1. Sách lược vắn tắt của Đảng1
1. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng.
2. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến.
3. Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia.
4. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mớilàm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng lập hiến, v.v.) và thì phải đánh đổ2.
5. Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp, trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp.
2. Thư gửi Ban Phương Đông3 (trích)
Các đồng chí thân mến!
Căn cứ vào báo cáo của đồng chí H.N. về tình hình Đảng Cộng sản Đông Dương và theo kinh nghiệm của tôi ở Hoa Nam, Đông Dương, Thái Lan và ở Mã Lai, tôi thấy có bổn phận bức thiết đối với các đảng của chúng tôi là phải đề xuất với các đồng chí đề nghị sau đây:
Trừ một vài đồng chí rất hiếm hoi (đã được huấn luyện ở Trường Đại học những người lao động phương Đông, hoặc là tri thức), còn đại đa số đồng chí của chúng tôi, trình độ lý luận và chính trị rất thấp.
Hậu quả của tình trạng thiếu kiến thức về lý luận như vậy là gì? Hậu quả khá nhiều. Các đồng chí đã nghe đồng chí H.N. kể về những hậu quả ấy trong báo cáo. Tôi nói thêm một vài hậu quả nữa:
a) Đa số các đồng chí - ngay cả những đồng chí có trách nhiệm - cũng không hiểu thật rõ “cách mạng dân chủ tư sản” là gì. Các đồng chí ấy nhắc đi nhắc lại những chữ ấy mà không hiểu nghĩa. Vì không thể giải thích được cho công nhân và nông dân, cho nên các đồng chí ấy thường tỏ vẻ lúng túng trong công tác tuyên tuyền và cổ động. Để khỏi lung tung, các đồng chí buộc phải “bịa ra”. Do đó, một sự ngu dốt này làm phát sinh một sự ngu dốt khác và một sai lầm này gây nên các sai lầm khác.
b) Các đồng chí ấy cũng không hiểu tại sao phải kết hợp cuộc cách mạng phản đế với cách mạng ruộng đất. Vì vậy mà những khẩu hiệu đưa ra lộn xộn, không phối hợp với nhau.
c) Các đồng chí ấy không hiểu sự khác nhau giữa Đảng với các tổ chức khác, cho đó là sự khác biệt về “cấp bậc”. Ví dụ như xếp Đảng ở số 1, Thanh niên cộng sản ở số 2, Công hội ở số 3, v.v.. Và khi một đồng chí đang hoạt động trong Đảng mà được cử sang hoạt động ở một tổ chức khác, đồng chí đó xem việc chuyển dịch ấy như là một “việc hạ cấp bậc”, gần như là một hình phạt?
d) Hoặc là, các đồng chí ấy bắt đầu tổ chức một nhóm liên minh chống đế quốc, rồi chọn những thanh niên của liên minh để tổ chức một Công hội. Cuối cùng chọn những hội viên Công hội để tổ chức một tổ Đảng.
e) Một cuộc bãi công bùng nổ. Những người lãnh đạo là trí thức viết vào một quyển vở theo trật tự 1, 2, 3, v.v. những bước đi phải tiến hành rồi họ đưa quyển vở ấy cho các đồng chí có trách nhiệm là công nhân. Các đồng chí này đưa quyển vở về nhà máy và thi hành máy móc những điều đã ghi trên giấy mà không biết phán đoán xem những điểm ấy có phù hợp với thực tế hay không!
Hoặc là, các đồng chí ấy dùng mọi biện pháp để phát động bãi công, nhưng khi công nhân đã rời nhà máy xuống đường, các đồng chí ấy không biết phải làm gì nữa.
f) Còn có một nguy cơ lớn khác. Tuy các đảng đã đưa những đồng chí công nhân vào các ban lãnh đạo, nhưng các đồng chí này vẫn bị ảnh hưởng của những phần tử trí thức, bởi vì theo các đồng chí ấy, “những người trí thức đã được đọc tất cả những điều ấy trong các bản luận cương hoặc trong sách”.
Tình hình ấy diễn ra trong thời kỳ 1930 - 1931, lúc mà các đồng chí của chúng ta đã là những chiến sĩ khá lão luyện và khá từng trải rồi. Nhưng hiện nay, tất cả hoặc hầu như tất cả các đồng chí ấy đã bị giật hay bị cầm tù. Những đồng chí đang hoạt động trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn, do đó có khả năng phạm những sai lầm nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, tôi thấy tuyệt đối cần thiết là chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng mà mỗi chiến sĩ đều phải có.
