá trị tốt đẹp, tiến bộ. Đó là những giá trị về tinh thần yêu nước, thương dân, nhân văn cao cả; nhà vua vừa phải trung thành với Tổ quốc, vừa nhân nghĩa với nhân dân, lấy tu thân làm gốc; sẵn sàng phế truất những ông vua hèn kém để lập nên những triều đại mới biết lo cho nước, cho dân; dung hòa cá nhân với cộng đồng, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân.

Hồ Chí Minh cũng sớm chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nền học vấn đầu tiên mà Người tiếp nhận. Người xuất thân trong một gia đình nhà Nho; phụ thân là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà Nho lớn, thầy dạy thuở ban đầu của Người. Quê hương xứ Nghệ là một vùng văn hóa có nhiều ảnh hưởng của Nho giáo. Người còn có thời gian sống, học tập ở Huế, kinh đô của triều Nguyễn, nơi mà Nho giáo thâm nhập rất sâu rộng. Người từng chỉ rõ: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học” (3). Trong khi kế thừa những điều hay, hạt nhân hợp lý, Người cũng thẳng thắn phê phán những yếu tố duy tâm, lạc hậu trong tư tưởng Khổng Tử, như: Tư tưởng phân chia đẳng cấp, coi khinh phụ nữ, coi thường lao động chân tay, hạ thấp một số nghề trong xã hội như ca hát, buôn bán... Đồng thời, Người đánh giá cao và đặc biệt khai thác, học hỏi, kế thừa những điều hay, tiến bộ, tích cực của Nho giáo. Đó là tư tưởng trọng dân; tư tưởng nhập thế, hành đạo giúp đời; thế giới đại đồng, xã hội thái bình, hòa mục, công bằng, tốt đẹp; đề cao văn hóa, lễ giáo, yêu cầu mỗi người phải tu thân dưỡng tính...

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ngay cả khi trở thành chiến sĩ cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục nghiên cứu về tư tưởng, văn hóa phương Đông. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm những trào lưu tư tưởng mới, mà điển hình là chủ nghĩa Găngđi (4), Nêru (5) ở Ấn Độ và chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên ở Trung Hoa. Hồ Chí Minh ca ngợi tinh thần yêu nước và đấu tranh kiên cường của Găngđi, Nêru, nhưng cũng chỉ ra rằng cuộc đấu tranh của các ông đi theo con đường cải lương, dựa vào hình thức tôn giáo và dân tộc thì khó có thể giành thắng lợi hoàn toàn. Chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên có nhiều điều tiến bộ, tiêu biểu là chính sách “tam dân” với các mục tiêu “dân tộc: Độc lập”, “dân quyền: Tự do”, “dân sinh: Hạnh phúc” và chủ trương “liên Nga, thân cộng, phù trợ công nông”. Hồ Chí Minh đã khéo vận dụng những điểm phù hợp vào cách mạng Việt Nam và ca ngợi: Tên tuổi của Tôn Dật Tiên, người đã một đời đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc để giải phóng nhân dân Trung Quốc, thật vô cùng cao quý đối với giai cấp vô sản thế giới, đối với các dân tộc bị áp bức ở phương Đông đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.

Hồ Chí Minh tiếp cận văn hóa phương Tây khá sớm và trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, Người đã tiếp thu những giá trị tích cực, tiến bộ của văn minh phương Tây.

Từ tháng 9-1905 đến tháng 6-1910, Người được cha xin cho theo học qua các trường Tiểu học Pháp - bản xứ (Vinh), Tiểu học Pháp - Việt (Thừa Thiên), Trường Quốc học Huế, Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn (6). Qua các trường ấy, được tiếp xúc với sách báo Pháp, thầy giáo người Pháp, Người đã có những hiểu biết ban đầu về văn hóa phương Tây. Sau này, Người kể rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy” (7).

 Trăn trở lớn với câu hỏi của dân tộc, của cha anh rằng “ai là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp”, Hồ Chí Minh tự đặt trách nhiệm cho mình: “Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” (8). Người lên đường ra đi ngày 5-6-1911 trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Người vượt qua ba đại dương, bốn châu lục (Á, Âu, Phi, Mỹ), đến hầu hết những nơi được coi là trung tâm văn minh đương thời, hoạt động lâu nhất ở Pháp - nơi tụ hợp nhiều trào lưu văn hóa, tư tưởng của phương Tây và thế giới.

Năm 1912, Người làm thuê trên một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni đi vòng quanh châu Phi và dừng lại ở nước Mỹ vào cuối năm (9). Người đã có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, tiếp cận với các giá trị tiến bộ của Tuyên ngôn độc lập năm 1776.

Từ năm 1913, Người làm việc và hoạt động tại Anh, tham dự các cuộc diễn thuyết của những nhà chính trị và triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ailen, liên lạc với cụ Phan Châu Trinh để nắm bắt tình hình.

Khoảng cuối năm 1917, từ nước Anh, Người tới Pháp, sống tại Pari đến tháng 6-1923. Thời gian này, Người có những hoạt động tích cực, sôi nổi, bổ sung thêm nhiều tri thức mới.

Tiếp cận với nhiều sách, báo, tài liệu và qua những hoạt động chính trị, xã hội, Người đã có những hiểu biết sâu sắc về đời sống chính trị, xã hội, về sự phân chia giai cấp, giàu nghèo, về những bất công trong lòng xã hội Pháp và các nước, về bản chất bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, về cuộc đấu tranh của người lao động; văn hóa, triết học Pháp có tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái; trong tinh hoa văn hóa phương Tây có tư tưởng dân chủ, giá trị nhân đạo, có tư tưởng về quyền con người, quyền công dân. Người không theo hệ tư tưởng tư sản mà tiếp thu những giá trị tiến bộ, tích cực, làm giàu thêm trí tuệ nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Tháng 7-1920, Người đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin. Luận cương khẳng định một số nội dung cơ bản như: Quyền tự quyết, độc lập, tự chủ của các dân tộc; các đảng cộng sản ở các nước đế quốc phải ủng hộ, giúp đỡ tích cực đối với phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc; các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có nhiệm vụ đánh đổ ách thống trị của nước ngoài và các lực lượng phản động trong nước; đoàn kết chặt chẽ giữa phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa với các nước đã làm cách mạng XHCN thành công, phải liên minh, thống nhất giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới; Quốc tế III là bộ tham mưu chung của cách mạng thế giới, nước Nga Xô-viết là thành trì của cách mạng thế giới.

Với bản Luận cương của Lê-nin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc. Trên cơ sở những giá trị văn hóa, tư tưởng tích cực, tiến bộ được tiếp nhận, với những tri thức mới mẻ về sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, Người bước đầu chuyển biến tư tưởng theo hệ tư tưởng của giai cấp công nhân.

Cuối tháng 12-1920, Hồ Chí Minh tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tua. Người đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó chính là bước chuyển biến lớn lao có tính quyết định, thay đổi căn bản về chất trong tư tưởng và lập trường chính trị của Người, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin; từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế”.

Từ sự kiện trên, hoạt động của Hồ Chí Minh cả trên lĩnh vực lý luận và thực tiễn ngày càng tích cực, sôi nổi và hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giải phóng các dân tộc thuộc địa; uy tín của Người ngày một nâng cao. Người được Đảng Cộng sản Pháp cử đi dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô.

Từ tháng 6-1923 đến tháng 10-1924, Người hoạt động tại Liên Xô. Thời gian này, Người học tập tại Đại học phương Đông, được nhận vào làm cán bộ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản; được tham dự nhiều hội nghị, đại hội quốc tế (10) và tham gia nhiều hoạt động khác. Dù thời gian ngắn, nhưng đây là thời kỳ Người tiếp thu rất nhiều tri thức lý luận và thực tiễn, đồng thời Người còn góp phần phát triển, làm phong phú lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.

Nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đã học viết báo, viết sách. Người viết nhiều bài báo đăng trên các báo: Nhân đạo, Đời sống công nhân, Thư tín quốc tế, Tạp chí Cộng sản, Sự thật,... Người làm Chủ nhiệm, kiêm Chủ bút tờ báo Người cùng khổ (11); tham gia sáng lập, trực tiếp chỉ đạo, đồng thời là người viết chủ chốt báo Thanh niên. Qua báo chí, Người tố cáo tội ác của đế quốc thực dân; bày tỏ nguyện vọng của nhân dân các nước thuộc địa; đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước, căm thù chủ nghĩa thực dân, khát vọng giải phóng dân tộc và nhân loại bị áp bức; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin về trong nước.

Trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, với sự học hỏi, nghiên cứu, khảo nghiệm bền bỉ trên tinh thần độc lập, tự chủ, Hồ Chí Minh đã kế thừa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây, không ngừng bồi bổ tri thức, đồng thời góp phần bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hình thành tư tưởng khoa học, cách mạng, tiến bộ, chân chính thuộc hệ tưởng giai cấp công nhân - tư tưởng Hồ Chí Minh./.

PGS, TS. Huỳnh Thị Gấm

Học viện Chính trị Khu vực II

Theo http://lyluanchinhtri.vn

Hà Minh (st)

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

(1) Phật giáo vào Việt Nam từ đầu thiên niên kỷ thứ I, là quốc giáo thời Lý, Trần.

(2)  Nho giáo vào Việt Nam từ thế kỷ II TCN, nhưng từ thế kỷ XV trở đi, Nho giáo phát triển, thâm nhập trong xã hội, ảnh hưởng sâu sắc tới nền văn hóa và tư tưởng Việt Nam.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.356.

(4) Mahatma Gandi (1869 - 1948), nổi tiếng vì đấu tranh giành độc lập, tự do cho Ấn Độ.

(5) Jawaharlal Nehru (1889 - 1964), Thủ tướng Ấn Độ từ năm 1947 - 1964.

(6), (9) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.16-19, 23-25.

(7) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd,t.1, tr.461.

(8) Báo Nhân Dân, ngày 18-5-1965.

(10) Hội nghị lần thứ nhất của Quốc tế nông dân (10-1923), Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản (7-1924), Đại hội của Quốc tế Công hội đỏ (7-1924).

(11) Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa.

Bài viết khác: