Sau gần 30 năm lăn lộn khắp nơi sưu tầm, người cựu binh già Tạ Quang Lộc đã xây dựng cho mình và khu dân cư một "thư viện" ảnh Bác Hồ với hơn 700 bức và khoảng 800 đầu sách các loại.
''Thư viện'' của ông Lộc nơi lưu giữ hơn 700 bức ảnh về Bác Hồ
Chúng tôi tìm gặp người cựu binh già Tạ Quang Lộc ở nhà riêng tại khu chung cư Sỹ Sách, thuộc Phường Hưng Dũng, TP. Vinh, Nghệ An. Căn nhà nhỏ chưa tới 50m2 nhưng các vật dụng bên trong được sắp xếp, bài trí một cách gọn gàng bắt mắt. Bên ấm trà nóng, người cựu binh già kể lại cuộc đời và quá trình sưu tầm ảnh bác Hồ của mình.
Ông Tạ Quang Lộc (SN 1942) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở vùng quê nghèo hiếu học thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1964, ông tốt nghiệp cấp 3 cũng là lúc chiến sự miền Nam Việt Nam đang diễn ra ác liệt. Mặc dù được trường Đại học Bách khoa gọi nhưng ông xin không đi, ở nhà cống hiến cho địa phương. Và lúc bấy giờ ông Tạ Quang Lộc tham gia nhiệt tình công tác đoàn và Trưởng ban Thông tin văn hóa ở địa phương.
Sau khi tìm được mỗi bức ảnh, ông Lộc lại phân loại và ghi chép cẩn thận
Năm 1968, giữa lúc tin tổng tiến công ở miền Nam truyền về khắp nơi thì ông Lộc lại một lần nữa có giấy báo đi học của Đại học Y khoa Hà Nội. Thay vì cắp sách tới trường, lần này chàng thanh niên Tạ Quang Lộc quyết định viết đơn xin nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau thời gian huấn luyện, ông được điều động vào chiến đấu tại chiến trường B3, B4, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, đường 9 Nam Lào. Sau những trận đánh ác liệt, đặc biệt là những trận đánh trên đường 9 Nam Lào, ông bị thương nặng. Đến năm 1972, ông phải chuyển ra Bắc sau đó được điều trị tại Bệnh viện Quân y 4 với tỷ lệ mất sức 81%. Những tháng ngày điều trị tại đây, ông thường xuyên sáng tác thơ, vẽ tranh cổ động… Tài năng và niềm đam mê của ông khiến nhiều người cảm mến.
Có những lúc mệt, không kịp ghi chép ông lại nhờ con cháu ghi hộ. Đó cũng là một cách để thế hệ trẻ biết rõ hơn về công lao của Hồ Chủ tịch
Đến năm 1990, người cựu binh Tạ Quang Lộc bắt đầu hành trình đi sưu tầm ảnh Bác Hồ. Ông chia sẻ: “Lúc học cấp 3, tôi đã sáng tác, vẽ tranh về Bác Hồ nhưng lúc đó điều kiện chưa cho phép nên chưa thực hiện được nhiều. Nay khi sức khẻo phục hồi được phần nào tôi muốn dành thời gian thực hiện sưu tầm thật nhiều tài liệu về Bác”.
“Là một người dân cần lao, tôi thấu hiểu những khổ cực mà dân mình đã phải trải qua. Và nhờ có Bác, chúng ta mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Trong tôi có một lòng tôn kính và biết ơn vô vàn với Bác - một vị Chủ tịch thiên tài của nhân dân. Và để tất cả mọi người đều biết những hoạt động cách mạng của Bác từ đó hiểu rõ những công lao to lớn của Bác thì chỉ có qua hình ảnh và những bài viết về Bác. Từ đó, tôi quyết định đi sưu tầm, tìm kiếm những hình ảnh, bài viết về Bác Hồ”, cựu binh Lộc xúc động.
Phân loại những bức ảnh về Bác qua từng giai đoạn
Sau gần 30 năm, đến nay người cựu binh già đã sưu tầm và lưu giữ được hơn 700 bức ảnh về Bác Hồ. Điển hình như các bức: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổng thống Pháp Georges Bidanlt năm 1946; Bác khi vừa từ Trung Quốc về Liên Xô năm 1933; Bác Hồ tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920; Bút tích Bác Hồ “Dĩ bất biến - ứng vạn biến"; Bác xúc động khi nhắc tới đồng bào miền Nam tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa 1 tháng 12/1956…
Để có những bức ảnh “độc” về Bác, ông Lộc đã phải liên lạc với anh em, người thân, bạn bè từ Bắc chí Nam. Hễ họ có bức ảnh nào về Bác thì điện thoại cho ông biết, sau đó ông lại khăn gói lặn lội đến lấy. Có nhiều bức ảnh để lấy được ông đã phải cất công lặn lội, chờ đợi cả mấy ngày; nhiều lúc đang ốm cũng phải bò dậy đi lấy bằng được. “Có một bức ảnh ở Thanh Hóa, lúc ra đến nơi thì người bạn đi về Hải Phòng mà vợ bạn thì không biết ảnh để ở đâu. Lúc bấy giờ không có điện thoại như ngày nay. Tìm mãi không được, về thì tiếc đành phải ở lại chờ 2 hôm sau người bạn đó về mới lấy được”, ông Lộc nhớ lại.
Sau khi có những bức ảnh giá trị ấy, ông tiến hành phân loại ảnh theo từng thời kỳ, chặng đường hoạt động của Người rồi đóng thành từng bộ, ghi chép cẩn thận.
Hàng chục cuốn sổ ghi chép cẩn thận về lịch sử những bức ảnh của Bác
Ngoài sưu tầm ảnh Bác Hồ, người cựu binh Tạ Quang Lộc làm thơ, viết báo. Nhiều bài thơ của ông được đăng trên các báo, tạp chí của địa phương và trung ương. Ông cũng đã xuất bản nhiều tập thơ về Bác, về Đảng được nhiều người đánh giá cao. Ngoài ra, ông còn sưu tầm các sách, báo. Năm 2010, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền thành phố, khối Tân Hợp đã tìm được một phòng “thư viện” ngay trong khu chung cư của ông. Nơi đây hiện đang trưng bày hơn 700 bức ảnh về Bác Hồ và hơn 800 đầu sách mà ông Lộc đã cất công sưu tầm. “Điều làm ông hạnh phúc nhất là hàng ngày các cháu học sinh vào đây đọc sách, xem ảnh Bác Hồ”, ông Lộc chia sẻ.
Sỹ Hòa
Theo Báo Giao thông
Huyền Anh (st)