Các đồng chí của chúng tôi rất dũng cảm và hăng hái. Các đồng chí ấy công tác rất tận tụy. Nhưng vì thiếu kiến thức lý luận, buộc các đồng chí phải mò mẫm từng bước, luôn luôn vấp váp vì thiếu thốn như vậy. Tất nhiên là các đồng chí sẽ được giáo dục rèn luyện trong đấu tranh và trong công tác thực tế hàng ngày. Nhưng có thể tránh được biết bao bế tắc, sai lầm và biết bao thất bại đau đớn, nếu chúng ta có thể cung cấp cho các đồng chí ấy những kiến thức tối cần thiết về lý luận soi đường, tạo điều kiện dễ dàng cho các đồng chí ấy tiến hành công tác.
Đồng chí Xtalin nghìn lần có lý khi nói rằng: “Lý luận tạo cho các đồng chí làm công tác thực tế, sức mạnh định hướng, sự sáng suốt dự kiến tương lai, kiên định trong công tác và lòng tin ở thắng lợi của sự nghiệp của chúng ta”.
Những điều mà tôi nói về các đồng chí chúng tôi ở Đông Dương , ở Thái Lan, v.v. chắc chắn là cũng đúng đối với những đồng chí ở các nước thuộc địa khác, mà ở đây Đảng hoạt động bất hợp pháp và trình độ văn hoá của những người lao động còn thấp. Những cuốn sách nhỏ đề nghị trên đây nhất định là cũng rất có ích đối với cả những nước ấy.
4. Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam Độc lập4
Đế quốc Pháp thật là ác nghiệt
Làm dân ta như điếc, như mù,
Làm ta dở dại dở ngu,
Biết gì việc nước biết đâu việc đời.
Báo “Độc lập” hợp thời đệ nhất,
Làm cho ta mở mắt mở tai.
Cho ta biết đó biết đây,
Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian:
Cho ta biết kết đoàn tổ chức.
Cho ta hay sức lực của ta
Cho ta biết chuyện gần xa.
Cho ta biết nước non ta là gì.
Ai không chịu ngu si mù tối,
Ắt phải xem báo ấy mới nên;
Giúp cho báo ấy vững bền,
Càng ngày càng lớn càng truyền khắp nơi.
Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời!
5. Những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa5 (trích)
…
Nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ.
Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.
…
Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính.
….
6. Bỏ cách làm tiền ấy đi!6 (trích)
….
Tiền là mạch máu cho mọi công việc, tiền là cần thật nhưng không phải gì cần tiền mà cứ đã đè đầu bóp cổ hay dùng những thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền.
Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là gây cho dân chúng có óc hiếu danh, trong khi cần phải trừ tiệt óc đó để gây cho mọi người có óc thiết thực, góp sức vào công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước.
….
…Cần phải phủi đi hết những hủ tục khác: Làm rượu ăn mừng được bầu vào Uỷ ban, dùng chữ nho trong những tờ thông đạt, v.v..
7. Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng7
Hỡi các bạn!
A. Nước ta bị Tây áp bức hơn 80 năm và bốn, năm năm bị Nhật áp bức.
Dân ta đói rét, khổ sở, không thể nói xiết. Ngày nay nhớ lại, còn rất đau lòng.
Nhờ dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo, mà chúng ta bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập tự do.
Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.
B. Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm.
Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.
C. Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề. Những lầm lỗi chính là:
1. Trái phép. - Những kẻ Việt gian phản quốc, chứng cớ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được.
Nhưng cũng có lúc vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.
2. Cậy thế. - Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.
3. Hủ hoá - Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?
Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô các cậu uỷ viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?
4. Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.
5. Chia rẽ - Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hoà thuận với nhau. Thậm chí có đôi nơi để đất ruộng bỏ hoang, nông gia ta thán. Quên rằng lúc này ta phải toàn dân đoàn kết, không chia già trẻ, giàu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.
6. Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ.
D. Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung.
Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng.
Mong các bạn tiến bộ.
………………
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.3.
2. Có thể hiểu là: ít ra cũng.
3. Sđd, t.3, tr.83 – 84, 86 – 87.
4. Sđd, t.3, tr.199.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 7 – 9.
6. Sđd, t.4, tr.54 – 55.
7. Sđd, t.4, tr. 56 – 58.
Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa